Cơ chế bảo đảm quyền con người ở châu Âu và liên hệ với Việt Nam

Cơ chế bảo đảm các quyền con người là tổng hòa các biện pháp như: hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, thành lập các cơ quan độc lập với các cơ quan nhà nước để giám sát, thực thi quyền con người. Trong đó, thành lập các cơ quan độc lập với các cơ quan nhà nước được xem là một trong những cách thức hiệu quả.

Cơ chế bảo đảm quyền con người ở châu Âu và liên hệ với Việt Nam

Tác giả: Trần Văn Duy / ThS Chử Thị Nhuần, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2017.

1. Cơ chế bảo đảm các quyền con người ở châu Âu hiện nay

Trên phạm vi khu vực, ở châu Âu, quyền con người được ghi nhận, tôn trọng và thực hiện hiệu quả. Đây cũng là khu vực đi đầu trên thế giới trong việc xây dựng cơ chế bảo vệ quyền con người. Công ước Châu Âu về Bảo vệ Quyền con người và Tự do cơ bản (The Convention for the Protection of Human Rights and Fundamental Freedoms – ECHR) được Hội đồng châu Âu thông qua, có hiệu lực từ ngày 3-9-1953. Theo nghị quyết 1031 (1994) của Hội đồng Nghị viện châu Âu thì mọi quốc gia thành viên của Hội đồng châu Âu đều phải tham gia công ước này. Văn kiện này còn được bổ sung bằng nhiều nghị định thư khác, trong đó nổi bật là Nghị định thư số 13: tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình.

Bên cạnh hệ thống văn kiện về quyền con người, Công ước này còn quy định thành lập một cơ chế giám sát bao gồm ba cơ quan: Ủy ban quyền con người trực thuộc Hội đồng châu Âu (The European Commission of Human Rights, hiện nay cơ quan này đã ngừng hoạt động); Tòa án Quyền con người châu Âu (The European Court of Human Rights) và Ủy ban Các bộ trưởng của Hội đồng châu Âu (The Committee of Ministers of the Council of Europe). Trong đó, Tòa án Quyền con người châu Âu đang dần mở rộng và ngày càng chứng tỏ được vai trò của mình thông qua sự gia tăng số vụ việc được yêu cầu thụ lý: năm 2007 có 41.650 đơn, năm 2008 có 49.850 đơn và năm 2009 có 57.100 đơn(1).

Bất cứ công dân nào bị xâm phạm bởi các nước đã ký kết Công ước đều có thể đưa vụ việc ra Tòa án Quyền con người châu Âu. Các phán quyết về những vi phạm nhân quyền buộc các nước liên quan phải có nghĩa vụ thi hành, bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn. Đây là điểm mới của Công ước, cho phép cá nhân có vai trò tích cực trên công pháp quốc tế (theo truyền thống, chỉ các quốc gia mới được coi là chủ thể). Công ước này hiện là thỏa ước quốc tế về nhân quyền duy nhất bảo vệ cá nhân ở mức độ cao nhất.

Trên bình diện quốc gia, trên cơ sở cơ chế chung của khu vực, các quốc gia châu Âu đã hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề nhân quyền. Đây là tiền đề pháp lý để công dân đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, là cơ sở, căn cứ để công dân đánh giá, kiểm tra, đối chiếu các hành vi từ phía nhà nước và các thành viên trong xã hội. Như vậy, pháp luật không chỉ là công cụ, phương tiện của nhà nước mà còn là công cụ, vũ khí của mọi công dân để thực hiện, bảo vệ quyền con người(2).

