Chuyện về ‘vũ khí’ ngũ cốc: Từ thế giới nhìn về Việt Nam

Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được các bên biến thành cuộc chiến nhiều mặt. Lương thực trở thành một loại “vũ khí” đa năng mà nhiều quốc gia sử dụng với các mục đích, tính toán khác nhau.

Chuyện về ‘vũ khí’ ngũ cốc: Từ thế giới nhìn về Việt Nam

Cuộc chiến nhiều mặt

Xung đột Nga-Ukraina, rộng ra là đối đầu giữa Nga và phương Tây tác động nhiều mặt đến khu vực và thế giới, trong đó có vấn đề lương thực. Xung đột vẫn tiếp diễn, nhưng qua sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc, ngày 22/7/2022, 4 bên liên quan đã ký thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen.

Qua 1 năm thực hiện thỏa thuận ngũ cốc, giá lương thực trên thế giới giảm hơn 23%; mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia. Nhưng sau 1 năm, với 3 lần gia hạn và nhiều tranh cãi, ngày 17/7, Nga tuyên bố rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc.

Quá trình ký kết và thực hiện thỏa thuận ngũ cốc cho thấy nó không chỉ là vấn đề kinh tế, nhân đạo mà còn ẩn chứa nhiều ý đồ, tính toán chiến lược của các bên.

Đối với Ukraina, thỏa thuận được ví như “phao cứu sinh” cho nền kinh tế bị thiệt hại nặng trong xung đột. Kiev xuất khẩu được gần 33 triệu tấn lương thực qua Biển Đen, thu nguồn ngoại tệ lớn, bảo đảm đời sống xã hội và đáp ứng một phần nhu cầu quân sự. Thông qua xuất khẩu ngũ cốc, Ukraina còn chứng tỏ giá trị của mình trong bảo đảm an ninh lương thực; duy trì kết nối với châu Âu và các khu vực khác.

Khi thỏa thuận ngưng trệ, Ukraina đề xuất tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc bằng “hành lang đoàn kết” đường bộ, đường sông qua một số nước châu Âu và qua Biển Đen, do tàu Thổ Nhĩ Kỳ hộ tống và NATO mở hành lang an toàn; không cần sự tham gia của Nga. Bằng cách đó, không những Kiev thực hiện được mục đích kinh tế, mà còn lôi kéo, gắn kết NATO, Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột với Nga.

Thổ Nhĩ Kỳ thu lợi lớn về kinh tế, chính trị, ngoại giao… qua việc trung gian ký kết, thực hiện thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Ankara trở thành trung tâm vận chuyển, xuất khẩu lương thực của khu vực và nhập được khối lượng lớn ngũ cốc giá rẻ (3,24 triệu tấn). Đồng thời qua đó, Thổ Nhĩ Kỳ muốn chứng tỏ là nhân tố không thể thiếu, mà cả Nga và Ukraina, NATO đều cần để giải quyết xung đột cũng như các vấn đề lớn khác của khu vực và thế giới.

Tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 21/7, Phó Tổng thư ký Martin Griffiths cảnh báo ngừng thỏa thuận làm giá ngũ cốc tăng đột biến, có thể gây nạn đói cho hàng triệu người trên nhiều khu vực. Các bên nặng về tranh cãi, đổ lỗi nhau, càng làm mâu thuẫn thêm phức tạp.

Phương Tây đồng loạt chỉ trích Nga sử dụng lương thực làm vũ khí, công cụ chính trị để gây sức ép. Nhưng chính họ lại muốn gây sức ép tập thể, buộc Nga thực hiện đòi hỏi của mình mà không tính tới yêu cầu của Moskva. Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Slovakia và Romania cùng đề xuất Liên minh châu Âu (EU) gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc giá rẻ của Ukraina để bảo vệ ngành nông nghiệp của mình. Chỉ đề cao lợi ích quốc gia của mình, không tính tới lợi ích của đối tác, thì mâu thuẫn không thể hóa giải được.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, ngũ cốc xuất khẩu từ Ukraina không hoàn toàn đến đúng địa chỉ cần; các nước châu Phi chỉ chiếm khoảng 3%; 44% chảy vào các nước thu nhập cao, trong đó 30% đến châu Âu.

Tổng thống Nga có cơ sở khi nói thỏa thuận ngũ cốc không đạt được mục đích nhân đạo. Việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận không còn ý nghĩa, không thật sự cần thiết. Ngừng thỏa thuận ngũ cốc cũng sẽ gây cho Nga những khó khăn về kinh tế, ngoại giao. Phương Tây vin vào đó quy cho Nga gây mất an ninh lương thực thế giới, gây bất ổn khu vực.

Nhưng Moskva vẫn quyết định cứng rắn với thông điệp rõ ràng, không thể thực hiện thỏa thuận mà không tính đến lợi ích của Nga; không thể giải quyết các vấn đề khu vực, toàn cầu mà thiếu Nga.

Như vậy, Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen được các bên biến thành cuộc chiến nhiều mặt. Lương thực trở thành một loại “vũ khí” đa năng mà nhiều quốc gia sử dụng với các mục đích, tính toán khác nhau.

Có lối thoát nhưng còn mịt mờ

Việc chấm dứt thoả thuận ngũ cốc lập tức gây hậu quả nghiêm trọng.

Lương thực, nông sản đồng loạt tăng giá mạnh. Giá lúa mì giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago, Mỹ tăng hơn 3%, nhiều quốc gia đứng trước nguy cơ nạn đói. Ukraina có thể thiệt hại khoảng 800 triệu USD/tháng. Nông sản của Nga cũng gặp khó trong việc tìm đường ổn định, lâu dài ra thị trường quốc tế. Thỏa thuận ngũ cốc không phải là chuyện riêng giữa Nga và Ukraina.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ “sự tiếc nuối sâu sắc” trước quyết định của Nga, kêu gọi Moskva quay lại bàn đàm phán. Trung Quốc và một số nước muốn tiếp tục thực hiện thỏa thuận ngũ cốc có tính tới các điều kiện của Nga.

Đề xuất mới của Ukraina về xuất khẩu ngũ cốc không được Nga và cả NATO ủng hộ. Mỹ và NATO sẽ tìm cách hỗ trợ Ukraina, nhưng khó có khả năng đưa tàu chiến vào hộ tống tàu Ukraina và thiết lập hành lang vận chuyển trên Biển Đen, bởi lo ngại đụng độ trực tiếp với Nga.

Tổng thống Tayyip Erdogan tin sẽ thuyết phục được người đồng cấp Nga Vladimir Putin tiếp tục thực hiện thỏa thuận ngũ cốc. Cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và ông chủ Điện Kremlin tại khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen của Nga vào ngày 4/9 tới, chủ yếu thảo luận về chủ đề này. Ankara hy vọng cuộc gặp này sẽ giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực.

Nga ngừng thực hiện thỏa thuận nhưng cam kết tiếp tục cung cấp lương thực cho các nước có nhu cầu, nhất là với châu Phi. Tại Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi tại thành phố St. Petersburg từ ngày 27-29/7, ông Putin cam kết cung cấp miễn phí ngũ cốc và phân bón cho châu Phi để giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực. Trong nửa đầu năm nay, Nga đã vận chuyển gần 10 triệu tấn ngũ cốc tới châu Phi.

Đã có những dấu hiệu tích cực, nhưng chưa đủ để thay thế thỏa thuận ngũ cốc. Nga tuyên bố sẵn sàng thảo luận, nối lại thỏa thuận ngũ cốc hoặc tìm một định dạng mới, khi phương Tây thực hiện các điều kiện trong bản ghi nhớ với Liên hợp quốc, bao gồm:

Gỡ bỏ trừng phạt đối với vận chuyển ngũ cốc, phân bón; dỡ bỏ hạn chế và kết nối các ngân hàng Nga cung cấp tài chính cho xuất khẩu lương thực, nông sản với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Nối lại cung cấp linh kiện, phụ tùng máy móc nông nghiệp. Giải quyết vướng mắc, hạn chế về việc thuê tàu và bảo hiểm xuất khẩu lương thực, nông sản. Khôi phục hoạt động của đường ống dẫn Amoniac Tolyatti – Odessa. Gỡ bỏ phong tỏa tài sản của Nga liên quan đến nông nghiệp và thực hiện đúng bản chất nhân đạo như ban đầu của thỏa thuận ngũ cốc.

Hậu quả nhiều mặt của việc ngừng thỏa thuận ngũ cốc sẽ khiến các bên liên quan cân nhắc, có thể đi đến nhượng bộ. Nhưng thỏa hiệp như thế nào, đến đâu lại là chuyện khó.

