Bi kịch gia đình của phụ nữ Trung Quốc đương đại

Nhiều người vợ bị chồng bạo hành đã vấp phải vô số rào cản khi muốn ly hôn, do quan niệm từ lâu trong giới cảnh sát và tòa án rằng hôn nhân là nền tảng của xã hội và ly hôn là xấu.

Bi kịch gia đình của phụ nữ Trung Quốc đương đại

Chỉ có hai vợ chồng đang ở trong cửa hàng của người vợ, nhưng camera an ninh đã ghi lại tất cả: anh ta đẩy cô ngã xuống, đấm cô, tát cô và nắm tóc kéo lê cô trên sàn.

Trong đoạn băng trên – được quay từ năm ngoái gần đây mới lan truyền trên mạng, có thể thấy người chồng đã lôi cô vào một căn phòng khác. Vài phút sau, người phụ nữ đầu bù tóc rối lao thẳng từ tầng hai xuống con đường bên dưới.

Cô Lưu (đề nghị giấu tên), người vợ, sau này cho biết đó là cách duy nhất cô có thể trốn thoát. Nằm trong bệnh viện sau vụ hành hung, với chấn thương ở thắt lưng, ngực và hốc mắt trong khi hai chân bị liệt tạm thời, cô đã quyết tâm rời xa người chồng mãi mãi.

Thế nhưng, tòa án đã không đồng ý.

Bị bạo hành vẫn không thể ly hôn

Sự việc xảy ra tại thành phố Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, đã dẫn đến cuộc tranh luận trên khắp Trung Quốc về hai trong số những vấn đề lớn nhất mà phụ nữ nước này phải đối mặt: bạo lực gia đình tràn lan và những khó khăn để giành được công lý trong một hệ thống luật pháp chống lại họ.

Một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Hội liên hiệp Phụ nữ Toàn quốc Trung Quốc vào năm 2011 cho thấy cứ bốn phụ nữ thì có một người từng bị bạo hành thể xác hoặc lời nói, hoặc bị chồng/bạn trai hạn chế tự do. Song các nhà hoạt động, trích dẫn phỏng vấn với những phụ nữ bị lạm dụng, ước tính con số còn cao hơn nhiều, đặc biệt là sau khi hàng triệu người bị phong tỏa vì đại dịch .

Dù Trung Quốc đã ban hành luật chống bạo lực gia đình vào năm 2016, rất ít người bị phạt. Hiếp dâm vợ chồng vẫn được xem là hợp pháp, và phụ nữ nói rằng lệnh cấm tiếp xúc hiếm khi được thực thi.

Thậm chí, việc ly hôn ngày càng trở nên khó khăn hơn, với việc chính phủ áp đặt “thời gian bình tĩnh” 30 ngày đối với các cặp vợ chồng muốn ly thân, bắt đầu từ năm tới.

Giới lập pháp – những người lo ngại về tỷ lệ ly hôn gia tăng tại Trung Quốc – cho rằng luật mới sẽ ngăn các cặp vợ chồng chia tay một cách vội vã, nhưng những người ủng hộ quyền phụ nữ nói rằng chính sách này sẽ khiến người ta mắc kẹt trong các cuộc hôn nhân địa ngục lâu hơn.

Vấn đề đối với cô Lưu, 24 tuổi, bắt đầu khoảng một năm sau khi kết hôn vào năm 2017 với người yêu từ thời trung học của cô, Đậu Gia Hào, 23 tuổi. Trong thời gian yêu đương, anh ta đối xử với cô ấy rất tốt, cô nói trong một cuộc phỏng vấn. Sau đó, vào tháng 4/2018, anh ta mất hơn 7.200 USD vì cờ bạc và đánh cô khi về nhà, theo lời cô Lưu.

“Lần đầu tiên đó, tôi không gọi cảnh sát vì tôi không xem đây là bạo lực gia đình”, cô nói. “Khi đó, cụm từ ‘bạo lực gia đình’ vẫn chưa in sâu vào tâm trí mọi người”.

