Chỉ dẫn của Karl Marx dành cho sự bất định của thế kỷ 21

Grundrisse – một văn bản của Marx, ngẫu hứng và ít phổ biến hơn so với bộ Tư bản – thích hợp một cách hoàn hảo để giúp chúng ta hiểu rõ những cuộc khủng hoảng hỗn loạn đan xen nhau của những năm 2020.

Tác giả: Samuel Mcllhagga, nhà phê bình sách, cây bút nhiều lĩnh vực về đối ngoại, văn hóa, lý thuyết chính trị người Anh.

Nguồn: Gen Z Has Finally Found Its Karl Marx; Samuel Mcllhagga; Foreign Policy; 28/5/2023.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.

Một trong những sự kiện đáng nhớ của thế hệ Millennials (những người sinh từ 1981-1996 – Người dịch), với một số người, là sự tái khám phá Karl Marx. Nhiều phong trào dân túy cánh tả nổi lên trong thế giới phương Tây sau cuộc đại khủng hoảng năm 2008 như Chiếm đóng phố Wall đã định hướng nguồn năng lượng trí óc của họ vào tác phẩm của nhà tư tưởng thế kỷ 19, đặc biệt là văn bản kinh điển Tư bản (1867) của Marx và những khám phá của nó về cách thức suy thoái tái diễn trong các chu kỳ kinh doanh.

Sự khan hiếm (khái niệm kinh tế học biểu thị mối quan hệ giữa tính có hạn của nguồn lực kinh tế và tính vô hạn của nhu cầu xã hội về hàng hóa và dịch vụ – Người dịch) tương đối trong kinh tế học mà thế hệ thiên niên kỷ đối mặt sau năm 2008 và những hiểu biết sâu sắc mà Marx đem lại đã giúp phần lớn cánh tả đương thời đổi hướng, rời xa lý thuyết ngôn ngữ học hậu hiện đại từng là lý thuyết thời thượng thống trị giới học thuật Mỹ những năm 1990. Nhu cầu giải thích sự suy giảm mức sống và thất nghiệp đã được ưu tiên hơn việc phân tích lý thuyết phức tạp của người Pháp. Thái độ duy vật này đã tìm đường đến với các phong trào chính trị bao gồm các chiến dịch của Jeremy Corbyn và Bernie Sanders lần lượt ở Anh và Mỹ, và những đảng phái mới ở lục địa châu Âu như Syriza ở Hy Lạp, Podemos ở Tây Ban Nha, và La France Insoumise ở Pháp.

Năm 2019 và 2020 đã chứng kiến thất bại trong các cuộc bầu cử cho hầu hết những dự án này. Nhưng thất bại đó đến ngay đúng lúc thế hệ kế tiếp đón nhận Marx của riêng mình. Theo nhiều nhà phân tích, chủ nghĩa dân túy cánh tả của thế hệ Millennials không thể nắm bắt được sự chia nhỏ xã hội do công nghệ thúc đẩy đang gia tăng, không thể khái quát hóa một cách đầy đủ động thái hướng đến một trục đa cực mới xoay quanh quan hệ Trung Quốc – Mỹ hay trình bày một cách thuyết phục về những mối đe dọa từ tự động hóa robot và sự sụp đổ sinh thái.

Không phải là Marx không thể giúp thế hệ hậu COVID-19 hiểu những hình thức gia tăng sự xáo trộn tự nhiên, kinh tế và xã hội của chính họ. Nhưng Gen Z (những người sinh từ 1997-2012 – Người dịch) sẽ khôn ngoan khi đánh đổi Tư bản của Marx lấy tác phẩm Grundrisse bị lãng quên từ lâu của ông. Và giờ đây cuốn này có sẵn một hướng dẫn mới hữu ích là cuốn “Bạn đồng hành với Grundrisse” (A companion to Marx’s Grundrisse) của David Harvey.

Grundrisse, tên đầy đủ là “Grundrisse der Kritik der politischen Ökonomie”, là bản nháp của công trình phê phán kinh tế chính trị được Karl Marx thảo giữa năm 1857 và 1858, về sau kết tụ dưới dạng bộ ba cuốn Das Kapital. Bản thảo này chứa một số ý nghĩ không xuất hiện trong các trước tác khác của Marx, khiến nó trở thành một bộ phận không thể thiếu trong việc diễn giải tư tưởng của ông.

