Chẳng Thần Tài nào có thể giúp con người kinh doanh phát đạt

Theo Phật giáo, tài lộc con người đạt được không có liên hệ gì đến niềm tin và sự thờ phụng Thần Tài cả.

Bài viết của Thượng tọa Thích Nhật Từ.

Ước nguyện “buôn may bán đắt” từ xa xưa đã trở thành nhu cầu không thể thiếu đối với người kinh doanh. Từ ước muốn đó, cho đến lúc đạt được thành quả trong kinh doanh là cả một tiến trình, đôi lúc, không liên hệ gì đến niềm tin tôn giáo hay tín ngưỡng.

Nguồn gốc của Thần Tài

Tín ngưỡng Thần Tài mà người Việt Nam đang thờ phụng có gốc rễ từ Trung Quốc. Hình tượng của Thần Tài thường được biết là người đàn ông mặt đen, râu rậm, tay cầm roi cưỡi cọp đen. Vì ngộ nhận rằng Thần Tài có khả năng ban phát sự may mắn trong kinh doanh, người buôn bán thường thờ ông với tư cách là Tài Bạch tinh quân. Bàn thờ ông Thần Tài được tôn trí ở góc nhà, thường là một khảm thờ, sơn son thếp vàng, phía trong khảm có bài vị bằng giấy đỏ, viết bằng mực nhũ kim với hàng như sau:

“Ngũ phương Ngũ thổ Long thần”
“Tiền hậu Địa chủ Tài thần”

Hai bên bài vị có câu đối chữ Hán, mỗi vế 5 chữ: “Thổ Địa sanh bạch ngọc, Địa khả xuất hoàng kim”, tạm dịch là “Thổ Địa sinh ngọc trắng, Đất xuất hiện vàng ròng”.

Có truyền thuyết cho rằng Thần Tài chính là Triệu Công Minh, người đời nhà Tần, Trung Quốc, trốn đời đi tu tại núi Chung Nam. Tương truyền, sau khi đắc đạo, Thần Tài Triệu Công Minh thường cứu bệnh, trừ tà, giải hàm oan, ban lộc may mắn trong kinh doanh.

Rõ ràng, tín ngưỡng Thần Tài chỉ là niềm tin tồn tại trong nhân gian Trung Quốc, ảnh hưởng đến giới kinh doanh và thường dân Việt Nam từ nhiều thế kỷ.Theo triết học Phật giáo, sau khi chết, tâm thức người chết tiếp tục đầu thai do tổng thể nghiệp dẫn dắt. Thời gian đầu thai thường diễn ra vài giây đến vài phút, sau khi chết (theo Phật giáo Nguyên thủy) và chậm nhất là 49 ngày (theo đạo Phật Đại thừa).

Theo thuyết tái sinh này, trung bình 10 tháng (theo Phật giáo Nguyên thủy) hoặc nhiều nhất 12 tháng (theo đạo Phật Đại thừa), tất cả người chết phải tái sinh. Không có chuyện tâm thức của người chết tồn tại dưới âm phủ, mộ huyệt, nhà thờ từ đường, bàn thờ trong nhà, hay nơi xảy ra tử nạn… như niềm tin dân gian ở Trung Quốc và Việt Nam đã ngộ nhận và đồn thổi.

Vì ông Triệu Công Minh đã qua đời vào thời nhà Tần (221 TCN – 206 TCN), tức hơn 20 thế kỷ trước, ông ấy đã tái sinh đi, tái sinh lại vài trăm lần rồi. Do vậy, làm gì có chuyện ông ấy trở thành Thần Tài để ban phát sự may mắn cho giới kinh doanh. Dù cho ông ấy có được tôn xưng là Thần Tài, ông ấy cũng không thể ban tài lộc cho ai khi bản thân không còn tồn tại.

