Xu hướng liên minh quân sự trong khu vực và vấn đề đặt ra cho Việt Nam

Xu hướng liên kết, liên minh quân sự ở châu Á – Thái Bình Dương không còn là một nguy cơ mà nó đã và đang được hiện thực hóa trong những năm gần đây. Sự trỗi dậy của Trung Quốc được xem là nguồn động lực chính thúc đẩy quá trình này diễn ra và Mỹ là bên tiên phong khởi xướng.

Xu hướng liên minh quân sự trong khu vực và vấn đề đặt ra cho Việt Nam

Các liên kết nhóm nhỏ đầu tiên lần lượt xuất hiện như Quad, AUKUS, JAPHUS. Tất nhiên rằng, đó chưa phải là những cái tên cuối cùng. Xu hướng liên kết – liên minh sẽ còn tiếp diễn cho đến khi mục tiêu chiến lược của người khởi xướng được hoàn thành. Mục tiêu đó có thể là một mô hình liên minh tương tự như NATO ở Đại Tây Dương, tạm gọi là “Liên minh Thái Bình Dương” do Mỹ đứng đầu. Xa hơn, thậm chí một “liên minh liên đại dương” có thể xuất hiện nhắm vào Nga và Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, cục diện châu Á – Thái Bình Dương cũng như trật tự thế giới sẽ có những xáo trộn đặc biệt lớn. Tất nhiên rằng, Việt Nam khó tránh khỏi những thách thức lớn chưa từng có.

1. Quá trình xây dựng các liên kết – liên minh quân sự và an ninh khu vực Châu Á – Thái Bình Dương thời gian qua

1.1. Nguyên nhân thúc đẩy

Sự trỗi dậy toàn diện của Trung Quốc và đà phục hồi của Nga kể từ sau Chiến tranh Lạnh đã buộc Mỹ phải căng mình trên hai mặt trận lớn Đại Tây Dương – Thái Bình Dương. Ở Đại Tây Dương, nỗ lực của Mỹ suốt hơn nửa thế kỷ đã giúp Washington thiết lập được khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trở thành lực lượng nòng cốt cho chiến lược đối phó với Nga. Trong khi đó, trên mặt trận Thái Bình Dương, tốc độ phát triển của Trung Quốc dường như nhanh hơn tốc độ triển khai lực lượng của Mỹ. Washington chưa thể xây dựng một hệ thống liên minh tương tự như NATO ở châu Á, đủ sức đảm đương nhiệm vụ kiềm chế Bắc Kinh.

Thực tế, Mỹ có nhiều đồng minh thân cận ở mặt trận Thái Bình Dương như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Australia… nhưng việc liên kết các mắt xích này tạo thành một mạng lưới liên minh quân sự là điều không dễ dàng. Một là, còn tồn tại mâu thuẫn giữa các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản; hai là, chưa có một lý do đủ thuyết phục hoặc nói đúng hơn là chưa có một kẻ thù chung rõ ràng đối với tất cả các quốc gia đồng minh. Mỹ đã xác định Trung Quốc là “đối thủ chiến lược cho thế kỷ 21”, nhưng các quốc gia Thái Bình Dương khác thì không nghĩ như vậy. Đó là những nguyên nhân căn bản khiến hệ thống đồng minh của Mỹ khu vực này tỏ ra rời rạc, chưa hình thành mối liên kết đủ lớn tương tự như NATO ở Đại Tây Dương.

Đó là một thực tế, soi chiếu từ kinh nghiệm xây dựng NATO trong nửa cuối thế kỷ 20, việc thiết lập một tổ chức tương tự ở Thái Bình Dương sẽ cần nhiều thời gian, không thể tính bằng năm, mà trong nhiều thập kỉ tới. Và nếu Mỹ không bắt tay triển khai ngay từ thời điểm hiện tại, sẽ là quá muộn đối với Washington trong chiến lược ngăn chặn Trung Quốc và thậm chí cả Nga trên mặt trận này.

1.2. Mục tiêu của Mỹ

Trong ngắn hạn, mục tiêu của Mỹ sẽ hướng đến nhiệm vụ: “tách các thành viên Châu Á – Thái Bình Dương khỏi các liên kết khu vực; đưa các quốc gia này vào các liên kết nhóm nhỏ do Mỹ đứng đầu. Đồng thời, Mỹ sẽ phải nỗ lực tăng cường quan hệ ngoại giao đối với tất cả các quốc gia châu Á – Thái Bình Dương, xây dựng thế ngoại giao cân bằng với Trung Quốc ở chính những nơi được coi là “sân nhà” của Bắc Kinh”. Để làm được điều đó, Mỹ cần giải quyết được hai rào cản chính đã được nêu ở trên đó là sử dụng vai trò trung gian của mình để hòa giải mâu thuẫn giữa các đồng minh, đồng thời đưa các đồng minh vào thế buộc phải xác định Trung Quốc là kẻ thù chung. Quá trình này có thể sẽ kéo dài trong 5 đến 10 năm tới.

