Chủ nghĩa nữ quyền Marxist và vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam

Nhiều chủ trương, chính sách cụ thể nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội ở Việt Nam là biểu hiện sinh động của việc kế thừa, phát triển chủ nghĩa nữ quyền Marxist trong quá trình đổi mới đất nước.

Chủ nghĩa nữ quyền Marxist và vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam

Tác giả: Đặng Kiều Diễm, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh.

1. Sự ra đời của chủ nghĩa nữ quyền Marxist

Những năm đầu thế kỷ 19 là giai đoạn mà nhân loại chứng kiến sự chuyển biến mạnh mẽ trong lịch sử phát triển nhận thức. Đây là thời kỳ mà đời sống sinh hoạt tư tưởng của nhân loại, đặc biệt ở các nước công nghiệp phương Tây vô cùng sôi động. Hệ tư tưởng tư sản đã từng là ngọn cờ lý luận của “tầng lớp thứ 3” trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ phong kiến, phục hồi dân chủ và xác lập nhà nước pháp quyền tư sản. Tuy nhiên, cách mạng tư sản và nhà nước tư sản chỉ thay đổi hình thức áp bức phong kiến bằng hình thức áp bức mới đối với các tầng lớp nhân dân. Trong điều kiện lịch sử đó, phụ nữ và trẻ em trở thành vật hiến tế cho tình trạng phi nhân tính của xã hội tư sản. Phụ nữ không chỉ là nô lệ trong gia đình, mà còn trở thành nguồn nhân công rẻ mạt của các ông chủ.

Vào những năm 30 – 40 của thế kỷ 19 đã diễn ra những cuộc đấu tranh tự phát của công nhân ở Mađrít, Nêapôn, Piêmông. Cách mạng châu Âu bắt đầu bùng nổ mạnh, tiêu biểu như năm 1830 cách mạng chiến thắng sau suốt một tuần lễ đẫm máu ở Pari nhằm xây dựng một xã hội mà ở đó con người được giải phóng, nhất là giải phóng phụ nữ ngay chính trong gia đình. Nhưng cuối cùng, nước Pháp lại rơi vào tấn bi kịch mới: giai cấp tư sản nắm hết mọi quyền lực thống trị về kinh tế lẫn chính trị. Lúc này, người đàn ông làm kinh tế chính trong gia đình, khi nắm quyền thống trị về kinh tế thì tất nhiên sẽ thống trị mọi mặt. Đối với giai cấp thống trị, trong gia đình người phụ nữ chỉ ở nhà làm nội trợ, không có quyền quyết định, mọi quyền lực thuộc về đàn ông. Không những bóc lột người vợ về thể xác, tinh thần mà người đàn ông còn ra sức bóc lột các giai cấp khác trong xã hội về sức lao động. Ngược lại, gia đình người dân lao động vốn dĩ xuất phát từ tình yêu thương chân thành, hôn nhân trên cơ sở tự nguyện. Nhưng do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn mà người đàn ông và đàn bà phải chấp nhận làm việc cho các nhà tư bản mặc dù bị bóc lột nặng nề. Từ những thiếu thốn trong cuộc sống, cùng với áp lực trong công việc dẫn đến gia đình của người dân lao động không còn hạnh phúc nguyên vẹn. Như vậy, nguyên nhân chính dẫn đến mọi đau khổ trong gia đình chính là xã hội tư sản với nhiều bóc lột khác nhau trên mọi phương diện. Chế độ tư bản chủ nghĩa biến mọi thứ thành hàng hóa, ngay cả hôn nhân cũng có toan tính với mục đích kế thừa tài sản thường biến thành nạn mại dâm – đôi khi cả hai bên nhưng thường là phía người vợ.

Các nhà lí luận ở Tây Âu thế kỷ 19, đặc biệt là Jeremy Bentham (1748-1832) và John Stuart Mill (1806-1873) đã vạch ra tình trạng bất bình đẳng về giới, thân phận nô lệ của người phụ nữ. Vấn đề giải phóng phụ nữ đã được nhà cộng sản không tưởng Charles Fourier (1772-1837) đề cập trong nhiều bài viết của ông, trong đó chỉ ra rằng sự tự do của phụ nữ là thước đo giải phóng của xã hội. Tư tưởng giải phóng phụ nữ và đề cao bình đẳng giới (bình đẳng giới) đã được K. Marx và F. Engels kế thừa có chọn lọc trong quá trình thực hiện bước ngoặc cách mạng trong lịch sử tư tưởng. Những phác thảo đầu tiên của chủ nghĩa nữ quyền Marxist có thể tìm thấy trong các tác phẩm của K. Marx và F. Engels trong những năm 40 của thế kỷ 19. Sự nghiệp giải phóng phụ nữ được gắn kết một cách hữu cơ với sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản. Trong tác phẩm “Bản thảo kinh tế triết học năm 1844”, K. Marx nhấn mạnh hai vấn đề lớn là: Thứ nhất, xóa bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu như cơ sở của tình trạng tha hóa con người; Thứ hai, hướng đến “hình thức chính trị của sự giải phóng giai cấp vô sản”, nghĩa là bằng khả năng tập hợp tổ chức những người bị áp bức thành đội ngũ, đồng thời đạt đến mục tiêu chính trị xác lập xã hội dân chủ nhân văn chứ không chỉ là mục tiêu kinh tế đơn thuần, nhưng không phải là sự quay trở lại chủ nghĩa cộng sản bình quân thô lỗ, mà phải là chủ nghĩa cộng sản “nhất trí với chủ nghĩa nhân đạo. F. Engels trong tác phẩm “Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh” đã vạch trần bản chất của xã hội tư sản và thân phận của lao động nữ và lao động trẻ em. Ông bày tỏ sự chia sẻ, bênh vực những người lao động và thể hiện niềm vui khi từ bỏ giai cấp thống trị để đến với những người cùng khổ. Ông viết: “tôi đã dứt bỏ sự xã giao với giai cấp tư sản, dứt bỏ những bữa tiệc… và tôi đã dành thì giờ rỗi rãi để hầu như chỉ để giao du với những người lao động bình thường; tôi vừa sung sướng vừa tự hào vì đã làm như vậy” [2]. Tương tự như K. Marx, cuối tác phẩm “Tình cảnh của giai cấp lao động ở Anh”, F. Engels dự báo về “tinh thần phản kháng” của những người cùng khổ, tạo nên “sóng gió lở đất long trời” lật đổ chế độ tư sản. K. Marx và F. Engels nhấn mạnh sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản là “thi hành bản án đối với chế độ tư hữu” [2]. Như vậy, chủ nghĩa nữ quyền Marxist được hình thành trong quá trình hình thành chủ nghĩa Marx vào những năm 40 của thế kỷ 19. Thời kì hình thành chủ nghĩa Marx được kết thúc bằng tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”. Điều đó có nghĩa mục tiêu giải phóng phụ nữ gắn liền với mục tiêu giải phóng toàn xã hội, hướng đến một liên hợp mà ở đó, sự tự do của mỗi cá nhân là cơ sở cho tự do của tất cả mọi người [2].

Tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu, và của nhà nước” là nguồn cổ vũ lớn lao cho cuộc đấu tranh vì giải phóng phụ nữ và bình đẳng giới. F. Engels đã chỉ ra tính quy định xã hội – giai cấp đối với sự biến đổi vị trí của từng thành viên trong gia đình, gợi mở triển vọng của sự bình đẳng về giới, vị trí của người phụ nữ trong gia đình, trong điều kiện xã hội mới, thay thế chế độ chính trị hiện tồn.

