⠀
Sự nghiệp huyền thoại của nhà cách mạng Che Guevara
Che Guevara (1928 – 1967) là một trong những nhà cách mạng lỗi lạc nhất của thế kỉ 20. Không ai có thể phủ nhận Che luôn là một huyền thoại đầy sức cuốn hút, một biểu tượng anh hùng cách mạng của tất cả mọi dân tộc trên thế giới không riêng gì ở Cuba và các quốc gia vùng Châu Mỹ Latin. Một nhân cách lớn, một tấm gương sáng ngời về ý chí và nghị lực để các thể hệ hôm nay và tương lai noi theo.
Che tên thật là Ernesto Guevara de la Serna nhưng ông chỉ thường lấy tên hiệu là Che do thói quen sử dụng từ này khi xưng hô với bạn bè (“Che” trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “bạn”, và biệt danh này của ông là do Nico López một người Cuba lưu vong mà ông gặp trong phong trào 26 tháng 7 đặt cho). Che luôn là biểu tượng của hy vọng và niềm tin tuyệt đối, là tấm gương sáng ngời cho tinh thần quốc tế vô sản, một con người đấu tranh quên mình cho những lý tưởng và những hoài bão của mình về một thế giới tốt đẹp hơn cho những người dân Mỹ Latin và người dân các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Toàn bộ cuộc đời ông là cuộc chiến đấu không mệt mỏi bảo vệ cho lẽ phải, cho niềm tin của mình. Chính hình tượng này đã tạo nên một thiên anh hùng ca cách mạng trên toàn thế giới, nó khiến Che trở thành một huyền thoại sống, một con người ‘trở thành bất tử vì chính những kẻ không bao giờ muốn ông sống.
Che sinh năm 1928 tại Rosario, Argentina và từng tốt nghiệp đại học Buenos Aires năm 1953 chuyên ngành y. Là một người bạn thân thiết của Fidel Castro, ông đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến đấu vì đất nước Cuba. Sau khi qua đời, Che đã có được một vị trí huyền thoại trong trái tim hàng triệu người trên khắp thế giới và hình ảnh của Che đã trở thành một biểu tượng cho lòng nghĩa hiệp, chiến đấu vì lí tưởng cao đẹp của nhân loại.
Cuộc đấu tranh vì Cuba
Năm 1951, Che cùng người bạn thân Alberto Granado khởi hành trên chiếc xe gắn máy và trong vòng 8 tháng, họ đã đi qua 5 nước. Trên đường đi, họ đã tận mắt chứng kiến và trải qua cảnh nghèo khổ, bệnh tật vốn đang hoành hành trên đất Mỹ Latinh. Những quốc gia này đang bị các chế độ tài thống trị, và Che đã kết luận rằng người dân nơi đây đang bị bóc lột bởi những tham vọng bá chủ thiên hạ của đế quốc Mỹ, một quốc gia muốn sử dụng những tên độc tài này để chuộc lợi cho mình.
Năm 1952, ông tham gia một vụ bạo động đòi lật đổ chế độ độc tài Juan Peron tại Argentina. Năm 1954, khi này ông đã tốt nghiệp Đại học và một lần nữa quay trở lại Mỹ Latinh, Che có mặt ở Guatemala khi chính phủ mới thành lập của Jacobo Arben bị một lực lượng được Mỹ hậu thuẫn đảo chính. Ông rời Guatemala, đến Mexico và tham gia vào một tổ chức của những nhà cách mạng Cuba lưu vong đang hoạt động với mục đích lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista. Tại đây, Che gặp Fidel Castro và tháng 11/1956, họ đã cùng quay trở về Cuba để bắt đầu các cuộc đấu tranh vũ trang. Đây có lẽ là bước ngoặt quan trọng nhất trong cuộc đời ông, nó khiến ông gắn bó với cách mạng Cuba, với đảo quốc sinh đẹp này và cả với những người dân nơi đây. Trong tim mỗi người dân Cuba ông luôn là người con của mảnh đất xinh đẹp này.
Lúc đầu, Che phục vụ trong quân đội với nhiệm vụ là bác sĩ, nhưng đến tháng 7/1957, ông trở thành Tổng tư lệnh lực lượng du kích đầu tiên. Tháng 12/1958, lực lượng nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Che đã giành chiến thắng trong trận đánh Santa Clara. Chiến thắng này có ý nghĩa quyết định dẫn đến chiến thắng cuối cùng của chiến dịch vào ngày 1/1/1959. Đập tan chế độ độc tài Batista.
Che trong chính phủ
“Cuộc cách mạng của chúng ta đã làm đổ vỡ mọi lý thuyết của những “nhà chiến lược xe lăn”. Chúng ta phải tiến hành cuộc cách mạng ruộng đất, và chiến đấu để thay đổi từng cánh đồng, từng ngọn đồi và sau đó sẽ tiến hành cách mạng vào các thành phố” – Che
Ngày 7 tháng 2 năm 1959 Che được trao quyền công dân Cuba như một tưởng thưởng cho đóng góp của ông cho đảo quốc này. Ông tham gia soạn thảo dự Luật cải cách nông nghiệp. Sau đó ông được bổ nhiệm giữ cương vị Trưởng ban công nghiệp của viện cải cách ruộng đất Quốc Gia, quyết định tịch thu ruộng đất tư hữu được ban hành. Ngày 26 tháng 11 năm 1959,Che Guevara được bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng quốc gia. Tuy nhiên, có vẻ đây không phải là một vị trí thích hợp với ông, bởi Che rất coi thường đồng tiền, và ông thể hiện điều này bằng cách ký trên các tờ tiền mới chỉ với bí danh của mình. Dù Che không còn nhớ chính xác về diễn biến của sự kiện này nhưng bản thân câu chuyện làm ông thêm uy tín. Theo lời ông kể, trong một buổi họp cấp cao, Fidel chợt hỏi xem có ai trong số những người tham dự là một nhà kinh tế (economist) không. Thiếu tá Che lúc đó chắc đầu óc đang mơ màng, tưởng rằng Fidel hỏi có ai là người cộng sản (communist) không, bèn giơ tay xác nhận. Thế là trách nhiệm được giao cho ông.
Tháng 2/1961, ông nắm giữ vị trí Bộ trưởng Công nghiệp, và với nhiệm vụ này, ông thường xuyên đi khắp thế giới trên cương vị là một đại sứ Cuba.
Che tăng cường các quan hệ kinh tế với Liên Xô và điều này khiến Liên Xô rất mừng vì họ đã có một đồng minh cộng sản nằm rất gần với nước Mỹ. Tuy nhiên, nền kinh tế Cuba đã không phát triển như mong đợi và trong 3 năm tiếp đó, Che không còn nhận được sự tín nhiệm từ các đồng chí mình nữa. Đến năm 1964, Che cảm thấy không còn thân thiết với Liên Xô và bày tỏ mong muốn được phát triển cách mạng đến các nước khác ở Mỹ Latinh và châu Phi. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Cuba lại đang tập trung giải quyết các vấn đề cách mạng trong nước. Và mâu thuẫn này đã dẫn tới việc Che không còn được Chính phủ trọng dụng nữa. Nhưng nguyên nhân chính của việc này là Che đã không còn tin tưởng vào Liên Xô như những năm trước đây và điểm mấu chốt của vấn đề là bài diễn văn phát biểu của ông tại Algeria ngày 25 tháng 2 năm 1965 chỉ trích mạnh mẽ khối Xô Viết đã không giúp đỡ được cuộc đấu tranh giải phóng nhân dân bị áp bức trên thế giới. Ông nói: “Nếu chúng ta tạo nên mối quan hệ như thế giữa hai nhóm quốc gia, thì ít nhất chúng ta phải đồng ý rằng các quốc gia Xã hội chủ nghĩa, ở một mức độ nào đó, đã đồng lõa với sự bóc lột đế quốc…Các nước Xã hội chủ nghĩa phải có trách nhiệm đạo đức chấm dứt sự đồng lõa ngầm với các quốc gia bóc lột Phương Tây.” Khi đưa ra những đề nghị kiểu này, Che như đang thách thức những người ủng hộ ông ở Havana. Vấn đề là liệu Fidel có tha thứ cho một thành viên trong chính phủ của ông có những lời phê phán Liên Xô công khai hay không? Những sự kiện sau này đã chứng tỏ bài diễn văn của Che đọc tại Angeria đã đánh dấu điểm mốc không trở lại với con đường chính trị thực dụng.