Ở hầu hết các nước châu Âu, các cơ quan trong bộ máy nhà nước như: nghị viện (quốc hội), chính phủ, tòa án đều có vai trò bảo đảm việc thực hiện luật pháp quốc gia và các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Bộ máy chính quyền có nhiệm vụ duy trì trật tự, ổn định xã hội và bảo đảm quyền lợi của nhân dân, nghĩa là tất cả các nhánh quyền lực đều đóng vai trò nhất định trong việc thực thi quyền con người.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia đã hình thành các cơ quan độc lập tương đối với bộ máy nhà nước để tăng cường hiệu quả bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và được gọi chung là thể chế hoặc cơ quan quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người (National human rights institutions – NHRIs). Cơ chế quốc gia này xuất phát từ nghĩa vụ của các nhà nước được nêu trong các văn kiện quốc tế về quyền con người và là một bảo đảm quan trọng cho sự phát triển toàn diện của chính công dân các nước. Hệ thống cơ quan quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được tổ chức rất đa dạng, phong phú và không phải tất cả đều tuân thủ chặt chẽ những tiêu chuẩn được thông qua tại Nguyên tắc Paris(3). Thí dụ như:

Thanh tra quốc hội (Ombudsman)

Mô hình này có nguồn gốc từ Thuỵ Điển, được thành lập năm 1809 và phát triển rộng sang các nước, như: Đan Mạch, Phần Lan, Pháp,… Thanh tra quốc hội là tổ chức do quốc hội thành lập, hoạt động độc lập với các cơ quan nhà nước, chỉ chịu trách nhiệm trước quốc hội. Chức năng, nhiệm vụ chính là: giám sát hoạt động của cơ quan hành chính và tòa án trong việc tuân thủ hiến pháp, pháp luật, bảo đảm tính khách quan, công bằng, bảo đảm quyền của công dân không bị xâm phạm bởi hoạt động của cơ quan nhà nước. Thanh tra còn giám sát sự công bằng và hợp pháp của bộ máy hành chính công với vai trò thường trực là trung gian hòa giải giữa cá nhân có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại với chính quyền. Ở một số quốc gia, thanh tra còn có thẩm quyền chủ động tiến hành điều tra những vi phạm quyền con người nổi cộm và thu hút sự quan tâm của công chúng.

Thanh tra hoạt động dựa trên nguyên tắc độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Để bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra có hiệu lực và hiệu quả, khẳng định tính trung thực, khách quan và minh bạch trong việc giải quyết vụ việc, pháp luật của đa số các nước quy định tính chất phi đảng phái chính trị trong hoạt động thanh tra. Tổ chức của thanh tra có cơ cấu gọn nhẹ, khoảng từ 4 – 6 thanh tra viên, gồm: Chủ tịch thanh tra quốc hội và các thanh tra viên do quốc hội bầu theo nhiệm kỳ, thông thường khoảng 4 năm. Thanh tra viên quốc hội phải là người có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ cao; có kiến thức pháp luật, có thâm niên công tác trong hoạt động pháp luật như đã là thẩm phán tòa án tối cao, đã là luật sư hoặc đã công tác ở một số cơ quan hành chính nhà nước; am hiểu thực tiễn(4).

Ủy ban quyền con người quốc gia (National Commissions of Human rights)

Mô hình này ra đời muộn hơn, vào khoảng giữa thập niên 1980. Ủy ban gồm nhiều thành viên, đại diện cho các nhóm xã hội, nghề nghiệp. Tên gọi và cơ sở pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của mô hình này cũng có những điểm riêng biệt ở từng quốc gia. Mô hình này được triển khai ở một số nước như: Đan Mạch, Vương quốc Anh, Australia…

Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền thông qua việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về các chuẩn mực quốc tế và quốc gia về quyền con người; khuyến nghị với chính phủ, các cơ quan chính phủ về chính sách, pháp luật liên quan đến quyền con người, các vấn đề ảnh hưởng đến việc tuân thủ nhân quyền; khuyến nghị chính phủ tích cực tham gia phê chuẩn và gia nhập các điều ước quốc tế về nhân quyền; hợp tác với các tổ chức nhân quyền của Liên Hợp quốc, tổ chức nhân quyền khu vực và tổ chức nhân quyền của quốc gia khác; tiến hành các chương trình nghiên cứu, khảo sát thực tế về nhân quyền; giám sát thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà quốc gia đã phê chuẩn hay gia nhập; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động điều tra vi phạm nhân quyền; nhận, xem xét và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của cá nhân; giám sát hoạt động giam giữ ở trại giam.

