Chính sách cấm đạo Công giáo thời Minh Mạng: Nỗ lực tuyệt vọng cứu dân tộc Việt

Bắt đầu từ năm 1825 trở đi thực dân Pháp tăng cường xâm nhập vào Việt Nam dưới mọi hình thức trong đó có hình thức truyền đạo. Hoạt động truyền đạo của các giáo sĩ Pháp đã làm cho mối quan hệ giữa vua Minh Mạng và Pháp ngày càng trở nên căng thẳng…

Chính sách cấm đạo Công giáo thời Minh Mạng: Nỗ lực tuyệt vọng cứu dân tộc Việt

Tác giả: Lê Văn Viện[1].

Bối cảnh lịch sử, quan hệ ngoại giao Việt Nam dưới thời vua Minh Mạng

Vào những thập kỉ 30,40 thế kỉ XIX, hoạt động của các thương thuyền và lực lượng hải quân của các nước phương Tây rầm rộ ở các vùng biển Ấn Độ Dương và Đông Nam Thái Bình Dương, phản ánh một cấp độ hoạt động của các nước tư bản phương Tây, đang muốn bành trướng thị trường và bành trướng thuộc địa ở vùng này. Nhiều nước trong vùng đã trở thành thuộc địa của các nước nói trên hoặc trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng chi phối của các nước phương Tây. Đặc biệt, cuộc chiến tranh nha phiến diễn ra giữa Anh và Trung Quốc từ năm 1839, sau đó Trung Quốc thất bại phải kí điều ước Nam Kinh năm 1842, đã gây tiếng vang lớn ở Viễn Đông. Tất cả những tình hình trên đều được triều đình Huế theo dõi qua các sứ trình nhật kí của các thương đoàn và ngoại giao đi thăm do tình hình ở các khu vực sôi động do Minh Mạng cử đi. Chỉ riêng trong thời Minh Mạng đã có 10 phái đoàn cử đi công cán vừa để mua các sản phẩm Âu Châu, người Anh và người Hà Lan ở trong vùng. Sự bành trướng thế lực và huy trương thanh thế của các nước Âu Châu ở vùng này được phản ánh trong các sứ trình nhật kí không khỏi làm cho triều đình nói chung và Minh Mạng nói riêng phải cảnh giác trước mọi động thái của các nước Âu Châu đối với Việt Nam.

Cũng vào khoảng thời gian này, xu thế bành trướng thuộc địa của Pháp sau vùng Viễn Đông, sau một thời gian tạm lắng do cuộc cách mạng tư sản Pháp, nay lại được phục hồi và có phần mạnh mẽ hơn dưới thời vua Louis Philippe [2]. Chính phủ Pháp đặc biệt chú ý tới Đông Dương, nhất là Việt Nam, nước có mối quan hệ cũ với Pháp từ điều ước 1787 kí kết giữa chính phủ Pháp và người đại diện của Nguyễn Ánh là Pigneau de Beshaine.

Chọn Minh Mạng kế vị, Nguyễn Ánh (Gia Long) đã nhận thấy được khả năng quyết đoán của một con người cứng rắn có thể giải quyết các công việc phức tạp của triều đình, đặc biệt đối với phương Tây trong đó có vấn đề truyền giáo luôn làm cho nhà vua trăn trở, lo âu.

Năm 1822 Pháp đã cử J.B. Chaigneau sang Việt Nam làm lãnh sự để duy trì mối liên lạc. Năm 1824, một chiếc tàu của Pháp vào cửa Hàn đem thư và lễ vật của vua Pháp gửi cho Minh Mạng và có một số giáo sĩ người Pháp theo tàu vào Việt Nam. Vua Minh Mạng không nhận thư và lễ vật, không cho các sĩ quan của tàu vào chầu, riêng giáo sĩ thừa sai trốn được lên đất liền. Năm 1831, lại có một tầu Pháp đưa viên lãnh sự Pháp vào Huế nói là để thi hành điều ước 1787[3], cũng bị Minh Mạng cự tuyệt. Thái độ của vua Minh Mạng không phải là vô cớ, bởi mọi động thái ngoại giao của Pháp đối với Việt Nam lúc này không có động cơ nào khác hơn so với trước đây là đòi mở cửa và đòi cho các giáo sĩ thừa sai được tự do truyền đạo, để tiến tới thuộc địa hóa và Thiên chúa giáo hóa Việt Nam, điều mà Gia Long đã thấy rõ, Minh Mạng càng thấy rõ hơn. Nhưng những động thái đối ngoại đầy kiêu kỳ này của Minh Mạng đã gây nhiều sự phản ứng cho nhiều giới chức Pháp. Việc từ chối tiếp nối quan hệ ngoại giao với Pháp của vua Minh Mạng nên chăng cần được hiểu là để nghiền ngẫm một đối cách hữu hiệu với mục tiêu kép này của các động thái ngoại giao Pháp.

Tháng 11 năm Ất Tị (1835) nhà vua khiến Vệ-úy Nguyễn Văn Chư, Nhị đẳng thị vệ Võ Huy Dụng đem theo tên hiệu lực Trần Danh Bửu đi tầu Linh phụng qua nước Tây thương thuyết. [4]

Và để nắm vững tình hình hơn, năm 1840, Minh Mạng đã gửi phái đoàn ngoại giao do Phan Thanh Giản cầm đầu sang Pháp để thăm dò thái độ của Pháp để căn cứ vào đó mà có được những cuộc thương lượng minh bạch. Song ngay khi đến Pháp, phái đoàn Phan Thanh Giản đã bị các chức sắc của Hội thừa sai Paris phản đối và vận động một cuộc tẩy chay trên báo chí, khiến L.Philippe, vua Pháp từ chối tiếp phái đoàn. Sự thất bại này của phái đoàn Phan Thanh Giản, càng minh họa thêm mối quan hệ khăng khít giữa truyền giáo và thực dân ở Việt Nam. Và, những gì Minh Mạng nghĩ và sẽ làm đối với truyền giáo khi ông ở ngôi không chỉ là những suy nghĩ thiển cận, vô căn cứ.

Trong khi đó, hoạt động của giáo hội Thiên chúa giáo ở trong nước cũng làm cho triều đình Minh Mạng lo ngại. Xét về chính sách đối với Thiên Chúa Giáo dưới thời Minh Mạng có thể xét theo hai thời kì.

Thời kì ngăn cản Đạo (1825-1832)

Bắt đầu từ năm 1825 trở đi thực dân Pháp tăng cường xâm nhập vào Việt Nam dưới mọi hình thức trong đó có hình thức truyền đạo. Hoạt động truyền đạo của các giáo sĩ Pháp đã làm cho mối quan hệ giữa Minh Mạng và Pháp ngày càng trở nên căng thẳng.

Ngày 18 tháng 2 năm 1825, Minh Mạng đã ký một đạo dụ đại ý nói là: “Đạo của người Tây-phương đã làm hư lòng người, làm đồi phong, bại tục…ngài đã ra lệnh cho quan tỉnh, Quảng-nam mỗi khi thấy tầu Pháp đến phải canh giữ cẩn thận và khám xét kỹ càng”[5]

Để quản lí, theo dõi hoạt động truyền giáo, Minh Mạng lệnh cho các giáo sĩ tập trung về kinh đô Huế, chịu sự giám sát của triều đình. Tuy có lệnh như vậy, song các giáo sĩ thừa sai ở phía Bắc đều lẩn trốn, chỉ có mấy giáo sĩ thừa sai ở phía Nam như Jaccard, Odorico, Taberd, Gagelin chấp hành đến Huế, được nhà vua tiếp đãi tử tế, phong cho chức hành nhân, cho lương bổng và giúp nhà vua phiên dịch các tài liệu tiếng nước ngoài.

Năm 1832, Minh Mạng ra dụ: “Cái thuyết thiên đường, tóm lại chỉ là chuyện hoang đường, không có, không có bằng chứng. Hơn nữa nếu không kính thần minh, không thờ tổ tiên thì rất trái với chính đạo. Những việc trái luân lý, hại phong hóa, điều ấy kể ra còn nhiều, thực ra đã phạm đến pháp luật. Đạo ấy quy là tà đạo hơn đạo nào hết”[6]

Năm 1832, nhân vụ giáo sĩ người Pháp có tên là Phạm Văn Kinh ở họ đạo Dương Sơn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên bí mật truyền đạo, cầu kinh. Quan phủ Thừa Thiên nhiều lần gọi đến công đường khuyến cáo nhưng không một ai chịu bỏ đạo. Năm đó, Minh Mạng ra lệnh cho các quan tỉnh “khuyến cáo bỏ đạo, ai thành thực bước qua Thập tự thì miễn tội, nhà thờ, nhà giảng cho hủy diệt đi, ai cố tình không tuân bị tội nặng”[7].

Châu bản triều Nguyễn có ghi lại việc theo dõi Giáo sĩ Phạm Văn Kinh qua bản tâu của Bộ Hình ngày 25 tháng 5 năm Minh Mạng 19 (1838) như sau: Có tên Phạm Văn Kinh, người Tây Dương, tháng 5 năm Minh Mạng 13 (1832), can án về truyền đạo Gia Tô ở làng Cổ Lão, phủ Thừa Thiên bị kết án giảo giam hậu mong ơn phát làm kinh ở phủ Thừa Thiên nhưng vẫn không chừa, ngày đêm giảng đạo tà giáo, lại đày đi đồn phủ ở Ai Lao, sau lại cho trở về an trí ở huyện Cam Lộ. Bộ chúng tôi cho người lên Cam Lộ mật thám xem Phạm Văn Kinh có lén thông tin tức gì chăng. Biết rằng Phạm Văn Kinh ở trên ấy, ngày thường có nhiều người tới lui, tiền bạc ăn tiêu dư giả, và xem bộ kiêu căng không sợ gì cả. Vừa rồi dân Quảng Trị có người theo tà đạo, không chịu bước qua hình chữ thập, vậy xin giao Phạm Văn Kinh cho tỉnh Quảng Trị tra tấn cho ra việc”[8]. Qua đó mới thấy sự cẩn trọng, khoan dung của triều đình Huế đối với các giáo sĩ nước ngoài và vấn đề cấm đạo không đơn giản như các tội phạm khác.

Minh Mạng còn ra lệnh cho các quan lại ở các địa phương tăng cường kiểm soát các vùng duyên hải để đề phòng các họat động truyền giáo của các giáo sĩ. Đồng thời với điều đó, Minh Mạng thực thi chính sách cứng rắn bằng cách đóng cửa tòa lãnh sự Pháp vào năm 1830. Quan hệ giữa triều Nguyễn với Pháp thời kì Minh Mạng trở nên băng giá.

Thời kì cấm Đạo (1833-1839)

Đặc biệt từ sau khi nổ ra cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi ở Phiên an năm 1833, có sự tham gia ở mức độ nào đó cuả giáo sĩ Pháp và giáo dân, nên đã có dụ cấm đạo nghiêm khắc. Nhiều giáo sĩ bị giết, nhiều tín đồ bị xử tử trong đó có cả quan lớn trong triều, nhà thờ bị phá: Giai đoạn cấm đạo bắt đầu.

Việc giám sát và truy bắt các giáo sĩ phương Tây trở nên gay gắt hơn, một số giáo sĩ Pháp bị tội tử hình hoặc chết rũ tù do không tuân thủ pháp luật đã định, đã xảy ra chủ yếu từ thời điểm này, đó là trường hợp của Gagelin (1833), Marchand (1835), Cornay (1837) Jaccard, Borie (1838), Delamotte (1840), …cùng một số linh mục bản xứ.