Mục tiêu dài hạn của Mỹ không có gì khác ngoài việc thiết lập một tổ chức quân sự thống nhất tương tự như NATO ở Đại Tây Dương. Biến tổ chức đó trở thành lực lượng chống Trung Quốc và thậm chí là chống Nga ở mặt trận Thái Bình Dương, tạo ra trạng thái cân bằng lực lượng của Washington trên cả hai mặt trận lớn. Quá trình có thể sẽ kéo dài cho đến giữa thế kỷ 21. Sau cùng, một mô hình liên minh liên đại dương (Đại Tây Dương – Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương) sẽ được thúc đẩy, tạo thành một vành đai bao vây Nga và Trung Quốc.

Trong quá trình dài hơi đó, những sự kiện mang tính bước ngoặt có thể giúp tăng tốc tham vọng của Mỹ. Ví dụ “biến cố Đài Loan” hay “xung đột liên Triều” sẽ được xem là những chất xúc tác tiềm năng.

1.3. Thực tiễn: những liên kết đầu tiên đã được thiết lập

Tứ giác An ninh QUAD xuất hiện

Hợp tác Bộ tứ (hoặc một số cách gọi khác như: Bộ Tứ Kim cương; Tứ giác An ninh; Hợp tác An ninh Bốn bên Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Australia) đã có những tương tác đầu tiên từ năm 2004, sau đó chính thức được thiết lập vào năm 2007 theo ý tưởng của cố Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Khi đó, bốn quốc gia đã tổ chức cuộc họp QUAD đầu tiên bên lề Diễn đàn Khu vực ASEAN vào tháng 5/2007 và tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung ở Vịnh Bengal, cùng với Singapore[1]. Nhưng không lâu sau đó, quan hệ Australia – Ấn Độ xấu đi trong thời gian nắm quyền của cựu Thủ tướng Úc là John Howard và người kế nhiệm. Điều này có liên quan đến việc Úc không bán Uranium cho Ấn Độ, trực tiếp làm suy yếu liên kết QUAD[2]. 7 năm sau, mối quan hệ Bộ Tứ mới bắt đầu phục hồi và phát triển trở lại.

Hơn 15 năm qua đã chứng kiến những giai đoạn phát triển thăng trầm khác nhau của hợp tác Quad, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ “chính sách đa hướng” của Ấn Độ không phải lúc nào cũng thuận chiều với tham vọng của ba thành viên còn lại. Tuy nhiên, điều đó không làm lu mờ đi mục tiêu mang tính bản chất của quan hệ Tứ giác An ninh này nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực liên hai đại dương. Cũng cần nhắc lại rằng, mặc dù đã có lúc các thành viên Quad có những tương tác quân sự với nhau, nhưng hợp tác Tứ giác An ninh (Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ) vẫn chỉ đơn thuần là một hợp tác an ninh, chứ chưa phải một liên minh quân sự đúng nghĩa. Trong bốn thành viên, Ấn Độ là quốc gia duy nhất vẫn kiên định với chính sách không liên kết, trung lập trong cuộc đua toàn cầu. Thấy rõ nhất qua khủng hoảng Syria từ năm 2011; khủng hoảng Ukraine từ năm 2014; gần đây nhất là Chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga đã triển khai từ năm 2022… Ấn Độ đều tìm cách từ chối ngả về bất cứ bên nào.

Cũng đã có những thời điểm, Quad đã tính tới phương án mở rộng diễn đàn hợp tác (Quad+). Nhưng thực tiễn cho thấy, ý tưởng này không mấy khả thi trong thời điểm hiện tại. Đó cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy Mỹ đẩy mạnh quá trình thiết lập các liên kết khác trong khu vực.

AUKUS một hướng đi hoàn toàn khác

Có rất nhiều nguyên nhân thúc đẩy sự ra đời của AUKUS, một trong số đó đã được nêu ở trên – tức là Quad đã tới hạn, khó có thể mở rộng sau hơn 15 năm. Vì thế, Bộ tứ Kim cương không đáp ứng được tham vọng mà Mỹ muốn hướng tới. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cần được chú ý tới liên quan đến nhu cầu cân bằng hạt nhân ở khu vực Đông Á trước áp lực ngày một lớn từ phía Bắc Kinh, không đơn thuần chỉ là nhu cầu từ phía Chính phủ Australia, mà rộng hơn, còn là ý muốn của Mỹ và các đồng minh của họ.

