⠀
‘Con đường Tơ lụa Số’ – vũ khí để Trung Quốc cạnh tranh chiến lược với Mỹ
Con đường Tơ lụa Số được dự báo sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc quyết định năng lực của Trung Quốc hình thành trật tự quốc tế thế kỷ 21.
Cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc lớn đã trở lại và trở thành đặc điểm định hình bối cảnh địa chính trị trên đấu trường toàn cầu, với việc Mỹ và Trung Quốc đang tranh giành ảnh hưởng toàn cầu và khu vực.
Trung Quốc đang xác lập ảnh hưởng của mình trên quy mô quốc tế, đáng chú ý là qua dự án đối ngoại lớn mang tên Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Đại dự án BRI đánh dấu bước chuyển trong chính sách đối ngoại Trung Quốc từ “giấu mình chờ thời” của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình sang cách tiếp cận của Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng giờ đã đến lúc Trung Quốc “chiếm lĩnh vị trí trung tâm trên thế giới”.
Nhân tố quan trọng của sáng kiến Vành đai và Con đường
Một khía cạnh cụ thể của BRI là “Con đường Tơ lụa Số”. Nếu Trung Quốc triển khai thành công phương diện này thì đây sẽ là nhân tố quan trọng lớn quyết định năng lực của Trung Quốc trong việc hình thành trật tự quốc tế mới nổi của thế kỷ 21.
Thông qua Con đường Tơ lụa Số, Trung Quốc tham gia vào cuộc cạnh tranh công nghệ chiến lược với Mỹ và đang xuất khẩu mô hình chính trị số của mình ra toàn thế giới.
Con đường Tơ lụa Số lần đầu được công bố trong một cuốn Sách Trắng năm 2015 do chính phủ Trung Quốc ban hành. Theo đó, Con đường Tơ lụa Số là một phần của BRI, tập trung vào nâng cao kết nối số ở nước ngoài và thúc đẩy thế đi lên của Trung Quốc với tư cách là một siêu cường công nghệ. Trong khi BRI được xem là một sáng kiến chính sách đối ngoại thì Con đường Tơ lụa Số (DSR) có thể hiểu là một sáng kiến vừa mang tính đối ngoại vừa mang tính đối nội.
Sáng kiến DSR này gồm 4 nhân tố công nghệ có mối liên hệ nội tại với nhau:
Thứ nhất, Trung Quốc tìm cách trở thành một nhà lãnh đạo thế giới trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng số vật lý, bao gồm các mạng điện thoại di động thế hệ mới hoặc 5G, hạ tầng internet bao gồm cáp quang, và các trung tâm dữ liệu.
Thứ hai, Trung Quốc đang đầu tư vào phát triển các công nghệ tiên tiến có tác dụng kinh tế và chiến lược quan trọng, bao gồm các hệ thống điều hướng vệ tinh, trí tuệ nhân tạo, và vi tính lượng tử.
Thứ ba, Trung Quốc và các tập đoàn công nghệ lớn nhất của họ đã nhận ra tầm quan trọng của thương mại số và vai trò quan yếu của nó trong việc tiếp tục sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một siêu cường kinh tế. Do đó, người ta đang xây dựng các khu thương mại tự do số trong khuôn khổ dự án Con đường Tơ lụa Số để hỗ trợ cho thương mại điện tử quốc tế.
Cuối cùng, không gian mạng và các công nghệ tiên tiến là những lĩnh vực phần lớn chưa được quản lý nếu thiếu các thông lệ ổn định trên tầm quốc tế. Và Trung Quốc đã gia tăng các nỗ lực ngoại giao số và quản lý internet thông qua các diễn đàn đa phương nhằm thiết lập các chuẩn mực quốc tế phù hợp với cách nhìn nhận của họ về thế giới số tương lai, dựa trên nguyên tắc về chủ quyền không gian mạng.
Bí mật các công ty an ninh của Trung Quốc hoạt động ở Trung Á VOV.VN – Với nguồn lực khổng lồ trong tay, các công ty an ninh tư nhân của Trung Quốc đang mở rộng hoạt động ở Kyrgyzstan và nhiều nước Trung Á.
Tham vọng đi tiên phong về công nghệ, thách thức vị thế siêu cường của Mỹ
Nhìn tổng thể, cách khái niệm hóa như thế này về Con đường Tơ lụa Số coi sáng kiến DSR là một nỗ lực toàn diện của chính phủ Trung Quốc hướng tới việc xây dựng nước này thành một người tiên phong công nghệ trên trường quốc tế và thúc đẩy tầm nhìn của họ về các chuẩn mực và nguyên tắc quản lý địa hạt mạng và số – những thứ này sẽ có tác động lớn và khó dự đoán lên tương tai kiến trúc địa chính trị vượt ra ngoài khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Khi cuộc cạnh tranh cường quốc giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng cường độ, Trung Quốc sẽ ngày càng nỗ lực tiến hành cuộc cạnh tranh đó trong lĩnh vực công nghệ và kinh tế.
Trung Quốc hướng tới việc cạnh tranh công nghệ chiến lược nhằm thách thức vị thế siêu cường toàn cầu của Mỹ nhưng lại tránh khiêu khích sự đối đầu trực diện từ phía Mỹ.
Đáp lại, Mỹ đã thực hiện các nỗ lực ngoại giao nhằm kiềm chế Con đường Tơ lụa Số và sự mở rộng trên toàn cầu của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc bằng việc gọi sự mở rộng đó là nguy cơ không thể chấp nhận được đối với an ninh quốc tế. Một số nỗ lực của Mỹ đã thu hút đáng kể sự chú ý của dư luận quốc tế, như vụ mạng lưới viễn thông 5G và hãng Huawei (Hoa Vi) của Trung Quốc.
Một trong các mục tiêu của Trung Quốc khi thực hiện Con đường Tơ lụa Số là tái cấu trúc trật tự quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, Bắc Kinh không muốn thay thế hoàn toàn trật tự đó. Trung Quốc đã hưởng lợi lớn từ trật tự kinh tế tự do – một trật tự cho phép nước này thịnh vượng về kinh tế và kéo được hàng trăm triệu công dân ra khỏi tình trạng đói nghèo. Tăng trưởng kinh tế có vai trò quan trọng trong việc củng cố tính chính danh của đảng cầm quyền ở Trung Quốc hiện nay. Nhưng mặt khác, thông qua Con đường Tơ lụa Số, Trung Quốc phấn đấu tạo ra một trật tự quốc tế theo hơi hướng con đường chính trị của họ – CNXH số. Và Mỹ đang gặp phải một đối thủ thực sự trong không gian số và công nghệ, đang chịu sức ép tạo ra một mô hình có thể cạnh tranh được với Con đường Tơ lụa Số ấy.
Theo VOV
Tags: Trung Quốc, Quan hệ Mỹ - Trung, Công nghệ, Vành đai và Con đường