Một góc nhìn về nguồn gốc người Việt

Nguồn gốc của người Việt luôn là chủ đề nhận được rất nhiều sự quan tâm, chính vì thế mà những tranh luận về đề tài này diễn ra gay gắt. Trong bài này chúng ta không đưa ra một giả thuyết mà sẽ cùng nhau khảo sát những bằng chứng.

Một góc nhìn về nguồn gốc người Việt

‘Bản đồ gen nói về quá trình lan tỏa của người hiện đại trên các châu lục, không nên hiểu lầm là bản đồ nói về nguồn gốc các dân tộc, vì thời kỳ con người hiện đại bắt đầu tỏa đến các châu lục thì các quốc gia chưa hình thành, chỉ khi con người định cư và phát triển tại những khu vực khác nhau trong một thời gian dài thì mới hình thành các nền văn hóa, các dân tộc khác nhau’. Qua bản đồ gen chúng ta thấy rằng người hiện đại (M.175) xuất hiện ở khu vực bắc bộ vào khoảng 35.000 năm trước và lưu sống ở khu vực này trong một thời gian dài hình thành nên nền văn hoá Hoà Bình khoảng 15.000 năm trước. Thời kỳ này có 2 đặc điểm quan trọng về điều kiện tự nhiên: Thứ nhất là sự tồn tại của thềm lục địa Sudan và thứ hai là thời kỳ băng hà.

2.jpg

Vào khoảng 10.000 năm trước một nhóm người của nền văn hoá Hoà Bình di cư lên phía bắc, những người ở lại hình thành nên nền văn hoá Phùng Nguyên (Phú Thọ) khoảng 4.000 năm trước và nền văn hoá Đông Sơn (Thanh Hoá) khoảng 2.700 năm trước.

Như vậy là tại khu vực bắc bộ nền văn minh của người bản địa đã được hình thành và phát triển từ văn hoá Hoà Bình tới văn hoá Phùng Nguyên tới văn hoá Đông Sơn. Nền văn hoá Hoà Bình đã biết tới đồ gốm, trồng trọt và chăn nuôi, trong khi nền văn hoá Đông Sơn kỹ thuật đúc đồng đã phát triển rất cao.

2. Bằng chứng khảo cổ học

Qua những hiện vật đồ đồng tìm thấy ở Việt Nam và khu vực, chúng ta có thể thấy, người bản địa ở khu vực bắc bộ đã có kỹ thuật đúc đồng rất phát triển, qua những hình vẽ thuyền trên trống đồng cũng như mộ thuyền được tìm thấy, chúng ta có thể khẳng định người bản địa có một đời sống gắn liền với sông nước. Qua những mũi tên đồng phát hiện được ở thành Cổ Loa và cũng qua chính thành cổ này cho thấy sự xuất hiện của một xã hội có tổ chức chặt chẽ. Việc những chiếc trống đồng được đúc tại thành Luy Lâu (Bắc Ninh) có khắc chữ Hán cho thấy sức sống mãnh liệt của văn hoá Đông Sơn thời kỳ đầu bắc thuộc.

3. Bằng chứng ngôn ngữ học

Ngày nay tiếng Việt – Mường được xếp vào nhóm ngôn ngữ Môn-khmer thuộc ngữ hệ Nam Á, trong khi vùng biên giới Việt Trung, các tộc người (tiêu biểu là Thái; Tráng – Tày – Nùng) thuộc ngữ hệ Tai-Kadai, trong khi khu vực sông Dương Tử và Hoàng Hà thì các tộc người được xếp vào ngữ hệ Hán – Tạng, vùng nam trung bộ và tây nguyên (tiêu biểu là người Chăm, cũng như người Minangkabau) thuộc ngữ tộc Malay – Polynesia của hệ Nam Đảo. Như vậy chúng ta có thể hình dung phần nào lãnh thổ của các tộc người theo ngôn ngữ.

3.jpg

4. Bằng chứng sử liệu

Qua các sử liệu mà chủ yếu là của người Trung Quốc thì từ thời Xuân Thu Chiến Quốc (khoảng thế kỷ thứ 5 TCN) các dòng người phương bắc di cư về phương nam, chủ yếu là do chiến tranh.

5. Bằng chứng văn hoá

Trống đồng được tìm thấy ở Việt Nam và khắp vùng Hoa Nam và Đông Nam Á, tuy nhiên nơi đầu tiên làm ra chiếc trống đồng thì chỉ có một, còn những nơi khác biết tới chế tạo trống đồng là do tiếp thu được. Trên trống đồng Ngọc Lũ có khắc hình con hươu và chim, hình người cũng đội mũ lông chim và chạm khắc những hình thuyền. Trong truyền thuyết của người Mường có kể rằng nàng Ngu Cơ vồn là một con hươu sao kết duyên với Long Vương vốn là một con cá. Ở đây chúng ta thấy bên cạnh yếu tố nước (hình thuyền trên trống đồng, Lạc Long Quân – Long Vương – con cá) và loài chim lạ (chim Lạc, người đội mũ lông chim) thì còn hình ảnh về con hươu trong tâm thức. Chim trên trống đồng mà chúng ta quen gọi là chim Lạc có lẽ là chim Ay trong tâm thức của người Mường, người Mường tự gọi mình là Mol, nghĩa là người, có lẽ còn gần với người tiền Việt Mường hơn cách chúng ta gọi là Lạc, có lẽ người Hán khi nghe dân bản xứ ở vùng Lĩnh Nam gọi nhau là Âu Lạc, nên khi họ tiến xuống vùng đồng bằng sông Hồng, họ liền gọi dân bản xứ ở đó là Lạc, còn dân bản xứ vùng Lĩnh Nam là Âu, chúng ta sau này cũng theo đấy mà gọi. Loài chim trên trống đồng có mỏ dài và chân dài vì thế có thể loài này sống ở môi trường nước. Loài hươu thường hay sống ở những vùng trảng cỏ, rừng thưa, gần sông hồ đầm suối, có lẽ loài này trở thành thực phẩm chính của người tiền Việt Mường nên nó có vai trò quan trọng trong đời sống, trên trống đồng những người đội mũ lông chim, mặc áo (chưa rõ chất liệu) dài nhiều mảnh, tay cầm giáo, có lẽ họ đang chuẩn bị đi săn, họ hoá trang để giống loài chim Ay (Lạc) để đi săn: Hươu hay chim Ay hay cá? Trống đồng được tìm thấy ở nhiều nơi với những hoa văn và kiểu hình có nhiều sự thay đổi, sự khác biệt về hoa văn có lẽ là để sự phù hợp với nền văn hoá, người Mường nổi tiếng với trống đồng cóc.

Tiếng nói ở một số vùng bắc trung bộ chỉ có 5 thanh, trong khi tiếng Việt chuẩn có tới 6 thanh, tiếng Mường cũng vậy, có 6 thanh nhưng ở một số nơi chỉ có 5 thanh. Tiếng Việt và tiếng Mường trong quá trình hình thành chịu ảnh hưởng cũng như vay mượn của các ngữ hệ khác như hệ Tai – Kadai hay Hán – Tạng. Có lẽ tiếng nói là yếu tố dễ biến đổi nhất trong các yếu tố. Như những bằng chứng khảo cổ thì người tiền Việt Mường sinh sống ở vùng giáp ranh giữa đồng bằng và đồi núi ngày nay, kéo dài liên tục thành hình cánh cung từ Phú Thọ, Hoà Bình, Thanh Hoá. Từ đây một bộ phận tiến xuống đồng bằng sông Hồng, sông Mã, sông Cả, khi người phương bắc tiến xuống phía nam, một bộ phận người sinh sống lâu đời ở vùng đồng bằng 3 con sông này lại lùi về vùng đồi núi cũ. Những cuộc di dân này chỉ là một bộ phận nhỏ trong cộng đồng, chứ không phải toàn bộ cộng đồng.

Truyền thuyết của người Mường vẫn giữ được tính cổ xưa trong truyền thuyết hay nói khác đi là vẫn giữ được tính dân tộc nhiều hơn, trong khi người Việt thì bị ảnh hưởng bởi văn hoá phương bắc nhiều hơn.