Harvey, giáo sư người Anh 87 tuổi có giọng nói êm ái đến từ hệ thống trường Đại học thành phố New York, tình cờ cũng là người có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đội ngũ tích cực với Marx sau khủng hoảng 2008. Hướng dẫn cho bộ Tư bản của ông (cuốn “Bạn đồng hành với Tư bản của Marx” / “A companion to Marx’s Capital”) xuất bản năm 2010, rất nổi tiếng, vượt qua thực tế rằng nội dung của nó là một luận văn kinh tế trừu tượng, khó hiểu, phức tạp một cách đáng sợ. Đáng chú ý, tập đầu loạt video Youtube “Đọc tập 1 Tư bản của Marx” (Reading Marx’s Capital Vol I) ra mắt cùng năm đã có gần 1 triệu lượt xem.

Giống như Tư bản đã đem đến định hướng giữa Đại khủng hoảng, Grundrisse – và diễn giải về nó của Harvey – có thể là một hướng dẫn không thể thiếu để điều hướng tình hình chính trị hiện nay của chúng ta, đặc biệt là khi nói về vấn đề làm cách nào để đương đầu với một trí tuệ nhân tạo đang phát triển nhanh chóng và sự vươn lên liên tục, dường như không dễ khuất phục của Trung Quốc.

Grundrisse là tuyển tập các ghi chép chưa được xuất bản của Marx bao gồm toàn bộ các chỉ trích kinh tế chính trị cổ điển của ông. Nó rời rạc hơn và lộn xộn hơn Tư bản về hình thức và bao gồm nhiều cơ sở hơn, từ nghệ thuật, lịch sử cổ đại, địa lý đến công nghệ cũng như các đề tài kinh tế được mong đợi, ví dụ như các quan hệ giữa sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng trong chủ nghĩa tư bản công nghiệp thế kỷ 19. Harvey trình bày Grundrisse như là lời giải thích một chuỗi lớn những hệ thống cơ học trùng lặp nhau và không ngừng phát triển, lý giải một bộ bách khoa toàn thư các hiện tượng hiện đại gồm tiền bạc, những hình thức nô lệ tư bản chủ nghĩa, sự biến đổi các công cụ thành máy móc, và sự trỗi dậy của vai diễn kinh tế duy lý trong các lý thuyết kinh tế chính trị như David Ricardo, Adam Smith, Thomas Malthus.

Lời giải thích có tính tiên tri cao nhất của Marx trong Grundrisse là cái thường được gọi là “Sự phân đoạn máy móc” (Fragment on Machines). Phần này, ở khoảng giữa sách, vạch ra cách mà đầu tư tư bản trong máy móc sản xuất phức tạp sẽ thay đổi hoàn toàn tính chủ quan của con người, nói ngắn gọn là, bằng cách biến đổi quan hệ của con người với các công cụ của họ từ quan hệ làm chủ sang quan hệ lệ thuộc và tha hóa (ví dụ, hãy thử nghĩ đến sự khác nhau giữa người thợ mộc truyền thống và người công nhân trong một xưởng sản xuất nội thất lớn). Trong Grundrisse, Marx chia sẻ niềm lạc quan với Thung lũng Silicon về tiềm năng thay đổi công nghệ nhanh chóng nhưng ông cũng hoài nghi nhiều hơn về những tác động không thể kiểm soát trong ngắn hạn mà máy móc sẽ ảnh hưởng lên con người.

Marx xem sự gia tăng các cỗ máy tự điều khiển trong sản xuất là một điều tất yếu sẽ làm cho đa số người lao động bị tha hóa trong công việc của mình. Ông lập luận trong Grundrisse rằng, người lao động sẽ “được đặt dưới quy trình tổng thể của chính bộ máy… mà sự thống nhất của nó không tồn tại trong các công nhân đang sống mà ở trong máy móc sống, đối đầu với những công việc tầm thường, cá nhân của anh ta với tư cách là một sinh vật hùng mạnh.””.

