Chân dung một vài quan tham khét tiếng trong sử Việt

Thế sự xưa nay vật đổi sao dời (1), mọi vật hết thịnh lại suy. Xét trong sử Việt cũng không thoát khỏi quy luật ấy. Mỗi triều đại kể từ sau đời vua khai quốc truyền được 3, 4 đời là bắt đầu suy vong. Chính sự suy đồi dung dưỡng bọn tham quan, ô lại hại dân hại nước. Tội lỗi của chúng đối với đất nước, nhân dân thường tàn hại không kể xiết. Nhân lúc thời sự, thử xét lại chuyện xưa, nêu lên vài tấm gương bọn quan lại tham tàn để kẻ ngày nay soi vào mà tự vấn.

Nước ta từ khi Ngô Vương giành quyền tự chủ đến Lý- Trần- Lê mới bắt đầu chép sử , nay căn cứ theo sử xưa mà chép ra vài chuyện

1 . Loạn thần Đỗ Anh Vũ

Lý Anh Tông (1136-1175) lên kế vị ngôi vua khi mới 3 tuổi. Đỗ Anh Vũ làm Thái úy nhiếp chính, lại tư thông với Lê Thái hậu nên lũng đoạn triều cương. Năm 1150, Anh Tông lên 14 tuổi, tướng Vũ Đái và một số người trong hoàng tộc bất bình với Anh Vũ bèn mang quân bắt giữ. Tuy vậy Vũ Đái lại tham lam, nhận vàng của Thái Hậu đút lót nên không giết Anh Vũ. Lê thái hậu bày mưu mở nhiều hội và ân xá để Anh Vũ được tha tội, rồi xin vua phục chức cho Đỗ Anh Vũ. Anh Vũ phục chức rồi, sát hại Vũ Đái và những người cùng cánh, lưu đày một số người khác

Năm 1158, Anh Vũ chết, Tô Hiến Thành mới giúp vua đánh đông dẹp bắc, giữ cho nước được yên

Đại Việt Sử Kí toàn thư (ĐVSKTT) (2)chép:

”Khi trước vua còn trẻ thơ, chính sự không cứ việc lớn, việc nhỏ đều uỷ cho Đỗ Anh Vũ cả. Anh Vũ sai vợ là Tô thị ra vào cung cấm hầu hạ Đỗ thái hậu, do đó mà Anh Vũ tư thông với Lê thái hậu, nhân thế lại càng kiêu rông, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu, mọi người đều liếc nhau nhưng không ai dám nói.

Điện tiền đô chỉ huy sứ là vũ Đái, Hoả đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá, Hoả đầu đo Ngọc Giai là Đồng Lợi, Nội thị là Đỗ Ất, cùng với bọn Trí Minh Vương, Bảo Ninh hầu, Phò mã lang Dương Tự Minh cùng mưu bắt giam Anh Vũ. Bàn tính xong, bọn Đái đem quân lính đến ngoài cửa Việt Thành hô to rằng: “Anh Vũ ra vào cấm đình, làm nhiều đều ô uế, tiếng xấu đồn ra ngoài, không tội gì to bằng. Bọn thần xin sớm trừ đi, khỏi để mối lo về sau”. Bèn có chiếu sai cấm quân đến bắt Anh Vũ trói giam ở hành lang Tả Hưng Thánh, giao cho Đình uý tra xét.

Thái hậu sai người mang cơm rượu cho Anh Vũ, ngầm để vàng vào trong đồ đựng món ăn để đút cho Vũ Đái và các người canh giữ.

Hoả đầu ở đô Tả Hưng Thánh là Nguyễn Dương nói: “Các ông tham của đút, tôi với các ông tất không thoát khỏi tay Anh Vũ đâu, chi bằng cứ giết trước đi cho khỏi tay hoạ về sau”. bèn cầm giáo định đâm.

Đô Tả Hưng [Thánh] là Đàm Dĩ Mông ôm Dương, cướp lấy giáo, ngăn rằng: “Điện tiền bảo Anh Vũ tội đáng chết, nhưng còn phải đợi mệnh lệnh của vua, không nên tự tiện”. Dương giận, chửi: “Điện tiền Vũ cứt chứ chẳng phải Đái! (chữ Cát Đái phương ngôn nói là cứt đái). Sao tham của đút mà không tiếc đến mạng mình!”. Nói xong, tự biết không khỏi chết, bèn nhảy xuống giếng tự tử.