Trên cơ sở kế thừa và vận dụng sáng tạo những quan điểm của K. Marx và F. Engels về con đường giải phóng phụ nữ vào thực tiễn cách mạng ở nước Nga, V.I. Lenin đã tiếp tục phát triển, làm sâu sắc và phong phú thêm những quan điểm Marxist về vấn đề phụ nữ. Trong thời kỳ trước Cách mạng tháng Mười Nga, vấn đề đấu tranh đòi quyền bình đẳng và giải phóng phụ nữ được V.I. Lenin bàn tới ở nhiều tác phẩm, như: “Chủ nghĩa tư bản và lao động nữ”; “Karl Marx”; “Giai cấp vô sản cách mạng và quyền dân tộc tự quyết”; “Nhiệm vụ giai cấp vô sản trong cuộc cách mạng của chúng ta”;… Sau khi Cách mạng tháng Mười thành công, từ thực tiễn nước Nga Xô-viết lúc bấy giờ, những nội dung xung quanh vấn đề phụ nữ, như tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào đời sống chính trị – xã hội trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, phát huy sự đóng góp to lớn của phụ nữ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa,… đã được V. I. Lenin bàn đến nhiều ở các tác phẩm và bài viết ngắn đăng trên báo Sự thật, trong các diễn văn, thư hay lời chào mừng gửi tới các hội nghị phụ nữ hoặc nhân ngày quốc tế phụ nữ, như “Bàn về nhiệm vụ của phong trào nữ công nhân nước cộng hòa Xô-viết”; “Chính quyền Xô-viết và địa vị của phụ nữ”; thư “Gửi nữ công nhân”; “Kỷ niệm ngày phụ nữ quốc tế lao động”.

2. Vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay

Sự nghiệp giải phóng con người, bao hàm cả giải phóng phụ nữ và đảm bảo các quyền cơ bản của con người, chỉ có thể do chính con người thực hiện. Tuy nhiên, không phải con người trừu tượng kiểu Phoiơbắc (Feuerbach 1804-1872), mà là con người cụ thể, giai cấp vô sản và nhân loại bị áp bức mới đảm đương sứ mệnh đó.

Theo Liên Hiệp Quốc, bình đẳng giới nghĩa là nam và nữ đều ngang nhau trong việc thực hiện đầy đủ quyền con người. Hiện nay thực trạng về quan hệ giới, về các quyền phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội đang đặt ra nhiều thách thức đối với việc thực hiện chính sách công bằng xã hội, đảm bảo quyền của người phụ nữ, trong đó có những quyền gắn với gia đình, và những quyền gắn với hoạt động xã hội. Các làn sóng của chủ nghĩa nữ quyền hiện đại ngày càng trở thành biểu tượng của cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới trên phạm vi toàn cầu. Bốn “làn sóng” của chủ nghĩa nữ quyền đều thể hiện các giai đoạn phát triển của nó, từ làn sóng gắn với cuộc đấu tranh vì quyền bầu cử đến làn sóng thể hiện tính tích cực chính trị của phụ nữ trong thời đại cách mạng 4.0. Những phong trào như thế đều hướng đến những nhà tư tưởng kiệt xuất đấu tranh vì giải phóng phụ nữ và chống kỳ thị giới tính, từ Ch.Montesquieu, Ch.Fourier đến J. S. Mill và F. Engels. Việc thực hiện bình đẳng giới và đảm bảo quyền của phụ nữ đã được thể hiện trong Công ước CEDAW 1979 (có hiệu lực từ 3/9/1981) của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ được xây dựng nhằm bảo vệ ở phạm vi rộng lớn các quyền của phụ nữ, trước hết là bảo đảm cho phụ nữ được sống an toàn, tự do, phát triển bền vững, với việc đặc biệt nhấn mạnh bảo đảm sự bình đẳng đối với phụ nữ trong hưởng thụ các quyền cơ bản của con người.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về gia đình, các quyền của phụ nữ và trẻ em luôn luôn nhất quán. Đại hội VI của Đảng nhấn mạnh: “Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới”. Đến Đại hội XII, quan điểm ấy được cụ thể hóa, gắn liền với chính sách bình đẳng giới trong thời kỳ mới: “Thực hiện tốt chiến lược dân số, gia đình,…, giảm dần sự mất cân bằng tỷ lệ giới tính khi sinh và bảo đảm quyền trẻ em” (Đảng Cộng sản Việt Nam, 2016, trang 138). Quan điểm bình đẳng giới tiếp tục được khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ, thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp và chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại nhân phẩm phụ nữ” (K. Marx và F. Engels, 1995c, trang 163).

Luật bình đẳng giới (2006) của Việt Nam, Điều 5 ghi rõ: “bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó”. Theo đó, mọi người dù nam hay nữ đều có quyền bình đẳng như nhau và cần được tạo cơ hội để phát huy tiềm năng sáng tạo và thụ hưởng những thành quả như nhau. bình đẳng giới là nữ và nam, trẻ em gái và trẻ em trai phải có cơ hội ngang nhau trong việc sử dụng các quyền của họ. Chỉ có như vậy thì xã hội mới dân chủ, công bằng và tạo cơ hội cho tất cả mọi người trong việc phát huy tính tiềm năng của mỗi cá nhân để góp phần tạo sự phát triển cho đất nước để sánh vai với các cường quốc năm châu. bình đẳng giới không có nghĩa là chỉ đấu tranh giành quyền lợi cho phụ nữ mà là đấu tranh chống lại sự bất bình đẳng và giành quyền cho cả giới nam và nữ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Từ trước đến nay, hầu như sự bất bình đẳng về giới chủ yếu chỉ xảy ra đối với nữ nên nhận thức bao trùm về bình đẳng giới là đòi quyền lợi cho nữ.

Trong thực tế, vấn đề bình đẳng giới, quyền của phụ nữ ở Việt Nam trong thời gian qua đạt được nhiều thành quả đáng tự hào. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng, với phong trào “Ba đảm đang” ở miền Bắc, tinh thần “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” ở cả hai miền, hình ảnh “Đội quân tóc dài” Bến Tre (vừa được Quốc hội trao danh hiệu Anh hùng vào ngày 6/8/2018), những tấm gương chiến đấu, hy sinh, những chiến công thầm lặng, để đi đến Đại thắng mùa Xuân 30/4/1975. Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong sắc lệnh 14 ngày 8/9/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời về Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội nêu rõ: “Tất cả công dân Việt Nam cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và ứng cử” đã thể chế hóa quyền bình đẳng nam nữ trong chính trị. Trên thực tế, trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 06/01/1946, phụ nữ được tham gia bầu cử và ứng cử tại nhiều nơi trên cả nước. Trong bản di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh được viết tháng 5 năm 1968, Người đã căn dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất, Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Sự tham gia của phụ nữ vào công cuộc xây dựng đất nước ở các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đều đáng được trân trọng, là sự kế thừa truyền thống con Rồng cháu Tiên qua hàng ngàn năm lịch sử. Hàng trăm phụ nữ trở thành những người đi đầu trong các hoạt động kinh tế; trở thành cán bộ lãnh đạo các cấp, từ cấp cao nhất của hệ thống Đảng, bộ máy chính quyền Trung ương đến các địa phương; những nhà văn hóa và khoa học, những nhà giáo dục có uy tín. Tại Diễn đàn Nghị viện Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF 26) diễn ra tại Hà Nội 18/1/2018, đã công bố con số đáng tự hào: tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam hiện nay đã tăng lên mức 26,72%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 22,3%. Đã có những doanh nhân thành đạt là phụ nữ, chẳng hạn thống kê đến nay nổi bật 20 “nữ doanh nhân quyền lực nhất Việt Nam” [theo Forbes Việt Nam, ngày 8/3/2017]. Người phụ nữ cũng đóng “vai trò kép” trong giáo dục, từ gia đình đến nhà trường, xã hội, với những tấm gương từ lịch sử đến hiện tại. Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến nay, tỉ lệ nữ được đào tạo sau đại học ở các cấp học và trình độ đào tạo ngày càng cao. Ở khối các trường ĐH: Số nữ tiến sĩ là 2.671/9.467 (chiếm 28,2%), nữ thạc sỹ là 16.016/34.283 (chiếm 46.7%). Khối các trường cao đẳng: Nữ tiến sỹ là 167/608 (chiếm 27%), nữ thạc sỹ là 4.817/10.024 (chiếm 48%). Khối các trường Trung cấp Chuyên nghiệp: Số nữ tiến sỹ là 38/196 (chiếm 19,4%), nữ thạc sỹ là 987/2.475 (chiếm 39,9%). Khối các trường THPT: Số nữ tiến sỹ là 97/193 (chiếm 50%), nữ thạc sỹ là 9.492/15.339 (chiếm 61,9%). Khối THCS: Số nữ tiến sỹ là 16/23 (chiếm 69,6%) và nữ thạc sỹ là 2.964/4.312 (chiếm 68,7%). Khối các trường Tiểu học: Nữ tiến sỹ là 61/68 chiếm (89,7%) và thạc sỹ là 374/460 (chiếm 81,3%). Tỉ lệ lao động nữ trong ngành giáo dục cao, đặc biệt ở các cấp học thấp, tỷ lệ cán bộ, giáo viên nữ càng cao. Cụ thể, có 898.847 nữ/1.213.935 tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Giáo dục (chiếm 74%). Tuy nhiên, “do nhiều nguyên nhân khác nhau mà vấn đề thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam còn đứng trước nhiều thách thức”. Trong kinh tế, dù vị thế người phụ nữ được nâng cao, song một bộ phận khá đông còn phụ thuộc và an phận trong đời sống kinh tế. Trong chính trị, tỷ lệ phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, dù được khuyến khích, vẫn ở mức thấp, chưa tương xứng với khả năng của người phụ nữ trong thế giới đương đại. Trong văn hóa – xã hội, người phụ nữ chưa được tạo điều kiện tốt nhất để thể hiện năng lực của mình, tình trạng không công bằng trong đời sống xã hội và hoạt động sáng tạo vẫn chưa được khắc phục. Trong nghiên cứu khoa học vẫn còn thiên kiến về việc tạo môi trường cho phụ nữ nghiên cứu khoa học. Theo bà Ann, “lịch sử về sự đóng góp của phụ nữ trong các dự án khoa học và cộng đồng khoa học không đơn giản là một đường thẳng đi từ tăm tối ra ánh sáng mà là một quãng đường nhiều biến động” .

Theo số liệu điều tra cuối năm 2019, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) phải chịu ít nhất một hoặc nhiều hình thức bạo lực do chồng gây ra trong đời và 31,6 % bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Trừ bạo lực tình dục, tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ do chồng gây ra năm 2019 thấp hơn so với năm 2010. Ví dụ, phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác trong đời năm 2019 (26,1%) ít hơn so với năm 2010 (31,5%). Điều này rõ ràng hơn với nhóm phụ nữ trẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục trong đời năm 2019 (13,3%) cao hơn so với năm 2010 (9,9%). Điều này đặc biệt đúng ở nhóm phụ nữ trẻ ở độ tuổi từ 18 – 24 (13,9% năm 2019 so với 5,3% năm 2010). Mặc dù điều này phản ánh sự gia tăng của tình trạng bạo lực nhưng cũng có thể là kết quả của sự thay đổi xã hội mà ở đó phụ nữ cởi mở hơn khi nói về chủ đề tình dục và bạo lực tình dục. Trong tương lai cần có nghiên cứu và phân tích sâu hơn để xác định được đúng xu hướng này. Phụ nữ khuyết tật bị các hình thức bạo lực do chồng gây ra cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật. Có 4,4% phụ nữ cho biết họ đã bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15 tuổi. Ở Việt Nam, phụ nữ bị chồng bạo lực nhiều hơn so với việc bị người khác bạo lực. Cứ 10 phụ nữ thì có 1 người (11,4%) trải qua bạo lực thể xác từ khi 15 tuổi do người khác gây ra. Khi phụ nữ bị bạo lực thể xác do người khác không phải là chồng gây ra, người gây bạo lực chủ yếu là thành viên nam trong gia đình (60,6%). Cứ 10 phụ nữ thì có 1 phụ nữ (9%) bị bạo lực tình dục do người khác gây ra từ năm 15 tuổi. Phần lớn kẻ gây ra bạo lực là nam giới không phải thành viên trong gia đình (ví dụ: nam giới là người không quen biết, bạn bè hoặc người quen; người mới quen gần đây; hoặc người làm cùng cơ quan). Bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Hầu hết phụ nữ (90,4%) bị bạo lực thể xác và/hoặc tình dục do chồng gây ra không tìm kiếm bất kỳ sự hỗ trợ nào từ các cơ quan chính quyền. Trẻ em cũng là nạn nhân khi sống trong môi trường bạo lực. Trong số phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác, 61,4% cho biết con cái họ đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy bạo lực. Phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục nói rằng con cái họ (5-12 tuổi) thường có các vấn đề về hành vi. Bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP. Bạo lực là hành vi có tính tiếp thu. Hành vi này có thể được ngăn chặn và chúng ta cần hành động ngay. Phụ nữ là nạn nhân của bạo lực do chồng gây ra thì nhiều khả năng mẹ của người chồng đã từng bị đánh hoặc bản thân người chồng đã bị đánh đập khi còn nhỏ.