Theo Phật giáo, tài lộc con người đạt được không có liên hệ gì đến niềm tin và sự thờ phụng Thần Tài cả. Trong số hơn 1,2 tỷ người Trung Quốc trên toàn cầu, có tối thiểu vài trăm triệu người Trung Quốc đã thờ Thần Tài, cầu nguyện Thần Tài gia hộ cho công ăn việc làm của họ. Trong hơn 20 thế kỷ qua, đại đa số người Trung Quốc được chứng minh là nghèo hơn các doanh nhân thành đạt ở phương Tây, nơi niềm tin về Thần Tài ban phước không hề tồn tại. Nếu Thần Tài là có thật và có khả năng ban phước may mắn cho người thờ phụng thì nước Trung Quốc đã trở thành siêu cường quốc về kinh tế từ nhiều thế kỷ trước rồi, chứ đâu đợi đến hai thập niên trở lại đây, mới trỗi dậy như một cường quốc “tiềm năng”.

Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2012, hàng trăm triệu người Trung Quốc đã cầu nguyện Thần Tài gia hộ, cơn lốc khủng hoảng tài chính vẫn tiếp tục trở thành bóng đen u ám đối với nền kinh tế thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng.

Khi khai trương cửa hàng, công ty… mỗi ngày trước khi mở cửa hàng, hằng ngày tại nhà, hàng triệu doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam cúng Thần Tài để cầu may. Mặc dù vậy trong cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu, đại đa số doanh nghiệp vẫn phá sản hoặc bị tổn thất nặng nề do tác động dây chuyền của sự khủng hoảng. Thậm chí nhiều cửa hàng bán Thần Tài ở Trung Quốc và Việt Nam thua lỗ nặng trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này cho thấy, Thần Tài còn chưa cứu độ được bản thân mình, lấy đâu mà phù hộ người buôn bán cầu gì được đó!

Việc khai trương cửa hàng bán thực phẩm sạch, góp phần an toàn thực phẩm cho cộng đồng được xem là nghề nghiệp chân chính. Điều này thật tốt và sự lựa chọn ngành hàng kinh doanh này nhất định sẽ mang lại cho gia đình anh chị những thuận lợi bởi ngày nay không ai là không quan tâm đến sức khỏe và luôn tìm kiếm và lựa chọn cho gia đình những sản phẩm sạch, chất lượng nhất có thể.

Ngược lại, theo lời Phật dạy, các nghề tiêu cực sau đây nên tránh:

(i) Nghề sản xuất và buôn bán vũ khí vì hủy diệt sự sống hàng loạt;(ii) Nghề buôn bán nô lệ vì phạm pháp và chà đạp nhân phẩm con người;(iii) Nghề mại dâm vì góp phần phá hoại hạnh phúc gia đình và truyền nhiễm những căn bệnh chết người;(iv) Nghề đồ tể vì giết nhiều loại gia súc và động vật;(v) Nghề bào chế độc dược vì dẫn tới các cái chết do ngộ độc;(vi) Nghề trồng trọt, sản xuất, buôn bán ma túy và rượu vì phạm pháp và phá hoại tương lai của con người.

Dựa vào danh sách các nghề nên tránh này này, nghề được anh chọn lựa và khai trương trong tháng tới là nghề hợp pháp và phù hợp đạo đức Phật giáo.

Để có được lợi tức hợp pháp từ việc đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh này, anh cần nắm rõ luật nhân quả của thị trường, quy luật cung cầu, giữ gìn đạo đức trong kinh doanh, thị hiếu khách hàng, thái độ tích cực trong kinh doanh, nghệ thuật giao tiếp và chăm sóc khách hàng, truyền thông và tiếp thị, minh bạch và tôn trọng khách hàng,… thì cơ hội thành công của anh sẽ cao hơn những doanh nghiệp không có mối quan tâm toàn diện về các vấn đề trên.

Theo Phật giáo, thành công hay thất bại trong kinh doanh không liên hệ gì đến việc thờ hay không thờ Thần Tài. Bất kỳ ai, ở đâu, lúc nào đầu tư vào một lĩnh vực kinh doanh mà không nắm vững và không tuân thủ quy luật nhân quả của thị trường thì khó có thể tồn tại, huống hồ là thành công.

Có thể, do trước khi hoặc đang khi buôn bán, người kinh doanh thắp hương cúng bái Thần Tài, các lợi tức đạt được trong kinh doanh là kết quả tất yếu của quá trình kinh doanh nhưng bị người mê tín ngộ nhận là do Thần Tài phù hộ mới thành tựu được. Sai lầm ở đây có công thức “suy luận kéo theo” theo cách: “Cầu Thần Tài trước khi kinh doanh nên thành quả kinh doanh là do Thần Tài phù hộ mà ra”.

