Bóng ma trầm cảm trong giới trẻ tại đất nước ‘hạnh phúc nhất thế giới’

Mặc dù được sống trong xã hội được đánh giá là hạnh phúc nhất thế giới nhưng nhiều người trẻ tuổi ở Phần Lan vẫn bị trầm cảm và để cập đến bệnh lý này lại được coi là một “điều cấm kỵ” tại đây.

Bóng ma trầm cảm trong giới trẻ tại đất nước ‘hạnh phúc nhất thế giới’

Tuukka Saarni, vừa tốt nghiệp trung học và sắp sửa đi làm, cảm thấy vô cùng hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình. Anh chàng 19 tuổi này đánh giá mức độ hạnh phúc của mình là 10/10. Tuy nhiên, Tuukka thừa nhận anh và một số người bạn của mình đều từng trải qua căn bệnh trầm cảm.

“Cuộc sống của chúng tôi thực sự dần tốt hơn. Mọi điều kiện ở Phần Lan đều rất hoàn hảo. Chúng tôi có khí hậu tốt, nền giáo dục hiện đại và hệ thống chăm sóc sức khỏe tuyệt vời. Bên cạnh đó, Phần Lan có mức độ thất nghiệp cũng như tỷ lệ bất bình đẳng rất thấp”, anh chia sẻ.

Chính những yếu tố trên đã giúp Phần Lan nhiều năm liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng hạnh phúc toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng hình ảnh quốc gia hạnh phúc của Phần Lan đã che đậy những thách thức đang diễn ra, trong đó có vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt ở giới trẻ.

Một số người tin rằng hình ảnh quốc gia hạnh phúc đã khiến người Phần lan không thể nhận ra hoặc không thừa nhận các triệu chứng trầm cảm của mình để tìm cách điều trị.

Kênh BBC (Anh) đưa tin so với những năm 1990, tỷ lệ tự tử ở Phần Lan đã giảm một nửa ở tất cả các nhóm tuổi. Tuy nhiên tỷ lệ này vẫn ở mức trên trung bình của châu Âu. Tổ chức phi lợi nhuận Sức khỏe tâm thần Mieli tại Phần Lan ước tính có khoảng 20% trong số những người dưới 30 tuổi đã trải qua các triệu chứng trầm cảm vào năm 2018.

“Bạn thật sự có cảm giác rằng mình chỉ đơn giản phải hạnh phúc, phải tận dụng được tất cả những cơ hội khi đang còn trẻ. Vì xã hội có thể mang đến cho bạn hình ảnh hạnh phúc đó”, chị Kirsi-Marja Moberg, 34 tuổi, người đã từng bị chẩn đoán mắc chứng trầm cảm năm 20 tuổi chia sẻ.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, người dân quốc gia Bắc Âu này bao gồm cả nam giới và nữ giới đều cảm thấy khó khăn khi phải tự nhìn nhận, chấp nhận và đến bệnh viện để chữa trị các triệu chứng rối loại tinh thần hay biểu hiện của chứng trầm cảm.

“Mặc dù chúng tôi là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới theo chỉ số thống kê, nhưng điều này không nói lên được tất cả vì trầm cảm là một bệnh lý, không phải lúc nào cũng liên quan đến hoàn cảnh sống”, bác sĩ Jonne Juntura, 27 tuổi – người mắc trầm cảm trong vòng 6 tháng qua khẳng định.

Nhiều chuyên gia về sức khỏe tâm thần cho biết kể từ khi có chiến dịch toàn quốc về phòng ngừa ý định tự tử vào năm 2016, điều “cấm kỵ” này đã được đề cập thẳng thắn hơn. Người dân bớt áp lực hơn khi gặp phải các vấn đề trầm cảm và rối loạn lo âu. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi Phần Lan đã trải qua trầm cảm cho rằng vẫn còn sự kỳ thị đối với những người mắc chứng bệnh này.

Trong khi đó, trong nền văn hóa nơi sự riêng tư luôn được coi trọng như ở Phần Lan, việc thể hiện cảm xúc quá mức là rất hiếm và thậm chí những cuộc nói chuyện nhỏ luôn được giữ ở mức tối thiểu. Thừa nhận và thảo luận về trầm cảm có thể vẫn là một “điều cấm kỵ” đối với một số người Phần Lan.

Bác sĩ Juntura cho rằng ông tự tin bất chấp những thách thức hiện tại của quốc gia Bắc Âu này khi nói đến việc điều trị căn bệnh trầm cảm cho những người trẻ tuổi. Bác sĩ hy vọng rằng, ngoài việc đầu tư nhiều hơn, can thiệp điều trị sớm hơn, chúng ta còn nên mở rộng nhận thức toàn cầu về căn bênh trầm cảm. Ông Juntura cũng cho biết thêm việc đưa sức khỏe tâm thần vào mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc là một ví dụ về sự thay đổi nhận thức của con người trong những năm gần đây.

“Ở một góc độ nào đó, người dân bắt đầu nhận thức được sức khỏe tâm thần là một vấn đề xã hội quan trọng. Hiện nay, còn nhiều việc phải làm nhưng tôi vẫn luôn lạc quan”, ông nói.

Theo BÁO TIN TỨC

Tags: , ,