⠀
Bàn về tâm lý ‘yêu quyền lực’ ở Việt Nam
Một xã hội ưa chuộng các cá nhân có địa vị sẽ vô thức bài xích những người có ít quyền hơn, cho dù là quyền lực kinh tế hay hành chính.
Cậu con trai học lớp 5 của tôi khoe được làm sao đỏ. Hỏi con, làm sao đỏ có gì hay, nó cười phấn khởi trả lời đại ý rằng con có thể kiểm tra các bạn không đeo khăn quàng đỏ, đi học muộn, ăn quà trong khi xếp hàng…
Ánh mắt của cậu con trai làm tôi tưởng tượng ra cảnh những cậu bé cô bé sao đỏ ra oai với các bạn, điều có lẽ nó đã chứng kiến và cảm thấy ham thích. Và tôi bỗng thấy sợ.
Đó không phải là một trạng thái cá biệt. Cái tâm lý sướng khoái khi được làm “sao đỏ” đã tồn tại từ thời tôi đi học, và cho dù tư duy thế hệ đã có quá nhiều thay đổi, nó vẫn còn đến hôm nay: một biểu hiện sơ khởi của tâm lý ưa chuộng quyền lực.
Với mỗi nền văn hóa, cách chúng ta nhìn nhận quyền lực là khác nhau. Một trong những quan điểm nhìn nhận về quyền lực là khái niệm “khoảng cách quyền lực” của giáo sư Geert Hofstede. Các nghiên cứu của ông là sách gối đầu giường với các nhà nghiên cứu về ngoại giao và kinh doanh quốc tế. Hofstede định nghĩa “khoảng cách quyền lực” là sự giao tiếp giữa những người quyền lực nhất và những người ít quyền lực nhất trong xã hội.
Việt Nam có chỉ số khoảng cách quyền lực (PDI) khá cao: 70/100 điểm. Và bạn không cần phải là một chuyên gia để có thể nhận ra điều đó.
Ngày hè nọ, tôi tới một cơ quan nhà nước. Chủ nhật nhưng cơ quan khá đông người, có cả người già lẫn trẻ con. Hỏi ra mới biết, sếp trưởng cơ quan đó cho một phụ nữ quen “một chuyến xe” để đưa cả nhà đi nghỉ mát. Chiếc xe biển xanh sẵn sàng cho hành trình vài ngày, khuôn mặt phục tùng của anh tài xế và cậu bảo vệ khi nhẫn nại khuân vác đồ cho nhóm khách xa lạ chứng minh câu nói của bạn tôi: “Ở cơ quan này, quyền lực của sếp trưởng là tuyệt đối”.
Bóng dáng của từ “có chức vụ” đã trở thành một thang đo quan trọng về hình ảnh thành công ở Việt Nam. Vị sếp kia, hay nhiều người có chức vụ thích thú với việc có quyền lực trong tay và những giá trị thặng dư xã hội mang lại.
Rõ ràng, nền văn hóa có PDI cao luôn mong muốn người dưới phải nhún nhường người trên và chấp nhận sự bất bình đẳng giữa các chủ thể trong mối quan hệ. Hay nói cách khác, trong xã hội có chỉ số khoảng cách quyền lực cao, mọi cá nhân đều tôn trọng thứ bậc, không khuyến khích người ở vị trí thấp vươn lên vị trí cao. Chính vì vậy sẽ cần nhiều tiêu chí và nỗ lực hơn để vươn lên vị trí cao hơn trong cấp bậc xã hội.
PDI còn được phản ánh qua trang phục. Trong một xã hội PDI cao, con người dùng diện mạo bề ngoài như quần áo, cách trang điểm, trang sức, đồng hồ, điện thoại… để thể hiện địa vị xã hội.
Địa vị của đàn ông được thể hiện qua xe, nhà, điện thoại đắt tiền, với phụ nữ đó là giày dép, quần áo túi xách đắt tiền. Ngược lại, cá nhân trong xã hội có PDI thấp không chú ý nhiều đến vẻ bề ngoài. Tổng thống có thể mặc quần áo thể thao đi chạy bộ ven hồ, ngôi sao điện ảnh diện quần bò áo phông. Một nghiên cứu của công ty Nielsen cho thấy, 87% người Brazil và 79% người Bồ Đào Nha (có PDI cao) cố gắng ăn mặc sành điệu mọi lúc mọi nơi. Trong khi đó, có tới 76% người Na Uy và 69% người New Zealand (có PDI thấp) cho biết họ không chạy theo mốt.
Nền tảng xã hội sẽ phát triển bình đẳng hơn từ gia đình hay tổ chức. Những cái bóng cản trở và sợ sệt trong mỗi quan hệ sẽ hạn chế chính kiến và sự phát triển của các cá nhân. Một xã hội có PDI cao, ưa chuộng các cá nhân có địa vị, sẽ vô thức bài xích những người có ít quyền hơn, cho dù là quyền lực kinh tế hay hành chính. Theo nghĩa hẹp, một người đi xe đạp và một người đi xe hơi sẽ nhận được sự đối xử khác nhau khi đi qua một cánh cổng. Theo nghĩa rộng, tiếng nói góp ý chính sách của một người giàu sẽ được ưa chuộng hơn người nông dân nghèo – bất kể tính đúng đắn.
Tôi tự hỏi rằng “khoảng cách quyền lực” là một trạng thái pháp lý hay là trạng thái văn hóa? Những nhân viên kia phục tùng những sai phái của ông sếp, vì họ biết rằng đấu tranh sẽ không giải quyết được gì hay đó là thói quen của một xã hội?
Có lẽ là cả hai; và khía cạnh pháp lý quan trọng hơn khía cạnh văn hóa. Nhưng ít nhất, với con trai mình, tôi có quyền điều chỉnh và dạy nó nhìn nhận “quyền lực” như một bậc chính nhân.
Tôi không muốn dội ngay gáo nước lạnh vào tâm lý phấn khởi của đứa trẻ. Nhưng tôi sẽ tìm lúc để lựa lời: những quyền năng mà chiếc băng “Sao đỏ” mang lại, chỉ là một nhiệm vụ như bao nhiệm vụ khác, không phải điều để phấn khích.
Theo TRẦN ANH TÚ / VNEXPRESS
Tags: Bộ máy hành chính, Giám sát quyền lực, Văn hóa ứng xử, Công bằng xã hội