⠀
Bàn về ý thức nghệ thuật và nhận thức con người
Ngay từ những ngày đầu tiên khi con người thoát khỏi thế giới động vật, thoát khỏi cuộc sống bầy đàn đầy chất tự nhiên trong sinh hoạt cộng đồng người đã xuất hiện các yếu tố nghệ thuật.
1. Sự ra đời ý thức nghệ thuật
Đây có thể coi là loại hình thái ý thức xuất hiện sớm nhất của con người, có trước cả các hình thái ý thức: Chính trị, Triết học, Pháp quyền, Tôn giáo và đạo đức… Sự xuất hiện của ý thức nghệ thuật là sản phẩm của quá trình đấu tranh của con người với tự nhiên, là kết quả của sự phát triển các mối quan hệ xã hội, quan hệ cộng đồng và luôn gắn liền với quá trình lao động sản xuất vật chất cũng như phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội của xã hội loài người.
Nghệ thuật cũng hình thành rất sớm cùng với sự hình thành của xã hội loài người. Là sự biểu hiện, phản ánh cuộc sống của con người, phản ánh thế giới thông qua các giá trị nghệ thuật, các hình tượng nghệ thuật “tư duy trong các hình tượng”- Hêghen. Nghệ thuật phát hiện cái đẹp trong hiện thực cuộc sống khái quát, điển hình hóa và phản ánh cái đẹp bằng các hình tượng nghệ thuật và truyền đạt cái đẹp tới tình cảm và lý trí của con người qua đó mà góp phần nâng cao nhận thức tư tưởng và tình cảm của con người. Những tác phẩm nghệ thuật phản ánh hiện thực cuộc sống một cách chân thực và thấm nhuần những tư tưởng tiên tiến luôn có tác dụng lớn lao về mặt nhận thức và gây ảnh hưởng to lớn về mặt tình cảm, tư tưởng thúc đẩy quần chúng hành động như những tác phẩm của Phidiat, Esilơ… thời cổ đại; những tác phẩm của Raphaen, Lêona đơ Vanhxi… thời phục hưng hay các tác phẩm cận đại trong thời kỳ cuộc cách mạng tư sản như của Sêchpia, Gơt… Những ý thức nghệ thuật đôi khi vượt ra ngoài giới hạn vốn có của nghệ thuật trong từng thời điểm lịch sử nhất định và hòa nhập vào trong thành phần những giá trị văn hóa nghệ thuật nói chung của toàn bộ nền văn hóa tinh thần của thời đại đó. Khi những ý thức nghệ thuật, những tượng trưng nghệ thuật như vậy trong văn hóa nổi trội hơn các khái niệm logic và bắt đầu có sự quyết định các nền giá trị chung thì khi đó các tượng trưng nghệ thuât, các ý thức nghệ thuật sẽ biến thành huyền thoại, nơi con người thể hiện khát vọng về thế giới mới, thế giới tương lại và điều đó góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện cho xã hội phát triển.
2. Vai trò của ý thức nghệ thuật
Con người sáng tạo ra các hình tượng nghệ thuật không chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu hướng đến cái đẹp mà còn có ý nghĩa quan trọng hơn là để đáp ứng chính nhu cầu chinh phục tự nhiên trong cuộc đấu tranh sinh tồn với tự nhiên của con người. Trongbuổi bình minh của nhân loại, nghệ thuật chỉ đơn thuần là sự mô phỏng thế giới tự nhiên, thể hiện sự ngưỡng mộ, kính sợ của con người với thế giới tự nhiên. Nghệ thuật lúc này chỉ là bộ phận hợp thành của sự nhận thức chưa được phân loại của con người đối với thế giới xung quanh. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của lao động sản xuất, đời sống xã hội của nhân loại đã ngày một biến đổi điều đó cũng đồng thời làm cho các giá trị chuẩn mực đạo đức, các hình tượng nghệ thuật cũng đồng thời có sự biến đổi theo. Các hình tượng nghệ thuật, các lĩnh vực mà con người muốn thể hiện cái “đẹp” ngày một phong phú về hình thức sâu sắc về nội dung, con người ngày một quan tâm đến nghệ thuật nhiều hơn. Nghệ thuật lúc này không chỉ đơn thuần là một yếu tố nhận thức, thể hiên cái đẹp mà nó đã phát triển thành hẳn một lĩnh vực khoa học “mỹ học”. Việc nhận thức đúng đắn vai trò của nghệ thuật cũng chính là yếu tố giúp con người phát triển lý tính hoàn thiện chính mình, đúng như nhà triết học người Đức Hêghen đã nhận xét: “tôi tin rằng hành vi cao nhất của lý tính bao quát tất cả mọi ý niệm là hành vi thẩm mỹ, rằng chỉ chỉ có trong vẻ đẹp thì chân lý và điều tốt mới hợp nhất với nhau bằng những mối liên hệ thân thuộc…không thể coi là được phát triển về mặt tinh thần trong bất kỳ lĩnh vực nào nếu không có tình cảm thẩm mỹ”. Như vậy, theo quan điểm của Hêghen các khái niệm “chân lý”, khái niệm điều “thiện” sẽ là không đầy đủ nếu thiếu đi vẻ đẹp và ngược lại đến lượt mình vẻ đẹp biểu hiện ra ở chỗ lý tính đi gần tới chân lý còn ý chí thì hướng tới cái đẹp.
