⠀
Vì sao ‘con quái vật’ Việt Á lại có sức tàn phá ghê gớm đến như vậy?
Con số gần 100 cán bộ từ nhỏ tới to, từ cấp chuyên viên đến cấp cao, thậm chí là Ủy viên Trung ương Đảng sa vào vòng lao lý liên quan đến đại án Việt Á (tính đến tháng 10/2022) cho thấy sự hủy diệt khủng khiếp của cái tên “Việt Á”.
Hạ gục cấp cao, thao túng cấp thấp
Ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, biểu quyết, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Phạm Xuân Thăng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương.
Trước đó, ông Thăng đã bị đình chỉ mọi chức vụ trong Đảng, bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan đến vụ việc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á). Trung ương kết luận, ông Thăng đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn cho ngân sách của Nhà nước, nhân dân và xã hội; để xảy ra vụ án tham nhũng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền địa phương.
Ông Thăng đã là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII thứ 3 “ngã ngựa” trong vụ việc này. Trước đó, liên quan đến vụ án, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh và cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã bị khởi tố, bắt tạm giam.
Sẽ không quá khi nói rằng, đại án Việt Á sẽ lưu dấu trong lịch sử tư pháp như một “vết chàm” khó gột rửa nhất, với mức độ tác động, ảnh hưởng rộng nhất, sâu nhất, cao nhất, khi nó lây lan tới 62 tỉnh, thành phố trên cả nước; len lỏi khắp các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), các bệnh viện, tỉnh, thành phố, cho đến nhiều bộ, ngành ở Trung ương. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố điều tra hàng chục vụ án, với gần trăm bị can… Nói như ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương tại phiên họp tháng 8/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thì đây là vụ án điển hình về “tham nhũng có hệ thống”.
“Quả bom” Việt Á đã thực sự làm rung chuyển dư luận khi nó “phát nổ” đúng vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm, khi cả nước đang căng mình phòng, chống đại dịch COVID-19.
Nhìn lại, đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu về trang thiết bị phòng, chống dịch rất lớn, song lại rất thiếu thốn, đặc biệt là sản phẩm kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Khi đó, việc có một đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 “made in Việt Nam” được phê chuẩn, hứa hẹn sản xuất quy mô lớn không chỉ là niềm kỳ vọng của Chính phủ và người dân, mà còn là niềm tự hào về trí tuệ, bản lĩnh của người Việt Nam khi đã nhanh chóng làm chủ được khoa học – kỹ thuật, ứng dụng vào công cuộc chống dịch đang rất “nóng”.
Nhưng, đằng sau kỳ vọng lớn lao đó lại là những cái bắt tay “bẩn”, những đường đi, nước bước đầy toan tính, những đồng tiền nhớp nhúa chạy từ doanh nghiệp vào túi những cán bộ, quan chức biến chất. Và thật đau lòng, khi tham gia vào “vở kịch” nhơ bẩn này lại là những người công tác trong những bộ, ngành, đơn vị nghiên cứu có bề dày, từng giành được niềm tin yêu của xã hội, như Học viện Quân y, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế…
Dư luận đặt câu hỏi, một công trình nghiên cứu khoa học cấp bách dùng 19 tỷ đồng tiền ngân sách, có liên quan đến tính mạng, sức khỏe của hàng chục triệu dân giữa lúc đại dịch COVID-19 hoành hành, và Học viện Quân y được tin tưởng giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện, nhưng do ai, bằng cách nào, kết quả nghiên cứu lại được chuyển giao cho Công ty Việt Á? Rồi sau đó, công ty này lại được “mở đường” đưa sản phẩm đến các cơ sở y tế với giá cao, thu về hàng ngàn tỷ đồng.
Đến nay, cơ quan chức năng xác định, một số lãnh đạo thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã vi phạm quy định trong việc ký hợp đồng, nghiệm thu, chuyển giao, thanh quyết toán kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu bộ kit test cũng như trong truyền thông, xác nhận và đề nghị khen thưởng đối với Học viện Quân y và Công ty Việt Á. Còn lãnh đạo Bộ Y tế – đơn vị cấp phép lưu hành cho bộ kit test của Công ty Việt Á – không chỉ từng khẳng định các sản phẩm cấp phép “đều đã được đánh giá đạt yêu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam và đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành”, mà còn có công văn giới thiệu sản phẩm kit test của Việt Á với giá bán 470.000 đồng/test để các Sở Y tế và các bệnh viện chủ động liên hệ mua sắm, phục vụ phòng, chống dịch.