Gánh nặng gia đình đối với người phụ nữ và tình trạng phân biệt đối xử trong các lĩnh vực của đời sống xã hội là hiện tượng không hiếm trong điều kiện hiện nay tại Việt Nam. Những biểu hiện bất bình đẳng giới trong gia đình tư sản mà Ph. Ăng ghen từng chỉ ra trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” vẫn chưa được giải quyết triệt để dù về mặt pháp lý, bình đẳng giới được khẳng định rõ ràng. Nguyên nhân của tình trạng trên là ở chỗ, nhận thức sai lệch về vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội, sức ý của thói quen, tâm lý truyền thống “trọng nam kinh nữ”, gia trưởng; các biện pháp pháp lý chưa được thực hiện nghiêm minh.

Luật hôn nhân và gia đình, Điều 4 khẳng định bình đẳng giới là điều kiện cho phát triển xã hội một cách lành mạnh: Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Ngày nay, trong quá trình đổi mới đất nước, chúng ta đã từng bước xóa bỏ bất công, rào cản về giới, tạo nhiều cơ hội hơn cho người phụ nữ thể hiện năng lực của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mục tiêu giải phóng phụ nữ gắn liền với mục tiêu cao cả của dân tộc, đất nước: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

————————-

Tài liệu tham khảo:

I. Lenin(2005). Toàn tập. t. 4. Hà Nội: Chính trị Quốc gia.
Mác và Ph. Ăngghen. (2005). Toàn tập. Hà Nội: Chính trị Quốc gia.
Nguyễn Thị Mỹ Trang và Nguyễn Lê Tâm (2007). Quan điểm của chủ nghĩa Marx – Lenin về giải phóng phụ nữ. Tạp chí Giáo dục lý luận. Số 5. Tr. 7-11.
Nguyễn Thị Thuý (2007). Gia đình Việt Nam và vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Tạp chí Giáo dục lý luận. Số 4. Tr. 37-41.
Nguyễn Thị Nga chủ biên (2017). Triết học nữ quyền lý thuyết triết học về công bằng xã hội cho phụ nữ. Hà Nội: Chính trị Quốc gia.
Yvonne Castellan (Nguyễn Thu Hồng và Ngô Dư dịch) (2002). Gia đình. Hà Nội: Thế giới.
Quốc hội (2006). Luật số 73/2006/QH11: Luật Bình đẳng giới; ngày 29/11/2006.
Quốc hội (2014). Luật số 52/2014/QH13 ngày 19/6/2014 – Luật Hôn nhân và Gia đình.

Theo TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Tags: , , ,