Vì sao các đại dịch lại thường bắt nguồn từ động vật?

Con người luôn luôn có nguy cơ mắc bệnh từ động vật, bởi vì hầu hết các động vật đều mang một loạt mầm bệnh trong cơ thể. Sự sống sót tiến hóa của mầm bệnh phụ thuộc vào việc lây nhiễm sang vật chủ mới.

Vì sao con người dễ nhiễm bệnh từ động vật?

Thế giới đang vật lộn với chủng virus corona mới, được cho là xuất phát từ động vật hoang dã. Vừa qua cảnh sát Trung Quốc đã đột kích vào nhiều gia đình, nhà hàng và khu chợ trên toàn quốc, bắt giữ gần 700 người vì vi phạm lệnh cấm bắt, bán hoặc tiêu thụ động vật hoang dã.

Cuộc đàn áp đã thu giữ gần 40.000 động vật bao gồm sóc, chồn, lợn rừng. Điều này cho thấy thói quen ăn động vật hoang dã và sử dụng các bộ phận động vật cho y học của người Trung Quốc không thể biến mất trong một đêm, dù dịch bệnh do virus corona vẫn bùng phát nghiêm trọng.

Trong khi hệ thống miễn dịch của vật chủ mới cố gắng tiêu diệt mầm bệnh thì mầm bệnh cũng sẽ “tìm cách” tiến hóa để tồn tại bằng cách sang một loài mới. Có nghĩa là cả mầm bệnh và vật chủ giống như bị nhốt trong một trò chơi tiến hóa vĩnh cửu là cố gắng tìm ra những cách mới để tiêu diệt lẫn nhau.

Trong khi đó, sự phát triển kinh tế thế giới, biến đổi khí hậu đang loại bỏ và làm thay đổi môi trường sống của động vật, thay đổi cách chúng sống, nơi chúng sống và loài nào ăn loài nào.

Cách sống của con người cũng đã thay đổi, với 55% dân số toàn cầu hiện đang sống ở các thành phố, con số này 50 năm trước là 35%. Những thành phố lớn hơn này cung cấp những ngôi nhà mới cho động vật hoang dã: chuột, gấu trúc, sóc, cáo, chim, chó rừng, khỉ…

Chúng có thể sống trong không gian xanh như công viên, vườn nhà và để lại những chất thải ở khắp nơi, khiến cho không gian đô thị xuất hiện thêm rất nhiều bệnh mới.

Sự biến đổi của môi trường, khí hậu hiện nay đang đẩy nhanh quá trình này. Nhu cầu du lịch quốc tế gia tăng khiến tốc độ lây lan của dịch bệnh mới trở nên nhanh và ở quy mô rộng hơn.

Dịch virus corona hiện nay có tốc độ lan nhanh chóng mặt cũng vì những nguyên nhân này. Chỉ trong vòng 1 tháng kể từ sau khi Trung Quốc báo cáo về trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên, đến nay đã có hàng chục nghìn ca nhiễm trên toàn cầu, và hơn 2.000 người trong số đó đã tử vong. Con số lây nhiễm dự kiến sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới.

Những ai có nguy cơ nhiễm dịch bệnh cao nhất?

Đó là nhóm đối tượng sống ở thành phố nhưng làm việc trong ngành chế biến thực phẩm, dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc động vật, do có nhiều cơ hội tiếp xúc nguồn và người mang mầm bệnh.

Nhóm đối tượng này cũng có thể có hệ thống miễn dịch yếu hơn do dinh dưỡng kém, thường xuyên tiếp xúc với không khí chất lượng thấp hoặc điều kiện không vệ sinh. Và nếu bị nhiễm bệnh, họ thường ít chú ý và không đủ điều kiện đến cơ sở y tế.

Dịch bệnh mới lây lan nhanh chóng ở các thành phố lớn vì dân cư đông đúc; hàng nghìn người có thể hít thở cùng bầu không khí và chạm vào cùng một bề mặt.

Một trong các nguyên nhân đáng chú ý khác là trong một số nền văn hóa, người dân sử dụng động vật hoang dã để làm thức ăn, khiến virus gây bệnh dễ lây truyền từ động vật sang người. Trong 50 năm qua, một loạt các bệnh truyền nhiễm đã lây lan nhanh chóng từ động vật sang người.

Cuộc khủng hoảng HIV/AIDS những năm 1980 bắt nguồn từ loài vượn lớn; đại dịch cúm gia cầm 2004-2007 xuất phát từ chim; dịch cúm lợn năm 2009 là do loài lợn. Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (SARS) xuất phát từ loài dơi, thông qua trung gian là cầy hương; trong khi đó loài dơi cũng gây ra đại dịch Ebola.

Con người luôn nhiễm bệnh từ động vật. Trên thực tế, hầu hết bệnh truyền nhiễm mới đến từ động vật hoang dã. Nhưng điều đáng nói là sự thay đổi của môi trường đang đẩy nhanh tiến trình này, yếu tố cuộc sống thành phố và nhu cầu du lịch quốc tế gia tăng càng khiến những căn bệnh này xuất hiện và lây lan nhanh hơn.