So với mô hình thanh tra quốc hội, cơ cấu bộ máy của ủy ban nhân quyền thường lớn hơn, tương đương một bộ trong cơ quan nhà nước. Tiêu chuẩn thành viên của Ủy ban, cũng giống thanh tra viên Quốc hội phải là những người có phẩm chất, chuyên môn cao, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, nhất là kinh nghiệm, kiến thức pháp luật về quyền con người, nên chủ tịch và các thành viên ủy ban thường đã là chánh án hoặc thẩm phán tòa án.

Thẩm quyền và chức năng của thanh tra quốc hội và ủy ban quyền con người quốc gia có nhiều điểm giống nhau trong tiếp nhận và giải quyết khiếu nại.Tuy nhiên, hai cơ chế này vẫn có những điểm khác biệt (đó là lý do mà một số quốc gia có cả hai loại cơ chế, như Đan Mạch): Thanh tra quốc hội chủ yếu bảo đảm công bằng và pháp chế trong quản lý hành chính, tập trung vào những vi phạm quyền con người của các cơ quan và viên chức nhà nước; ủy ban quyền con người quốc gia quan tâm đến những vi phạm quyền con người ở phạm vi rộng hơn, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến vấn đề phân biệt đối xử, các vi phạm quyền con người của các cá nhân và chủ thể tư nhân(5).

Một số thiết chế khác

Ngoài hai mô hình trên, một số nước còn xây dựng mô hình trung tâm nhân quyền (Centre for Human rights), viện nhân quyền (Institute for Human rights). So với thanh tra quốc hội hay ủy ban quyền con người quốc gia, mô hình này ít được thành lập theo đạo luật do quốc hội ban hành. Thí dụ, Trung tâm Nhân quyền Đan Mạch (The Danish Centre for Human Rights) được thành lập theo quyết định ngày 5/5/1987 của Nghị viện với chức năng chủ yếu là nghiên cứu, khảo sát, giáo dục và thông tin, nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về nhân quyền. Do có sự thay đổi nhiệm vụ, từ ngày 1/1/2003, Trung tâm đổi tên thành Viện Nhân quyền Đan Mạch (The Danish Institute for Human Rights – DIHR) thực thuộc Trung tâm các vấn đề đối ngoại và nhân quyền Đan Mạch (The Danish Centre for International Studies and Human Rights). Đây là một trong những viện nhân quyền lớn và uy tín nhất thế giới.

2. Một số liên hệ với Việt Nam

Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ở nước ta được quy định tương đối đầy đủ và cụ thể trong Hiến pháp và luật. Bảo đảm thực hiện các quyền hiến định và luật định, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn. Quyền con người được bảo đảm thực hiện trong thực tiễn là thước đo của nền dân chủ, văn minh; của tự do và tiến bộ xã hội; thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước. Thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng, bên cạnh hệ thống pháp luật tiến bộ, đòi hỏi phải có một cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và chính cá nhân công dân. Đó là cơ sở để quyền con người được bảo đảm thực hiện(6).

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Quốc hội, Chính phủ và hệ thống cơ quan tư pháp là ba thể chế cơ bản có quyền hạn và nghĩa vụ bảo vệ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Ở nước ta hiện nay chưa có một cơ quan chuyên trách bảo vệ, thúc đẩy và phát triển quyền con người như mô hình của một số nước trên thế giới.

