Vị thế của Trung Quốc sẽ thay đổi thế nào sau cuộc xung đột Nga – Ukraina?

Khi đề cập đến những hệ lụy của cuộc xung đột hiện nay ở Ukraina, sẽ là thiếu sót nếu không tính đến một “tiểu tam”: Trung Quốc.

Vị thế của Trung Quốc sẽ thay đổi thế nào sau cuộc xung đột Nga – Ukraina?

Cuộc khủng hoảng Ukraina diễn ra đúng vào lúc quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang trải qua giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử nhiều thăng trầm của cả hai phía. Trước khi xung đột nổ ra, bằng những đòn trừng phạt liên tục nhằm vào Nga vì đủ các lý do: sát nhập Krym năm 2014, tấn công mạng, can thiệp bầu cử, đầu độc các nhà bất đồng chính kiến hay cựu nhân viên tình báo… cùng với cuộc thương chiến do Tổng thống D.Trump khởi phát nhằm vào Trung Quốc, chính Mỹ đã là nhân tố chính thúc đẩy hợp tác giữa Moskva và Bắc Kinh trở nên gắn kết hơn bao giờ hết.

Không giống như những liên minh chính trị-quân sự hình thành trong Chiến tranh Lạnh, quan hệ Nga-Trung giai đoạn trước khủng hoảng Ukraina không chịu tác động về mặt hệ tư tưởng (có chăng chỉ là tư tưởng “cùng cố kết để chống Mỹ”). Sự khác biệt về ý thức hệ giữa hai bên là không lớn. Đó là quan hệ đối tác nhưng không phải đồng minh, sử dụng công thức hoạt động cơ bản là “không phải lúc nào cũng nhất trí nhưng không bao giờ chống lại nhau”, với hợp tác kinh tế cùng có lợi là cột trụ chính.

Cột trụ này có thể nói đã đóng một vai trò cực kỳ trọng yếu trong quyết định của Tổng thống V.Putin đưa quân vào Ukraina ngày 24/2, bởi chắc chắn ông V.Putin đã lường trước được là một khi những đơn vị quân đội Nga tràn vào lãnh thổ Ukraina thì nước Nga sẽ phải hứng chịu những đòn trừng phạt khốc liệt hơn nữa từ Mỹ và phương Tây. Kể từ khi sát nhập Krym vào Nga năm 2014, Moskva đã thực hiện chính sách “xoay trục hướng Đông” để chuẩn bị cho những đòn trừng phạt trong trường hợp nổ ra khủng hoảng.

Quả nhiên điều đó đã xảy ra. Khi đối mặt với những đòn trừng phạt liên hoàn của Mỹ và cộng đồng quốc tế, hẳn nhiên là Tổng thống V.Putin phải nhìn về hướng Đông để tìm kiếm một lối thoát khả dĩ giúp nền kinh tế Nga có thể đứng vững trước vô vàn khó khăn do các lệnh trừng phạt gây ra. Mỹ và phương Tây “ngắt” nền kinh tế Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT thì ngay lập tức Nga và Trung Quốc đẩy nhanh phối hợp để liên kết các hệ thống thanh toán tài chính của nhau, mặc dù Nga có phần lép vế khi phải sử dụng đồng nhân dân tệ để dự trữ ngoại hối cũng như một số ngân hàng Nga phát hành thẻ sử dụng hệ thống thanh toán UnionPay của Trung Quốc..

Nhưng, đó chưa phải là những yếu tố lép vế duy nhất mà Nga phải gánh chịu trong quan hệ với Trung Quốc do hệ lụy của cuộc xung đột vũ trang tại Ukraina. Nga đưa quân vào Ukraina, Trung Quốc bỏ phiếu trắng khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc thông qua một nghị quyết lên án Nga nhưng lại xung phong đứng ra gánh vác trách nhiệm thúc đẩy lập lại hòa bình ở Ukraina. Rõ ràng, Bắc Kinh muốn đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề an ninh quốc tế. Do cuộc xung đột Ukraina, nền kinh tế Trung Quốc phải chịu tổn hại ít nhiều bởi giá cả hàng hóa, nguyên liệu tăng cao, thế nhưng đó là cái giá khá rẻ để có được một vị thế cường quốc toàn cầu.

Nói cách khác, khi Ukraina trở thành chiến trường để Nga và phương Tây đọ sức, Trung Quốc là bên thu được lợi ích chiến lược lớn nhất. Sau cuộc xung đột này, Trung Quốc càng vươn lên vị thế một cường quốc thế giới ngang bằng với Mỹ về nhiều mặt, trong khi Nga bị bỏ lại phía sau khá xa.

Ấy là chưa kể Trung Quốc sẽ chăm chú theo dõi Nga hành động ở Ukraina, đánh giá diễn biến cũng như kết quả của cuộc xung đột rồi đưa mắt hướng về Đài Loan và các nước láng giềng xung quanh để có những cách hành xử gây hấn như đã từng xảy ra trong thời gian gần đây…

Đấy cũng là một hệ lụy của cuộc xung đột diễn ra giữa lòng châu Âu.

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , ,