Vụ thảm sát hơn 10 vạn dân Mông Cổ ở Trung Hoa cuối triều Thanh

Năm Quang Tự thứ 17 (1891), ở vùng Nhiệt Hà (tỉnh cũ nay không còn của Trung Quốc) gần khu vực Nội Mông Cổ, xảy ra một vụ biến loạn cực lớn. Một số giáo phái bí mật của người Hán – nổi tiếng nhất là Kim Đơn Đạo (Jindandao) – đã tổ chức một cuộc bạo loạn lớn tàn sát và cướp phá người dân khu vực, trong đó đặc biệt nhắm vào người Mông Cổ.

Hậu quả làm hàng chục vạn người Mông Cổ lẫn Hán bị chết thảm thương, vô số người khác phải bồng bế nhau chạy loạn làm tan hoang một khu vực rộng lớn. Tuy nhiên, vì một số lý do chưa rõ nào đó mà triều đình Mãn Thanh lúc đó lại không quan tâm quá nhiều đến sự việc này dù thực tế là nó nổ ra ngay sát kinh thành, gần hơn bất cứ cuộc biến loạn nào mà Nhà Thanh từng trải qua lúc đó. Phải gần một tháng sau triều đình mới cử quân lên dẹp loạn nhưng chỉ mất có vài ngày để dẹp xong. Tuy nhiên, các bộ lạc Mông Cổ vùng Nội Mông đã hứng chịu những hậu quả rất khủng khiếp.

Dù là một cuộc biến loạn với quy mô rất lớn, nhưng ngày nay sự kiện bạo loạn do Kim Đơn Đạo gây ra năm 1891 vẫn là một trong những chủ đề còn nhiều thiếu sót và tranh cãi nhất lịch sử Trung Hoa. Một trong những nguyên nhân chính là việc thiếu xót tài liệu và sự bỏ bê khu vực này thời kỳ cuối nhà Thanh. Hiện nay ở Trung Quốc tồn tại nhiều góc nhìn rất khác nhau về sự kiện loạn Kim Đơn Đạo năm 1891, từng không ít lần gây mâu thuẫn trong chính nội bộ giới nghiên cứu nước này, và vì vậy nó thường được coi là một chủ đề nên né tránh. Mặc dù vậy, đối với người Mông Cổ và những giới nghiên cứu sử học Á Đông ở phương Tây, đây lại là một sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt, và nó được coi là sự kiện ”mở đầu cho lịch sử Mông Cổ hiện đại”. Một trong những ý nghĩa lịch sử lớn nhất của nó thường được nhắc tới, là việc thúc đẩy nhanh sự độc lập của Ngoại Mông – tức nước Mông Cổ độc lập ngày nay.

Sơ lược về tình hình dân tộc và xung đột Mông-Hán cuối triều Thanh

Trước tiên nói qua về vùng Nhiệt Hà. Vùng này vốn là một tỉnh quan trọng với nhà Thanh. Nhiệt Hà vốn nằm ngay bên ngoài Vạn Lý Trường Thành, cách Bắc Kinh không xa. Các vua Thanh ngày trước thường dành cả mùa hè trong khu nghỉ mát ở thủ phủ Thừa Đức của tỉnh này, cai trị đất nước lẫn tiếp đón sứ thần đều ở Thừa Đức thay vì Bắc Kinh. Nhưng quan trọng hơn, tỉnh này chính là ngã ba của các dân tộc Mãn-Hán-Mông Cổ. Ngoài việc nằm bên ngoài Vạn Lý Trường Thành, nó cũng nằm trên ranh giới giữa Mãn Châu và Mông Cổ.

Vụ thảm sát hơn 10 vạn dân Mông Cổ ở Trung Hoa cuối triều Thanh

Tỉnh Nhiệt Hà (Jehol) cũ vẽ trên ranh giới các tỉnh ngày nay của Trung Quốc.

Chính vì vậy mà việc phân chia hành chính và dân tộc ở khu vực này rất phức tạp và được triều đình Mãn Thanh đời trước làm rất cẩn thận. Ban đầu nhà Thanh coi đây là vùng đất của người Mãn và Mông Cổ, người Hán bị cấm tuyệt đối bén mảng đến. Quân đội thường trực Mãn Thanh cũng được hạn chế đóng quân ở đây, mà giao cho các đơn vị Bát kỳ Mông Cổ tự cai quản.