Cô đã bỏ nhà đi và sống một mình hơn một tháng nhưng, theo lời cô, anh ta đã xin lỗi và cầu xin cô quay lại. Cô Lưu cho biết cô quyết định quay về vì con trai của họ, hiện gần 3 tuổi, khi đó vẫn còn quá nhỏ.

Tháng 7/2019, cô phàn nàn với mẹ chồng rằng anh Đậu đã ở ngoài chơi bài cả đêm. Người mẹ trách mắng con trai, và anh ta liền nổi cơn thịnh nộ, quay sang tát rồi đấm cô Lưu.

Sau sự việc đó, cô Lưu đã lên “Zhihu” (trong tiếng Trung có nghĩa là “biết chứ?”), website cho phép người dùng hỏi và trả lời các câu hỏi. Cô tìm kiếm: “Đặc điểm của những kẻ bạo hành gia đình là gì?”

Câu trả lời bao gồm: bóp cổ vợ/chồng trong các cuộc tranh cãi, nói rằng họ muốn vợ/chồng chết đi, hoặc đe dọa các thành viên trong gia đình của vợ/chồng. Cô Lưu nói chồng cô đã làm tất cả những chuyện đó.

Rào cản từ hệ thống tư pháp

Dù cảm thấy mình không có đủ bằng chứng để đến gặp cảnh sát, cô Lưu quyết định đã đến lúc phải kết thúc cuộc hôn nhân này.

Trước khi cô có thể làm điều đó, cô bị đánh đập lần thứ ba.

Tháng 8/2019, anh Đậu nổi giận sau khi bị mẹ mắng trước mặt bạn bè vì đánh bạc. Cô Lưu cho biết mẹ chồng cô, hoảng hốt trước sự tức giận của anh ta, đã gửi cho cô tin nhắn: “Khóa cửa và nhanh chóng trốn đi”.

Cô Lưu đã đến ở với mẹ ruột vào đêm hôm đó. Song sáu ngày sau, cô quay trở lại cửa hàng của mình vì nghĩ rằng chồng cô đã đi khỏi thành phố. Cuối cùng, anh ta xông vào cửa hàng, đẩy cô Lưu ngã xuống sàn, tát cô, giật điện thoại của cô và nói rằng anh ta sẽ giết cô, cô kể lại.

Cách duy nhất để không bị đánh nữa, cô Lưu nói, là nhảy qua cửa sổ xuống đường dù không có bất cứ đồ bảo hộ nào. Đoạn video từ camera an ninh cho thấy người chồng đi ra ngoài và nhìn chằm chằm vào cửa sổ tầng trên trong khi những người qua đường cố gắng giúp cô Lưu.

“Anh ấy gần như trở thành một kẻ điên”, cô Lưu, người đang phải dùng xe lăn trong quá trình hồi phục, cho biết. “Anh ta đã đánh tôi để thỏa mãn khao khát bạo lực”.

Người chồng, đang bị cảnh sát giam giữ, không thể đưa ra bình luận. Cô Lưu cho biết cha mẹ anh đã đổi số điện thoại và không có cách nào để cô liên lạc được. Luật sư của cô cho biết ông không có thông tin liên lạc của luật sư anh Đậu.

Phải đến những năm gần đây, bạo lực gia đình mới được coi là vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc, nơi luật pháp phần lớn do nam giới đề ra và thực thi còn các gia đình thì không muốn “vạch áo cho người xem lưng”.

Một số vụ việc nổi tiếng đã thu hút sự chú ý đến vấn đề này, và một thành phố ở phía đông Trung Quốc gần đây đã bắt đầu cho phép mọi người kiểm tra xem bạn trai/gái của họ có lịch sử bạo hành hay không trước khi kết hôn.