Thực chất, lời cầu nguyện chỉ có tác dụng tâm lý, không thể thay thế cho hành động thực tiễn. Tương tự, trong kinh doanh, ước muốn làm giàu và sự cầu nguyện Thần Tài phù hộ cho giàu sang không thể thay thế được phương pháp và nỗ lực làm giàu.

Theo nhân quả Phật giáo, nếu có nỗ lực đúng phương pháp trong kinh doanh thì chắc chắn sẽ có thành quả kinh tế, không cần cầu nguyện cũng đạt được. Ngược lại, nếu không nỗ lực đích đáng, đầu tư đúng mức trong kinh doanh thì có cầu nguyện may mắn cũng chẳng thể thay đổi được gì. Quy luật nhân quả dù trong kinh doanh hay bất kỳ lĩnh vực nào khác cũng giống như “hình ngay thì bóng thẳng” hay “âm thanh nào tiếng vang đó”.

Do mê tín vào ông Thần Tài hàng triệu tiểu thương ở các nước nghèo tiếp tục ngây ngô tin rằng chỉ cần giao khoán niềm tin vào Thần Tài và sự thờ phụng ông ấy, việc làm ăn sẽ được thành công!? Niềm tin sai lạc này gây tổn thất lớn về kinh tế cho hàng triệu tiểu thương trong nền kinh tế thị trường, đang khi các tập đoàn lớn đầu tư có hệ thống, biết xây dựng thương hiệu, đạt được niềm tin của khách hàng, trở nên thành công hơn.

Các tập đoàn quốc tế lớn chẳng hề thờ Thần Tài như Trung Quốc và Việt Nam nhưng nhờ nắm vững nhân quả thị trường, ngày càng thành công và làm giàu trên sự lót đường và phá sản của giới tiểu thương, thiếu vốn liếng, thiếu đầu tư, thiếu kiến thức làm ăn, thiếu hợp tác nên không thể đứng vững trong sự cạnh tranh của thị trường.

Theo Phật giáo, Bát Chánh Đạo (tầm nhìn chân chính, tư duy chân chính, lời nói chân chính, hành vi chân chính, nghề nghiệp chân chính, nỗ lực chân chính, chính niệm và chính định) có thể giải quyết tất cả các vấn nạn của con người ở cấp độ cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội, quốc gia và toàn cầu. Áp dụng Bát Chánh Đạo trong kinh doanh, người kinh doanh không phải tốn tiền cúng Thần Tài, không phải phập phồng lo lắng các rủi ro, vẫn có thể đạt được sự thành công theo hướng bền vững.

Theo đạo Phật, thà chậm giàu một chút, hay giàu ít một chút, nếu có đạo đức trong kinh doanh, có tầm nhìn và tư duy đúng trong kinh doanh thì các nỗ lực hợp pháp trong kinh doanh sẽ dẫn đến các thành quả như ý. Nhân như thế, hoàn cảnh như thế, thời điểm như thế, thuận duyên hay nghịch cảnh như thế, nỗ lực có phương pháp như thế… thì kết quả tất yếu phải như thế.

Ý muốn chủ quan hay ước nguyện vào sự gia hộ của các thần linh không thay đổi được điều gì. Theo Phật giáo, khái niệm “may mắn” hay “thành công trong kinh doanh nhờ may mắn” chỉ là sự lý giải sai về bản chất và tiến trình nhân quả. Đây là lý do những người tin sâu nhân quả triết lý Phật dạy không thờ cúng, cầu nguyện Thần Tài.

Đạo đức trong kinh doanh, phương pháp kinh doanh và nỗ lực chân chính trong kinh doanh là những yếu tố không thể thiếu dẫn đến sự thành công. Để có được những điều nêu trên, tầm nhìn và tư duy đúng cách trong kinh doanh là yếu tố quyết định sự thành công.

Theo PHATGIAO.ORG.VN

Tags: , , ,