Vì sao người ta cố sống cố chết để được ‘làm cán bộ’?

Mặc dù lương và thu nhập rất thấp, nhưng nhiều người rất khoái được làm công chức, làm cán bộ. Thậm chí người ta sẵn sàng bỏ ra mấy trăm triệu đồng để “chạy” được một suất biên chế trong cơ quan nhà nước với đồng lương không nhiều hơn mức tối thiểu là bao!

Trong 30 năm đổi mới vừa qua, song hành với sự phát triển trên nhiều phương diện, cùng khả năng hội nhập khu vực và quốc tế mạnh mẽ của mình, Việt Nam cũng đang ngày càng bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập, đặc biệt là trong lĩnh vực quản trị và bộ máy công quyền, vốn được xem là chìa khóa của các chính sách cải cách và hội nhập.

Tại một dự án xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng núi phía bắc, trong buổi họp tham vấn cộng đồng liên quan đến nhu cầu sinh kế và tạo nghề cho người dân, cán bộ dự án hỏi: “bà con mình thích được học nghề gì để tăng thêm thu nhập?” Một thanh niên rụt rè nói: “em muốn được làm cán bộ, vì trong nhiều nghề mà em từng thấy, chỉ có nghề cán bộ là nhanh giàu nhất mà lại an nhàn nhất!”

Nếu anh này biết rõ về các khoản thu – chi hàng năm của một công chức nhà nước bình thường thì có lẽ anh ta sẽ suy nghĩ khác, thậm chí là từ bỏ mong ước đó! Hỏi kỹ ra thì “cán bộ” mà chàng thanh niên muốn nói ở đây chính là những lãnh đạo của các cơ quan nhà nước tại địa phương.

Câu chuyện này phần nào giải thích một thực tế nghe có vẻ rất phi lý và trái với logic thông thường đang diễn ra tại nhiều địa phương ở nước ta hiện nay. Mặc dù lương và thu nhập rất thấp, nhưng nhiều người rất khoái được làm công chức, làm cán bộ. Thậm chí người ta sẵn sàng bỏ ra mấy trăm triệu đồng để “chạy” được một suất biên chế trong cơ quan nhà nước với đồng lương không nhiều hơn mức tối thiểu là bao! Rõ ràng không ai đầu tư mà lại muốn lỗ vốn cả, nên cách giải thích phù hợp nhất ở đây chính là cái đích của khoản đầu tư không nhỏ với nhiều người kia là một ngày nào đó sẽ trở thành lãnh đạo trong bộ máy công quyền.

Sự giàu có ngày càng rõ rệt của nhiều quan chức với hệ số lương khiêm tốn (công khai) có rất nhiều điều cần bàn. Trong đó có thể nhìn thấy rõ những mối hại trên các phương diện sau:

Trên phương diện kinh tế: Nhờ quyền lực và vị thế được nhà nước giao phó, các quan chức mà đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo có thể nhũng nhiễu doanh nghiệp, cấp dưới hoặc các đơn vị, cá nhân có liên quan. Khi cơ chế giám sát và kiểm soát hiện tại còn lỏng lẻo và thiếu sự tham gia của người dân và cộng đồng, thì sự nhũng nhiều này thường mang lại rất nhiều tiền mặt cho họ. Như vậy, một lượng tiền (gồm rất nhiều ngoại tệ) đang lưu thông minh bạch trên thị trường bỗng chốc biến mất vì rơi vào túi quan tham hoặc nếu có quay ngược lại thị trường thì chúng trở nên không còn minh bạch nữa. Bên cạnh đó, một lượng lớn ngoại tệ cũng rời Việt Nam mà không hẹn ngày về. Nhà nước bị thất thu một lượng lớn tiền thuế cũng như giảm sút nguồn lực đầu tư cho phát triển.

Trên phương diện xã hội: Bên cạnh sự giảm sút lòng tin của dân chúng vào bộ máy công quyền, cũng như sự thờ ờ của không ít người dân vào vận mệnh và tương lai của đất nước, của dân tộc. Sự giàu có bất thường nhờ quyền lực và nắm giữ thông tin của rất đông quan chức lãnh đạo đang làm chuyển biến xã hội Việt Nam của ngày hôm nay theo một xu thế mới. Trong đó, mục đích cuối cùng của nhiều người là giàu có và quyền lực. Trong xã hội đó, các giá trị tốt đẹp khác như tình yêu thương, sự chia sẻ hay tinh thần đoàn kết, v,v.. sẽ khó có chỗ đứng và dần dần nhường chỗ cho lợi ích nhóm cùng suy đồi về đạo đức. Nếu không có giải pháp kịp thời, giấc mơ hóa rồng, hóa hổ của dân tộc này mãi vẫn chỉ là mơ ước.

Trên phương diện thể chế: Khi quan chức lãnh đạo được xem là một nghề hái ra tiền và nhiều người sẵn sàng đầu tư cho bản thân và con cháu – bất chấp rủi ro, thì có lẽ nó đã trở thành môt dạng ung nhọt của thể chế, nhưng không dễ gì cắt bỏ. Nó đã và đang tạo ra nhiều lỗi hệ thống, làm xói mòn năng lực thể chế của nền hành pháp, ảnh hưởng tiêu cực đến tính chính danh của các tổ chức cũng như tiến trình dân chủ hóa của đât nước. Một Nhà nước pháp quyền sẽ vẫn chỉ mãi là mô hình mà Việt Nam hướng tới nếu lỗi hệ thống này không được kiểm soát và loại bỏ kịp thời.

Vậy đâu là giải pháp cho nan đề này và chúng ta có thể hy vọng gì về những thay đổi mang tính cốt lõi? Trên hết cần đồng ý rằng một nền quản trị công bằng và dân chủ với các cộng cụ hữu hiệu giúp duy trì và đảm bảo các nguyên tắc và giá trị chính của hệ thống là không thể thiếu vắng. Thực tế cho thấy, cần nhiêu hơn nữa thời gian và tâm huyết để Việt Nam có thể đạt được những điều này. Trước tiên cần một bước đột phá quan trọng từ đội ngũ quan chức lãnh đạo – được cho là thuộc tầng lớp tinh hoa, cho vấn của chính họ.

Ngoài tài năng, kiến thức và kỹ năng cần có cho một lãnh đạo, trước khi được giao trách nhiệm và quyền lực để đại diện Nhà nước thực thi nhiệm vụ, mỗi người cần xác định đây là một nghề nghiệp đặc thù về chính trị – chứ không phải để làm giàu. Bất chấp khó khăn, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cũng như sức ép từ dư luận để có thể đưa ra những quyết định có lợi nhất cho dân chúng và đất nước có thể xem là chìa khóa để mở ra cánh cổng của khu vườn thịnh vượng. Rất tiếc là có quá ít những người như vậy.

Những gì mà Phó chủ tịch Đảng Bảo Thủ Anh, ông Peter Lilley phát biểu tại phiên họp của QH Anh, chia tay Thủ Tướng David Cameron năm 2016: “Tôi đánh giá cao ngài Thủ tướng, ….. ,rằng ông hành động không chỉ bởi tham vọng chính trị hợp pháp, mà bởi ý thức trách nhiệm của mình, những thứ luôn khiến ông cố gắng làm cho đất nước này thịnh vượng hơn , dung hợp hơn, khoan dung hơn , công bằng hơn và tự do hơn..” liệu có đáng để người Việt Nam chúng ta suy ngẫm???

TRẦN VĂN TUẤN

Tags: ,