Vì sao nhiều khi bạn lỡ dại rồi mà vẫn cố làm gì đó?

Đó là vì bạn đã mắc vào hiện tượng “ngụy biện cho chi phí chìm”. Đây là sự ngụy biện mà ai cũng mắc phải.

Bạn có nghĩ rằng mình khá thông minh, các quyết định của mình đưa ra luôn hợp lí và đúng đắn? Nếu bạn đủ kiêu hãnh và cho rằng mình luôn như vậy, tin tôi đi, chắc chắn rằng trong một phút giây nào đó trên cuộc đời này, bạn cũng mắc phải tình trạng “Sự ngụy biện cho chi phí chìm” (tiếng Anh: Sunk cost fallacy).

Sự ngụy biện này là gì?

Đầu tiên, chúng ta phải tìm hiểu chi phí chìm (sunk cost) là gì. Trong ngành kinh tế, nó là các chi phí đã trả và không thể hồi phục lại được. Ví dụ như một công ty đầu tư hàng triệu USD vào trang thiết bị phần cứng máy chủ, số tiền này gọi là chi phí chìm vì nó không thể hồi phục lại được. Theo nguyên tắc về quyết định khi cân nhắc và so sánh chi phí, chi phí chìm có thể bỏ qua.

Một ví dụ khác, giả sử bạn đã mua vé đến một lễ hội, tuy nhiên đến ngày nó diễn ra, bạn bị sốt nặng, tuy nhiên bạn vẫn cố “lết” đến vì bạn nghĩ: “Vé mua mắc thế này rồi, không đi thì phí ra“.

Và thế là bạn đã ngụy biện cho chi phí chìm. Bạn đã bỏ tiền ra mua vé và không thể nào lấy lại được. Tuy nhiên nếu bạn đi đến đó với tình trạng sốt nặng, bạn sẽ không thể nào tận hưởng cuộc vui một cách trọn vẹn.

Như vậy, sự ngụy biện cho chi phí chìm được hiểu đơn giản là bạn tiếp tục làm một việc gì đó vì đã đầu tư quá nhiều thời gian, tiền bạc và công sức vào đó, tuy nhiên việc làm này không phải là lựa chọn khôn ngoan nhất.

Bạn có hay mắc phải tình trạng trên không?

Dù cho bạn có nói không đi nữa thì tôi cũng khẳng định rằng: rất nhiều là đằng khác. Nếu bạn chưa nghĩ ra, thì tôi sẽ cho bạn thấy một vài ví dụ:

1. “Đồ ăn đã gọi rồi, bỏ thì phí”

Tôi thường làm vậy lắm. Đến hàng ăn nào đó, tôi “đói mắt” nên gọi thật nhiều. Lúc no căng bụng và không thể nào nhét nổi nữa, tôi nhủ mình phải ăn cho bằng hết không thì sẽ rất phí.

Tuy nhiên sự thật là sẽ chẳng ai ăn chỗ đồ thừa ấy của tôi, thậm chí nó không được tái chế hay là đưa cho những người nghèo ăn nữa cơ, người ta sẽ quẳng nó đi.

Đây là chi phí chìm, càng ăn tôi càng cảm thấy mắc nghẹn và muốn ói thôi.

2. “Thôi lỡ mua vé rồi, phim này tuy dở mà mình ráng xem hết vậy”

Điều đó áp dụng tương tự cho việc đọc một cuốn sách dở tệ, hay xem dang dở một series phim truyền hình cực chán chẳng hạn. Tôi khuyên thật, nếu các bạn thấy phim hay sách gì quá dở, thì bạn nên dừng coi để không tốn thời gian quý giá của mình nữa, không có ích gì đâu.

3. “Phải cố gắng yêu thương người ta thôi, quen nhau lâu vậy rồi mà chẳng lẽ bỏ”

Đừng chối nữa, ai cũng gặp trường hợp như vậy thôi. Đây là “Sự ngụy biện cho chi phí chìm” kinh điển nhất!

Nếu bạn đặt quá nhiều tình cảm và một mối quan hệ (không nhất thiết là người yêu) mà không dùng lí trí, sẽ rất khó khăn cho bạn khi muốn dứt bỏ. Nếu mối quan hệ đó không khiến bạn hoặc người ấy trở thành con người tốt hơn, thì cho dù bên nhau bao nhiêu năm nữa, bạn cũng nên dứt bỏ. ý tôi nói ở đây là ai cũng có lỗi lầm, nhưng bạn nên dứt bỏ nếu lỗi lầm đó không được sửa chữa dù có rất nhiều cơ hội.

Làm thế nào để giải thoát bản thân khỏi sự ngụy biện này?

Chúng ta đều là nạn nhân của sự ngụy biện cho chi phí chìm vì chúng ta đều “đầu tư” nhiều tiền bạc, thời gian, tình cảm vào việc gì đó. Điều quan trọng trong việc giải thoát bản thân là phải nhận ra những khía cạnh logic của sự ngụy biện. Ví dụ như hãy liệt kê ra điểm cộng và điểm trừ của quyết định bạn sắp làm. Nếu điểm cộng vượt hẳn điểm trừ thì hãy làm, còn không hãy mạnh dạn tìm ra và là quyết định khác.

Đừng để “Sự ngụy biện cho chi phí chìm” khiến bạn hành động ngu ngốc.

Theo TRÍ THỨC TRẺ / CAFEBIZ

Tags: