⠀
BOT là gì mà được quyền đặt vị trí thu phí bất hợp lý như vậy?
BOT là gì mà được quyền đặt vị trí thu phí bất hợp lý? Quyền lợi người dân bị xâm phạm khi không đi vào đường BOT vẫn bị thu phí?
Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, BOT (xây dựng, vận hành, chuyển giao) là một chủ trương đúng đắn để huy động nguồn lực xã hội vào công cuộc hiện đại hóa hạ tầng giao thông ở nước ta. Tuy nhiên, sau nhiều bất cập nóng xảy ra ở BOT Bến Thủy, Cai Lậy cũng như không ít trạm thu phí BOT trên cả nước, mặt trái của các dự án BOT cũng dần lộ diện.
Nguyên nhân đều xuất phát từ xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư và đối tượng phải thu phí là người dân.
Hầu hết các BOT đều được thực hiện tại các khu vực giao thông trọng yếu, mật độ tham gia giao thông lớn, các trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh, gây khó khăn cho người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác (điển hình là tại Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và Hòa Bình…).
Chỉ tính riêng tuyến huyết mạch quốc lộ 1A, dài hơn 2.300km, có khoảng 40 trạm BOT, tính ra trung bình 62km có 1 trạm thu phí. Một xe con nếu lưu thông từ mục Nam Quan đến mũi Cà Mau mất khoảng 1,3 triệu đồng tiền phí. Nếu tính cả các trạm trên các tuyến đường khác, tổng số trạm BOT trên cả nước lên 88 trạm.
Một thống kê cho thấy, trong hơn 70 dự án, 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia dẫn đến việc nhà đầu tư chưa đảm bảo năng lực. Thực tế đã bộc lộ chuyện nhà đầu tư BOT “tay không bắt giặc” như chủ đầu tư BOT Cai Lậy, chỉ góp có hơn 200 tỷ đồng để thực hiện dự án 1400 tỷ đồng, còn lại là tiền của các tổ chức tín dụng.
Không chỉ Cai Lậy mà nhiều dự án BOT khác, đa số vốn của chủ đầu tư đều là vốn vay của các ngân hàng TMCP nhà nước như BIDV, Vietcombank, VietinBank và các ngân hàng tư nhân.
Trong khi đó, cơ chế thu phí hoàn vốn còn bất cập; giá thu phí cao, điều chính chưa hợp lý; dự án chưa hoàn thành (giá trị đầu tư mới thực hiện 30%) nhưng giá thu phí tương đương dự án đầu tư mới như Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Trên thực tế, BOT đã bộc lộ những bất cập như đặt trạm thu phí ngoài vùng dự án, đặt trạm thu phí tuyến đường này hỗ trợ thu phí đầu tư tuyến đường khác. Thậm chí, một số trạm thu phí đối với người không tham gia giao thông trên tuyến đường theo hình thức BOT dẫn đến việc người dân bức xúc khi không đi mét “đường dịch vụ” nào cũng phải trả tiền.
Điển hình như dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh Quốc lộ 1 và tăng cường mặt Quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, hình thức hợp đồng BOT (BOT Cai Lậy) vừa qua. Việc khiến người dân phản ứng do xây tuyến tránh qua Cai Lậy dài 12 km (1.000 tỷ đồng) và sửa chữa mặt Quốc lộ 1 có chiều dài là 26 km (300 tỷ đồng) nhưng trạm thu phí lại đặt trên Quốc lộ 1 khiến người không đi tuyến tránh cũng phải trả tiền. Rõ ràng là một sự vô lý.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 18/11 về BOT giao thông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ta nhiều bất cập như quy hoạch hệ thống BOT chưa làm tốt, triển khai ồ ạt, thiếu quy hoạch, chồng chéo. Có những tuyến đường mà dư luận bất bình, bức xúc xã hội như số trạm, giá phí… Cơ chế, thể chế, chính sách về BOT còn nhiều bất cập. Đặc biệt, thiếu giám sát, thiếu kiểm tra cho nên có nhiều sai phạm. Hiện nay đang kiểm tra chấn chỉnh quyết liệt với tinh thần là xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực trong các lĩnh vực.
Riêng BOT Cai Lậy, Thủ tướng đã chỉ đạo tạm dừng thu phí 1 – 2 tháng và giao Bộ GTVT cùng các Bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Tiền Giang rà soát đánh giá tổng thể dự án và báo cáo phương án cụ thể lên Thủ tướng.
Trong khi Chính phủ đang chấn chỉnh quyết liệt các dự án BOT, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan đánh giá tổng thể cơ chế chính sách đầu tư đối với các dự án BOT và lên phương án giải quyết các tồn tại ấy, thì bức xúc của người dân với những dự án BOT còn nhiều bất cập vẫn chưa được giải tỏa.
Nhiều người dân vẫn tự hỏi BOT là gì mà nhà đầu tư tự định đoạt mức giá và thời hạn thu phí để rồi khi dư luận phản ứng, thanh kiểm tra thì lộ ra, chỉ mới 27 dự án được kiểm toán thôi, đã dư tới gần 100 năm thu phí?
BOT là gì mà chính quyền địa phương điều động cả một lực lượng chức năng hùng hậu gồm CSGT, CSCĐ dưới danh nghĩa bảo vệ trật tự an ninh? Những cuộc điều quân vì doanh nghiệp như thế liệu có tiêu tốn tiền ngân sách?
BOT là gì mà Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng cung ứng đủ tiền mệnh giá 100 đồng để trạm thu phí đối phó với cánh tài xế dùng tiền lẻ trả phí?
BOT là gì mà được quyền đặt vị trí thu phí bất hợp lý? Quyền lợi của người dân bị xâm phạm khi không đi vào đường BOT vẫn bị thu phí?
Những câu hỏi trên có lẽ chỉ Bộ GTVT và các cơ quan chức năng liên quan mới có lời giải đáp.
Bản chất của BOT không xấu, chỉ những người thực hiện triển khai không làm đúng quy định của pháp luật khiến BOT bị biến tướng. Và một khi BOT khiến người dân bức xúc như BOT Cai Lậy thời gian qua, chắc chắn BOT có vấn đề và pải có sự vào cuộc mạnh mẽ tử các bên để trả lại đúng bản chất cho các dự án BOT.
Theo HẢI NINH / KIẾN THỨC
Tags: Giao thông, Cơ sở hạ tầng