Tháng 9/2021, ba nước Mỹ, Anh, Australia đã tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác An ninh Ba bên (AUKUS), đưa Australia trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới có thể sở hữu lực lượng tàu ngầm hạt nhân, với lộ trình bốn bước: Bước đầu tiên, các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ sẽ tăng cường các chuyến thăm tới các cảng của Australia từ năm 2023 “để tăng tốc độ đào tạo các thủy thủ tàu ngầm Australia”. Để thể hiện sự chân thành của mình, Australia cần mở rộng Căn cứ Hải quân Perth Stirling ở Tây Australia để tàu ngầm Mỹ sử dụng; Bước thứ hai, từ năm 2027, 3 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia của Mỹ và 1 tàu ngầm hạt nhân lớp Astute của Anh sẽ luân phiên đóng tại Căn cứ Hải quân Stirling, sĩ quan, binh sĩ Australia có thể huấn luyện, đào tạo cùng với họ; Bước thứ ba, vào đầu những năm 2030, Australia lần đầu tiên mua 3-5 tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia “đã qua sử dụng” của Mỹ, “để lấp đầy khoảng trống về sức mạnh chiến đấu đã già cỗi của các tàu ngầm diesel – điện lớp Collins của Australia”; Bước thứ tư, vào đầu những năm 2040, Australia sẽ chế tạo tàu ngầm hạt nhân lớp Aukus (SSN-AUKUS) thực sự, do Anh thiết kế, trang bị hệ thống chiến đấu và vũ khí của Mỹ, đóng tại Adelaide, Nam Australia. Để bù đắp những hạn chế trong năng lực sản xuất tàu ngầm hạt nhân của Anh và Mỹ hiện nay, Australia cũng sẽ hỗ trợ tài chính và đưa công nhân Australia tham gia sản xuất[3].

Xét về tiềm năng mở rộng của AUKUS, liên kết này bị hạn chế bởi bản chất chia sẻ năng lực hạt nhân của nó. Do vậy, quốc gia đồng minh tiềm năng nhất của Mỹ có thể tham gia là Nhật Bản. Các đồng minh còn lại ở châu Á – Thái Bình Dương rất khó có thể mạo hiểm tham gia vào tổ chức này.

Hợp tác An ninh Ba bên JAPHUS

Nhật Bản, Mỹ, Philippines đang thành lập một liên kết an ninh mới, tương tự như Tứ giác An ninh (Quad), nhưng đặc trưng của JAPHUS nằm ở nhân tố Philippines. Mỹ không chọn phương án mở rộng Quad, kết nạp Philippines để biến Bộ Tứ thành Bộ Ngũ. Nguyên nhân đã được bàn tới trong bài viết “Hợp tác An ninh Ba bên JAPHUS – Giải pháp hay thách thức đối với an ninh Đông Á?” trên Nghiên cứu Chiến lược[4]. Trong đó, nguyên nhân căn bản là sự bất định của nhân tố Ấn Độ có thể trở thành rào cản đối với chính sách liên kết, liên minh hóa của Mỹ. Đồng thời, điều Mỹ cần trước mắt là tách các quốc gia Thái Bình Dương ra khỏi các liên kết khu vực hiện có, làm suy yếu chúng, nhằm tạo điều kiện cho Washington có thể gia tăng ảnh hưởng. Do vậy, việc đưa Philippines vào liên kết nhóm nào không quá quan trọng, miễn là nằm trong sự “kiểm soát chiến lược” của Mỹ, bởi JAPHUS không phải là công cụ cuối cùng phục vụ chiến lược toàn cầu của Washington trong thế kỷ 21.

Thuận lợi của Mỹ trong kế hoạch thiết lập JAPHUS nằm ở sự “nhiệt tình” của Nhật Bản. Nước này đang có những điều chỉnh quốc phòng đáng chú ý ở ba điểm: (1) định vị thách thức từ Trung Quốc; (2) nhấn mạnh quyền “phản công” của Nhật Bản; (3) hợp lý hóa kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng. Đồng thời, tương tác quân sự – an ninh Nhật Bản – Philippines cũng đã được thúc đẩy từ tháng 12/2022, khi Philippines trở thành quốc gia thứ ba Nhật Bản đưa chiến đấu cơ tới.

Liên kết chiến lược đầy tiềm năng Mỹ – Nhật – Hàn

Một động thái không thể không nhắc đến trong thời gian gần đây là việc Mỹ trở thành trung gian hòa giải quan hệ Nhật Bản – Hàn Quốc. Hai nước Đông Bắc Á này từ lâu đã trở thành lực lượng chính và có thực lực nhất của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Thế nhưng, mâu thuẫn từ lịch sử giữa Nhật Bản và Hàn Quốc luôn trở thành điểm yếu chí tử của “lực lượng Mỹ” trong cán cân quyền lực khu vực. Việc bồi thường và xin lỗi đối với các nạn nhân từ lịch sử Thế chiến II vẫn là điểm nghẽn chính trong quan hệ hai nước này. Nhật Bản cho rằng họ đã thể hiện đủ trách nhiệm của mình đối với lịch sử và sẽ không có thêm bất cứ nghĩa vụ nào nữa. Điều đó luôn khiến dư luận Hàn Quốc nổi giận và gây áp lực đối với chính sách của Chính phủ.

Khi Thủ tướng Yoon Suk-yeol lên nắm quyền, dưới tác động trung gian của Mỹ, Hàn Quốc đang có dấu hiệu nhượng bộ, chấp nhận giải quyết “mâu thuẫn lịch sử” theo hướng chịu phần thiệt thòi nhiều hơn đối với Seoul. Điều đáng chú ý là sự phẫn nộ của dư luận lần này đã không ngăn cản được quyết tâm hòa giải với Nhật Bản của Chính quyền Yoon Suk-yeol. Khi rào cản lớn nhất đã được dẹp bỏ, tương lai liên minh Mỹ – Nhật – Hàn đang có được những điều kiện thuận lợi nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi bộ ba này thống nhất, sức mạnh của Mỹ ở Đông Bắc Á chắc chắn sẽ mạnh lên đáng kể. Trở thành chỗ dựa lớn cho chiến lược mở rộng liên minh của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Cần nhấn mạnh lại rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia có thực lực quân sự đáng kể nhất trong số các đồng minh của Mỹ ở châu Á.

Nhìn chung, các liên kết nhóm nhỏ đang tỏ ra hiệu quả trong việc làm tăng “tâm lý bất an” trong khu vực. Tâm lý này sẽ thúc đẩy quá trình phân tuyến thời Chiến tranh Lạnh quay trở lại Thái Bình Dương. Điều đó hoàn toàn có ích đối với tham vọng chiến lược xây dựng một liên minh bao trùm khu vực, “cùng chí hướng” ngăn chặn Trung Quốc, thậm chí là cả Nga trong thế kỷ 21 của Mỹ.

2. Chiến lược xây dựng lực lượng của Mỹ từ lịch sử tới tương lai

Chiến lược thống nhất liên minh Thái Bình Dương sẽ không có gì là xa vời nếu nhìn lại tham vọng thống trị của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Lịch sử đôi khi sẽ cho chúng ta thấy trước được một mô hình quen thuộc trong tương lai.

Từ lịch sử: NATO được hình thành và duy trì nhờ “đối thủ chiến lược” mang tên Liên Xô/Nga…

Thật kỳ lạ khi thế giới đã tuyên bố chiến thắng trong một cuộc chiến chống phát xít năm 1945, nhưng cuộc chiến thực sự lại chưa kết thúc, thậm chí mới chỉ bước vào giai đoạn đầu. Trước sự lớn mạnh của Liên Xô sau chiến tranh, Mỹ đã tăng tốc trong tiến trình xây dựng lực lượng chiến lược ở lục địa già. Phục hưng Tây Âu chỉ là bước đi đầu tiên và bắt buộc để có được một lực lượng đủ mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự. Bước kế tiếp, NATO được thành lập ngày 04/4/1949 với 12 thành viên đầu tiên gồm: Mỹ, Anh, Pháp và một số quốc gia Tây Âu. Thời gian đầu được thành lập, thế giới vẫn còn mơ hồ về tổ chức này. Khi Chiến tranh Lạnh leo thang, mục đích chống Liên Xô của nó mới được thể hiện một cách rõ ràng.

Đến nay NATO đã tăng số thành viên lên đến 31 và nó sẽ không dừng lại ở con số này. Nhìn trên bản đồ, rõ ràng nó đang hướng về phía Đông, sát về biên giới nước Nga. Quá trình này được thực hiện bằng một cách thức vô cùng quen thuộc và nó được sử dụng đi sử dụng lại trong suốt nhiều thập kỷ. Mỹ luôn tìm cách dung dưỡng các thế lực chống Nga tại các quốc gia này, đưa họ lên nắm quyền bằng mọi cách kể cả bằng “cưỡng bức quân sự” lẫn “cách mạng màu”, khiến họ “tự nguyện” gia nhập đội quân liên minh do Mỹ đứng đầu. Tất nhiên là để nhằm vào đối thủ lớn của Washington – Điện Kremli.

Tuy nhiên, khi Liên Xô tan rã, Chiến tranh Lạnh kết thúc, theo lẽ thường, NATO đã không còn lí do để tồn tại. Nhưng thực tế ngược lại, thậm chí NATO còn phát triển với tốc độ còn nhanh hơn, tính riêng 5 năm 1999 – 2004, tổ chức này đã kết nạp tới 10 thành viên mới. Cũng cần lưu ý rằng, Liên Xô trước đây và Nga sau này đã có không ít lần đề xuất ý tưởng gia nhập NATO, nhưng đều bị bác bỏ. Rõ ràng, đối với Mỹ, dân tộc Nga và các đồng minh của họ dù ở thời kỳ nào, dưới tên gọi nào cũng là đối thủ lớn, có tiềm năng lớn uy hiếp trật tự thế giới do Mỹ điều hành. Chừng nào dân tộc Nga chưa chịu khuất phục, chấp nhận cuộc chơi do Mỹ sắp đặt thì NATO vẫn còn lý do để tồn tại.