Nhưng Marx không phải là người phản đối công nghệ mới. Rất tương đồng với sự lạc quan của các giám đốc điều hành công nghệ lớn ở California, Marx cho rằng tự động hóa có thể giải phóng con người khỏi “lao động cần thiết” của tái sản xuất xã hội. Tuy nhiên, trong Grundrisse, ông phủ nhận việc các cỗ máy sở hữu tư nhân tìm kiếm lợi nhuận sẽ có thể giải phóng con người khỏi công việc. Thay vì vậy, máy móc sẽ đẩy tiền lương đi xuống và tạo ra một đội quân lớn công nhân thất nghiệp.

Sự sa thải do thay đổi công nghệ đã đi qua nhiều vùng ở thế giới phương Tây. Dù tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện nay là thấp, những nhân viên thạo nghề trong các nhà máy thép và sản xuất xe hơi trước đây bây giờ đang thất nghiệp hoặc làm các công việc lương thấp trong ngành dịch vụ, hoặc chen lấn trong thị trường việc làm thời vụ. Các dự đoán về máy móc của Marx đã chứng tỏ chúng chính xác hơn dự đoán của các nhà kinh tế tự do, ví dụ như John Maynard Keynes, người đã tiên đoán rằng máy móc sẽ giảm thời gian làm việc và tăng thời gian rảnh ngày càng nhiều hơn trong cuốn “Các khả năng kinh tế cho con em chúng ta” (Economic Possibilities for our children) xuất bản năm 1930.

Theo Marx và những người đi theo ông, để tránh trở thành những phụ tá quá tải công việc cho những cỗ máy tiên tiến và bị trả lương thấp hoặc kiếm sống bằng cách làm những người thụ hưởng vô dụng của nhà nước, trong các hệ thống phúc lợi nhỏ bé hoặc những hệ thống thu nhập cơ bản phổ biến rộng rãi hơn, các công nhân cần giải phóng công nghệ khỏi “hình thức giá trị” – một kỹ thuật đo lường sản lượng và giá cả thông qua thời gian lao động con người mở rộng. Theo Marx, máy móc nên được dùng để giảm thời gian lao động cần thiết, giải phóng con người để theo đuổi các hình thức công việc cao cấp hơn. Điều quan trọng là Marx không chống đối công việc. Tuy nhiên, ông cho rằng máy móc cần phải trở thành những công cụ được con người điều khiển một cách sáng tạo nhiều hơn là những hệ thống được thiết kế để làm điều ngược lại.

ChatGPT đưa ra cho Gen Z một vấn đề hóc búa tương tự như các cỗ máy kéo sợi đặt ra cho những người thợ dệt năm 1720: một công nghệ làm gia tăng gấp đôi sản lượng mà không đảm bảo bất kỳ sự gia tăng nào về tiền lương, thời gian nghỉ ngơi hay cơ hội công việc mới. Dù ChatGPT không xuất hiện trong phân tích của Harvey – chatbot này ra mắt cuối năm 2022 – Harvey đã bàn luận về các mô hình trí tuệ nhân tạo ngôn ngữ lớn, viết rằng ông nghi ngờ việc công nghệ sẽ được các tập đoàn (cũng có thể bị bán lại với giá rẻ hơn) ứng dụng một cách vui sướng. “Chúng ta cần biết rõ là các nhà tư bản không quay sang AI vì họ muốn hoặc ước ao nó (sự thật là, nhiều người sợ hãi nó)” Harvey viết, “mà là vì sự cạnh tranh ép buộc họ phải dùng nó dù họ có mong muốn hay không”.