Bấy giờ vua xét án của Anh Vũ, đày Anh Vũ làm Cảo điền nhi . Thái hậu lo buồn, cố nghĩ làm thế nào để phục hồi chức nhiệm cho Anh Vũ, mới nhiều lần mở hội lớn để xá cho tội nhân, mong Anh Vũ được dự vào đấy.

Anh Vũ được mấy lần xá tội, lại làm Thái uý phụ chính như cũ, càng được yêu dùng hơn, do đấy chuyên làm oai, làm phúc, sinh sát mà lòng báo thù lúc nào cũng tỏ rõ, còn sợ rằng bọn quân lại đi bắt bớ phần nhiều không được như ý, mới dâng hơn một trăm người thủ hạ để làm đô Phụng quốc vệ, người nào phạm tội đều giao cho đô Phụng quốc vệ đi bắt.

Anh Vũ mật tâu với vua rằng: “Trước kia bọn Vũ Đái tự tiện đem cấm quân xông vào cung đình, tội ấy không gì to bằng, nếu không sớm trừng trị, sợ một ngày kia sinh biến, không thể lường được”. Vua chẳng biết gì cả, bèn chuẩn tâu. Anh Vũ sai đô Phụng quốc về đi bắt bọn Vũ Đái giam vào ngục để trị tội. Hạ chiếu giáng Trí Minh Vương xuống tước hầu, Bảo Ninh hầu xuống tước minh tự, Bảo Thắng hầu xuống tước phụng chức, Nội thị là bọn Đỗ Ất 5 người bị “cưỡi ngựa gỗ” (3), bọn Hoả đầu đô Ngọc Giai là Đồng lợi 8 người bị chém ở chợ Tây Giai, bọn Điện tiền đô chỉ huy Vũ Đái 20 người chém bêu đầu ở các bến sông, bọn Phò mã lang dương Tự Minh 30 người bị tội lưu ở nơi xa độc, những người dự mưu đều bị tội đồ làm điền hoành, khao giáp, quả như lời nói của Nguyễn Dương.”

2 . Bảy tên nịnh thần trong Thất giảm sớ

Trần Dụ Tông (1336 –1369) ham chơi bời luời chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, Chu Văn An khuyên can, Dụ Tông không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là “Thất trảm sớ”. Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê

Chu Văn An dâng Sớ xin vua Trần Dụ Tông chém 7 tên gian thần nào thì chính sử không nêu, tài liệu bị thất lạc nhưng trong dân gian vẫn truyền tụng nhiều.

Theo cuốn “Vương triều sụp đổ”, tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải, NXB Phụ nữ – 2006, thì bảy tên gian thần bị Chu Văn An xin nhà vua xử trảm, như sau:

  1. Hoạn quan chi hậu cục Mai Thọ Đức, kẻ cai quản phi tần và tuyển chọn mỹ nữ, đã lạm dụng chức quyền bắt về vô số con gái nhà lương dân. Để nhiều người chết trẻ, chết già vì mòn mỏi trong cung thất; lại bày ra các trò dâm ô trác táng dẫn Hoàng thượng vào con đường vô đạo.
  2. Trâu Canh, viên ngự y phạm tội làm cho Hoàng thượng liệt dương từ năm 3 tuổi, lại bày trò phục dương cho bề trên khi 15 tuổi. Y đã bắt cóc 21 đứa trẻ khỏe mạnh con nhà lương dân, giết đi lấy mật làm thang cho bài thuốc hồi dương của quan gia. Rồi y bày trò cho quan gia thông dâm với chị ruột mình, nói là phương thuốc chữa trị. Trong khi chữa trị cho quan gia, y lại thông dâm với cung nhân của chính quan gia. Trâu Canh là người Hán, cháu nội Trâu Tôn đi theo quân nhà Nguyên vào xâm lược Đại Việt, năm Ất Dậu (1285) thất trận bị quân Đại Việt bắt, y đã xin hàng, lại xin được cư trú. Nay Trâu Canh lộng hành, dẫn dắt đức vua vào con đường thương luân bại lý.
  3. Bùi Khoan, Chính chưởng phụng ngự. Y bày trò cờ bạc rượu chè dơ dáy ngay trong cung thất, dẫn đức vua vào mê lộ, bê tha như đám dân đen ngu muội.
  4. Văn Hiến hầu can tội gây bè đảng khiến các đại thần chia rẽ, ngờ vực lẫn nhau, làm cho đức vua khó phân biệt người ngay kẻ nịnh.
  5. Hành khiển tả ty lang trung Nguyễn Thanh Lương, xảo trá, dẫn vua vào con đường ăn chơi xa xỉ, tới cạn kiệt quốc khố.
  6. Hành khiển hữu ty, hữu bộc xạ Tâm Đức Ngưu đồng lõa với Nguyễn Thanh Lương tìm đủ mọi cách tăng thu thuế khóa, tăng các sắc thuế từ thượng cổ chưa từng có, để bòn rút của dân, lấy tiền chi vào các cuộc ăn chơi trác táng của hoàng thượng. Kể cả những năm mất mùa đói kém, dân chết đói đầy đường, chúng cũng không tha giảm.
  7. Đoàn Nhữ Cẩu, Đồng binh chương sự, bòn rút khẩu phần của lính, các đồ binh khí đã cũ hỏng vẫn không chịu thay thế, để lấy tiền công bỏ túi. Y sao nhãng việc luyện tập canh phòng biên cương phía Bắc, phía Nam gần như bỏ ngỏ. Hiện thời Chiêm Thành đang ráo riết nhòm ngó miền châu Hóa.

3. Hoạn quan Hoàng Công Phụ

Trịnh Giang là vị chúa Trịnh thứ bảy thời Lê Trung Hưng, trong thời gian cai trị của mình, Trịnh Giang bạo nghịch giết vua và nhiều đại thần; lại sa vào con đường ăn chơi xa xỉ, tin dụng hoạn quan gian nịnh khiến chính sự ngày đổ nát, cơ đồ của họ Trịnh suy vong. Nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra làm lung lay sự thống trị của họ Trịnh

Trịnh Giang rất tin dùng hoạn quan Hoàng Công Phụ, nghe lời Phụ đặt ra Giám ban (4)ngang hàng với văn, võ ban đương thời.

“Theo chế độ cũ, các quan chỉ có hai ban văn và võ. Đến nay bọn hoạn quan lộng quyền, (Trịnh) Giang mới đặt thêm giám ban. Hạ lệnh: ai thi khảo trúng cách sẽ được trao cho quan chức. Các quan lấy làm hổ thẹn nhưng không ai dám nói.” (Cương mục, II, tr. 503).

Hoàng Công Phụ, cậy thế nắm quyền dèm pha cho Trịnh Giang giết hoạn quan Đỗ Bá Phẩm (1734), rồi Trương Nhung (1736. Tiếp theo, Phụ tìm cách giải toả sự cô lập bằng cách xúi Trịnh mở khoa thi ngay trong phủ Chúa (1736), lấy riêng Trịnh Tuệ, người trong họ, đỗ trạng nguyên, để ông này vào làm tể tướng (6âl. 1739) . “Kẻ trong người ngoài xướng hoạ với nhau”, tạo mối liên kết văn, giám ban, lũng đoạn triều cương.

Trịnh Giang ham mê tửu sắc nên sức khỏe ngày càng kém sút. Một hôm bất ngờ Trịnh Giang bị sét đánh gần chết. Từ đó Giang mắc bệnh “kinh quý”, tâm thần bất định, hoảng hốt và hay sợ hãi. Hoàng Công Phụ nói dối rằng: “Đấy là vì dâm dục mà bị ác báo. Muốn không bị hại chỉ có cách là trốn xuống đất.” Nhân đó các hoạn quan hạ lệnh đào đất, làm hầm cho chúa, gọi là cung Thưởng Trì. Từ đó Trịnh Giang ở hẳn dưới hầm, không hề ra ngoài. Công Phụ càng có điều kiện để lộng quyền.