…Đến hiện tại và tương lai: “đối thủ chiến lược Trung Quốc” được tạo ra để thúc đẩy một mô hình liên minh tương tự NATO tại Thái Bình Dương

Trong khi lực lượng chống Nga ở mặt trận Đại Tây Dương đã được sắp xếp ổn định, Mỹ bắt đầu “an tâm” mở thêm một mặt trận thứ hai tại Thái Bình Dương. Không phải ngẫu nhiên đây là thời điểm Mỹ xác định Trung Quốc trở thành “đối thủ chiến lược” của họ trong thế kỷ 21, thậm chí mức độ ưu tiên đã xếp trên Nga.

Cụ thể, năm 2017, thời điểm nắm quyền của Tổng thống Donald Trump, Chiến lược An ninh quốc gia đã được công bố trong đó đã đề cập tới Trung Quốc 35 lần, nhiều hơn 3 lần so với Nga[5]. Chiến lược quốc phòng của Mỹ công bố đầu năm 2018 lần đầu gọi tên Trung Quốc với tư cách là một “đối thủ cạnh tranh chiến lược (strategic competitor)”[6]. Năm 2021, Chiến lược An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Biden xác định rõ, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng toàn diện để thách thức “hệ thống quốc tế ổn định và cởi mở”[7]. Năm 2022, Mỹ công bố Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (National Defense Authorization Act – NDAA), trong đó năm 2023 sẽ có hơn 6 tỷ USD tài trợ cho Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương và gần 4 tỷ USD cho Sáng kiến răn đe châu Âu[8]. Từ quan điểm đến hành động, thập niên thứ ba của thế kỷ 21 đã cho thấy sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ. Washington chính thức định vị cuộc đua chiến lược với Trung Quốc ở mặt trận Thái Bình Dương.

Lịch sử có thể lặp lại? Sẽ không có gì bất ngờ nếu Mỹ lặp lại chiến lược mà họ đã từng thực hiện sau chiến tranh thế giới lần thứ hai nhằm vào Liên Xô, và bài toán hiện tại sẽ là chiến lược xây dựng lực lượng nhằm vào Trung Quốc. Một liên minh quân sự khu vực châu Á – Thái Bình Dương theo mô hình NATO ở châu Âu – Đại Tây Dương là điều Mỹ sẽ hướng đến. Như đã trình bày ở phần mục tiêu của Mỹ, Washington sẽ xây dựng một lộ trình nhiều bước cụ thể như sau: (1) thúc đẩy hòa giải mâu thuẫn, tăng cường mối quan hệ giữa các đối tác đồng minh truyền thống của họ ở khu vực bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia và các đồng minh ở Đông Nam Á. (2) cố gắng tách các quốc gia trong khu vực gia khỏi liên kết khu vực, giống như việc mà họ đã từng làm để chia rẽ khối Đông Âu trong nửa cuối thế kỷ 20. (3) thống nhất liên minh Thái Bình Dương cùng chung một “chí hướng” ngăn chặn Trung Quốc.

3. Tác động của quá trình liên minh, liên kết hóa Châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ tới cục diện khu vực và trật tự thế giới

Tác động tới cục diện khu vực

Ở thời điểm hiện tại, Thái Bình Dương vẫn là một khu vực có trạng thái hòa bình, ổn định. Điều đó có được là nhờ cục diện đang có được sự cân bằng tương đối, không có một thế lực nào áp đảo hoàn toàn. Trung Quốc, Mỹ cùng các đồng minh của Washington vẫn chưa có những bước đi mạo hiểm có thể phá vỡ cấu trúc an ninh của khu vực. Trong khi đó, liên kết khu vực ASEAN đã và đang chứng minh được tính hiệu quả nhất định trong việc cân bằng thế và lực với các nước lớn.

Tuy nhiên, cục diện cân bằng này đang dần bị lung lay bởi chính sách lôi kéo đồng minh của các nước, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc. Để thực hiện chiến lược xây dựng lực lượng đối phó với Bắc Kinh, Washington sẽ tìm mọi cách để phá vỡ các liên kết khu vực hiện có, đặc biệt là ASEAN. Tất nhiên, Bắc Kinh cũng sẽ không ngồi yên. Sự tranh đua của hai siêu cường có thể làm phá vỡ thế đa cực ở Thái Bình Dương, tham vọng đưa cấu trúc quyền lực ở khu vực này chỉ còn 2 cực Mỹ – Trung Quốc. Tất cả các liên kết khu vực sẽ chỉ tồn tại theo hai hướng, hoặc là đứng về phía Washington, hoặc là Bắc Kinh. Lực lượng trung lập còn lại trong khu vực chỉ là thiểu số, không có khả năng chi phối tới cuộc chơi địa chính trị giữa các thế lực. Đó là một chiều hướng vận động tiêu cực đối với cục diện Đông Á nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

