Về việc Trung Quốc kiểm soát loạt cảng biển huyết mạch châu Âu

Vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc tại nhiều nước thành viên NATO ngày một lớn, khi Bắc Kinh đẩy mạnh các dự án hạ tầng trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) ở khu vực.

Về việc Trung Quốc kiểm soát loạt cảng biển huyết mạch châu Âu

Hình thức để Trung Quốc mở rộng hiện diện hạ tầng cảng rất đa dạng, như tham gia góp vốn, mua hoặc thuê. Nhiều cảng trong số này có vai trò chiến lược và được NATO sử dụng. Đơn cử, Trung Quốc hiện nắm quyền kiểm soát cảng Piraeus tại Hy Lạp. Ngoài ra, Trung Quốc cũng mạnh tay đầu tư cho các dự án xây dựng đường bộ cao tốc, đường sắt nối liên các nước Balkan và Hungary.

Trung Quốc giữ thế thống trị tương đối trong quản lý, khai thác ở 50 cảng biển lớn nhất thế giới. Tại châu Âu, đầu tư của Trung Quốc rất lớn. Xét riêng về cảng container, 5 công ty vận tải biển và cảng biển lớn của Trung Quốc kiểm soát khoảng 18% tổng hoạt động chuyên chở đường biển do 20 công ty lớn nhất thế giới thực hiện.

Ở châu Âu, hãng khai thác cảng COSCO (COSCO Shipping Ports), công ty con của tập đoàn vận tải đường biển COSCO, đã nắm quyền khai thác, quản lý cảng Piraeus ở Hy Lạp từ năm 2016 sau khi mua và sở hữu 51% cổ phần tại cảng này. Đến cuối tháng 10 vừa qua, công ty cảng Cosco mua thêm 16% cổ phần, nâng tổng mức cổ phần nắm giữ lên 67%, giúp tăng sức ảnh hưởng của phía Trung Quốc tại cảng biển chiến lược này.

“Cảng Piraeus án ngữ vị trí rất quan trọng ở lục địa châu Âu. Đây là cửa ngõ tiện lợi giúp thông thường với phía nam Địa Trung Hải hoặc khu vực phía nam châu Âu. COSCO là một hãng tàu lớn và chúng tôi vận chuyển số lượng lớn container từ Viễn Đông đến châu Âu, chúng tôi có thể sử dụng Piraeus như cửa ngõ dẫn vào châu Âu, thậm chí sang tận Đông Âu”, Chủ tịch Ủy ban quản lý cảng Piraeus, ông Zeng Gangyu bày tỏ.

Sau khi tiếp cận thành công cảng Piraeus, các công ty của Trung Quốc cũng mở rộng ảnh hưởng tại ba cảng biến lớn nhất châu Âu. Trung Quốc hiện nắm giữ 35% cổ phận tại cảng Euromax ở Rotterdam, Hà Lan, nắm 20% cổ phần cảng Antwerp ở Bỉ. Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch xây dựng cảng container ở Hamburg, Đức. Hai bên đang ở giai đoạn thảo luận cuối cùng để hoàn tất hợp đồng.

Trung Quốc cũng dồn sự chú ý tại Italia. Itlaia là nước đầu tiên trong Nhóm G7 công khai hưởng ứng, gia nhập BRI do Trung Quốc khởi xướng. Trong khuôn khổ chuyến thăm tới Rome hồi năm 2019 của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc và Italia ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong nhiều dự án hạ tầng lớn, đặc biệt là khai thác, phát triển các cảng biển. Ngoài ra, Trung Quốc cũng được phép tham gia phát triển ba cảng biển khác tại Italia, trong đó có cảng Genoa.

Tập đoàn Xây dựng Giao thông (CCC), một công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, được trao quyền tiếp cận cảng Trieste để làm bàn đạp vươn tới khu vực Trung và Đông Âu. Bắc Kinh coi cảng này là điểm đầu cầu chiến lược, kết nối giữa Địa Trung Hải với các nước không có biển ở châu Âu khác như Áo, Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia, Serbia. Đây đều là những thị trường Trung Quốc kỳ vọng sẽ kết nối được thông qua BRI.

Trên thực tế, các công ty vận tải, cảng biển Trung Quốc đã rất thành công trong việc nắm giữ cổ phần tại nhiều cảng biển ở Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Italia, Hà Lan, Đức và trở thành nhân tố chi phối trong hệ thống cảng biển ở châu Âu. Tính toán sơ bộ cho thấy Trung Quốc hiện chiếm ít nhất 10% cổ phần trong toàn bộ hệ thống cảng biển tại châu lục này.

Tính trên phạm vi toàn cầu, Trung Quốc hiện nắm vốn cổ phần tại hơn 100 cảng. Riêng về tuyến đường “Con đường Tơ lụa trên biển” (MSR), một cấu thành quan trọng trong BRI, các công ty Trung Quốc hiện sở hữu toàn bộ các cảng biển lớn. MRS là tuyến giao thương đường biển huyết mạch, kéo từ Trung Quốc tới Đông Nam Á, châu Phi và châu Âu.

Chính quyền Mỹ cùng với giới chuyên gia, học giả trên thế giới bày tỏ quan ngại trước hiện diện ngày một lớn của Trung Quốc trong hệ thống các cảng biển. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert McFarlane nói rằng nhiều cảng biển này án ngữ các điểm then chốt trong giao thương đường biển, tạo cho Bắc Kinh thế thống trị chiến lược mà không cần phải triển khai một binh sĩ, tàu chiến hay vũ khí nào.

Theo BÁO TIN TỨC / MODERN DIPLOMACY / ASIA NIKKEI

Tags: , ,