Dù vậy, các nạn nhân thường bị cản trở bởi hệ thống pháp luật và điều này có thể khiến họ không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ. Dù luật hôn nhân của Trung Quốc quy định rằng bạo lực gia đình là đủ cơ sở để ly hôn, nhiều tòa án khuyến khích các cặp vợ chồng cố gắng hòa giải vì “hòa khí” xã hội và gia đình.

Tương tự, luật chống bạo lực gia đình giúp lệnh cấm tiếp xúc có thể dễ được thông qua hơn, nhưng các thẩm phán thường yêu cầu bằng chứng về bạo hành thể xác mà không coi trọng các hành vi bạo hành lời nói và cảm xúc.

Từ tháng 3/2016, khi luật có hiệu lực, đến tháng 12/2018, các tòa án Trung Quốc chỉ nhận được 5.860 đơn yêu cầu ban hành lệnh cấm tiếp xúc và chấp thuận không đến 2/3 trong số đó, theo Equality, một tổ chức vì quyền phụ nữ ở Bắc Kinh.

Gốc rễ vấn đề

Theo các nhà hoạt động, gốc rễ của vấn đề là quan niệm trong giới cảnh sát và tòa án rằng hôn nhân là nền tảng của xã hội và ly hôn là xấu.

“Ly hôn bị coi là thất bại cá nhân hơn là phương thuốc chữa trị cho cuộc sống của một người”, Feng Yuan, lãnh đạo Equality, cho biết.

Sau lần đánh đập thứ ba, chồng của cô Lưu đã cố gắng thuyết phục cô không ly hôn với những lời hứa hẹn về một chiếc xe hơi và một căn hộ, cô nói. Cô từ chối và anh đã ngừng chi trả chi phí y tế cho cô kể từ tháng 3.

Cô Lưu cũng gần như không cảm thấy được cảm thông khi trình báo chồng mình với cảnh sát. Cô cho biết cảnh sát nói chấn thương của cô là do cô nhảy lầu và hội đồng pháp y kết luận rằng anh Đậu chỉ phải chịu trách nhiệm cho việc làm gãy xương hốc mắt trái của cô, mô tả đó là một “vết thương nhẹ”.

Lần giám định thứ hai vào tháng 11/2019 kết luận rằng anh Đậu đã gây ra “thương tích nhẹ cấp độ một” cho cô Lưu, nâng sự việc lên thành vụ án hình sự. Anh ta bị bắt giam vào tháng 3 và bị buộc tội cố ý gây thương tích.

Hồi tháng 6, cô Lưu đã đệ đơn ly hôn lên tòa án huyện Chiết Thành thuộc thành phố Thương Khâu, với đoạn video đánh đập tại cửa hàng làm bằng chứng. Tòa án từ chối yêu cầu của cô, nói rằng anh Đậu không đồng ý ly hôn và họ nên tìm cách hòa giải. Cô Lưu cũng được cho biết rằng cô không thể ly hôn trong khi vụ án hình sự liên quan đến người chống vẫn đang được giải quyết.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tòa án không thể lập tức cho tôi ly hôn ngay trong phiên xét xử đầu tiên”, cô Lưu nói.

Để gây áp lực với tòa án, cô Lưu đã đăng đoạn video lên WeChat, mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc. Hàng nghìn người đã lên tiếng bênh vực cô, và một hashtag về vụ việc của cô đã được xem hơn một tỷ lần trên trang Weibo, một mạng xã hội khác.

Không lâu sau đó, một thẩm phán đã gọi cho cô Lưu, nói rằng cô không cần hòa giải và tòa sẽ ra phán quyết sớm. Vào ngày 28/7, ba tuần sau khi cô ấy đăng đoạn video, cô đã được chấp thuận ly hôn.

“Tôi rất hạnh phúc”, cô nói khi đang chuẩn bị mở lại cửa hàng sau khi sửa sang lại. “Cuối cùng tôi đã có được những gì tôi muốn”.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / THE NEW YORK TIMES

Tags: , , ,