Tác giả người Pháp, Jean Cormier, người công khai ủng hộ Fidel, lập luận rằng “Che không thể ở lại Cuba và Che cũng không muốn như vậy”, vì biết rằng “ông đã trở thành gánh nặng cho Fidel do Matxcova không còn thân thiện với ông nữa”. Nhà văn người Mexico, Jorge Castanela, đã gắn quyết định ra đi của Che với cuộc tranh cãi gay gắt với Fidel, và nhất là với Raul Castro, nhân vật thân Liên Xô nhất. Cuối cùng nhà viết tiểu sử về Che, Paco Taibo cố gắng giải quyết điều bí ẩn bằng cách nhìn vấn đề ở một góc độ khác. Ông cho rằng câu hỏi tại sao Che rời Cuba chỉ có thể được trả lời bằng một câu hỏi khác: Tại sao Che lại ở Cuba lâu đến vậy? Một trong nhiều lý do tại sao đã không có tiểu sử nào của Che được xuất bản ở Cuba là vì nó đụng đến việc phải giải thích điểm này.
Quyết địng rong ruổi của Che được sự hậu thuẫn của Fidel, Castro hiểu rằng nền độc lập của Cuba dựa trên việc mở rộng phạm vi ảnh hưởng của nó. Đối với Che, đây là cơ hội được chiến đấu ở “những điểm nóng nhất trên thế giới”. Sự nhất quán giữa những bài viết của Che và cuộc đời của ông đã tạo nên một tác phẩm duy nhất. Ngay cả khi giấc mơ không tưởng đã sụp đổ, kết quả của “những sai lầm không lường trước” xuất phát từ bản chất nghịch lý của Che – sự nhất quán giữa hành động và ý tưởng của ông vẫn được giữ cho đến cuối cuộc đời.
Quan hệ với châu Phi
Tháng 4/1965, Che rời Cuba sang Congo, một đất nước nhỏ bé khác ở châu Phi, nơi ông đã dành hàng tháng trời huấn luyện cho lực lượng du kích Congo. Tên độc tài Mobutu lên nắm quyền đất nước sau vụ Patrice Lumumba bị ám sát . Che đã rất nỗ lực ủng hộ Laurent Kabila vào vị trí này và yêu cầu Mobutu phải từ bỏ quyền lực (chỉ đến năm 1997, tức 32 năm sau, Kabila mới lật đổ được chế độ độc tài Mobutu).
Cách mạng Congo thất bại. Tháng 7/1966, Che bí mật trở về Cuba, và chỉ có các đồng minh thân cận mới biết sự có mặt của ông trên đảo quốc này.
Bolivia – đoạn cuối một chặng đường
“Bạn phải tiến hành cuộc chiến ở bất cứ nơi nào kẻ thù bạn xuất hiện: tới nhà cửa của chúng, tới nơi chúng nghỉ ngơi, … Bạn phải tấn công bất cứ khi nào bạn tìm thấy chúng, khiến chúng cảm thấy như là một con thú hoang bị lùng sục ở bất cứ nơi đâu chúng đi” – Che
Tháng 10/1966, Che đến Bolivia. Ông đã thiết lập được một đội quân du kích chống lại chế độ độc tài quân sự của Barrientos. Một vài cuộc đụng độ đã diễn ra trong các tháng sau đó cho tới khi một kẻ giấu tên đã tiết lộ nơi Che cùng quân du kích đang chiến đấu. (tên này trước đây cũng ở trong hàng ngũ quân du kích). Một lực lượng đặc nhiệm Bolivia do Felix Rodriguez, một gián điệp CIA dẫn đầu đã lùng sục và bắt được ông tại Quebrada del Yuro vào ngày 8/10/1967, lúc đó ông đang bị thương ở chân (ở đùi phải ngay trên đầu gối). Simeon Cuba người mà trong quyển nhật ký của mình Che đã hơn một lần thắc mắc về lòng tin vào cách mạng của anh ta – đã xốc vị chỉ huy của mình, với một chân rướm máu và cơn hen suyễn dữ dội, và đặt ông lên lưng mình. Có một khoảnh khắc trữ tình khó tin khi Cuba xốc Thiếu tá của mình đứng dậy và không chịu bỏ rơi ông. Ba người lính đưa súng lên ngắm bắn, nhưng chỉ nghe Cuba kêu lên: “Khốn kiếp! Đây là thiếu tá Che, tụi bay phải biết kính trọng chứ!”. Hai người bị bắn gần như ngay lập tức.
Biết tin Che bị bắt, Barrientos lập tức ra lệnh xử tử Che. Ngày hôm sau, Che được đưa đến một ngôi trường đổ nát gần làng La Higuera và chiều hôm đó, ông đã bị giết. Che đã bị bắn hàng loạt đạn vào chân, còn khuôn mặt ông vẫn được giữ nguyên nhằm mục đích nhận dạng và để chúng nói dối rằng ông qua đời vì bị thương chứ không phải bị xử tử. Những lời cuối cùng mà Che đã nói với Mario Teran, người thực hiện lệnh xử bắn Che là: “Bắn đi, đồ hèn, mày sắp sửa giết chết một con người”. Hắn lùi lại, nhắm mắt và bóp cò. Thêm một loạt súng thứ hai vang lên, rồi một tên lính khác bắn bồi phát cuối. Đó là ngày 9 tháng 10 năm 1967, đồng hồ chỉ 1 giờ 10 phút chiều. Sau đó, thi thể Che được trực thăng đưa về một bệnh viện ở làng Vallegrande và báo chí đã chụp hình, đưa tin về cái chết của Che.
Phải đến ngày 15/10/1967, Fidel Castro mới nhận được tin Che đã hi sinh. Fidel tuyên bố để quốc tang 3 ngày trên toàn lãnh thổ Cuba.
Tuy nhiên, sau đó chính quyền Bolivia không công bố địa điểm cất giữ thi hài Che với hi vọng huyền thoại về Che rồi cũng sẽ đi vào quên lãng. Thế nhưng chúng đã lầm, mọi hi vọng của chúng đều tan vỡ bởi tinh thần “chết vì nghĩa” của Che đã trở thành một biểu tượng cao đẹp trong trái tim hàng triệu người yêu hoà bình trên khắp thế giới và Che trở thành một trong những thần tượng của thế kỉ 20.
Che bây giờ
“Nếu chúng ta muốn bày tỏ chúng ta mong muốn người đàn ông của những thế hệ tương lai như thế nào, chúng ta phải nói rằng: Hãy giống như Che! Nếu chúng ta muốn nói chúng ta mong muốn trẻ em chúng ta được giáo dục như thế nào, chúng ta sẽ không ngần ngại mà nói rằng: Chúng ta muốn trẻ em được giáo dục theo tinh thần của Che!” – Fidel Castro
Năm 1997, thi thể của Che được tìm thấy ở Bolivia sau khi Jon Lee Anderson (người lúc đó đang làm việc về tiểu sử của Guevara) nhận được thông tin về địa điểm chôn cất ông ở đâu. Sau đó, thi thể của ông đã được chuyển về Cuba.
Ngày nay, hình ảnh của Che được tìm thấy khắp nơi, từ trên các tấm ảnh, các móc treo chìa khoá, các áo phông cho tới trên bức tường của các toà nhà lớn. Bức chân dung của Che đã trở thành biểu tượng của sự phản kháng và những hồi ức về ông vẫn là nguồn sức mạnh cho những con người bị áp bức.
Theo CHE-VIETNAM.COM
Tags: Che Guevara, Chủ nghĩa quốc tế, Cộng sản