BRICS sẽ định hình kinh tế và chính trị thế giới những năm tới ra sao?

Các chính sách và quyết định mới của BRICS được đánh giá là có tính lịch sử, “bắt tay vào một chương mới”, nỗ lực xây dựng “thế giới công bằng, hòa nhập và thịnh vượng”. Tuy nhiên, cũng có những quan điểm, đánh giá khác nhau.

BRICS sẽ định hình nền kinh tế và chính trị thế giới những năm tới ra sao?

Tác giả: TS Vũ Đăng Minh.

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) lần thứ 15 tại Johannesburg, Nam Phi thu hút sự quan tâm sâu sắc của cộng đồng quốc tế.

Tuyên bố chung Hội nghị thượng đỉnh BRICS thể hiện các kết quả nổi bật và những thông điệp, hàm ý quan trọng để “bắt tay vào một chương mới”, nỗ lực xây dựng “thế giới công bằng, hòa nhập và thịnh vượng”.

Một là, đánh giá khách quan, toàn diện về bối cảnh tình hình, xu hướng nổi trội của thế giới, các thách thức toàn cầu và của chính mình.

BRICS nhận thức rõ vị trí chiến lược và cạnh tranh địa chính trị ngày càng mạnh mẽ ở Nam bán cầu. Tiếng nói của các nước đang phát triển, nước vừa và nhỏ không được chú ý đúng mức trong nhiều thể chế, diễn đàn quốc tế; chịu những bất công ngay tại “ngôi nhà của mình”. Nhưng họ dần tiếp cận phù hợp, chủ động, thực tế hơn trong quan hệ quốc tế, vì lợi ích quốc gia hơn là lựa chọn phe. Nếu các nước đang phát triển, nước vừa và nhỏ liên kết, hợp tác vì lợi ích chung, sẽ tạo ra “quả cân đối trọng” đáng kể, làm thay đổi cán cân quyền lực; gây sức ép cải cách thể chế đa phương, trật tự thế giới.

Đó là chủ nghĩa đa phương toàn cầu, xu thế đa cực ngày càng rõ. Những bất cập của trật tự thế giới đơn cực, mà nổi bật là các thể chế chính trị, kinh tế, hệ thống thương mại, tài chính do Mỹ và phương Tây chi phối, các lệnh trừng phạt. Đó còn là nguy cơ xung đột đang tiềm ẩn ở nhiều khu vực, do nhiều nguyên nhân. Trong đó có sự khác biệt và tranh chấp lợi ích chiến lược, chủ quyền quốc gia…

BRICS cũng nhìn ra tồn tại của chính mình, sự khác biệt của một số thành viên về việc mở rộng quy mô nhóm, “phi USD hóa”, tranh chấp biên giới, xung đột ở Ukraine và quan hệ với Mỹ, phương Tây…

Đó là cơ sở, tiền đề để BRICS xác định quan điểm và phương hướng phù hợp.

Hai là, xác định quan điểm cơ bản, định hướng chính sách ưu tiên phù hợp, nâng cao sức mạnh, vị thế của BRICS.

BRICS chia sẻ tầm nhìn hướng đến tư cách là các quốc gia đại diện cho nhu cầu và mối quan tâm của các nước Nam bán cầu. Đó là, tăng trưởng kinh tế có lợi, phát triển bền vững và cải cách các hệ thống đa phương. Hợp tác với các nước Nam bán cầu nâng cao vị thế đại diện của BRICS. Đồng thời, tạo diễn đàn, tạo thế cho các nước vừa và nhỏ phát huy vai trò trong quan hệ quốc tế, các thể chế đa phương.

Các nhà lãnh đạo BRICS khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa đa phương toàn cầu và duy trì luật pháp quốc tế, các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc. Cam kết tạo động lực củng cố chủ nghĩa đa phương toàn cầu, phù hợp với xu thế chung, nguyện vọng của đa số các quốc gia; càng làm tăng sức hấp dẫn của BRICS.