Khác với triết học, khoa học, tôn giáo và cả đạo đức nghệ thuật với tư cách là nghệ thuật bắt đầu có khi có mục đích hoạt động, đó không phải là trình bày hệ thống những chuẩn mực đạo đức hay những tín điều tôn giáo mà là bản thân hoạt động nghệ thuật tạo ra cái thế giới đặc thù, thế giới mà trong đó tất cả đều là các tác phẩm thẩm mỹ của con người. Hoạt động nghệ thuật là hoạt động biểu hiện bản chất bên trong của con người trong tính chỉnh thể của nó, ở đó con người tự do sáng tạo ra thế giới của riêng mình một cách toàn quyền. Nếu như trong các hoạt động thực tiễn và khoa học con người bị giới hạn phần nào sự tự do vì quan hệ với thế giới khách quan là quan hệ khách thể – chủ thể đối lập, thì trong nghệ thuật cái giới hạn đó được xóa bỏ, con người đem cái nội dung chủ quan mình biến thành tồn tại khách quan một cách hoàn chỉnh và mang ý nghĩa phổ biến. Thực hiện hoạt động nghệ thuật luôn đòi hỏi toàn bộ con người cả thể chất và trí lực vì nó bao hàm cả những giá trị nhận thức cao nhất, cả nỗ lực đạo đức và cả sự cảm thụ của cảm xúc. Nghệ thuật có sứ mệnh đảm bảo sự thụ cảm và tái tạo thế giới một cách tự do, đầy sức sống và toàn vẹn, điều này chỉ có khi các nhân tố nhận thức, đạo đức, thẩm mỹ và cả các nhân tố khác của tinh thần con người phối hợp với nhau. Trong tất cả các dạng hoạt động tinh thần muôn màu muôn vẻ, không một dạng nào lại có được sức mạnh xã hội tác động đến con người lớn như nghệ thuật. Có thể nói rằng trong lịch sử phát triển của xã hội loại người mọi sự cải tổ sâu sắc của trật tự xã hội luôn được chuẩn bị bằng sự tham gia tích cực của nghệ thuật. Nghệ thuật là nhân tố đảm bảo cho ý thức xã hội có sự hoàn chỉnh và tính năng động, tìm tòi hướng tới tương lai và ổn định về mặt tâm lý trong hiện tại.
Nghệ thuật không chỉ bảo đảm cho sự lành mạnh của con người, của xã hội loài người mà nó còn bảo đảm tính kế thừa lâu đời, tính phổ biến ngày càng tăng của văn hóa. Tạo ra các hình tượng – tư tưởng có ý nghĩa phổ biến trở thành những tư tưởng mang tính nhân loại, nghệ thuật nói lên toàn bộ sự phát triển của lịch sử. Nghệ thuật hấp thụ mọi thành tựu của nhân loại làm biến dạng và biến đổi chúng theo cách của nghệ thuật, những hình tượng nghệ thuật đôi khi không đơn thuần là các hình tượng nghệ thuật nữa mà có thể trở thành những tượng trưng cho văn hóa có ý nghĩa và giá trị cho toàn nhân loại: Hamlet, Rômêô và Juliet, Đônkihôtê…
Coi nghệ thuật là phương thức tự biểu hiện có tính chỉnh thể của bản thân mình, con người đã luôn thấy ở đó phương tiện đảm bảo cho những thành tựu của mình trở thành bất tử. Ý thức nghệ thuật là sự biểu hiện cho tầng sâu kín nhất của con người nơi mà khoa học chưa thể vươn tới được, đó là nơi con người là con người với những bí ẩn kì diệu của tự nhiên. Qua sự phân tích của bài viết chúng ta đã thấy được phần nào vai trò không thể thiếu của ý thức nghệ thuật trong đời sống con người và đặc biệt hiện nay khi xã hội loài người đang sống trong một cuộc sống “nhanh” do ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế và xu thế toàn cầu hóa thì việc đi tìm các giá trị đích thực của ý thức nghệ thuật, của ý thức thẩm mỹ càng trở lên cần thiết. Tôi xin được kết thúc bài viết của mình bằng câu nói của nhà triết học Ph.V.I.Sêlinh trong tác phẩm Hệ thống duy tâm tiên nghiệm: “Nếu như lúc nào đó trong buổi bình minh của khoa học, triết học đã sinh ra từ thi ca, cũng giống như điều đó xảy ra với tất cả khoa học khác chính vì vậy mà đã đi gần tới chỗ hoàn thiện, nếu thế thì có thể hy vọng rằng, ngày nay tất cả các khoa học ấy với triết học, sau khi hoàn thành, sẽ bằng nhiều dòng riêng rẽ, lại đổ về nơi xuất phát ban đầu, đại dương bao quát tất cả của thi ca”.
Theo MAI THANH HỒNG / CAO ĐẲNG SƯ PHẠM NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG
Tags: Tư duy - nhận thức, Lý luận nghệ thuật