Cần sửa đổi luật theo hướng nào để giảm tình trạng xung đột đất đai?

Tại sao Luật Đất đai được sửa nhiều lần mà xung đột đất đai ngày càng tăng lên? Vì đất đai vẫn bị níu giữ nguyên nền tảng không thị trường trong khi ở đời sống thực, thị trường vẫn cứ tiến lên và nảy nở.

Cần sửa đổi luật theo hướng nào để giảm tình trạng xung đột đất đai?

Thu hồi đất là điểm nghẽn

Trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi có chương Trách nhiệm đối với đất, trong đó quy định 18 trách nhiệm đối với Nhà nước và 8 trách nhiệm đối với người sử dụng đất.

Việc thu hồi đất vẫn là điểm nghẽn vì lẽ ra thu hồi đất phải dựa trên nguyên tắc thị trường.

Nhà nước thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc gia nhưng cần làm rõ: Những gì liên quan đến sinh tồn quốc gia, vận mệnh quốc gia, Nhà nước chắc chắn thu lại đất cho mục tiêu đó. Đất lúc đó được thu hồi khẩn cấp vì lợi ích quốc gia và người sử dụng đất được đền bù. Điều này không phải bàn cãi.

Nhưng thu hồi đất cho các mục đích khác đều phải trên nguyên tắc thị trường, tài sản của dân không phải thu xong rồi “bồi thường” theo mức giá định sẵn. Lấy tài sản riêng của người dân để phục vụ mục đích công cộng thì phải bồi thường lại cho người dân trên nguyên tắc trưng mua theo nguyên tắc thị trường.

Tôi đề nghị không dùng từ “bồi thường” vì nó không minh bạch; thay vào đó là dùng từ “trưng mua”.

Ngoài việc tuân thủ nguyên tắc thị trường, “trưng mua” còn có thêm hàm ý đồng thuận, không tạo xung đột. Trưng mua đất của dân phục vụ mục đích công cộng nên sự hi sinh của người dân cần được nhìn nhận xứng đáng, được thưởng. Cho nên, thu hồi đất của họ rồi đền bù tối thiểu là không đúng về nhiều lẽ.

Bởi vì, khi lấy đất của dân cho dù vì mục tiêu an ninh quốc gia nhưng đã lấy đi nhiều thứ như môi trường sống, sinh kế, văn hóa của họ. Vì thế, phải thay đổi nguyên tắc cản bản về trưng mua và bồi thường mới giải quyết được xung đột xã hội, bảo đảm quyền cho người dân.

Các trường hợp khác, thay vì thu hồi thì trưng mua theo thị trường và có thưởng. Việc thu hồi, bồi thường càng cách xa nguyên lý thị trường sẽ dẫn đến xung đột càng gay gắt hơn. Đặc biệt tới đây, khu công nghiệp, khu công cộng, đô thị tăng lên; việc chuyển đổi nông thôn, nông nghiệp sẽ tăng tốc mà không làm rõ các vấn đề về giá, thuế thì xung đột càng không giải quyết được.

Sửa theo nguyên tắc thị trường

Luật Đất đai được sửa nhiều nhất vì muốn giải quyết xung đột. Tuy nhiên, cách tiếp cận chưa đi vào căn bản.

Tại sao Luật Đất đai được sửa nhiều lần mà xung đột đất đai ngày càng tăng lên? Vì đất đai vẫn bị níu giữ nguyên nền tảng không thị trường trong khi ở đời sống thực, thị trường vẫn cứ tiến lên và nảy nở.

Sửa đổi Luật lần này cần tạo cơ hội để sửa theo nguyên tắc thị trường rõ ràng, minh định. Thử nhìn vào thị trường hàng hóa, chúng ta đã tuân thủ gần như hoàn toàn các quy luật cạnh tranh, giá trị mà có sao đâu?! Giá hàng có lên, có xuống nhưng hàng hóa luôn dồi dào. Ngay cả gạo là mặt hàng rất nhạy cảm mà chúng ta có phải quản lý giá như trước đâu.

Thị trường không có gì phức tạp, ghê gớm mà phải ngại. Ở lĩnh vực đất đai, cần xử lí bằng giá theo nguyên tắc thị trường, tôn trọng quyền tài sản của người dân.

Quyền tài sản được bảo vệ thì nguồn lực cực lớn của quốc gia là đất đai được huy động cho phát triển, không bị lãng phí trong khi xung đột xã hội liên quan được giảm thiểu.

Nhân đây xin nói thêm, xử lý chuyện để đất hoang hóa rất đơn giản, bằng thuế thôi. Hiện nay đất đai lãng phí tràn lan vì người ta không đánh thuế. Người ta không thể ôm đất quá 3 năm vì đến năm thứ 3 đã đánh thuế 30% nên đến năm thứ 5 là họ phải bán. Thậm chí ra mức phạt vì để như vậy lãng phí tài nguyên quốc gia.

Cấu trúc sở hữu đất của ta phức tạp, nhiều tầng. Xưa là đất công, đất của Vua, của làng, đất của dòng tộc, đất của địa chủ. Hiến pháp năm 1980 đưa vào khái niệm sở hữu toàn dân, từ đó, quyền phân phối đất đai tập trung vào Nhà nước theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung, xin – cho.

Ngày nay, nền kinh tế đã vận hành theo nhiều nguyên tắc thị trường, đất đai càng cần được phân bổ theo nguyên tắc thị trường. Nghị quyết 18 đã yêu cầu bỏ khung giá đất theo hàm ý cần tôn trọng giá thị trường. Mà giá thị trường là giá vốn, địa tô, cung cầu và tương lai. Đáng tiếc, Nhà nước không hưởng được những giá trị này mà lại tập trung vào nhiều cá nhân nhân danh Nhà nước. Họ đầu cơ, thổi giá lên làm cho giá thị trường thành giá đầu cơ, nhà nước và người dân đều không được lợi.

Theo VIETNAMNET

Tags: ,