Mức giá này được Bộ Công an xác định là bị “nâng khống”, giúp Việt Á thu lợi hàng ngàn tỷ đồng. Còn cơ quan chức năng xác định, lãnh đạo Bộ Y tế có vi phạm trong việc đánh giá chuyên môn, kiểm tra, giám sát; cấp phép, cấp số đăng ký lưu hành; hiệp thương giá và mua sắm bộ kit test Việt Á. Trong đó, cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để can thiệp, tác động, hỗ trợ Công ty Việt Á trong các bước, các khâu nêu trên.
Có thể nói, với sự dẫn dắt của những đồng tiền “bẩn” và sự tiếp tay của hàng loạt cán bộ các cấp, bộ kit test của Việt Á đã nhanh chóng và dễ dàng tràn tới gần như toàn bộ tỉnh, thành phố trên cả nước.
“Việt Á là ai” mà “quyền lực” như vậy?
Câu hỏi được đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nêu tại hội trường kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV (tháng 6/2022) không chỉ là nỗi day dứt của riêng ông, mà là sự day dứt của chính nhân dân. Việt Á là ai? Phan Quốc Việt, Tổng giám đốc Việt Á là ai? Vì sao lại “quyền lực” như thế, có sức “công phá” ghê gớm đến như thế, “xô đổ” gần trăm cán bộ, đảng viên từ cấp thấp đến cấp cao như vậy?
Câu trả lời, chỉ có thể là, đó là những doanh nghiệp, doanh nhân tha hóa, sử dụng những đồng tiền vấy bẩn để đánh gục những cán bộ biến chất.
Theo kết quả điều tra của Bộ Công an, Việt Á đã chi tới khoảng 800 tỷ đồng tiền hoa hồng, “lót tay” cho lãnh đạo cơ sở y tế các cấp để kit test của công ty này dễ dàng, nhanh chóng chiếm lĩnh khắp các cơ sở y tế.
Thật khó hình dung và chấp nhận nổi, khi mà cả nước sôi sục trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, bao cán bộ, nhân viên ngành y bất chấp hiểm nguy, tình nguyện xông pha vào tâm dịch, thì thông qua 5 hợp đồng mua kit test COVID-19 trị giá 151 tỷ đồng của CDC Hải Dương, Giám đốc Phạm Duy Tuyến đã nhận “lót tay” của Việt Á 27 tỷ đồng! Còn tại Bắc Giang, theo cơ quan điều tra, ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC tỉnh này đã thông đồng, cấu kết với Phan Quốc Việt và những người liên quan, tổ chức đấu thầu mua kit test do Công ty Việt Á sản xuất với tổng giá trị hơn 148 tỷ đồng. Bù lại, thông qua một công ty, Việt Á đã chi tới 44 tỷ đồng là phần trăm (%) ngoài hợp đồng, để công ty này trích lại cho ông Tuấn.
Hay tại Phú Thọ, ông Trần Gia Phú, Phó giám đốc Trung tâm Xét nghiệm (thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chỉ “tham mưu” cho lãnh đạo Bệnh viện mua kit test COVID-19 của Việt Á cũng đã “bỏ túi” 2 tỷ đồng!
Đó chỉ là vài con số nói lên sức mạnh hủy diệt của những đồng tiền “bẩn” từ tay Việt Á. Và cho đến nay, con số những cán bộ y tế, cán bộ quản lý – bao gồm cả những cán bộ cấp chiến lược – đã “nhúng chàm”, sa vào vòng lao lý từ sự thao túng của Việt Á đã lên tới ngót trăm người, càng cho thấy, chỉ một doanh nghiệp tư nhân tha hóa, làm ăn bất chính đã có thể công phá, hạ gục các cán bộ trong bộ máy quản lý khu vực công đến mức như thế nào.
Song, “quả bom” Việt Á, hay “con quái vật” Việt Á chỉ là một điển hình cho sự cấu kết tinh vi giữa những tổ chức, cá nhân làm ăn bất minh ở khu vực tư đối với những cán bộ thoái hóa ở khu vực công. Hàng loạt vụ việc khác, ở nhiều lĩnh vực khác cho thấy, sự cấu kết đó đang ngày càng trở nên phổ biến, là một nguy cơ lớn đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng.
Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Trung ương đã nghiên cứu, thảo luận Báo cáo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, trong đó nhấn mạnh phương thức lãnh đạo bằng “trách nhiệm nêu gương” của cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo. Đây là một trong những vấn đề nóng bỏng hiện nay.
Trước đó, liên quan đến đại án Việt Á, tại cuộc họp ngày 4/6/2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng đã kết luận, các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Công Tạc đã vi phạm “Quy định trách nhiệm nêu gương” cùng nhiều nội dung khác, như suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước; ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế. |
Theo HUY HÀO / BÁO ĐẦU TƯ
Tags: Nhóm lợi ích, Tham nhũng - Tiêu cực