Từ thực tiễn và kinh nghiệm thế giới, vấn đề đặt ra hiện nay là Việt Nam có nên tổ chức cơ quan nhân quyền quốc gia chuyên trách hay không. Hiện có hai luồng ý kiến của các học giả trong và ngoài nước trái ngược nhau về việc này. Những người hoài nghi hoặc phản đối thành lập viện dẫn lý do:

– Hệ thống tư pháp trong nước hoạt động tốt
– Nguy cơ bùng nổ các loại cơ chế
– Hạn chế về tài chính của ngân sách nhà nước
– Tính kỳ quặc của một quyền lực thứ tư – một cơ quan giám sát cả hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Những người ủng hộ lập luận rằng:

– Một cơ quan nhân quyền quốc gia giải quyết khiếu nại theo phương thức ôn hòa không thể làm tăng, mà còn là tiềm năng giải tỏa gánh nặng cho hệ thống tòa án, đồng thời tạo điều kiện cho công dân tiếp cận công lý.
– Một cơ chế mới sẽ là thành quả trong lĩnh vực học thuật và tư vấn có căn cứ về nhân quyền, có khả năng hỗ trợ Chính phủ, các thành viên Quốc hội và các chủ thể xã hội dân sự bằng ý kiến tư vấn sâu về việc thực hiện các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, phù hợp với nhu cầu riêng của quốc gia với mức độ chuẩn xác mà một cơ quan công ước Liên Hợp quốc không bao giờ đạt được.
– Một cơ quan nhân quyền quốc gia giám sát và cung cấp tư vấn, giám sát không có nghĩa là quản lý các cơ quan lập pháp, hành pháp và
tư pháp.
– Một cơ quan nhân quyền quốc gia hỗ trợ cho tính chính danh của một cơ quan với tư cách là một chủ thể nhân quyền trong các cơ quan khu vực và quốc tế.
– Một cơ quan nhân quyền quốc gia sẽ áp dụng phương thức tiếp cận các vấn đề nhân quyền một cách hệ thống mà không cơ chế nào khác có được(7).

Theo quan điểm của tác giả, việc thành lập cơ quan nhân quyền quốc gia ở nước ta là cần thiết, bởi: việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người không chỉ là nhiệm vụ quốc gia mà còn là nghĩa vụ quốc tế; hiện nay nước ta cũng như nhiều nước khác đã, đang và sẽ phải giải quyết nhiều hơn các vấn đề về quyền con người ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế; góp phần thực thi có hiệu quả vấn đề nhân quyền ở nước ta.

Hiện chưa có nghiên cứu mang tính hệ thống về mô hình cơ quan nhân quyền quốc gia, nhưng trong nhiều trường hợp, có mối liên hệ rõ ràng giữa truyền thống pháp lý hay thể chế của một nước, khu vực vào việc áp dụng mô hình cơ quan nhân quyền quốc gia. Vấn đề là trong các mô hình, Việt Nam lựa chọn mô hình nào cho hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc các nhà quản lý, các nhà khoa học và toàn thể công dân.

———————–

Chú thích:

(1), (6) Nguyễn Thế Đức Tâm, Phạm Ngọc Hoàng Anh: Vài suy nghĩ về cơ chế bảo đảm nhân quyền, Tài liệu lưu hành nội bộ phục vụ đào tạo cử nhân luật, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, 2010, tr.116.
(2) Nguyễn Quang Hiền: Pháp luật – phương tiện quan trọng bảo vệ quyền con người, http://www.
hcmulaw.edu.vn, truy cập ngày 1/2/2017.
(3), (5) Professional Training Series No.4, Centre For Human Rights, Geneva, 1995, National Human Rights Institutions, pp.237 (tạm dịch: Chương trình huấn luyện chuyên nghiệp số 4, Các tổ chức nhân quyền quốc gia, Trung tâm Nhân quyền, Geneva, 1995, tr.237).
(4) Tường Duy Kiên: “Mô hình bộ máy quốc gia về nhân quyền ở một số nước và suy nghĩ về cơ chế bảo vệ nhân quyền”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 152, tháng 8-2009.
(7) Frauke Lisa Seidensticker Anna Wuert: Cơ quan nhân quyền quốc gia – Mô hình, chương trình, thách thức và giải pháp, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.211.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , , ,