Có nhiều kẻ chỉ cần khôn lỏi và trơ trẽn cũng trở thành ‘nghệ sĩ’

“Bây giờ, cơ hội xuất hiện và trở thành nghệ sĩ cho nhiều người dễ quá. Chỉ cần dạn, lanh và bất chấp gây chú ý, họ cũng có thể thành nghệ sĩ. Điều đó đặt ra một tiền lệ không hay”.

Có những kẻ chỉ cần khôn lỏi và trơ trẽn cũng trở thành ‘nghệ sĩ’

Gây chú ý khi tái xuất với vai diễn Ba Phi trong chương trình “Cười với bác Ba Phi”, nghệ sĩ Trung Dân bảo ông rất hào hứng vì bản thân rất thích và có nhiều tìm hiểu về nhân vật này.

Thế nhưng, điều đáng chú ý hơn là nỗi niềm của nghệ sĩ Trung Dân về hai chữ “nghệ sĩ” thời nay. Trả lời phỏng vấn báo Người Lao Động, nghệ sĩ Trung Dân bảo: “Không ở đâu như người Việt. Mọi ngành nghề đều phải có Thầy, nâng cấp lên là Tổ nghiệp. Cho nên, Tổ không dừng lại ở tính truyền thống mà muốn nói rằng, khi có khao khát với nghề thì bắt buộc phải học. Mọi thứ phải có vạch xuất phát thì mới đến đích được. Nhưng bây giờ, cơ hội xuất hiện và trở thành nghệ sĩ cho nhiều người dễ quá. Chỉ cần dạn, lanh và bất chấp gây chú ý, họ cũng có thể thành nghệ sĩ. Điều đó đặt ra một tiền lệ không hay”.

Với ông, khán giả là bộ lọc công bằng nhất. Khi một chương trình được phát sóng, có nghĩa là nó đã được kiểm duyệt. Nhưng nếu khán giả thấy chương trình đó quá tệ, bất hợp lý, khán giả có thể tẩy chay nó bằng cách không xem. Ông bảo, hai chữ nghệ sĩ bây giờ dễ có quá chứ ngày xưa khác nhiều lắm. Để có được mang danh nghệ sĩ, mọi người phải nỗ lực, phấn đấu và thực sự nghiêm túc với công việc của mình làm. Thế nên, hai chữ nghệ sĩ mới đáng được trân trọng và có giá trị về mặt vật chất lẫn tinh thần.

Còn trong giai đoạn này, nhiều người không biết xuất phát từ đâu nhưng cũng thành nghệ sĩ. Nhiều người nổi tiếng, được khán giả yêu thương nhưng lại có những phát ngôn ngạo mạn, thiếu kiềm chế. “Ý thức trong thẩm mỹ nghệ thuật của họ kém quá”, nghệ sĩ Trung Dân khẳng định. Ông bảo, chính hiện tượng này khiến cho nghệ sĩ thời gian qua bị “chửi” hàng loạt.

“Thật ra, không thể trách khán giả được. Dù nghề nào cũng vậy, có người này người kia. Nghệ sĩ cũng thế. Nhưng người ta chửi thì người ta “vơ đũa cả nắm” vậy thôi. Không có lửa thì sao có khói. Trách là trách những người làm nghề mà không biết giữ gìn nghề nghiệp của mình, không coi trọng thanh danh của mình mà thôi” – nghệ sĩ Trung Dân chia sẻ.

Chia sẻ về việc sao không lên tiếng để ít nhiều cứu vãn lại thanh danh của nghệ sĩ, nghệ sĩ Trung Dân chia sẻ, “Trong một xã hội văn minh, im lặng cũng là một loại thể hiện. Làm thinh không có nghĩa là chấp nhận mọi thứ người khác nói”.

Tình trạng nhiều chương trình truyền hình hài xuất hiện quá nhảm, kém chất lượng như phản ánh của khán giả vừa qua, nghệ sĩ Trung Dân bảo thực sự ông không xem. Vì với ông, nếu thấy không chất lượng là không coi. Ông không thích kiểu phản đối “kém quá” nhưng vẫn xem chương trình của nhiều người. Tạo nên tình huống này, một phần cũng do khán giả dễ tính và sự thổi phồng của truyền thông. Ông hoàng này, bà chúa nọ, ngôi sao này, danh hài kia,… toàn những mỹ từ đầu ưu ái và hệ quả là nhiều người tưởng thật, tự tin vào khả năng của mình đến mức bất chấp làm ra những điều không thể chấp nhận được.

Theo NGƯỜI LAO ĐỘNG

Tags: ,