Việt Nam và nghịch lý của một quốc gia gia công, lắp ráp thuê

Một quốc gia muốn bứt phá và thịnh vượng buộc phải hướng tới nền tảng dựa trên những công ty sáng tạo. Trung Quốc, từ công xưởng số một thế giới đã phải chuyển đổi, sau vài chục năm họ đã có Xiaomi, có Baidu, Huawei…

Việt Nam và nghịch lý của một quốc gia gia công, lắp ráp thuê

Năm 2009, truyền thông loan tin vui Việt Nam sản xuất được linh kiện máy bay. Cụ thể, Việt Nam đã sản xuất cánh tà máy bay thương mại. Đây là bộ phận rất quan trọng, giúp tăng lực nâng của máy bay khi di chuyển với tốc độ chậm, như trong thời gian cất cánh và hạ cánh, và đến nay đã xuất xưởng hàng ngàn chiếc cung cấp cho Boeing (Mỹ).

Tuy nhiên, tất cả quá trình sản xuất từ bản vẽ thiết kế đến dây chuyền máy móc nhập khẩu, ngay cả những chiếc khoan để bắt ốc vít đều là của nước ngoài. Giá trị Việt Nam chủ yếu vẫn là nhân công giá rẻ. Nếu tổng chi phí sản xuất khoảng 100.000 USD thì giá trị DN Việt hưởng chỉ khoảng vài trăm USD.

Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy tăng trưởng của ngành điện tử thời gian qua khá cao. Năm 2020, xuất khẩu ngành này đạt hơn 95 tỷ USD, trong đó điện thoại các loại và linh kiện đạt 51,18 tỷ USD; máy vi tính, các sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 44,58 tỷ USD. Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu điện tử thứ 12 thế giới và thứ 3 trong ASEAN. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2010-2020 từ 28,6% đến trên 50%, cao nhất thế giới. Điện tử và linh kiện đã trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Tương tự, xuất khẩu linh kiện ô tô của Việt Nam vẫn tăng đều hàng năm, năm 2020 đạt gần 5 tỷ USD và xuất đi hơn 10 quốc gia, tới nhiều nước có ngành công nghiệp ô tô phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Đức,… Những linh kiện phụ tùng ô tô Việt Nam xuất khẩu cũng có công nghệ tương đối cao như bộ dây đánh lửa, linh kiện hộp số, túi khí an toàn.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng cao, với kim ngạch ngày càng lớn, nhưng thực tế, kết quả này lại không đóng góp nhiều cho kinh tế đất nước. Bởi sự lan tỏa của sản phẩm cuối cùng, không chỉ với giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của nước đó, mà phần lớn là của các nước khác. Nước nào sử dụng nhiều đầu vào từ nước khác trong quá trình sản xuất sẽ kích thích đến sản lượng của nước khác, qua đó kích thích quá trình tạo thu nhập cho nước khác.

Với ngành điện tử, 95% giá trị xuất khẩu thuộc về khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện rất thấp, chỉ khoảng 10%, với các linh kiện giản đơn dễ làm. Số lượng DN Việt tham gia chuỗi cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt.

Samsung Việt Nam đến nay mới chỉ có 35 nhà cung cấp thuần Việt trong khi có hàng trăm linh kiện cần nội địa hóa. Canon Việt Nam có 147 nhà cung cấp tại Việt Nam, nhưng trong số này chỉ có 20 nhà cung cấp thuần Việt. Panasonic Việt Nam cũng chỉ có 4 nhà cung cấp thuần Việt. Việt Nam đã trở thành một trong những công xưởng lớn của châu Á về điện tử nhưng sự tham gia của các DN Việt vào “công xưởng” này rất hạn chế.

Với linh kiện ô tô cũng tương tự. Hầu hết các linh kiện phụ tùng kể trên là do doanh nghiệp FDI sản xuất và xuất khẩu, không có doanh nghiệp thuần Việt tham gia. Nhà sản xuất nước ngoài nhìn thấy lợi thế về vị trí địa lý và nguồn lao động giá rẻ của Việt Nam, nên đã đầu tư xây nhà máy, nhập khẩu hầu hết đầu vào, để sản xuất phục vụ cho xuất khẩu.

Cơ cấu lạc hậu, chậm thay đổi

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khảo sát về đối tượng khách hàng chính của các DN tư nhân Việt Nam trong ba năm qua cho thấy, đa số các DN tư nhân Việt Nam bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các cá nhân người Việt Nam (chiếm 66%), cho DN tư nhân khác trong nước (chiếm 64%) và DN Nhà nước (chiếm 24%).

Trong khi đó, chỉ có 15% DN tư nhân Việt Nam bán hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp FDI. Rất ít DN tư nhân tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, hoặc là nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Tỷ lệ này thậm chí càng ngày càng giảm.