Trong truyền thuyết cũng như trong sử liệu của người Việt thì nước Xích Quỷ của Kinh Dương Vương phía bắc tới hồ Động Đình, phía tây tới Ba Thục, phía đông giáp Đông Hải, phía nam giáp Hồ Tôn. Kinh Dương Vương là chỉ vùng Kinh – Dương, 18 đời vua Hùng lại trùng họ với 51 vua nước Sở ở vùng Kinh – Dương, truyện Phù Đổng Thiên Vương kể về chàng Gióng đánh bại giặc Ân (Thương) tận phía sông Hoàng Hà hay con cháu vua nước Thục là Phán đánh bại Hùng vương thứ 18, khiến chúng ta ngạc nhiên vì khoảng cách giữa Hoa Bắc, Ba Thục với bắc Việt Nam quá xa! Thành ra nghi ngờ và như thế đã đi tìm gốc gác của Thục Phán ở vùng Việt bắc, ở trong văn hoá Tày – Nùng.

Thế nhưng bây giờ chúng ta sắp xếp lại, giả sử như đúng là biên giới của nước Xích Quỷ phía bắc giáp hồ Động Đình, phía tây giáp Ba Thục, quê của vua Kinh Dương Vương đúng là ở vùng Kinh – Dương và Hùng Vương đúng là các vua họ Hùng nước Sở thì khi ấy mọi điều vô lý trở nên hợp lý. Nước Sở giáp với nước Ân (Thương) lại giáp với vùng Ba Thục và trong lịch sử thì vẫn còn ghi chép những trận chiến giữa các nước này. Nhưng như thế thì không lẽ truyền thuyết đúng? Nếu vậy nó lại mâu thuẫn với bằng chứng về ngôn ngữ!

Không lẽ nước Xích Quỷ gồm trăm dân tộc Việt, mỗi dân tộc lại phát triển tiếng nói theo các hướng mà ngày càng xa nhau?

Thực ra cách giải thích khá đơn giản, khi chiến tranh ở phương bắc diễn ra, một bộ phận người phương bắc, trong đó có người nước Sở, chạy về phương nam, khi tới vùng đồng bằng sông Hồng họ lưu lại và sinh sống ở đây, có thể vẫn có một nhóm khác tiếp tục xuôi xuống phương nam, bộ phận sinh sống ở đồng bằng sông Hồng, họ hoà hợp với người dân bản địa (người tiền Việt Mường), hoà hợp về hôn nhân, hoà hợp về tiếng nói và hoà hợp cả về truyền thuyết, họ mang những truyền thuyết của họ ở tận nước Sở bên bờ sông Dương Tử đến vùng sông Hồng, tại đây họ gìn giữ văn hoá và tiếp tục bảo tồn những văn hoá trong đó có truyền thuyết và kết quả là chúng ta – con cháu của những nhóm người riêng biệt hoà hợp với nhau cả về di truyền và văn hoá.

Ở thời điểm của cuộc khởi nghĩa Hai Bà, phía nam người Chăm đang ở chế độ mẫu hệ trong khi phía bắc người Âu Lạc đang ở chế độ phụ hệ, người tiền Việt Mường có lẽ đang ở chế độ mẫu hệ, điều này cho thấy bộ phận người phương bắc di cư xuống phía nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong xã hội ở vùng đồng bằng sông Hồng, dân cư ở đây chủ yếu là người bản địa, tuy nhiên yếu tố văn hoá là yếu tố có thể tiếp thu được, nó là một yếu tố lây lan, nên những yếu tố văn hoá của dòng người di cư từ phương bắc được hoà nhập vào văn hoá bản địa, không phải dòng người phương bắc được hoà nhập vào vùng bản địa ngay, nó diễn ra từ từ, lâu dài và thậm chí trong những thời điểm nhất định còn xảy ra những xung đột, nói chung có rất nhiều sự kiện xảy ra nhưng sau tất cả là quy luật lớn vẫn tồn tại, quy luật nói về sự tiếp thu, biến đổi cho phù hợp và cuối cùng là đồng hoá giữa các tộc người và các nền văn hoá tiếp xúc với nhau. Hiện tượng di dân xuống phương nam vẫn diễn ra mà tiêu biểu là thời Tam quốc, hệ quả là yếu tố văn hoá phương bắc ngày càng đậm đặc, kết quả là các yếu tố văn hoá bản địa ngày càng mờ nhạt.

Chữ viết của người Việt ngày nay là chữ quốc ngữ (sử dụng ký hiệu La tinh), trước đó người Việt sử dụng chữ Hán để ghi chép đồng thời sáng tạo ra chữ Nôm trên cơ sở chữ Hán. Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng người Việt cổ có chữ viết riêng gọi tên là Khoa Đẩu, người Tày – Nùng cũng như người Tráng cũng có chữ viết, nhưng giống như người Việt, chữ viết của họ được sáng tạo trên cơ sở chữ Hán. Trong khi người Thái lại có chữ viết rất riêng, giống với hệ chữ của người Ấn Độ và khác với chữ Hán.

Trong khi đó người Thái và người Tráng, người Tày – Nùng lại được xếp cùng nhóm ngôn ngữ và cùng sinh sống ở những khu vực địa lý gần nhau thậm chí là xen lẫn. Khi phát hiện ra chữ viết ở khu vực Quảng Tây trên những đá xẻng lớn đã khẳng định một điều chắc chắn rằng dân bản địa ở khu vực này có chữ viết riêng, chứ không phải sự sáng tạo trên cơ sở chữ Hán.

Việc người Tràng, Tày – Nùng và Việt sử dụng chữ Nôm là biến thể của chữ Hán cho thấy sức ảnh hưởng của văn hoá Hán đối với các tộc người này mạnh hơn là của người Thái (vì không sử dụng chữ viết là biến thể của chữ Thái) điều này cũng dễ hiểu vì thời gian bắc thuộc và chúng ta cũng nghĩ đến việc chính những người Hán tới và sinh sống ở vùng đồng bằng sông Hồng, họ mang theo chữ Hán và sử dụng nó, từ đó ở đây nó phát triển thành một biến thể khác. Biến thể ấy là chữ Nôm, sự tồn tại của nó là sự khẳng định về sự tiếp thu và nét văn hoá riêng biệt ở phương nam.

Câu hỏi là trước khi người Hán đến, trước khi chữ Hán xuất hiện, người Việt ở đồng bằng sông Hồng có tiếp xúc với chữ viết cổ ở Quảng Tây không? Và nếu có thì liệu rằng người tiền Việt Mường có thể làm một biến thể khác của chữ cổ này giống như sau này đã làm một biến thể khác của chữ Hán.

Nếu có thì rất có khả năng người tiền Việt Mường có chữ viết riêng. Nói tóm lại, có bằng chứng cho thấy chữ viết xuất hiện ở vùng Quảng Tây và với khả năng tiếp thu của mình cùng như thời gian tiếp xúc lâu dài, người tiền Việt Mường có thể đã sáng tạo hệ thống chữ viết cho mình, nhưng sau này do quá trình tiếp xúc với người Hán và chữ Hán nên không chỉ người Việt mà những tộc người ở vùng biên giới Việt – Trung sử dụng một hệ thống chữ được sáng tạo trên hệ thống chữ Hán gọi là chữ Nôm.

Qua sự chuyển tiếp từ việc sử dụng chữ Nôm sang chữ Quốc ngữ chúng ta thấy chỉ chưa đây 300 năm về cơ bản đã diễn ra xong. Thế nhưng vì sao người Mường lại không còn giữ được chữ viết thời tiền Việt Mường cũng như không có chữ Nôm, người Mương có dân số ít, nghĩa là ở thời điểm mới tách ra (khoảng thể kỷ thứ 7 – 8) số lượng người Mường rất ít, không đủ để lưu giữ chữa viết cổ và cũng không đủ để tiếp thu và sáng tạo nên chữ Nôm trên cơ sở chữ Hán. Chữ viết ở Quảng Tây là chữ viết của dân tộc nào?

4.jpg

Việc phát hiện ra chữ viết ở Cảm Tang, Quảng Tây với niên đại 4000 năm đến 6000 năm TCN đã dẫn đến câu hỏi? Chủ nhân của hệ thống chữ viết này là ai?

Qua bản đồ phân bố thì nhận thấy chữ viết được tập trung chủ yếu ở sông Tây Giang, đây là vùng cư trú lâu đời của tộc người Tráng và Tày – Nùng, từ đây chữ viết cũng tiến xa hơn sang vùng Quảng Đông và Việt Bắc, tuy nhiên mật độ phân bố ít hơn hẳn. Chữ viết cổ ở Cảm Tang, Quảng Tây có niên đại vào đầu thời kỳ đồ đá mới và thú vị là chữ cổ này có nét tương đồng với chữ Giáp Cốt của người Hán và chữ Thuỷ của người Thuỷ.

Câu hỏi là ở thời điểm đầu thời kỳ đồ đá mới thì Bách Việt đã xuất hiện chưa hay trăm tộc Việt vẫn còn chung một gốc, vẫn chỉ là một? Người văn hoá Hoà Bình, tuy gọi tên là vậy thôi nhưng vẫn chỉ là một dù là ở đồng bằng sông Hồng, ở bắc trung bộ hay Lĩnh Nam, chưa có sự phân tách thành các tộc người, có lẽ sau đó một thời gian dài, với sự định cư mới bắt đầu hình thành các dân tộc, đến thời văn hoá Đông Sơn thì sự phân định đã khá rõ ràng giữa các tộc người, ở đồng bằng sông Hồng tới sông Cả thì người Đông Sơn (người tiền Việt Mường – người Mol) sinh sống, phía nam là người Chăm, phía bắc vùng Lĩnh Nam là người Âu Lạc, phía bắc Lĩnh Nam, nam sông Dương Tử là người Sở, Ngô, Việt.

Thế nhưng ở thời điểm đầu thời kỳ đồ đá mới thì sự hình thành các dân tộc đã có chưa hay vẫn là chung một tộc? Nếu chữ Hán và chữ của người Thuỷ có mối liên hệ (là một sự phát triển theo một cách riêng) của chữ viết ở Cảm Tang, Quảng Tây thì rất có thể người Mol ở ngay giáp vùng Quảng Tây cũng phải hình thành một hệ thống chữ viết trên cơ sở chữ viết ở Cảm Tang, ngay cả người Tráng và người Tày – Nùng bây giờ cũng dùng chữ Nôm, một hệ chữ được phát triển trên cơ sở chữ Hán chứ không phải chữ cổ ở Cảm Tang, trong khi có thể chính họ là truyền nhân trực tiếp của chủ nhân chữ viết ở Cảm Tang.

Chữ viết ở Cảm Tang phản ánh xã hội của chủ nhân vùng Quảng Tây, nhưng khi nó được truyền đi thì chữ viết ấy biến đổi cho phù hợp với từng dân tộc, phù hợp trước hết là về tiếng nói sau đó là chịu ảnh hưởng bởi những biểu tượng trong xã hội của dân tộc ấy, khi người phương bắc xuống phương nam, họ mang theo đầy đủ những yếu tố để chữ viết của họ tồn tại và phát triển được trong cộng đồng dân bản địa ở phương nam. Nói tóm lại, dù là ở thời điểm của đầu thời kỳ đồ đá mới (thời điểm xuất hiện của chữ viết ở Cảm Tang, Quảng Tây) Bách Việt đã hình thành hay vẫn còn là một thì khả năng rất cao là người của nền văn hoá Đông Sơn đã hình thành chữ viết.

***

Tóm lại, tiếng nói và chữ viết có mối quan hệ chặt chẽ, tiếng nói luôn luôn xuất hiện trước tuy nhiên cả 2 yếu tố này đều là những yếu tố dễ dàng tiếp thu, dễ dàng biến đổi. Ở thời điểm của văn hoá Hoà Bình thì sự hình thành các tộc người là chưa rõ ràng, người của nền văn hoá Hoà Bình lan toả khắp nơi, nhưng có lẽ là theo 3 con đường chính là xuống nam, lên bắc và sang đông, trong suốt thời gian lan toả họ gặp và giao lưu với nhóm người từ phía tây (Ấn Độ) sang, điểm gặp gỡ quan trọng là Vân Nam, Quý Châu, Quảng Tây.

Tại những điểm gặp gỡ này sự phức tạp diễn ra, ở thời điểm gặp gỡ đầu tiên, giữa những tộc người không có nhiều sự khác biệt, nhưng càng về sau, những đợt di cư và gặp gỡ thì các tộc người càng khác nhau, trong những đợt gặp gỡ, họ có khi xung đột với nhau có khi hoà hợp với nhau, chung sống tiếp thu và rồi đồng hoá nhau.

Khi những nhóm người này, nhóm thuần chủng và nhóm đã hoà hợp tiến lên phía đồng bằng sông Trường Giang, họ liên tục gặp gỡ những tộc người khác, những tộc người này ở thời điểm ban đầu chũng chưa có nhiều khác biệt, nhưng càng về sau thì sự khác biệt càng lớn dần. Tại khu vực Quảng Tây, xuất hiện những chữ viết đầu tiên, những chữ viết này theo những lần di cư mà lan toả cả lên phía bắc, cả xuống phía nam, sang phía đông và sang phía tây.

Theo thời gian, với sự định cư lâu dài và tiếp thu các đặc trưng văn hoá khác nhau từ các nhóm dân khác nhau, mà hình thành 4 vùng văn hoá khác nhau: vùng văn hoá trên sông Trường Giang, vùng văn hoá nam sông Trường Giang bắc núi Lĩnh Nam, vùng văn hoá nam núi Lĩnh Nam, vùng văn hoá sông Hồng. Vì vùng nam bắc sông Trường Giang dễ dàng giao lưu nên mức tương đồng khá cao. Những khác biệt cơ bản là tiếng nói. Thời điểm của nền văn hoá đông sơn, bắt đầu những đợt di cư lớn từ phương bắc xuống, lần lượt qua Lĩnh Nam và cuối cùng là đồng bằng sông Hồng. Những đợt di cư này mang những yếu tố văn hoá phương bắc tiến xuống phía nam và những gì chúng ta thấy ngày nay chính là kết quả của những đợt di cư ấy.

Chúng ta và cả những tộc người khác vùng Hoa Nam đều là con cháu không thuần chủng mà là sự lai tạo cả về mặt di truyền và về mặt văn hoá giữa các tộc người (từ giống nhau đến khác biệt). Chúng ta khác biệt với các tộc người khác một phần vì di sản của các thế hệ trước những cũng một phần vì sự sáng tạo của chúng ta cả trên cơ sở tiếp thu của các nền văn hoá khác và cả trên cơ sở những di sản văn hoá của tổ tiên.

Nếu như chúng ta so sánh nền văn hoá Việt với nền văn hoá Hán thời kỳ tự chủ và độc lập thì rất khó để tìm những điểm khác biệt đủ nhiều và đủ lớn mang tính chất đặc trưng, vì chúng ta chịu ảnh hưởng khá nhiều, nhưng nếu ta so sánh nền văn hoá ở thời điểm đồ đồng mà cụ thể là văn hoá Đông Sơn, thì chúng ta sẽ nhận ra rất nhiều những điểm khác biệt đủ lớn mang tính chất đặc trưng, như: Chế độ xã hội mẫu hệ, kiến trúc, thời trang, đời sống sông nước, những con thuyết, những chiếc trống đồng, những tập tục như xăm, cảnh sinh hoạt.

Tôi nghĩ là song song với việc chúng ta tranh luận xem tổ tiên mình là ai thì chúng ta cũng nên đào bới nhiều hơn và quan trọng hơn là tái dựng một cách sinh động lại đời sống của tổ tiên mình, ít nhất là nền văn hoá Đông Sơn.

Theo NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Tags: , ,