Liên hợp quốc và các bên liên quan có thời hạn 3 tháng để thảo luận về các điều kiện của Nga. Đây là mấu chốt để tháo gỡ bế tắc. Nhưng cái khó là một số điều kiện vướng lập trường chung trừng phạt Nga của phương Tây. Phương Tây chấp nhận gỡ bỏ điều kiện nào hoặc Nga rút yêu cầu “cả gói” là chuyện “mặc cả” không hề đơn giản.

Vai trò của Liên hợp quốc quan trọng, nhưng khả năng thuyết phục phương Tây hoặc Nga chấp nhận thỏa hiệp cũng có mức độ. Cộng đồng quốc tế có thể tạo áp lực nhất định đến các bên liên quan. Với các yếu tố đó, nhất là toan tính của các bên, mọi dự báo cụ thể đều chưa có cơ sở. Kết quả có thể biết sau 3 tháng hoặc may mắn là ngã ngũ trong thời gian ngắn hơn. Đàm phán nối lại thỏa thuận ngũ cốc cũng có thể là gợi ý cho giải quyết các vấn đề khác của xung đột.

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 28/8, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tái khẳng định lập trường của Moskva về việc khôi phục thỏa thuận ngũ cốc sẽ tùy thuộc vào khả năng phương Tây thực hiện lời hứa liên quan tới hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của chính nước Nga.

Ông Peskov nêu rõ: “Triển vọng gia hạn thỏa thuận ngũ cốc phụ thuộc vào việc thực hiện cam kết trên thực tế đối với phía Nga, mà không chỉ bằng lời nói… (Hành lang tạm thời) là một vấn đề hoàn toàn khác biệt với vấn đề liên quan thỏa thuận ngũ cốc. Bộ Quốc phòng Nga sẽ giám sát nó khi cần thiết”.

Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Tác động tiêu cực từ xung đột ở các khu vực trên thế giới và biến đổi khí hậu càng gia tăng vai trò quan trọng của các nước xuất khẩu lương thực, trong đó có Việt Nam. Chúng ta luôn tìm cách nâng cao hiệu quả xuất khẩu, nhưng không lợi dụng điều kiện khó khăn để trục lợi.

Càng khó khăn, Việt Nam càng phát huy vai trò là một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên toàn cầu. Chúng ta nhiều lần hỗ trợ, viện trợ lương thực cho Lào, Cuba và các nước gặp thiên tai, thảm họa khác. Đồng thời, Việt Nam phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với tổ chức của Liên hợp quốc và các nước phát triển, cử chuyên gia giúp đỡ một số nước châu Phi sản xuất lương thực.

Tuy nhiên, việc Ấn Độ tạm ngừng xuất khẩu lương thực và một số nước khác có thể hành động tương tự, cũng như tác động của biến đổi khí hậu, đặt ra nhiều vấn đề. Một mặt, các cơ quan có nhiệm vụ ngoại giao kinh tế cần nắm chắc diễn biến, dự báo sát tình hình, nhu cầu của thế giới, tham mưu, đề xuất chủ trương, biện pháp xuất khẩu phù hợp, hiệu quả, vừa tránh bỏ lỡ cơ hội hoặc ký kết hợp đồng bất lợi, vừa tránh phải hủy hợp đồng do vượt quá khả năng, ảnh hưởng đến uy tín đất nước.

Trong nước, cần thực hiện nghiêm quy hoạch đất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu đời sống và xuất khẩu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; thực hiện nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, giá trị sản xuất, chế biến, xuất khẩu lượng thực, nông sản, bảo vệ môi trường.

Tổ chức gắn kết chặt chẽ, hiệu quả thiết thực giữa nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà ngoại giao, trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu lương thực, nông sản; bảo đảm hài hòa lợi ích của tất cả các bên. Có như vậy, nền sản xuất, chế biến, xuất khẩu lương thực, nông sản của Việt Nam mới bền vững, phát huy thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao; hạn chế các rủi ro, tác động bất lợi; góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho thế giới, lan toả giá trị tích cực của Việt Nam.

Câu chuyện về thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen cũng mang lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm tốt trong tham gia thị trường kinh tế quốc tế và giải quyết các thách thức an ninh khác.

Theo TS. VŨ ĐĂNG MINH / THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Tags: ,