Bên cạnh đó, quá trình liên minh, liên kết hóa này có thể tạo ra tác động tích cực nào đối với cục diện khu vực hay không? Tất nhiên là có khả năng, nhưng để tận dụng được mặt tích cực của nó đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các quốc gia tầm trung và nhỏ. Cụ thể, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung sẽ tạo ra một động lực đáng kể cho các quốc gia nhỏ hơn đoàn kết với nhau, cùng sát cánh chống lại sự can thiệp cường quyền từ bên ngoài. ASEAN là trường hợp tiêu biểu nhất đã từng thành công trong việc đoàn kết nội bộ, cùng xác lập một vị trí quan trọng trong cuộc chơi quyền lực ở châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng, trong cuộc đua sắp tới, ASEAN dường như đang chạy chậm hơn so với các siêu cường.

Tác động tới trật tự thế giới

Trước hết, trật tự thế giới hiện nay là gì? Tất nhiên không còn là “Nhất siêu đa cường” với Mỹ đóng vai trò siêu cường lớn nhất. Mô hình thế giới như vậy đã kết thúc từ cuối thập niên thứ nhất, đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21. Cả Nga và Trung Quốc đều có những tuyên bố bác bỏ mô hình “trật tự dựa trên luật lệ” mà Washington đã thiết lập. Trật tự thế giới được vận hành hơn trong thập kỷ qua có thể gọi là trật tự “đa cực”, nhưng cụ thể có mấy cực vẫn là điều chưa rõ ràng. Nhiều nhân tố có tiếng nói quan trọng hàng đầu thế giới có thể kể đến như: Mỹ, Trung Quốc, Nga, EU, Ấn Độ, Nhật Bản, ASEAN… Nhưng trên thực tế, chỉ có 3 nhân tố Mỹ, Trung Quốc và Nga đủ sức can thiệp vào hầu hết các vấn đề lớn của nhân loại. Mỹ có khả năng tập hợp, lối kéo nhiều đồng minh cùng chia sẻ chiến lược toàn cầu của họ. Nga và Trung Quốc có xu hướng thân thiết, xích lại gần nhau, cùng các nền kinh tế lớn mới nổi tạo thành lực lượng cân bằng với hệ thống quốc tế do Mỹ đứng đầu. Tuy nhiên, cả Nga và Trung Quốc đều không nhắc đến khái niệm liên minh giữa hai nước, hoặc có thể bây giờ chưa phải là thời điểm thích hợp. Đồng thời, các cường quốc khác như Ấn Độ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Brazin, Nam Phi… có những vai trò nhất định. Sự “đảo chiều” của các cường quốc này có thể làm đảo lộn cán cân quyền lực trên bình diện toàn cầu. Do vậy, trật tự hiện tại của thế giới không phải là “lưỡng cực” tương tự thời kỳ Chiến tranh Lạnh, mà đang vận hành theo một trật tự đa cực với trung tâm là bộ ba Mỹ – Trung – Nga.

Với một trật tự thế giới đương đại như vậy, quá trình thiết lập liên minh Thái Bình Dương tương tự NATO sẽ gây ra những xáo trộn lớn trên bình diện toàn cầu. Cái gọi là “Liên minh Thái Bình Dương” do Mỹ đứng đầu sẽ trực tiếp đe dọa đến Trung Quốc và cả Nga, đẩy tình thế đối đầu giữa Mỹ và hai siêu cường còn lại lên một nấc thang mới. Cụ thể hơn, Mỹ sẽ có trong tay hai lực lượng hùng hậu, có thực lực tương đương nhau, đảm đương hai mặt trận lớn ở Đại Tây Dương – Thái Bình Dương. Khi đó, khác với Trung Quốc, Nga sẽ phải đương đầu với cả hai khối liên minh thay vì chỉ ứng phó với NATO. Dưới áp lực như vậy, Nga và Trung Quốc chắc chắn không có lựa chọn nào khác ngoài việc thiết lập “liên minh liên lục địa” để đối đầu với “liên minh liên đại dương” của Mỹ. Từ liên minh Nga – Trung làm nền tảng, hai nước sẽ tiếp tục mở rộng, tìm kiếm các đồng minh tiềm năng ở châu Á, thậm chí vươn ra các châu lục khác.

Trong hoàn cảnh như vậy, các quốc gia còn lại trên thế giới sẽ phải đưa ra lựa chọn cụ thể. Khi đó, chúng ta có mô hình “lưỡng cực 2.0”, giữa một bên là hệ thống liên minh do Mỹ đứng đầu và một bên là khối liên minh được lãnh đạo bởi liên kết Nga – Trung Quốc”. Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới sẽ xuất hiện vừa có những đặc điểm tương đồng với Chiến tranh Lạnh thế kỷ 20, vừa có những đặc điểm hoàn toàn mới: (1) khái niệm “vùng đệm cứng” thường để ám chỉ các quốc gia, vùng lãnh thổ nằm giữa cuộc đối đầu lưỡng cực sẽ không còn. Thay vào đó, các “vùng đệm mềm” biểu hiện qua các thỏa thuận phân chia lợi ích giữa các bên sẽ xuất hiện. (2) đối đầu lưỡng cực sẽ không dựa trên yếu tố ý thức hệ, không còn cuộc đấu giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản như Chiến tranh Lạnh thế kỷ 20. (3) Cân bằng chiến lược không dựa trên cơ sở cân bằng hạt nhân, mà dựa trên cơ sở cân bằng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực: công nghệ, khoa học, quân sự, văn hóa, kinh tế…

Đó là một viễn cảnh tiêu cực có thể sẽ xảy ra, nhưng không phải là không có khả năng thay đổi tương lai này. Mấu chốt nằm ở quyết tâm lựa chọn chính sách của các quốc gia, khu vực trong thời đại cạnh tranh chiến lược trong thời gian tới.

4. Một vài khuyến nghị đối với Việt Nam

Việt Nam là một trong những quốc gia trọng tâm trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc. Dù đứng ở góc độ địa chiến lược nào đi chăng nữa, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài cuộc chơi lớn này. Do vậy, thay vì tìm cách lảng tránh, Việt Nam cần nhìn nhận nghiêm túc cuộc đua sắp tới, từ đó có những phương án chuẩn bị cần thiết để hạn chế những rủi ro có thể gặp phải.

Thứ nhất, Việt Nam cần tận dụng tối đa các cơ hội trong thời kỳ hòa bình hiện tại để phát triển đất nước toàn diện. Trong thời điểm hiện tại, xung đột và hòa bình đan xen phức tạp. Giai đoạn hòa bình, ổn định có thể không còn kéo dài đối với các điểm nóng then chốt, thậm chí ngay cả những nước đang có trạng thái ổn định như Việt Nam. Và khi các xung đột bùng lên, các cơ hội hợp tác của Việt Nam đối với thế giới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do vậy, Hà Nội cần tranh thủ tối đa các cơ hội hợp tác trong thời gian tới, tận dụng một cách hiệu quả các nguồn lực về vốn, tài nguyên và cả con người để phục vụ quá trình hiện đại hóa đất nước. Trong quá trình đó, cần xác định, cơ hội có thể đến từ bất cứ thế lực nào. Mọi cuộc đua tranh đều có tính hai mặt, chỉ cần có thể mang lại lợi ích cho đất nước và không xâm phạm đến lợi ích chính đáng của các bên, Việt Nam cần chớp thời cơ, tận dụng một cách triệt để. Cũng cần nói thêm rằng, trong cuộc đua chiến lược hiện nay, các nước lớn đều cần có Việt Nam đứng về phía họ hơn là Việt Nam cần họ đứng về phía mình. Đó là một tâm thế có thể tạo ra sự khác biệt trong cách tiếp cận, hợp tác quốc tế thời gian tới. Để gia tăng sức mạnh của quốc gia, chủ nghĩa thực dụng trong bối cảnh hiện nay có thể được xem xét một cách nghiêm túc. Tuy nhiên, cần lưu ý một nguyên tắc bất di bất dịch, đó là không xâm phạm hoặc tiếp tay, gây hại đến lợi ích chính đáng của các quốc gia khác, nhất là các đối tác truyền thống lâu đời của Việt Nam.

Duy trì định hướng đối ngoại trung lập, không liên kết. Đây là nhiệm vụ then chốt của công tác đối ngoại trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Đã có quá nhiều bài học kinh nghiệm từ lịch sử trong nước cũng như quốc tế chứng minh chính sách “chọn bên” sẽ dẫn đến những hậu quả khủng khiếp. Do đó, cần tiếp tục làm sâu sắc hơn chiến lược “ngoại giao cây tre”, tuân thủ tuyệt đối, linh hoạt chính sách “Bốn không – Một tùy” đã nêu trong sách trắng quốc phòng 2019. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần tiếp tục hội nhập sâu rộng vào các diễn đàn đối thoại, hợp tác quốc tế, làm phong phú hơn ngoại giao đa phương, đóng góp nhiều hơn các sáng kiến “kiến tạo hòa bình”, thông qua đó, tiếp tục nâng cao vị thế quốc tế của đất nước.

Siết chặt an ninh toàn diện đất nước trước những thay đổi của khu vực và thế giới. Cùng với nhiệm vụ xây dựng môi trường quan hệ quốc tế hòa bình, ổn định, nhiệm vụ đối nội cũng cần được coi trọng tương ứng. Ổn định xã hội bên trong luôn là vấn đề quan trọng được ưu tiên trong mọi giai đoạn phát triển của các quốc gia. Đối nội tốt là chỗ dựa vững chắc nhất cho công tác đối ngoại trong thời kỳ phức tạp sắp tới. Cần nhấn mạnh rằng, chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực bên ngoài sẽ tiếp tục được thúc đẩy với cường độ cao hơn. Cuộc chiến trên các lĩnh vực văn hóa, tư tưởng sẽ ngày càng phức tạp, khó khăn. Do đó, khái niệm an ninh đất nước cần được liên tục bổ sung, làm sâu sắc hơn, đồng thời thực tiễn công tác an ninh trên tất cả các lĩnh vực phải được triển khai theo kịp với sự phát triển của công tác lý luận.

Nỗ lực duy trì định hướng chung của các nước Đông Nam Á lục địa, đặc biệt là mối quan hệ truyền thống Việt – Cam – Lào. Bên cạnh việc duy trì tình hình an ninh trong nước, môi trường an ninh biên giới tại các nước láng giếng cũng có ý nghĩa sống còn đối với tương lai phát triển của Việt Nam. Quan hệ truyền thống Việt Nam – Lào – Campuchia ngày càng được nâng tầm, phát triển sâu sắc là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của công tác đối ngoại. Sự kết nối giữa ba nước cần thể hiện nhiều hơn không chỉ đơn thuần là sự gần gũi về chính trị, mà phải được biểu hiện ở những yếu tố khác như: kết nối hạ tầng, giao lưu nhân dân, thu hẹp sự chênh lệch phát triển kinh tế giữa ba nước… Cả ba nước dù ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào cũng phải nhận thức được rõ sự tồn vong của bất kì quốc gia nào cũng ảnh hưởng ngay lập tức tới sự tồn vong của hai quốc gia còn lại. Điều đó thể hiện mối quan hệ đặc biệt giữa ba nước mà không có quan hệ nào có thể so sánh được. Việt Nam cần duy trì được vai trò tiên phong, có trách nhiệm trong việc duy trì tinh thần chung đó trong tương lai phức tạp phía trước.

Nỗ lực duy trì vai trò trung tâm của các cơ chế hợp tác đa phương nhằm ứng phó với các chuyển biến ở khu vực. Để ngăn chặn chiến lược phá vỡ các liên kết khu vực hiện có, cùng với các nước châu Á – Thái Bình Dương đặc biệt là ASEAN, Việt Nam sẽ phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy tính hiệu quả của các cơ chế hợp tác đa phương cũng như các tổ chức hợp tác khu vực. Ở Đông Nam Á, Việt Nam cần tiếp tục kêu gọi các nước ASEAN tuân thủ và bảo vệ tinh thần của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC), có những sáng kiến hữu ích nhằm tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa các nước thành viên, cùng với các nước trong khu vực duy trì và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề quốc tế. Đồng thời, Việt Nam sẽ cần nỗ lực nhiều hơn cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ các giá trị cốt lõi của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

———————–

Tài liệu tham khảo:

[1] Zongyou Wei, “The evolution of the ‘QUAD’: driving forces, impacts, and prospects”, China Int Strategy Rev. 2022; 4(2): p.288- 304, https://doi.org/10.1007/s42533-022-00119-w
[2] Naresh Chand, Quadrilateral (QUAD) Security Dialogue, SP’s Naval Forces, 02/3/2020, https://www.spsnavalforces.com/story/?id=670&h=Quadrilateral-QUAD-Security-Dialogue
[3] 郭春梅, “核潜艇计划:澳大利亚的豪赌, AUKUS的狂欢”, 国际网, 17.03.2023, Dẫn theo: Hoàng Hải (dịch), “Chương trình tàu ngầm hạt nhân: Canh bạc lớn đối với Australia”, Nghiên cứu Chiến lược, 24.3.2023.
[4] Hoàng Hải, “Hợp tác An ninh Ba bên JAPHUS – Giải pháp hay thách thức đối với an ninh Đông Á?”, Nghiên cứu Chiến lược, 01.4.2023.
[5] White House (2017), US National Security Strategy, https://trumpwhitehouse.archives.gov/wp-content/uploads/2017/12/NSS-Final-12-18-2017-0905.pdf
[6] United States Department of Defense (2018), US National Defense Strategy, https://dod.defense.gov/Portals/1/Documents/pubs/2018-National-Defense-Strategy-Summary.pdf
[7] White House (2021), US National Security Strategy, https://www.whitehouse.gov/wp-content/uploads/2021/03/NSC-1v2.pdf
[8] House Armed Services Committee (2022), National Defense Authorization Act, https://www.armed-services.senate.gov/imo/media/doc/fy23_ndaa_agreement_summary.pdf

Theo HOÀNG HẢI / NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC 

Tags: , ,