Con người phải chấp nhận sự xuất hiện của đại dịch là một phần của tương lai

Các chuyên gia nhận định rằng, con người phải chấp nhận sự xuất hiện của dịch bệnh như là một phần của tương lai của chúng ta. Việc “chủ động thừa nhận” đặt chúng ta vào thế mạnh hơn để chống lại các đại dịch mới.

Cách đây một thế kỷ, đại dịch cúm Tây Ban Nha đã lây nhiễm khoảng nửa tỉ người và giết chết 50 – 100 triệu người trên toàn thế giới. Sau đó, các tiến bộ khoa học và sự rót vốn đầu tư cho nghiên cứu y tế toàn cầu đã giúp loài người ít nhiều có thể đương đầu với những căn bệnh như thế trong tương lai.

Cách phòng chống bệnh lây từ động vật sang người

Ăn thức ăn đã nấu chín: Nên thực hiện ăn chín uống sôi, tránh ăn uống các loại thực phẩm tái sống, nhất là các món ăn làm từ thịt sống như gỏi, tiết canh… để phòng tránh vi khuẩn, vi-rút lây nhiễm trực tiếp từ động vật sang cơ thể người.

Tránh tiếp xúc trực tiếp với động vật khi giết mổ: Khi giết mổ động vật, tránh tiếp xúc trực tiếp với cơ thể động vật mà nên sử dụng các dụng cụ bảo hộ như gang tay, khẩu trang y tế để tránh lây nhiễm trực tiếp mầm bệnh sang con người. Đồng thời nên vệ sinh sạch sẽ thịt động vật sau khi giết mổ, tránh để lây nhiễm các loại chất cặn bã, dư thừa trong quá trình giết mổ để giảm nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh vào thịt thành phẩm.

Tuyệt đối không ăn thịt động vật đã chết trước khi giết mổ: Nhiều người vẫn có thói quen sử dụng thịt động vật ngay cả khi chúng đã chết. Đây là nguyên nhân khiến các loại vi khuẩn, vi-rút và mầm bệnh gây hại cho động vật lây nhiễm sang con người và gây nên dịch bệnh.

Tránh sử dụng thịt động vật không rõ nguồn gốc: Các loại động vật hoang dã được săn bắt làm thực phẩm và được coi là đặc sản nhưng lại ẩn chứa mối nguy hại khi tiềm ẩn nhiều loại vi-rút và mầm gây bệnh đáng sợ cho con người mà không hề được phát hiện hay kiểm tra. Thực tế đã cho thấy, những đại dịch gần đây đều có nguồn gốc từ các loại thịt động vật hoang dã.

Nuôi cách ly các loại gia súc gia cầm: Nước ta có thói quen chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm gần khu dân cư hoặc trong khuôn viên gia đình. Đây là mối nguy hiểm rất lớn khi các loại động vật này mắc bệnh và có nguy cơ lây nhiễm trực tiếp sang người một cách nhanh và dễ dàng. Để phòng tránh dịch bệnh và giữ vệ sinh, bạn nên chăn nuôi các loại gia súc gia cầm cách ly xa khu vực dân cư.

Rửa tay và vệ sinh cá nhân trước khi ăn: Rửa tay và vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước khi ăn luôn được các bác sĩ khuyến cáo nên làm để phòng tránh các loại dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cho con người. Vệ sinh trước khi ăn còn giúp ngăn ngừa các loại vi khuẩn lây qua đường tiêu hóa và tiêu diệt vi khuẩn có hại trước khi lây nhiễm trực tiếp vào thức ăn.

Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, được kiểm dịch rõ ràng: Một trong những biện pháp phòng tránh dịch bệnh lây qua thực phẩm có nguồn gốc từ động vật là việc lựa chọn thực phẩm. Bạn nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, được kiểm dịch để bảo đảm sức khỏe cho cả gia đình và tránh mua phải thực phẩm có nguồn gốc nhiễm bệnh.

Vệ sinh xung quanh môi trường sống: Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống giúp tiêu diệt các loài vật trung gia truyền bệnh như ruồi, muỗi, chuột, bọ… đồng thời giúp môi trường sống thêm sạch sẽ, thông thoáng, tránh các loại vi khuẩn và mầm bệnh trong không khí.

Hạn chế đến nơi có ổ dịch bệnh: Nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh, các loại gia súc gia cầm còn sống và nhất là đến các nơi có ổ dịch bệnh để phòng tránh dịch bệnh lây lan trực tiếp. Nếu bắt buộc phải đi đến những nơi phát hiện có ổ dịch, bạn nên đeo khẩu trang y tế, rửa tay và vệ sinh cá nhân bằng nước sát khuẩn.

Vệ sinh cá nhân và tiêm phòng dịch: Nên thường xuyên vệ sinh cá nhân sạch sẽ bằng các loại nước sát khuẩn khi có dịch bệnh bùng phát và tiêm phòng dịch để phòng tránh các loại dịch bệnh.

Tiêm phòng cho gia súc gia cầm: Để hạn chế dịch bệnh lây nhiễm từ gia súc gia cầm, bạn nên tiêm phòng cho gia súc gia cầm để phòng tránh dịch bệnh khoảng 3 tháng trước khi giết mổ.

Theo MOITRUONG.COM.VN / BBC

Tags: , ,