Cũng theo VCCI, các doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam chưa hài lòng về chất lượng và năng lực của các nhà cung cấp nội địa. Gần 60% doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát cho biết, khó đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa để có thể hưởng ưu đãi thương mại. Họ gặp phải những vấn đề về chất lượng và năng lực của nhà cung cấp trong nước. Các doanh nghiệp FDI lớn đang hoạt động tại Việt Nam đến nay vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, để tận dụng giá nhân công rẻ, nhưng ưu thế này ngày càng mất dần so với những nước như Campuchia, Lào.

Nguyên nhân của thực trạng này được chỉ ra vấn đề chính là cấu trúc kinh tế của Việt Nam thực sự đã rất lạc hậu. Sau nhiều năm kêu gọi phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng đến nay vẫn chỉ làm gia công, vặn ốc vít. Những chính sách mang tính đột phá để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ trong nước, đến nay vẫn chưa được ban hành, với những chính sách đã ban hành, tính thực thi kém.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 281,5 tỷ USD thì khu vực kinh tế FDI chiếm tới 203,3 tỷ USD. Trong đó, nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp FDI sản xuất ở Việt Nam nhưng hàm lượng của Việt Nam rất thấp. Những sản phẩm này thực chất là xuất khẩu hộ nước khác.

Make in Vietnam làm nên những giá trị Việt Nam

Chuỗi cung ứng toàn cầu đang hướng về Việt Nam với nhiều dự án FDI lớn, công nghệ cao. Tuy nhiên, mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và DN nội đang rất hạn chế, không tạo được hiệu ứng lan toả. Vì vậy, Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi muốn vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, để tham gia vào công đoạn đem lại giá trị gia tăng cao hơn.

Nhận thức rằng gia công chỉ là kiếm sống, muốn giàu mạnh phải làm chủ công nghệ, giám đốc một startup công nghệ nói: Nếu giai đoạn gia công cứ kéo dài mãi, chúng ta chỉ chiếm được phần rất bé trong chuỗi giá trị. Chiếc iPhone bán giá 1.000 USD, nhưng phần giá trị lại chỉ tập trung ở giai đoạn đầu (tìm hiểu người sử dụng, nghiên cứu, xác định nhu cầu, thiết kế sản phẩm đáp ứng nhu cầu) và khâu cuối (đưa vào thị trường phân phối, marketing). Còn giai đoạn làm ra chiếc điện thoại thì chiếm phần giá trị rất nhỏ bé.

Làm sao để Việt Nam thoát ra khỏi hình bóng một quốc gia gia công, lắp ráp thuê? Câu trả lời rõ ràng và duy nhất là: ở thế kỷ 21, một quốc gia muốn bứt phá và thịnh vượng buộc phải hướng tới nền tảng dựa trên những công ty sáng tạo. Sáng tạo có thể ví như trái tim, chìa khóa của sản phẩm và của nền kinh tế. Sáng tạo luôn là một giải pháp tối ưu để phát triển các sản phẩm, làm cho nền kinh tế đất nước trở nên vững mạnh hơn, đột phá hơn. Phải làm chủ về công nghệ và luôn thay đổi các ý tưởng về sản phẩm, hàng hóa, chất lượng, để đem lại lợi thế cạnh tranh.

Trung Quốc, từ công xưởng số một thế giới đã phải chuyển đổi, sau vài chục năm họ đã có Xiaomi, có Baidu, Huawei và nhiều tập đoàn lớn khác. Sự phát triển công nghệ của Trung Quốc đã đưa họ lên vị trí cạnh tranh nhóm đầu thế giới và cuộc chiến Mỹ – Trung dưới một góc độ khác – đã cho thấy sự lớn mạnh thành thành công của đất nước tỷ dân này.

Chính vì thế, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khởi động chiến lược “Make in Vietnam” để thúc đẩy quyết tâm cho sự thay đổi. “Make in Vietnam” thể hiện sự chủ động của các DN trong sản xuất, từ làm chủ công nghệ cốt lõi đến thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm… Bởi vì, nếu không thay đổi sẽ mãi mãi đi sau và bị bỏ lại trong tiến trình thay đổi.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, điểm mấu chốt nhất là tạo ra động lực để các DN tư nhân tự thân vận động trong việc đẩy mạnh đầu tư sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, học hỏi, tiếp thu, nắm bắt và làm chủ công nghệ. Còn Chính phủ đóng vai trò thúc đẩy nghiên cứu phát triển, chọn lĩnh vực ưu tiên để dồn lực đầu tư. Muốn vậy phải xây dựng được hệ thống chính sách ưu đãi khuyến khích thật sự hấp dẫn và mang tính khả thi cao. Cùng với đó là tạo ra thể chế tốt, hạ tầng tốt, hệ sinh thái thân thiện và chuyển đổi nhanh chóng cấu trúc hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

Theo TRẦN THỦY / VIETNAMNET

Tags: , ,