Tuy nhiên vào thời kỳ Khang Hy, dân số Trung Hoa tăng gấp bội. Các thống kê dân số thời kỳ Khang Hy cho thấy dân số tỉnh Sơn Đông tăng gấp 2, tỉnh Hà Bắc tăng gấp 6 lần. Dân số tăng đồng nghĩa với số nông dân nghèo không có đất canh tác tăng, dẫn đến vua Khang Hy phải cho họ tiến hành chính sách ”Nhạn hành” – có ý nghĩa như ”chim di cư”. Theo đó, nông dân người Hán ở các tỉnh Sơn Đông, Hà Bắc (lúc đó tên là Trực Lệ) được phép đi ra Vạn lý trường thành để đến các vùng đất hoang phía Bắc khai hoang cày cấy, nhưng chỉ được đi vào mùa đông và bắt buộc phải trở về trước mùa xuân. Chính sách này của vua Khang Hy đã có tác dụng lớn, giúp hàng vạn dân nghèo người Hán có kế sinh nhai nhưng không làm xáo trộn các khu vực sinh sống của người Mông Cổ truyền thống quanh vùng Nội Mông.

Tuy vậy, năm Ung Chính thứ nhất (1723), hai tỉnh Sơn Đông, Trực Lệ bị nạn đói nghiêm trọng tàn phá. Vua Ung Chính phải ra chính sách ”tá địa dưỡng dân” (mượn đất nuôi dân), cho phép nông dân Hán qua Mông Cổ định cư trồng trọt. Qua đến đời Càn Long dân số Trung Hoa tiếp tục tăng mạnh. Lúc này chính sách ”nhạn hành” của vua Khang Hy không còn tác dụng, do mỗi năm hàng chục vạn người Hán di cư rồi trở về rất khó quản lý. Tình thế buộc lòng triều đình phải phá bỏ lệ cũ, cho phép nhiều hơn người Hán được định cư ở vùng này. Nhưng để giữ nguyên tổ chức dân cư địa phương của người Mông Cổ, các khu định cư của người Hán ở vùng Nhiệt Hà không được tổ chức thành địa phương mới. Các huyện mới lập của người Hán được đặt dưới sự kiểm soát của Tổng đốc Trực Lệ (tương ứng tỉnh Hà Bắc ngày nay). Ngược lại, các đơn vị của người Mông Cổ được giữ nguyên, xen lẫn như tổ ong với các đơn vị hành chính của người Hán.

Về phần người Hán, các vùng của người Hán ở Nhiệt Hà được phân chia thuộc vào 1 phủ (phủ Thừa Đức), 1 châu (châu Bình Tuyền) và 5 huyện (Kiến Xương, Triều Dương, Loan Bình, Phong Ninh và Xích Phong). Tất cả đều do Tổng đốc Trực Lệ quản lý.

Riêng về người Mông Cổ, cách tổ chức hành chính của họ được phân làm các ”minh” (trong thời hiện đại là trên cấp huyện dưới cấp tỉnh ở Trung Quốc). Ở Nhiệt Hà người Mông Cổ có 2 minh là minh Trác Tác Đồ và minh Thiều Ô Đạt. Dưới các minh chia thành các ”kỳ” – tương ứng với cấp huyện. Đứng đầu các kỳ là một người gọi là Trát Tát Khắc (Jasagh). Các Jasagh thường do các hoàng thân Mông Cổ nắm giữ theo thể chế cha truyền con nối. Các dòng họ Jasagh thường được triều đình Mãn Thanh sắc phong công nhận và trao cho quyền tự quản các kỳ của mình, tự tay thu thuế mà không chịu trách nhiệm đóng thuế cho triều đình. Khi người Hán đến định cư ở vùng Nhiệt Hà, triều đình giao luôn cho các Jasagh Mông Cổ việc thu thuế người Hán.

Nỗ lực là vậy nhưng do phong tục và tập quán canh tác khác nhau từ ngàn đời, chẳng bao lâu sau xung đột giữa người Hán và người Mông Cổ đã âm ỉ xảy ra.

Người Mông Cổ sống bằng nghề chăn nuôi du mục. Đồng cỏ và rừng cây là tất cả đối với họ. Ngược lại đối với người Hán, họ làm nông, cày cấy và trồng trọt. Với họ, đồng cỏ là đất hoang, rừng cây là để làm nương. Chẳng mất mấy thời gian, dân số người Hán trong các huyện đã tăng, phải vượt ra các kỳ của người Mông Cổ để khai hoang đất làm ruộng. Người Mông Cổ rất khó chịu khi thấy đồng cổ bị tàn phá, rừng cây thì bị chặt. Nhưng do dân số ít ỏi, họ không thể ngăn người Hán tiến ra chiếm lấy các đồng cổ bao la này. Hơn nữa, người Hán thường lợi dụng việc người Mông Cổ sống du mục lâu đời, không có khai niệm hàng hóa để trục lợi trong các cuộc mua bán. Giai thoại kể người Hán ở đây mua đất không dựa vào diện tích mà dựa vào sản vật trên đất đó. Họ mua 100 mẫu đất của người Mông Cổ với giá 3 lượng, trồng trọt trên đó. Đến khi người Mông Cổ mua lại, họ bán với giá 1 lượng 1 mẫu.

Ngược lại phía bên kia, cũng có những người Mông Cổ lợi dụng chức quyền hà hiếp người Hán. Nhân được triều đình Mãn Thanh trao quyền thu thuế, nhiều hoàng thân Mông Cổ ỷ thế tham lam bạo ngược, vòi vĩnh tiền của, chiếm đoạt ruộng đất,… Đặc biệt, thủ lĩnh hai minh của người Mông Cổ đều là những người tàn bạo, thù ghét người Hán. Truyện kể rằng họ ra lệnh cho săn những người Hán buôn củi trên phố. Bắt được ai là tra tấn rất dã man cho đến chết. Đã thế, nhiều người Mông Cổ còn có ý trả thù, cho lừa ngựa vào ăn hoa màu của người Hán.

Trước kia, nhà Thanh còn hùng mạnh, những mâu thuẫn dân sự kiểu này đến tai chính quyền thường được giải quyết triệt để. Các tổng đốc Hà Bắc thường trị tội nghiêm những kẻ lưu manh người Hán lẫn Mông Cổ phạm luật gây rối loạn. Nhưng từ thời Đồng Trị Đế trở đi triều đình không biết vì lẽ gì đã bỏ bê vùng Mông Cổ này. Quan lại ở các vùng đó trở nên tham nhũng, sách nhiễu,… Công việc quản lý bị ngó lơ, các quan lại thường bênh vực cho những ai có tiền, khiến các tranh chấp và xung đột giữa người Mông Cổ và Hán ngày càng nghiêm trọng.

2 bó củi cuối cùng đổ vào ngọn lửa là sự xâm nhập của Thiên chúa giáo và sự ra đời của các giáo phái bí mật (điều này để phần sau nói). Nhưng vào thời Quang Tự, với việc thua trận trong Chiến tranh Nha phiến, nhà Thanh đã buộc phải cho Thiên chúa giáo xâm nhập Trung Hoa. Năm Quang Tự thứ 9 (1883), giáo hội Công giáo đã chỉ định giáo phận Nhiệt Hà làm giáo phận độc lập. Ở Nội Mông lúc đó có 3 giáo phận, 13 nhà truyền giáo và 15.000 giáo dân. Giáo phận Nhiệt Hà chiếm hơn 1/3, 6000 giáo dân. Những giáo dân này đa phần là người Hán, bị cả người Hán lẫn Mông Cổ ghét bỏ vì ”ngoại đạo”. Khi biến loạn xảy ra, họ trở thành nạn nhân bị bức hại không kém người Mông Cổ.

Sự hình thành các giáo phái và cuộc nổi loạn năm 1891

”Giáo phái” là một thứ xuất hiện dưới thờiThanh rất nhiều. Chỉ riêng trong các tài liệu chính thức, đã có 107 giáo phái bí mật dưới thời Thanh. Không ít các giáo phái này liên quan đến các hoạt động chính trị chống triều đình, mà thường chúng ta biết đến với khẩu hiệu ”phản Thanh phục Minh”.

Cũng với khẩu hiệu như thế, một người Hán tên Dương Duyệt Xuân vốn biết võ và làm nghề bốc thuốc (kiểu này lại Sơn Đông mãi võ đây), đã lập ra và kêu gọi người dân đi theo một giáo phái gọi là Kim Đơn Đạo. Theo tài liệu, Dương sinh năm Đạo Quang thứ 21 (1841) tại huyện Kiến Xương, phủ Thừa Đức, tỉnh Trực Lệ. Theo lời thú nhận sau này trước khi bị tử hình, Dương Duyệt Xuân tự nhận trước kia là người hầu trong nhà của viên quan Mông Cổ tên Kỳ Bối Đạt Tử Khắc Sấm ở kỳ Aukhan (Ngạo Hán), sau thấy viên quan này bạo ngược với người Hán nên sinh oán hận, định âm thầm khởi binh trả thù.

Các tài liệu về Kim Đơn Đạo còn lại vô cùng ít, gần như không còn ở Trung Quốc. Nhưng người ta cho rằng Dương Duyệt Xuân và Kim Đơn Đạo đều ít nhiều dính líu đến Bạch Liên Giáo – tổ chức từng khởi nghĩa lớn vào đời Càn Long. Giai thoại kể rằng, giáo phái này thường cho người dùng một viên thuộc màu vàng, nói rằng sẽ được phù hộ bảo vệ khỏi đao kiếm, nên có tên là Kim Đơn hay Kim Đan đạo. Ngoài ra, còn 2 môn phái nhỏ khác cũng hưởng ứng Kim Đơn Đạo của Dương Duyệt Xuân là Vũ Thánh Môn và Tại Lý Giáo, vốn là hai môn phái khởi nguồn từ Giang Tô, Chiết Giang trôi dạt lên phương Bắc.

Vào ngày song thập 10 tháng 10 năm Quang Tự thứ 17 (1891), hàng vạn thành viên các môn phái ở nhiều châu người Hán xung quanh (gọi là Cửu Châu) tổ chức hội thề bí mật, dựng cờ khởi nghĩa, khẩu hiệu ”Thế thiên hành đạo – tảo Hồ diệt Thanh”.

Tháng 11 năm đó, Kim Đơn Đạo bắt đầu khởi loạn tại kỳ Aukhan. Mục tiêu đầu tiên của họ, dĩ nhiên là nhà viên hoàng thân Mông Cổ Kỳ Bối Đạt Tử Khắc Sấm (Beizi Dakeqin). Đây là một ngôi biệt thự rất lớn, có hàng nghìn gia nhân trong nhà. Khi quân phiến loạn tràn vào, họ chém chết Beizi Dakeqin và toàn bộ 23 người nhà của ông. Hơn 1000 gia nhân Mông Cổ trong nhà, trước sau đều bị giết theo những cách dã man.

Nhà thám hiểm người Nga Alexey Matveevich Pozdneev lúc đó đang khảo sát vùng Nội Mông, đã được chứng kiện sự việc này. Trong cuốn ”Mông Cổ và người Mông Cổ”, ông ghi lại một việc thế này:

”Khi đó Pozdneev được mời dùng cơm tại biệt thự của quan vùng Aukhan với một thủ lĩnh tên Lý Quốc Trân – được mệnh danh là ”Tảo Bắc võ thánh nhân”. Đang ăn thì Pozdneev gọi một nữ gia nhân Mông Cổ lên phục vụ. Người phụ nữ đang mang thai, thu hút sự chú ý của Lý và một số người khác. Họ tranh cãi nhau xem người phụ nữ này đẻ con trai hay gái. Sau một hồi tranh cãi, họ quyết định mổ bụng thai phụ tội nghiệp này để lôi thai nhi ra ngoài. Một thai phụ khác bị thiêu sống bằng dầu hỏa”.

Sau khi chiếm được dinh thự ở kỳ Aukhan, Dương Duyệt Xuân đổi tên nó thành ”Khai quốc phủ”, biến thành nơi tụ họp của các chỉ huy Kim Đơn Đạo. Dương cũng tự xưng ”Khai quốc phủ Tổng đại giáo chủ”. Nghĩa quân của Kim Đơn Đạo lúc đó có chừng 2 vạn người, các tướng lĩnh được Dương phong vương, tước thần, nguyên soái,… y như thật. Sau đó hắn còn làm ”thiên thư”: ”Lệnh cho Vương Trạch, Vương Phù dẫn 5 nghìn thánh nhân sang Đông đánh kỳ Thổ Mặc Đặc, bắt giết hoàng tử Mông Cổ. Lý Thanh Sơn chờ để đang Tây thu châu Bình Tuyền và kỳ Khách Lạt Sấm Đằng. Sau phái Lý Quốc Trân (tảo Bắc võ thánh nhân) và Bình Nam Vương Từ Lập xuống Nam đánh Triều Dương”.

”Thiên thư” được ban thì ở Triều Dương, thủ lĩnh Quách Mặc Xương lập tức đem hàng nghìn tín đồ, mang súng ống gậy gộc cướp huyện đường. Quan huyện Liêu Luân Minh bỏ trốn. Mấy ngày sau thì một thủ lĩnh ở Tuyền Châu là Lâm Ngọc Sơn phối hợp với quân Kim Đơn cướp huyện Kiến Xương, châu Bình Tuyền, mang quan châu ra xử án.

Chỉ trong hơn chục ngày, quân Kim Đơn chiếm hầu hết các phủ huyện ở vùng Nhiệt Hà. Vùng này quân chính quy triều đình không đóng quân, mà để quân bát kỳ Mông Cổ tự quản. Sau khi thủ lĩnh các minh, kỳ bị giết, quân Mông Cổ phần lớn tự tan.

Sau khi kiểm soát hết vùng Nhiệt Hà, quân Kim Đơn bắt đầu tàn sát người Mông Cổ và người Hán không phục tùng chúng. Tất cả các làng mạc Mông Cổ, đền thờ Lạt ma và nhà thời Công giáo đều bị đốt phá cướp giết không tha. Do nghĩa quân đội mũ vải đỏ, người Mông Cổ sau này truyền tai nhau về ”họa mũ đỏ” năm Quang Tự thứ 17. Còn nhiều người Hán cũng xem quân Kim Đơn là phường loạn cướp rác rưởi đáng khinh nên gọi là ”dòi đỏ”.

Ban đầu, triều đình Mãn Thanh chưa để ý đến khu vực này bất chấp loạn đẫm máu ngay sát kinh thành. Cũng vì từ năm 1820, các đời Thanh Đế ít khi lui tới nghỉ mát ở Thừa Đức nên vùng này bị bỏ bê tiêu điều. Loạn Kim Đơn diễn ra được gần 1 tháng, triều đình vẫn không có động thái gì. Các quan lại người Mãn ở Hà Bắc cho rằng đó là việc nội bộ của người Hán và Mông Cổ nên không muốn dính dáng phiền phức kể cả Tổng đốc Trực Lệ lúc đó là vị đại thần nổi tiếng của triều thanh – Lý Hồng Chương.

Nhưng quân Kim Đơn sau đó thấy thắng dễ lại sinh chơi dại. Không thấy quân triều can thiệp, Dương Duyệt Xuân tưởng thế mình mạnh, học theo người trước phất cờ phản Thanh. Y ra khẩu hiệu ”Bình Thanh tảo Hồ”, ”Cừu sát Mông Cổ”, kêu gọi người Hán quy tập dưới cờ Kim Đơn để lật nhà Thanh, khôi phục thiên hạ Trung Hoa. Triều đình chỉ cần nghe hai chữ ”phản Thanh” là không cần suy nghĩ, lập tức phái Tổng đốc Trực Lệ lúc đó là Đại công thần Lý Hồng Chương, vừa là tướng đại tài vừa là nhà ngoại giao giỏi, mang quân dẹp loạn Kim Đơn. Lý Hồng Chương lúc đó vừa dẹp Thái Bình Thiên Quốc, quân binh còn rất mạnh, và vào thời đó còn đang là thời cải cách ”Đồng Quang trung hưng”. Quân của Lý Hồng Chương lúc đó sở hữu súng ống Tây tối tân, truyền tin bằng điện báo, hành quân bằng xe lửa, dự chỉ cần vài tuần là dẹp xong phiến loạn.

Thế nhưng gần ngày xuất quân Lý Hồng Chương bẩm với triều đình bận việc ngoại giao với Nhật Bản nên xin được thôi dẫn binh. Sau tiến cử tư lệnh Trực Lệ là tướng Diệp Chí Siêu thay mình đem quân tiễu phỉ. Triều đình lưỡng lự nhưng sau cùng cũng đồng ý để Diệp mang quân lên Nhiệt Hà. Thực ra nhà Thanh lo cũng có lý. Diệp nổi tiếng là một viên tướng hữu dũng vô mưu, nghiện nha phiến, sau này đánh với Nhật Bản nổi tiếng bỏ chạy hèn nhát. Tuy nhiên trong loạn Kim Đơn này thì ông vẫn là công thần.

Quân triều đình dẹp loạn Kim Đơn.

Dù sau này có thế nào thì vào thời điểm đó người ta cũng thừa nhận Diệp Chí Siêu là một dũng tướng. Trong chiến tranh với quân Thái Bình và sau đó với quân Pháp, Diệp nhiều lần bị thương nhưng vẫn xung trận, nên được kính phục và thăng tướng nhanh chóng.

Diệp Chí Siêu sau đó dẫn chừng 5 vạn quân binh triều đình cùng phó tướng Nhiếp Sĩ Thành băng qua Vạn Lý trường thành, hành quân bằng ngựa và hỏa xa nên rất nhanh. Quân Kim Đơn lạc hậu và còn mê tín, không tin quân Thanh hành quân nhanh đến thế nên không đề phòng. Khi xung trận, quân Kim Đơn còn bôi đen mặt, cuốn băng trắng, vẩy nước lên người và không thể thiếu là nuốt viên ‘’kim đơn’’ của giáo chủ ban cho để tránh đạn. Có một người tên là ‘’Ngụy Lão Đạo’’ (không phải tên thật), mỗi sáng đều làm phép ban cho quân Kim Đơn.

Ngày 18/10/1891, quân của Diệp đụng độ lần đầu tiên với quân Kim Đơn ở huyện Kiến Xương. Sự kể rằng quân Kim Đơn mê tín tưởng nuốt thuốc vàng là có thể tránh đạn nên xông lên làm bia tập bắn cho quân triều đình. Kết quả là quân triều chỉ việc xả đạn. Hơn 300 quân Kim Đơn chết la liệt, máu loang lổ cả một vùng cánh đồng rộng. Chỉ có khoảng chục người bị bắt. ”Bình Thanh Vương” Phu Liên Thân của quân Kim Đơn chạy trốn được đến Cáp Nhĩ Tân.

2 ngày sau, 20/10/1891, quân triều lại gặp quân Kim Đơn ở núi Bát Cốc. Quân triều đình giết tiếp 200 tên, bắt chục tên.

Ngày 22/10, quân Kim Đơn tập trung được 2 vạn môn đồ, chờ đón quân triều để đánh một trận ra hồn. Tuy nhiên sau vài trận pháo của quân Thanh, quân Kim Đơn đều bỏ chạy lấy thân. Nhiều chỉ huy của quân Kim Đơn trong đó có Quách Mặc Xương bị bắt, cờ hiệu phần lớn rơi vào tay triều đình. Ngày 24/10, tập trung được 1.400 tàn binh, tiếp tục bị triều đình đánh tan.

Ngày 29/10, quan quân triều đình đánh quân Kim Đơn một trận lớn sau 2 giờ. Nhiều thủ lĩnh quân Kim Đơn đều chết trong trận này. Ngày 13/11, phó tướng Nhiếp Sĩ Thành của quân triều đình dẫn binh chiếm được ”Khai quốc phủ” của quân Kim Đơn, thu hơn 500 súng các loại. Từ đây số phận quân Kim Đơn coi như bại vong. Những ngày sau đó, ngày nào quân triều đình cũng truy quét quân Kim Đơn, giết hàng trăm tên.