Loạn lạc nội lên, Hoàng Công Phụ cậy thế tự mình đem quân đánh Nguyển Tuyển ở Ninh Xá, thành Thăng Long bỏ trống. Quý Cảnh đem binh vào họp các quan phò lập Trịnh Doanh lên làm chúa, giết sạch bọn hoạn quan, không thấy sử chép số phận Hoàng Công Phụ ra sao

4 . Quyền thần Trương Phúc Loan

Cuối thời các chúa Nguyễn ở Đàng Trong, nạn quyền thần lấn lướt, chúa Phúc Thuần nhỏ tuổi, mọi quyền hành đều do Trương Phúc Loan thao túng. Loan tự nhận là Quốc phó, giữ Bộ Hộ, quản cơ Trung tượng kiêm Tàu vụ, thâu tóm mọi quyền lực

Chúa Nguyễn Phúc Khoát mất, di chiếu nhường ngôi cho Nguyễn Phúc Luân (Côn) năm ấy 33 tuổi. Tuy nhiên, do biết Phúc Luân là người thông minh, quyết đoán khó lấn quyền được nên Trương Phúc Loan âm mưu cùng Thái giám Chữ Đức và Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thông bắt giam Nguyễn Phúc Luân, giết chết hai thầy học của Phúc Luân là Trương Văn Hạnh và Lê Cao Kỷ, đồng thời giả chiếu chỉ đưa công tử thứ mười sáu là Nguyễn Phúc Thuần mới 12 tuổi lên ngôi Chúa xưng hiệu là Định Vương. Nguyễn Phúc Luân buồn và uất ức nên lâm bệnh chết

Từ khi Nguyễn Cư Trinh, trụ cột của triều Nguyễn qua đời (tháng 5 năm 1767), Trương không còn ai ngăn trở, càng ra sức lộng hành: bán quan tước, ăn tiền tha tội, hình phạt phiền nhiễu, thuế má nặng nề, nhân dân cực khổ. Những người có tài như Tôn Thất Dục bị Loan tìm cách hãm hại. Tài chính của Đằng trong vô cùng kiệt quệ, nhân dân bất bình dấy loạn khắp nơi

Loan rất tham lam, ra sức vơ vét của cải, thuế sản vật các mỏ vàng Thu Bồn, Đồng Hương, Trà Sơn, Trà Vân… đều rơi vào tay Loan, hàng năm Loan chỉ nộp vào ngân sách quốc gia 1-2 phần mười số thu được. Sử sách còn ghi lại rằng ngày nắng, Loan cho phơi của cải châu báu ra sân làm sáng rực cả một góc trời. Cả nhà họ Trương chia nhau nắm giữ mọi chức vụ chủ chốt. Người bấy giờ gọi Loan là Trương Tần Cối.

Thấy vậy, Trịnh Sâm thân chinh cầm quân vào Nghệ An, sai Hoàng Ngũ Phúc dấy binh nam tiến mang danh là để trừ quyền thần Trương Phúc Loan.

Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 11) có chép lại lời hịch của quân Trịnh, có đoạn như sau :

“Tả tướng Trương Phúc Loan, khí chất nhỏ hẹp như cái đấu, cái thưng, tâm địa thì gian tà như ma, như quỷ. Vin bám khuê cổn tình thân, trộm lấy chức trọng của triều đình. Tin dùng kẻ gian nịnh, hãm hại đấng trung lương của nước. Li gián người cố cựu, mưu lập bè đảng. Chiêu nạp thêm vây cánh, mưu lợi riêng mình. Giết người nọ, lập người kia, nguy hiểm chẳng khác nào có lang sói bên nách. Thẳng tay gây khốn cho trăm họ, cũng áo xiêm mà thực là lũ chim muông. Nặng t khóa để nặn máu mủ dân, bớt lương quân để cắt nanh vuốt. Chính sự cấp bách như lửa cháy đến chân mày, hình phạt nặng nề như con mắt bị đâm, chuốc oán với dân, gây ra mối lọan. Đến nỗi Tây Sơn chỉ là bọn dân hèn, tụ tập như đàn ong lũ kiến, cũng có thể chiếm được Quảng Nam màu mỡ, nhanh như heo bị lang đuổi. Giặc như lửa quạt ngất trời, dân biên cõi lầm than. Vậy nên, nhân dân chúng đang được sống lại, ta đem đội quân đang lúc sức hăng, trước là trừ diệt đứa cường thần, sau là lo dẹp phường nghịch tặc”.

Nguyễn Cửu Pháp và Nguyễn Phúc Cường nhân thế bày mưu mời Loan đến bàn việc chống quân Đàng ngoài rồi bắt Loan giao nộp cho Hoàng Ngũ Phúc. Phe đang của Loan bị trừ, của cải, nhà cửa của Loan bị dân, quân cướp phá không còn gì. Cuối cùng,Trương Phúc Loan bị giải ra Thăng Long để chịu tội rồi chết trên đường đi

“Ðại Nam Liệt Truyện” (tiền biên) viết:

“…Trương Phúc Loan dùng thân thế để làm Quốc Phó. Khi Thế Tông (miếu hiệu của Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát) băng, chiếu theo thứ tự thế tập, đáng lẽ Hưng Tổ (Nguyễn Phúc Luân) lên thay, nhưng Trương Phúc Loan thấy ông này đĩnh tuệ anh quả, sợ không thể khiến được, nên Loan đã mạo chiếu bỏ ngục Hưng Tổ. Duệ Tông (Ðịnh Vương Nguyễn Phúc Thuần) năm ấy mới 12 tuổi, lợi dụng tuổi thơ ấu này, Loan mưu cùng Thái Giám Chữ Ðức và Chưởng Dinh Nguyễn Cửu Thông làm một di chiếu giả rước Duệ Tông lên nối nghiệp Chúa. Duệ Tông lên ngôi rồi, Loan bèn dạy cho các thứ chơi bời, không thiếu một thứ gì. Thấy Loan có công lớn như vậy, chúa Ðịnh Vương mới phong cho Loan làm Quốc Phó, lo việc Bộ Hộ, cai quản Tượng Cơ, kiêm luôn Tào Vụ (coi việc tàu bè ra vào các cảng). Trương Phúc Loan cho con cả của mình tên Thặng cưới con gái thứ hai của Thế Tông là Ngọc Nguyên, và con trai thứ ba là Nhạc cưới con gái thứ bảy Ngọc Thọ. Cả hai người đều giữ chức Chưởng Dinh, Cai Cơ. Phú quí danh vọng dồn vào nhà đó, và Loan thì giữ tất cả quyền bính trong triều, ngoài tỉnh. Ông lại đem người trong đảng của ông là Thái Sinh làm Bộ Hộ, chia ra coi các việc trọng yếu. Càng ngày ông càng kiêu hãnh, tham lận, tàn nhẫn, ăn ở bậy bạ, không còn biết sợ ai. Thiên hạ gọi ông là Trương Tần Cối (Tần Cối là gian thần đời Tống Cao Tông 1127-1162 – Trung Hoa, giết hại lương tướng Nhạc Phi). Lúc đầu Loan thấy Tôn Thất Dục (con trai thứ năm của chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát) là người Hoàng Gia, làm quan to, được tôn kính trọng vọng, Loan nghĩ có thể nhờ cậy, bèn gả con gái cho. Tuy phận là rể, nhưng Dục cứ một mực ngay chính, không chịu luồn cúi. Loan tức giận lắm, ngầm bảo thuộc hạ vu cho Dục mưu phản, và dầu tìm không ra tội trạng, Loan cũng bắt Dục thôi làm quan. Loan cư xử thảm ngược như vậy đối với nhiều kẻ khác nữa. Về lương riêng của ông, Loan thu sản phẩm, thuế má các miền Lê Nguyên, Thu Bồn, Trà Sơn, Ðồng Hương, hàng năm được bốn hoặc năm vạn quan. Bộ Hộ, Tào Vụ, và các chức vụ khác đem lại cho ông không dưới ba bốn vạn quan. Ông còn bán chức tước, hối lộ ngục thất để làm giàu. Vàng, Bạc, Châu, Ngọc, Lụa chất thành núi trong nhà. Ruộng vườn, nhà cửa, tôi tớ, trâu ngựa của ông không đếm xuể. Ông còn có biệt thự ở làng Phấn Dương. Có một năm vào mùa Thu bị lụt lớn, bao hòm của ông bị ngập. Khi nước rút rồi, ông đem vàng ra phơi nắng, nhấp nhánh cả một sân. Hàng ngày, đến ba bữa ăn của ông là bọn đầu bếp làm om sòm cả chợ. Ðồ ăn đầy mâm mà ông vẫn than van không có gì ngon miệng. Ông chỉ ăn được một tí mắm trắng, tục gọi là mắm vãnh, cùng uống nước chè mà thôi…”