Tuyên bố chung của BRICS nhấn mạnh cam kết giải quyết những khác biệt và tranh chấp một cách hòa bình thông qua đối thoại và tham vấn toàn diện. Đây chính là chìa khóa để giải quyết một trong những thách thức an ninh toàn cầu, gây chia rẽ, xung đột, đe dọa hòa bình, hợp tác và phát triển của thế giới.

Bốn là, quyết định chính sách, công cụ tài chính để độc lập hơn với các thể chế, hệ thống kinh tế, tài chính do phương Tây chi phối.

BRICS nhấn mạnh động lực toàn cầu, hướng tới sử dụng đồng nội tệ, các thỏa thuận tài chính thay thế và hệ thống thanh toán thay thế. Khuyến khích các tổ chức tài chính đa phương và các tổ chức quốc tế đóng vai trò tích cực trong xây dựng sự đồng thuận toàn cầu về chính sách kinh tế.

Ngân hàng Phát triển mới (NDB) mở đợt bán trái phiếu bằng đồng Ran (đồng tiền của Nam Phi). Tiếp theo với đồng Real (Brazin), Rupee (Ấn Độ). Bảo đảm cho vay khoảng 30% bằng đồng nội tệ, thay thế đồng USD trong các giao dịch, tránh rủi ro do tỷ giá hối đoái và sự biến động của lãi suất Mỹ. NDB không gắn cho vay với các điều kiện chính trị, tạo sự khác biệt với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) do phương Tây chi phối.

Chính sách sử dụng đồng tiền quốc gia phù hợp với bối cảnh hiện nay, khả thi hơn, có sức thu hút hơn so với tìm đồng tiền chung thay thế USD. Đồng thời dung hòa sự khác biệt giữa một số thành viên. Chính sách, công cụ tài chính của BRICS có ý nghĩa quan trọng, cả trước mắt và lâu dài, không chỉ với các thành viên mà cả toàn cầu.

Năm là, thông qua tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình và quyết định kết nạp 6 thành viên mới. Mở rộng BRICS cùng với tài chính là hai trọng tâm, đáp ứng sự trông đợi và xóa bỏ những lo ngại trước đó của một số thành viên.

Điểm chung của các thành viên mới là có tiềm năng phát triển, vai trò địa chính trị quan trọng ở Mỹ Latinh, châu Phi và Trung Đông. Mỗi quốc gia lại có màu sắc riêng. Iran là đối thủ của Mỹ và phương Tây. Saudi Arabia, UAE là đồng minh lâu đời của Mỹ và phương Tây, có sức mạnh kinh tế. Saudi Arabia, UAE và Iran tạo sức nặng lớn cho BRICS trong các quyết định của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ mở rộng (OPEC+) về sản lượng khai thác và giá dầu. Dầu mỏ cùng với lương thực sẽ là những công cụ quan trọng của BRICS.

Quyết định kết nạp 6 thành viên cho thấy BRICS đã dung hòa các quan điểm, cân bằng lợi ích kinh tế với tính đại diện cho các khu vực. Mở rộng BRICS càng gia tăng vai trò, vị thế, ảnh hưởng của BRICS, để thực hiện mục tiêu lâu dài. Việc không thay đổi tên khẳng định giá trị thương hiệu, tính ổn định, liên tục của BRICS, ghi nhận vai trò của các quốc gia sáng lập.

Sáu là, tuyên bố chung Johannesburg phản ánh thông điệp về các vấn đề quan trọng về kinh tế, tài chính và chính trị toàn cầu; thể hiện các giá trị, lợi ích chung làm nền tảng cho hợp tác cùng có lợi của các thành viên, khẳng định tính đa dạng của tổ chức.

BRICS đang tiến tới một tổ chức chính trị, kinh tế, mô hình hội nhập mới, góp phần quan trọng giải quyết các thách thức toàn cầu. Thúc đẩy hợp tác, cải cách hệ thống quản trị kinh tế – tài chính thế giới, đề cao tiếng nói của các nước đang phát triển, nước vừa và nhỏ trong các thể chế toàn cầu; định hình lại cấu trúc chính trị, kinh tế toàn cầu công bằng hơn.

Đáng chú ý, tuyên bố chung hầu như không trực tiếp đề cập chống phương Tây, tạo thuận lợi thu hút các quốc gia, tránh những phức tạp không cần thiết.

Tất cả các yếu tố trên tạo ra sức hút, sức mạnh tổng hợp, tính đại diện và vị thế của BRICS trên toàn cầu.

Bảy là, tương lai của BRICS và hàm ý đối với Mỹ và phương Tây.

Các chính sách và quyết định của BRICS được đánh giá là có tính lịch sử, “bắt tay vào một chương mới”, nỗ lực xây dựng “thế giới công bằng, hòa nhập và thịnh vượng”. Tuy nhiên, cũng có những quan điểm, đánh giá khác nhau.

Một số chuyên gia, học giả quốc tế cho rằng, BRICS sẽ khó làm nên chuyện trước phương Tây. Bởi nội bộ BRICS có sự khác biệt về trình độ, quỹ đạo phát triển và lợi ích giữa các thành viên. Mỹ và phương Tây sẽ không ngồi yên chịu trận.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan không cho rằng BRICS “đang trở thành đối thủ địa chính trị của Mỹ hay bất cứ quốc gia nào khác”. Có thể là cách nói, sách lược nhằm giảm nhẹ vai trò, vị thế, sự chú ý của cộng đồng quốc tế đối với BRICS.

Thực tế, Mỹ và phương Tây lo lắng trước chủ trương “phi USD hóa”, mở rộng BRICS và việc nhiều quốc gia quan tâm, có nguyện vọng gia nhập. Trước đó, họ đã đưa ra những ưu đãi, lôi kéo Ấn Độ, Saudi Arabia, Argentina…, nhưng không đạt kết quả như mong muốn. Mỹ và phương Tây sẽ tiếp tục duy trì quan hệ riêng với các thành viên BRICS; kết hợp “cây gậy và củ cà rốt”, chia rẽ, gây sức ép, hạn chế hiệu quả và việc mở rộng của đối thủ.

Mỹ và phương Tây cũng có những “bài học”, hàm ý chính trị về cán cân quyền lực; vai trò “quả cân đối trọng” của tập hợp các nước đang phát triển, nước nhỏ và vừa đối với cân bằng động chính trị ở các khu vực. Nhất là “lỗ hổng” chính sách trong xử lý mâu thuẫn, tranh chấp giữa phương Bắc và phương Nam. Thay vì chỉ chú trọng tranh giành lợi ích chiến lược, chi phối, gây sức ép, Mỹ và phương Tây cần bình đẳng, cầu thị hơn trong quan hệ đa phương, song phương.

*

Dù có ý kiến khác nhau, nhưng việc lãnh đạo của gần 70 quốc gia tham dự, hơn 20 nước chính thức làm đơn xin gia nhập, chứng tỏ vai trò, vị thế, sức hút không thể phủ nhận của BRICS.

Chủ tịch Tập Cận Bình, lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, quốc gia cạnh tranh mạnh mẽ ngôi vị của Mỹ, tự tin khẳng định, BRICS là “sự trỗi dậy tập thể”, một lực lượng tích cực và ổn định, thúc đẩy thế giới phát triển hòa bình thịnh vượng “làm thay đổi căn bản” bức tranh toàn cầu.

Tuy nhiên, BRICS cần giải quyết tốt những vấn đề nội bộ và tác động từ bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và phương Tây. Thời gian và thực tiễn sẽ kiểm nghiệm, đánh giá đầy đủ, sâu sắc về BRICS.

Theo THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Tags: ,