Thủ lĩnh Dương Duyệt Xuân sau khi nhiều thuộc hạ thân tín (trong đó có Lý Quốc Trân) tử trận, mang theo gia đình chạy trốn vào hang núi Hán Câu Sơn. Quân Thanh cho vây chặt hang, bắt được 6 người là cha, con, cháu của Dương Duyệt Xuân để ép hắn ra hàng. Cuối cùng Dương Duyệt Xuân bị bắt. Quân triều đình áp giải hắn về Thiên Tân chém đầu. Có người nói ông bị lăng trì. Từ lúc khởi loạn tới lúc bị dẹp, loạn Kim Đơn chỉ khoảng 1 tháng trời.

Diễn biến và hậu qua sau loạn Kim Đơn.

Sau khi nghe tin quân Diệp Chí Siêu dẹp xong loạn và bắt được Dương Duyệt Xuân, triều đình nhà Thanh ban lệnh ”Dĩ kỳ cữu viễn tương an” – kêu gọi người Hán và Mông quay lại sống yên ổn hòa hợp. Triều đình lệnh cho cấp 2 vạn lượng, giúp chôn cất nạn nhân bị giết và lập đàn tế, xây miếu thờ chung cho những người Hán và Mông Cổ bị giết. Mặt khác cũng ra lệnh ân xá cho người theo Kim Đơn Đạo, nghiêm cấm hành vi trả thù, sử dụng quân lệnh để trấn áp.

Tuy nhiên, đúng như triều đình lo ngại, Diệp Chí Siêu có là dũng tướng thì vẫn là một viên tướng tham lam, xảo trá. Khi được lệnh xây miếu thờ và chôn cất các nạn nhân, ông đã bỏ qua một số lượng lớn nạn nhân Mông Cổ, để các kỳ của Mông Cổ phải tự xử lý. Diệp còn nhận tiền đút lót của những người Hán giàu có, nhằm báo cáo sai lệch về triều đình. Hậu quả là Diệp Chí Siêu đã báo cáo gian dối về vua Quang Tự, nói rằng các kỳ của người Mông Cổ đã khởi xướng giết hại người Hán. Con số người chết từ 10 vạn cũng bị Diệp giảm xuống còn 2 vạn trong văn tế đền thờ nạn nhân tử vong. Cũng may, triều đình không tin báo cáo của Diệp Chí Siêu nên triệu hoàng thân Mông Cổ Vangdudnamjil ở minh Trác Tác Đồ đến diễn giải. Và hoàng thân Vangdudnamjil trình một bản cáo 14 tội của quân Kim Đơn Đạo lẫn quan quân Mãn Thanh, cộng thêm 6 yêu sách của người Mông Cổ lên vua Quang Tự, bác bỏ cáo buộc gian dối của Diệp Chí Siêu.

Do việc báo cáo sai trái của Diệp Chí Siêu, con số người chết trên thực tế được coi là không thể ở mức 2 vạn người. Trong cuốn ”Biên niên sử quận Triều Dương”, các học giả địa phương nói rằng có trên 150.000 cả Hán lẫn Mông đã mất mạng trong loạn năm Quang Tự thứ 17. Cùng với đó, là hàng trăm nghìn người Mông Cổ khác đã di dời khỏi các minh, kỳ ở Nội Mông để đi về phía Bắc đến Ngoại Mông. Ước tính có hơn 30 vạn dân Mông Cổ đã bỏ Nội Mông, tổng cộng vùng này mất hơn nửa triệu người. Có những minh như Triết Lý Mộc hay Thiều Ô Đạt, người Mông Cổ bỏ đi gần hết, người Hán tràn vào biến vùng này chỉ mấy năm sau thành đất nông nghiệp rộng lớn.

Một nguồn tài liệu khác về sự kiện loạn Kim Đơn dù cái nhìn không toàn diện, là từ các nhà truyền giáo phương Tây hay nhà thám hiểm Nga. Ở đây chủ yếu là các giáo sĩ, nhà thám hiểm quan sát diễn biến trong nhà thờ (có một số học đặc biệt như Alexei Podzneev của Nga thì đi ra ngoài xem tận mắt), nên họ chỉ ghi chép về việc bức hại giáo dân và nhà thờ. Ghi chép cho thấy cũng có hơn 1.300 giáo dân bị quân Kim Đơn giết hại, nhưng không đề cập gì đến các vụ thảm sát người Mông Cổ bên ngoài. Trong khi đó, tài liệu của người Mông Cổ lưu trữ trong các ”Lý phiên viện”, đến phong trào Nghĩa Hòa Đoàn đã bị thiêu hủy hoàn toàn.

Sự kiện loạn Kim Đơn Đạo với vụ thảm sát 10 vạn dân Mông Cổ năm 1891 là một sự kiện đặc biệt quan trọng trong lịch sử Mông Cổ. Các nhà sử học Mông Cổ và phương Tây đánh giá đây là sự kiện mở đầu lịch sử Mông Cổ hiện đại, tương đương với chiến tranh Nha phiến ở Trung Hoa. Tác động mạnh mẽ nhất của nó, là việc thúc đẩy nhanh chóng nền độc lập của Ngoại Mông. Sau sự kiện đó, các hoàng thân Mông Cổ ở các minh, kỳ Nội Mông nhất tề đòi hiện đại hóa Mông Cổ và đi tìm liên minh với các đế quốc khác như Nga và Nhật Bản. Mở đầu phong trào ”canh tân Mông Cổ” là hoàng thân Gungsangnorbu (Cống Tang Nặc Nhĩ Bố) – vốn là người chịu ảnh hưởng lớn từ Nhật Bản. Tiếp đó, Bayantömöriin Khaisan – người được coi là cha đẻ phong trào độc lập Ngoại Mông – quay sang cầu viện đế quốc Nga. Và vào năm 1911, Lạt ma Bogd Khan – nhân vật được coi là vĩ đại nhất trong cách mạng giành độc lập cho Ngoại Mông năm 1911 – đã viết thư cầu viện Nga Hoàng, trong thư ông nhắc lại về thảm kịch mà người Mông Cổ ở Nội Mông phải gánh chịu năm 1891, kêu gọi Nga giúp đỡ Ngoại Mông nhanh chóng độc lập. Một phái đoàn các hoàng thân Mông Cổ sau đó đã được đến Moskva, Nga để gặp mặt Sa hoàng.

Ở phía còn lại của Trung Quốc, tư liệu về các sự biến năm Quang Tự thứ 17 ở Nội Mông đã bị phá hủy nặng nề do các biến động sau đó. Các Lý phiên viện chuyên lưu trữ tài liệu các vùng biên cương của nhà Thanh đã bị phá hủy bởi nổi loạn và quân đội nước ngoài. Các tài liệu còn lại vô cùng ít ỏi, chỉ còn lưu trữ một số ở các địa phương quanh Hà Bắc và Liêu Ninh. Chính vì vậy mà còn rất nhiều tranh cãi. Trước kia, nhất là thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, có một quan điểm phổ biến rằng cuộc nổi dậy của Kim Đơn Đạo là chính nghĩa, chống lại phong kiến, địa chủ và ngoại xâm. Theo đó, những người theo Kim Đơn Đạo là nông dân bị áp bức, giới địa chủ Mông Cổ là ác ôn, chính quyền phong kiến nhà Thanh là thối nát và thiên chúa giáo là ngoại xâm nên người dân đứng lên chống lại. Quan điểm này bị phản bác rất kịch liệt bởi người Mông Cổ, đặc biệt là phó chủ tịch nước CHND Trung Hoa Ô Lan Phu – vốn là một người Mông Cổ được mệnh dân Mông Cổ Vương – dẫn đến việc ông bị thanh trừng trong Cách mạng Văn hóa. Cũng trong thời kỳ đó, khu vực Nội Mông có sự chuyển biến lớn, khi một loạt vùng đất rộng lớn bị cắt cho các tỉnh khác của Trung Hoa như Liêu Ninh, Cát Lâm, Sơn Tây, Hà Bắc,… làm giảm đáng kể diện tích vùng này. Những tỉnh cũ như Nhiệt Hà bị giải thể, và các đơn vị hành chính bị đổi tên. Nền văn hóa Mông Cổ truyền thống cũng gánh chịu những sự tàn phá nặng nề không kém truyền thống Trung Hoa trong thời kỳ bi loạn đó.

———————–

Tài liệu tham khảo:

The Complex Structure of Ethnic Conflict in the Frontier: Through the Debates around the ‘Jindandao Incident’ in 1891 (Borjigin Burensain, 2004)

Theo ĐĂNG PHẠM / NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Tags: , ,