5 . Quan tham ô Trịnh Đường

Nhân lúc quân Xiêm tiến đánh tỉnh Hà Tiên, Tuần phủ Hà Tiên là Trịnh Đường không lo chống giặc, còn lấy trộm 1.000 quan tiền công của kho đem xuống thuyền chạy trốn

Sau khi tỉnh Hà Tiên được thu phục, Trịnh Đường lại tâu lên triều đình rằng tiền ở kho bị giặc lấy mất.

Tham tán Hồ Văn Khuê phát giác, chỉ đích danh tham tặc và tâu lên, vua Minh Mạng biết chuyện, rất tức giận bèn tuyên dụ:

“Trịnh Đường trước đây có lỗi đã được gạt bỏ vết xấu mà lại dung. Để Hà Tiên thất thủ, tội đã khó tha thứ, lại còn dám nhân lúc ấy, lấy cắp tiền công đến 1.000 quan vội bỏ thành trì đất đai mà chạy! Bản tâm của y chính là nhằm lợi dụng lúc có giặc cướp để làm việc gian tham đó, thực đáng ghét. Nay lập tức cách chức, cho xích lại, giao Viện tiếp biện là Trần Chấn xét rõ, tâu lê ”. (Đại Nam thực lục ,sách đã dẫn, Tập XIV, tr.363-364).

Sau khi thành án, Trịnh Đường bị xử tội giảo quyết (thắt cổ cho chết ngay).

——————————

Chú thích:

(1). “Dẫu rằng vật đổi sao dời, Tử sinh, cũng giữ lấy lời tử sinh!” (Thúy Kiều)
(2)Đại Việt Sử Kí toàn thư: Ngô Sĩ Liên biên soạn dựa trên hai bộ quốc sử Việt Nam trước đó cùng mang tên Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên. Bộ sử này được khắc in toàn bộ và phát hành lần đầu tiên vào năm 1697. Nó là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay
(3) Cưỡi ngựa gỗ (thượng mộc mã): thứ hình phạt thời cổ, đem tội nhân đóng đinh lên tấm ván, đem đi bêu chợ rồi đem ra pháp trường tùng xẻo.
(4) Giám ban gồm các chức:

  • Tổng thái giám (hàm Chánh tam phẩm)
  • Đô thái giám (Tòng tam phẩm)
  • Thái giám (Chánh tứ phẩm)
  • Thiếu thái giám (Tòng tứ phẩm)
  • Đồng trị giám sự (Chánh ngũ phẩm)
  • Tả hữu thiếu giám (Tòng ngũ phẩm)…

Trong thời kỳ này, hoạn quan được trực tiếp tham gia chính sự, viên chức đứng đầu Giám ban chỉ kém vế hơn Thượng thư (Tòng nhị phẩm) một bậc, còn chức danh Thiếu giám (Tòng ngũ phẩm), một loại quan nhỏ trong Giám ban còn to hơn cả quan Tri phủ tại địa phương (Tòng lục phẩm) đến hai bật.
Trịnh Doanh lên thay Trịnh Giang, triệt hạ phe cánh Hoàng Công Phụ. Cũng từ đó Giám ban bị bãi bỏ hẳn

——————————

Tài liệu tham khảo:

  1. Tiểu sử thầy Chu Văn An và Thất trảm sớ
  2. Hoạn Quan: TÔI ĐÒI & QUYỀN LỰC – Tạ C.D. Trường
  3. Hoạn quan -Nguyễn thị Chân Quỳnh
  4. nhỮng vỤ án tham ô cỦa công dưỚi triều vua minh mẠng qua chính sử
  5. Việt sử giai thoại- Nguyễn Khắc Thuần
  6. Nhà Tây Sơn và Trương Thúc Loan – Hồ Văn Quang

Theo NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Tags: ,