Đến 25 tháng 1 năm 1836 có dụ kết tội các giáo sĩ Tây-phương bị bắt ở trong nước bị bắt sẽ bị tử hình, kẻ nào chứa chấp sẽ cùng bị án đó.

Để hỗ trợ thêm cho việc lôi kéo và giáo dục dân theo đạo trở về tín ngưỡng và đạo lý truyền thống. Năm 1834, Minh Mạng đã biên soạn một số tài liệu có tên là “Thập Điều giáo huấn”, khuyến dụ dân chúng làm những điều tốt lành phù hợp với đạo đức và văn hóa truyền thống. Xin dẫn trích ra điều 7: Có tên “Sùng chính học”, tức sùng đạo học chân chính. Đây là điều trực tiếp phê phán Thiên chúa giáo là tà đạo, trái với đạo lý, văn hóa truyền thống, cần phải từ bỏ: “Học là cốt học cái đạo làm người. Cho nên người trong thiên hạ không một người nào không phải học, nhưng học cũng phải học chân chính. Ta muốn triệu dân các ngươi chăm chỉ chính học, biết rõ luân lý. Đạo Nghiêu Thuấn chỉ có hiếu đễ mà thôi, đạo Khổng Mạnh thì lấy nhân nghĩa làm đầu. Đó là những điều nên học, còn như tà đạo, dị đoan, chớ để nó lừa dối cám dỗ. Đạo Gia tô lại càng vô lý: trai gái chung đụng nôm tạp, việc làm giống như cầm thú. Gây vây cánh, cổ động gian tà, tự sa vào tội chết. Do đó làm bại hoại luân lý, hư hỏng giáo hóa, không thể tin được. Nếu người nào đã bị dỗ dành thì nên mau chóng bỏ đi. Phàm những việc quán, hôn, tang, tế đều theo lễ tục nước nhà, …” như lời dẫn trong Mạnh Tử: “Dẹp thuyết bất chính, bỏ nết không tốt, gạt lời dâm tà”[9]. Đây là một sáng kiến và cũng là một cố gắng lớn của Minh Mạng, thể hiện thiện chí coi trọng phương thức lấy giáo dục là chính để khuyên dụ nhân dân tu dưỡng đạo đức để trở thành một người dân tốt. Tuy trong điều 7, có những lời lẽ gay gắt đối với đạo Thiên chúa giáo, song nhìn toàn cục thì những điều giáo huấn nói trên của vua Minh Mạng chủ yếu đề cao đức Khổng Mạnh kết hợp với nuôi dưỡng những đức tính, những hành động thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc cho cả nước.

Năm 1835, Phan Bá Đạt, Phó đô ngự sử Viện Đô sát tâu: Cố đạo Mã Song (Marchand) ở Gia Định đồng lõa với Lê Văn Khôi khi bị bắt khai rằng “Thầy thuốc người Tây Dương khoét mắt người sắp chết để chế thuốc”, còn “Tà giáo Tây Dương cho một trai, một gái ở chung một nhà có tường gạch ngăn cách, khi động tình dục, rập cho chúng chết bẹp, ép lấy nước xác chết, hòa làm bánh cho người theo đạo ăn khiến cho họ mê đạo không bỏ được”; rồi nge nói “Trai gái lấy vợ, lấy chồng, đạo trưởng đem người con gái vào nhà kín với danh nghĩa giảng đạo thực ra để dâm ô…”[10]. Những chuyện này được phịa ra trong dân gian và Quan Đô ngự sử Phan Bá Đạt đã khéo thêu dệt thành những mẫu chuyện ly kỳ, hấp dẫn nên dễ gây ấn tượng trong triều đình và tạo nên sự phẫn nộ trong công chúng. Việc giết đạo từ đó càng khốc liệt hơn.

Từ năm 1825-1838 có 4 Giám mục, 9 Linh mục ngoại quốc, 20 Linh mục người Việt và hàng trăm giáo dân bị sát hại[11].

Tháng 10 năm 1839, Minh Mạng ban hành dụ cấm đạo: Buộc tất cả những người theo đạo phải bỏ đạo trong vòng một năm, xây dựng chùa chiền vào những nơi trước đây xây dựng nhà thờ. Tất cả thần dân phải tích cực trông nom chùa chiền.

Dụ cấm đạo mới này đã gây sự căm phẫn trong giáo đồ và giới chức Thiên chúa giáo, làm chấn động xã hội. Tuy thế, số giáo dân dưới thời Minh Mạng vẫn được tiếp tục tăng, vào năm 1840, cả nước có 3 Giám mục, 2 Phó giám mục, 24 Linh mục ngoại quốc, 144 Linh mục người Việt và 420.000 giáo dân[12]. Như vậy so với năm 1800, số giáo dân trong cả nước đã tăng thêm 110.000 người.

Một vài nhận xét

Qua những nội dung về diễn trình chính sách của vua Minh Mạng đối với Thiên chúa giáo như đã cung cấp ở trên, chúng ta có thể thấy rõ, chính sách của Minh Mạng từ đầu đến cuối là cả một quá trình, nhìn chung chính sách đó khá mềm dẻo, có tình, có lí do. Về chủ trương, Minh Mạng không hề có ý tận diệt ngay Thiên chúa giáo hoặc tàn sát giáo dân hàng loạt, mục tiêu đặt ra chỉ là: trước mắt, hạn chế sự truyền bá của đạo Thiên chúa. Sau này do sự tác động của biến cố này hoặc biến cố khác, chính sách đó chuyển từ cản đạo đến cấm đạo và việc cấm đạo ngày càng trở nên gay gắt gơn.

Bối cảnh lịch sử trong nước và quốc tế thế kỷ XIX đã ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến chính sách của vua Minh Mạng đối với đạo Thiên chúa. Nhìn một cách toàn diện và đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể bấy giờ, chúng ta có thể thấy rõ những chính sách đó có những mặt tích cực, đó là bảo toàn nền văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của dân tộc, ngăn chặn những thế lực lợi dụng tôn giáo để xâm phạm chủ quyền quốc gia.

Nhưng những chính sách đó cũng có mặt hạn chế, hạn chế cơ bản nhất là nếu đặt nước ta trong bối cảnh thế giới và trong nước ở thế kỷ XIX với xu thế tư bản hóa, thực dân hóa diễn ra mạnh mẽ thì vua Minh Mạng nói riêng và nhà Nguyễn nói chung đã ra sức củng cố chế độ quân chủ chuyên chế, đang nổ lực đề cao vị trí độc tôn của Nho giáo, từ chỗ coi Nho giáo là khuôn vàng, thước ngọc “vững vàng, anh minh như bầu trời”, những gì sai trái với khuôn vàng, thước ngọc ấy đều xấu xa, sai trái, các tôn giáo khác trong đó có đạo Thiên chúa đều là tà đạo, phải chăng là không còn phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của đất nước thời bấy giờ. Minh Mạng coi việc cản đạo đi đến cấm đạo Thiên chúa cũng là một chính sách lớn để ổn định trật tự xã hội và phòng ngừa sự dòm ngó của các thế lực phương Tây, nhất là Pháp.

Trên thực tế thì ở Pháp có ba lực lượng cấu kết với nhau: Chính quyền đại diện là nhà vua, có hoàng gia và giới quý tộc ủng hộ. Giáo hội với các nhà truyền giáo ở khắp các nơi và một số tín đồ lớn bao gồm cả hoàng gia, quý tộc và dân chúng.Tư bản gồm các nhà kỹ nghệ, kinh doanh trong đó có cả người của hoàng gia, quý tộc và dân chúng. Lợi ích của ba lực lượng này quyện chặt vào nhau. Vả lại ảnh hưởng của giáo hội Công giáo rất mạnh đối với chính quyền. Trong khi ấy, chính sách đi từ cản đến cấm đạo của vua Minh Mạng đã khiến cho các giáo sĩ gặp khó khăn cho việc truyền đạo và tự nhiên hai lực lượng trên phải có phản ứng. Việc cấm đạo làm cho quân Pháp phải can thiệp mà quân Pháp can thiệp thì sự cấm đạo ngày càng nhanh và mạnh hơn nữa. Theo cá nhân tôi nghĩ nó như một cái vòng luẩn quẩn, không tìm được lối thoát cho cái vòng bế tắc ấy thì tất yếu chỉ có thể giải quyết bằng chiến tranh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Đỗ Bang, “Chính sách của triều Nguyễn đối với Thiên chúa giáo”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 1/2010.
Trương Bá Cần, Phạm Cao Dương, Lê Văn Hảo, Nguyễn Khắc Ngữ, Trần Trọng Phủ, Lý Hánh Trung (1967), Kỷ Niệm 100 năm ngày Pháp chiếm Nam Kỳ (20-6-1867 – 20-6-1967), Nhà in Thế giới 225-227, Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn.
Nguyễn Văn Kiệm (2001), Sự du nhập của đạo Thiên chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, Hội Khoa Học Lịch sử Việt Nam, Trung Tâm UNESCO Bảo Tồn Và Phát Triển Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam.
Nhiều tác giả (2011) (Tái bản lần thứ nhất), Lịch sử nhà Nguyễn một cách tiếp cận mới, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm – Trung tâm Văn hóa Tràng An, Hà Nội.

—————————-

Chú thích:

[1] Lớp 4C, Khoa Lịch Sử, Trường Đại học sư phạm – Đại học Huế
[2] Louis Philippe làm vua Pháp từ năm 1830-1848.
[3] Điều ước 1787 kí kết giữa chính phủ Pháp và người đại diện của Nguyễn Ánh là Pigneau de Beshaine.
[4] Có sách nói là phái đoàn sang thương thuyết về việc xin rút các nhà truyền giáo về nước. Nhưng khi phái đoàn sang đến nơi thì hội Ngoại-quốc truyền-đạo xin chính phủ không tiếp nên phái đoàn phải ra về.
[5] Trương Bá Cần, Phạm Cao Dương, Lê Văn Hảo, Nguyễn Khắc Ngữ, Trần Trọng Phủ, Lý Hánh Trung (1967), Kỷ Niệm 100 năm ngày Pháp chiếm Nam Kỳ (20-6-1867 – 20-6-1967), Nhà in Thế giới 225-227, Phạm Ngũ Lão, Sài Gòn, tr.34.
[6] Đỗ Bang, “Chính sách của triều Nguyễn đối với Thiên chúa giáo”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 1/2010, tr.46.
[7] Đỗ Bang, “Chính sách của triều Nguyễn đối với Thiên chúa giáo”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 1/2010, tr.46.
[8] Đỗ Bang, “Chính sách của triều Nguyễn đối với Thiên chúa giáo”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 1/2010, tr.46-47.
[9] Nguyễn Văn Kiệm (2001), Sự du nhập của đạo Thiên chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, Hội Khoa Học Lịch sử Việt Nam, Trung Tâm UNESCO Bảo Tồn Và Phát Triển Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam, tr.209-210.
[10] Đỗ Bang, “Chính sách của triều Nguyễn đối với Thiên chúa giáo”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 1/2010, tr.47.
[11] Đỗ Bang, “Chính sách của triều Nguyễn đối với Thiên chúa giáo”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 1/2010, tr.47.
[12] Đỗ Bang, “Chính sách của triều Nguyễn đối với Thiên chúa giáo”, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 1/2010, tr.47.

Theo NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Tags: , , , ,