Vì sao không thể chấp nhận việc hợp pháp hóa mại dâm?

Hợp pháp hóa mại dâm tưởng như là cách để bảo vệ quyền của phụ nữ, vô hình chung lại chỉ hợp pháp hóa sự mua dâm của đàn ông. Hơn nữa nó sẽ tăng thêm sức hút, biến nhiều người phụ nữ và trẻ em gái thành nạn nhân của hoạt động buôn bán người, hoặc nô lệ tình dục. Nó hợp pháp hóa sự bất bình đẳng về cơ thể giữa người mua dâm và người bán dâm.

Hoạt động mua bán mại dâm tưởng là bình đẳng, nhưng thật ra là một việc làm phi đạo đức và không công bằng. Hai cơ thể con người, sinh ra tự do và bình đẳng, thì phải được đối xử công bằng như nhau. Trong mại dâm, một người phải đưa thân xác ra mua vui cho một người; cơ thể người mua dâm có được khoái cảm và thỏa mãn dục vọng; cơ thể người bán dâm không có khoái cảm, thậm chí đau đớn. Việc “tự nguyện” tham gia hợp đồng mua bán dâm chỉ đúng với người mua dâm vì họ chủ động đi thỏa mãn nhu cầu và sẵn sàng trả tiền. Còn với người bán dâm không phải là tự nguyện, mà họ buộc phải lựa chọn vì cuộc mưu sinh của mình. Hoạt động mua bán dâm thể hiện sự bất bình đẳng giữa hai con người.

Hợp pháp hóa mại dâm cũng đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa các đường dây cung cấp “hàng mới” cho các nhà chứa. Điều này cũng có nghĩa là toàn bộ hệ thống buôn người, ma cô, bảo kê sẽ được huy động để săn lùng phụ nữ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra trẻ em gái và phụ nữ ở các gia đình nghèo, khó khăn, và thiếu thông tin là các nạn nhân đầu tiên của các băng đảng. Chúng nhắm đến những gia đình yếu thế, dễ bị dụ dỗ để “tuyển dụng”, mà thực chất là ép buộc hoặc lừa đảo. Khi đã tham gia, toàn bộ hệ thống bảo kê, tội phạm, ma cô và quản lý sẽ ép buộc họ làm việc như nô lệ tình dục trong các nhà thổ. Theo UNICEF, hàng năm có hàng triệu phụ nữ bị buôn bán và ép buộc gia nhập ngành công nghiệp mại dâm, và khoảng 30% trong số họ là trẻ vị thành niên, thâm chí dưới 13 tuổi.

Nhiều người cho rằng vấn đề buôn bán người không liên quan đến vấn đề mại dâm. Nhiều chính phủ còn đề nghị phải phân nhóm những người bị buôn bán thành hai loại, một loại bị ép buộc và một loại đồng thuận. Họ còn đề nghị nạn nhân bị buôn bán phải tự đưa ra bằng chứng bị ép buộc của mình nếu muốn được coi là nạn nhân. Các quốc gia ủng hộ việc tách biệt này chủ yếu là những nước đã hợp pháp hóa mại dâm, hoặc có ngành công nghiệp du lịch tình dục phát triển.

Tuy nhiên, không thể tách rời giữa tình trạng buôn nguời và mại dâm vì hai vấn đề này liên quan rất mật thiết với nhau, như cung (buôn bán người) và cầu (mại dâm). Kể cả những người phụ nữ được coi là “đồng thuận” tham gia, thực chất vẫn là bị ép buộc. Họ thường là những người yếu thế, nghèo, không còn lựa chọn nào khác, do hoàn cảnh họ phải đồng thuận. Bên cạnh đó, nhiều người bị cung cấp thông tin sai lệch, một chiều hoặc thậm chí dối trá để tham gia vào công việc này. Đến khi phát hiện bị lừa thì họ đã bị ràng buộc, kiểm soát, dọa dẫm hoặc thậm chí bạo lực phải phục vụ như nô lệ tình dục.

Việc coi mại dâm là một nghề hợp pháp vì nó đóng góp vào GDP, bảo vệ phụ nữ hành nghề mại dâm khỏi bạo lực và bệnh tật là một lý luận không dựa trên công lý và sự công bằng. Thứ nhất, phải đặt câu hỏi liệu mại dâm có phải là một ngành kinh tế đáng mong đợi hay không? Rõ ràng là không, vì những người phụ nữ tham gia vì không còn lựa chọn nào khác, nên đó là một lựa chọn bắt buộc. Điều này đồng nghĩa họ phải lao động trái với mong muốn của mình. Việc lao động trái với mong muốn của mình, trong chừng mực nào đó đồng nghĩa với nô lệ tình dục. Một ngành kinh tế dựa vào sự chịu đựng của phụ nữ, cũng như sự đối xử mang tính ép buộc của hệ thống là không có đạo đức. Thứ hai, như đã thảo luận ở trên, mại dâm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em. Nó là một sức hút vô hình, đẩy nhiều con người, đặc biệt những người yếu thế vào con đường cụt, không có tương lai. Thứ ba, mối quan hệ quyền lực giữa phụ nữ bán dâm và nam giới mua dâm là không bao giờ công bằng, cho dù mại dâm được hợp pháp hóa. Việc hợp pháp hóa mại dâm chỉ biến những người đàn ông thành những người mua dâm “đàng hoàng và hợp pháp”, và vô hình dung tăng thêm quyền lực cho họ ép buộc và hành hạ tình dục với món hàng của mình. Khi là một món hàng, người phụ nữ bán dâm cũng khó từ chối vì nó liên quan đến sinh kế và cuộc sống của họ.

Nếu cho rằng việc đánh đập hoặc ép buộc quan hệ không an toàn không nằm ở bản chất của mại dâm, mà nằm ở việc quản lý của nhà nước cũng như trình độ của đội ngũ ma cô và chủ nhà chứa là sai lầm. Năng lực quản lý của nhà nước, đặc biệt ở những nước như Việt Nam cho một ngành dịch vụ phức tạp này là rất yếu, đấy là chưa nói đến tham nhũng và cấu kết bảo kê. Hơn nữa, khi hoạt động hợp pháp, các chủ chứa và ma cô càng lộng hành vì họ được pháp luật bảo hộ. Phụ nữ mại dâm, với “chứng chỉ hành nghề mại dâm” không cải thiện được vị thế, cũng như quyền lực của họ trong quan hệ kinh tế này. Và kết quả là trước đây họ bị bóc lột một cách bất hợp pháp, thì giờ đây họ bị bóc lột hợp pháp.

Như vậy, hợp pháp hóa mại dâm tưởng như là cách để bảo vệ quyền của phụ nữ, vô hình chung lại chỉ hợp pháp hóa sự mua dâm của đàn ông. Hơn nữa nó sẽ tăng thêm sức hút, biến nhiều người phụ nữ và trẻ em gái thành nạn nhân của hoạt động buôn bán người, hoặc nô lệ tình dục. Nó hợp pháp hóa sự bất bình đẳng về cơ thể giữa người mua dâm và người bán dâm. Đáng buồn, lợi nhuận thu được sẽ được chia đều cho những người tham gia, thậm chí cho cả nhà nước, và người bị hành hạ trên thân xác của mình, cuối cùng lại là người phụ nữ!

Theo LỆ QUYÊN / DIỄN NGÔN

Tags: , ,