Marx vẫn hy vọng là, sự tiến bộ sẽ cho phép nhân loại khai thác các công cụ mới để giải phóng chính mình. Nghịch lý là, niềm tin vào tiềm năng giải phóng của công nghệ, từng là giáo điều của một Liên Xô công nghiệp hóa nhanh chóng, sang thập niên 1990 được truyền lại cho các nhà công nghệ không tưởng tự do, các nhà hoạt động ủng hộ sử dụng mật mã và bảo mật (cypherpunk), các nhà phát triển phần mềm nguồn mở của Thung lũng Silicon. Dù vậy, sau khủng hoảng dotcom 2001, 2002, quan điểm ai-cũng-được-chiến-đấu này được đưa vào các tập đoàn công nghệ lớn và phần mềm thương mại nguồn đóng. Trong phần lớn giai đoạn cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, giới cánh tả đã hoài nghi sâu sắc tiềm năng của công nghệ, theo đuổi những hình thức chủ nghĩa nguyên thủy vô chính phủ và chống đối tập đoàn (và thường là chống đối công nghệ), thay thế toàn cầu hóa trong những cuộc biểu tình chống Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 1999. Cánh tả đương thời ở Mỹ giờ đây mới quay lại với lập trường ủng hộ công nghệ, ví dụ như Green New Deal (Thỏa thuận Xanh Mới) do thượng nghị sĩ Bernie Sanders và hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez đề xuất.

Không chỉ có Thung lũng Silicon dẫn đầu sự tăng tốc công nghệ như một phương thức giải phóng trong những năm 1990. Theo một cách rất khác, giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng sự trì trệ về công nghệ của Liên Xô đã góp phần gây ra sự sụp đổ của đất nước này. Mỉa mai thay, đối với Trung Quốc, để duy trì hệ thống cộng sản của mình trong thế kỷ 21, sự đổi mới bị giới hạn của chủ nghĩa tư bản đã được tháo gỡ để thúc đẩy tăng trưởng công nghệ. Giờ đây, năm 2023, Bắc Kinh gần như đuổi kịp Washington, như Moskva đã làm được trong những năm 1940 và 1950 với tư cách là một cường quốc nghiên cứu và phát triển.

Thành tựu kinh tế vô cùng lớn của Trung Quốc kể từ những cải cách của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình những năm 1970 và 1980 đã cho phép những năng lực sản xuất tư bản to lớn dưới sự giám sát của cơ cấu nhà nước cộng sản – sẽ làm cho Marx hiếu kỳ và có lẽ kinh ngạc. Là một nhà nghiên cứu phương Đông đặc biệt của thời đại mình, trong Grundrisse, ông đã viết về một vài phương thức sản xuất cổ xưa, trong đó có “phương thức sản xuất châu Á” bao gồm vùng viễn đông và đôi khi cả nước Nga. Trong Grundrisse, Marx lập luận rằng, các xã hội châu Á cổ đại đã kết hợp nông nghiệp và sản xuất trong những công xã tự cung tự cấp do một người cai trị đế quốc thống nhất giám sát, với toàn bộ xã hội là tài sản của vị vua này. Marx xem Anh và Đức chứ không phải Nga hoặc Trung Quốc là những điểm nóng tiềm năng cho cách mạng, đánh giá hai nước sau là những kẻ chậm phát triển hoặc hoàn toàn nằm ngoài chủ nghĩa tư bản châu Âu.

Quả thật, Marx nghĩ rằng sự phát triển kinh tế cụ thể nổi lên từ chế độ phong kiến Tây Âu trong thế kỷ 18 và 19 sẽ tiếp tục định hình phần còn lại của thế giới. Marx vừa đúng vừa sai về điều này. Trung Quốc đã tiếp nhận nhiều đặc trưng tư bản chủ nghĩa này nhưng những căng thẳng đang tiếp diễn giữa Bắc Kinh và Washington chứng tỏ rằng sự phát triển chính trị Trung Hoa cũng đặc biệt và khác biệt khi so sánh với những phương thức xuất phát từ cách mạng công nghiệp Anh thế kỷ 18.

Như Harvey đã lưu ý, “Lý thuyết mà [Marx] sáng tạo ra là… được điều kiện hóa bằng cách thức hoạt động của tư bản ở nơi mà chính Marx công nhận là ‘góc nhỏ của thế giới’ của ông. Trong hầu hết cuộc đời trí thức tích cực của mình, ông cảm thấy… rằng việc nghiên cứu chủ nghĩa tư bản công nghiệp Anh đã cho phần còn lại của thế giới thấy bức tranh tương lai của chính họ… Nhưng, đến cuối đời mình, ông bắt đầu nghi vấn liệu giả định này có đảm bảo hay không… Vì vậy, hình ảnh về tương lai của chính chúng ta bây giờ có đang nằm ở Trung Quốc hay không là một phiên bản đương đại thú vị cho nghi vấn này và là một câu hỏi mở để tranh luận”.

Thật ra, sự xâm chiếm thiên nhiên hoang dã và sự phát triển đô thị nhanh đến mức nguy hiểm của Trung Quốc có thể đã góp phần giải phóng virus COVID-19. Những điều đó cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về tương lai của chúng ta trong quan hệ với biến đối khí hậu. Trong khi đó, chính sách ngoại giao bành trướng đối với Đài Loan của Trung Quốc có thể đặt thế giới vào tình thế suy giảm năng lực công nghệ và công nghiệp khi những căng thẳng (và những lệnh trừng phạt) xoay quanh ngành sản xuất chip đang nóng lên. Harvey đã đúng khi chỉ ra rằng những phương thức tư bản châu Âu có thể không phải là những mô hình kinh tế có ảnh hưởng môi trường và toàn cầu cao nhất về dài hạn so với mô hình kết hợp độc đáo giữa chủ nghĩa Marx, chủ nghĩa phát triển và chủ nghĩa tư bản của Trung Quốc.

Rất giống với thế hệ cánh tả của những cuộc nổi loạn tháng 5/1968, thù địch với cả Liên Xô lẫn Mỹ, Gen Z có thể không lựa chọn gắn bó với chủ nghĩa tư bản Trung Hoa hoặc chủ nghĩa tư bản phương Tây, thay vào đó, họ lựa chọn chủ nghĩa quốc tế được thể hiện qua các giải pháp kỹ trị ở cấp độ toàn cầu và sự phản kháng chống chủ nghĩa tư bản dân túy trong nước. Tuy nhiên, không giống như thế hệ thiên niên kỷ già hơn, Gen Z không có những nhà nước mạnh mẽ để thu hút các nhu cầu dân túy. Quả thật, xung đột quyền lực lớn kéo dài, các chuỗi cung ứng mong manh và suy thoái môi trường sẽ khiến các chính phủ quốc gia, vốn đã cạn kiệt vì theo đuổi chính sách thắt chặt chi tiêu kể từ năm 2008, bị phân tâm và vắt kiệt sức mình. Grundrisse của Marx khó mà giành được nhiều sự ủng hộ ở cấp độ kỹ trị và quốc tế, mặc dù một số người xem ông là một nhà phân tích thực dụng hơn là một nhà tiên tri. Tuy nhiên, Grundrisse có thể định hướng tốt cho những nỗ lực cấp cơ sở ở nước Mỹ để chống lại biến đổi khí hậu, tự động hóa, và tư duy về những thử thách mà Trung Quốc đặt ra trong thời đại đa cực của chúng ta.

Đa cực không phải là thứ mà Marx đặc biệt phù hợp để phân tích. Tuyên ngôn Cộng sản đã đặt ra một mục đích xác định cho lịch sử của tất cả các xã hội, mục tiêu mà Liên Xô tuyên bố họ là đại diện trước khi thất bại của chính họ hạ thấp giá trị tuyên bố đó. Đó là khoảnh khắc sụp đổ của một phong trào mà chỉ cách đó vài thập kỷ vẫn còn bao phủ một nửa địa cầu. Viết về sự sụp đổ của Liên Xô vài tháng sau đó trên New York Times, nhà sử học Mỹ gốc Đức Walter Laqueur tuyên bố: “Thời đại của chủ nghĩa cộng sản đã tạm thời kết thúc trong khoảng thời gian của một tiếng thút thít, than ôi, vụ nổ vẫn có thể đến”. Vụ nổ đó giờ đây đã đến trong thế giới đầy hỗn loạn của chính chúng ta, bị vùi dập do những đế chế mới và công nghệ mới, với rất ít sự chắc chắn về lịch sử để dẫn đường. Chính vì là một văn bản có tính tất định ít hơn tác phẩm phổ biến hơn trước đó của Marx (bộ Tư bản), Grundrisse thích hợp một cách hoàn hảo để giúp chúng ta hiểu rõ những cuộc khủng hoảng hỗn loạn đan xen nhau của những năm 2020.

REDSVN.NET

Tags: , ,