Về vấn đề ô nhiễm môi trường và sữa mẹ

Nhẹ dạ tin vào chiêu thức quảng cáo, nhiều bà mẹ tưởng rằng sữa công thức là lựa chọn tốt cho con hơn sữa mẹ trong bối cảnh môi trường ô nhiễm.

Về vấn đề ô nhiễm môi trường và sữa mẹ

Chủ đề về nuôi con bằng sữa mẹ và các tác nhân ô nhiễm môi trường xuất hiện rất thường xuyên trên các phương tiện truyền thông tại Australia và các nước phát triển trên thế giới. Thậm chí có những báo cáo ngẫu nhiên, nghiên cứu mẫu nhỏ, những bài báo ám chỉ không tốt về việc nuôi con sữa mẹ trong bối cảnh ô nhiễm môi trường như “mẹ ăn gì con bú nấy”, “chắc gì mẹ ăn hoàn hảo”, “chắc gì mẹ tránh được hoàn toàn ô nhiễm” vì vậy mẹ cho con bú sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con…Điều này đã gây hoang mang và lo lắng một cách không cần thiết cho các ông bố bà mẹ, nhất là những bà mẹ trẻ.

Tuy nhiên, trong một nghiên cứu được Hiệp hội sữa mẹ Australia thẳng thắn chỉ ra rằng: “Có một ngộ nhận phố biến hiện nay là các ông bố bà mẹ chọn sữa công thức cho con như một giải pháp an toàn hơn là việc cho con bú mẹ. Vì họ không ý thức về nguồn kháng thể tuyệt vời chỉ có trong sữa mẹ. Người ta nhẹ dạ tin vào chiêu thức quảng cáo, tưởng rằng mình đang lựa chọn được thứ tốt nhất cho con trong môi trường ô nhiễm”.

Báo cáo trên cũng cho biết, các chất ô nhiễm từ môi trường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ khi còn đang ở trong tử cung người mẹ trong suốt thai kỳ là chính chứ không phải khi em bé được bú mẹ. Trong suốt giai đoạn phát triển quan trọng bên trong tử cung người mẹ, tác nhân gây ô nhiễm môi trường có thể nguy hại nhất.

Các bà mẹ cho con bú cần phải biết rằng họ đang cung cấp nguồn dinh dưỡng an toàn và hiệu quả cho các con của mình. Trẻ em phải được bú mẹ. Nếu không được bú mẹ vì sợ chất ô nhiễm môi trường có trong sữa mẹ, thì sẽ càng khiến trẻ phơi nhiêm trước những nguy cơ sức khỏe khác mà lẽ ra có thể tránh nếu được bú mẹ.

Sữa mẹ cung cấp cho bé rào cản tốt nhất. Sữa mẹ, đặc biệt là sữa non hoàn thiện hê niêm mạc ngay trong 72 giờ vàng đầu đời giúp trẻ chống lại các chất ô nhiễm trong môi trường. Sữa mẹ còn chứa các yếu tố bảo vệ hệ miễn dịch giúp làm giảm nguy cơ gây bệnh từ các chất ô nhiễm trong môi trường khi cơ thể trẻ tiếp xúc với môi trường đó. Thậm chí, một điểm vô cùng quan trọng cần được nhấn mạnh, sữa mẹ còn giúp làm giảm đi các tổn thương mà bé đã chịu trong thai kỳ.

Thế giới đầy dẫy những chất ô nhiễm môi trường, trẻ bú mẹ sẽ tránh được nhiều nguy hại có thể sinh ra từ các tác nhân gây hại đó. Cần tập trung loại bỏ hoặc giảm thiểu đến mức thấp nhất các chất gây ô nhiễm môi trường trong cuộc sống của chúng ta và nhận thức rõ rằng sữa mẹ là biện pháp tối ưu để bảo vệ trẻ.

Tổ chức y tế thế giới WHO đã khẳng định, lợi ích của việc cho con bú mẹ vượt xa những nguy cơ rủi ro tiềm ẩn từ các chất ô nhiễm môi trường. Trong báo cáo về việc cho con bú mẹ và lợi ích sức khỏe lâu dài của cả mẹ và bé, WHO khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ trong mọi hoàn cảnh chỉ trừ những hoàn cảnh ô nhiễm thái quá. Sau khi sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng bảo vệ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ. Cho con bú là cách bảo vệ tốt nhất cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Bú mẹ là cách chuẩn tự nhiên và an toàn để nuôi trẻ em.

Theo đó, để giảm các rủi ro cho bạn và con của bạn từ các tác nhân gây ô nhiêm môi trường gây ra, WHO đưa ra những lời khuyên dưới đây:

– Cho trẻ bú mẹ
– Tránh hút thuốc và sử dụng các đồ uống chứa cồn
– Tránh thuốc trừ sâu và các loại sơn có chì
– Giảm lượng chất béo động vật
– Ăn nhiều trái cây, rau và các loại hạt
– Rửa kỹ rau và bỏ vỏ của các loại trái cây để loại bỏ thuốc trừ sâu có thể còn sót lại
– Không ăn cá kiếm, cá mập và các loại cá nước ngọt đến từ các nguồn nước có báo cáo là bị ô nhiễm
– Hạn chế tiếp xúc với các hóa chất thông thường (ví dụ các dung môi trong sơn, keo khô, dung dịch tẩy rửa gia dụng, sơn móng tay và khói xăng)
– Hạn chế tiếp xúc với các chất tẩy rửa quần áo. Loại bỏ các vật liệu nhựa khi sấy khô quần áo và mở cửa sổ phòng từ 12-24h để loại bỏ hết mùi trong chất tẩy rửa còn bám trên quần áo.
– Tránh tiếp xúc với khói và tro bụi, đồ gỗ có tẩm thuốc, hoặc sản xuất gần khu lò đốt.
– Tránh tiếp xúc với các hóa chất nhiễm độc
– Tránh mang các dư lượng chất độc vào trong nhà

Theo SỨC KHỎE & ĐỜI SỐNG

Tags: , , ,