Về Thẩm quyền riêng biệt của Việt Nam trong Vùng đặc quyền kinh tế

Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) là một vùng biển đặc thù, trong đó, quốc gia ven biển có những thẩm quyền riêng biệt nhằm mục đích kinh tế, tuân theo những quy định của UNCLOS 1982. “Thẩm quyền riêng biệt” này phải được các quốc gia ven biển ký kết UNCLOS tuân thủ, coi đây là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình thực hiện các mục tiêu trên biển.

Về Thẩm quyền riêng biệt của Việt Nam trong Vùng đặc quyền kinh tế

“Thẩm quyền riêng biệt”

Điều 57, UNCLOS 1982 quy định, chiều rộng EEZ “không được mở rộng ra quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải”. EEZ nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải. Trong EEZ, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về kinh tế và quyền tài phán.

Điều 62 của UNCLOS quy định quyền chủ quyền về kinh tế bao gồm các quyền đối với khai thác tài nguyên sinh vật, tài nguyên không sinh vật của cột nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; quyền tài phán theo đúng những quy định thích hợp của công ước về việc: Lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình, nghiên cứu khoa học về biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; các quyền và các nghĩa vụ khác do công ước quy định.

Theo Điều 58 của Công ước, các quốc gia được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không… Tuy nhiên, khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong EEZ của nước khác, các quốc gia phải tôn trọng luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của UNCLOS. Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên EEZ phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển.

Các quốc gia khác có biển và không có biển có 3 quyền khi đi vào vùng 200 hải lý thuộc EEZ và thềm lục địa của quốc gia ven biển, bao gồm: Quyền tự do hàng hải, hàng không, quyền tự do đặt dây cáp, ống dẫn dầu ở đáy biển của vùng thềm lục địa. Tuy nhiên, nếu các quốc gia thực hiện những quyền này mà ảnh hưởng đến các hoạt động thăm dò khai thác, kinh tế hoặc nghiên cứu khoa học của quốc gia ven biển thì phải được sự cho phép của quốc gia ven biển. Nếu không được phép là vi phạm EEZ và thềm lục địa của quốc gia ven biển.

“Sợi chỉ đỏ” của Việt Nam

Với đường bờ biển dài 3.260km cùng nhiều đảo và quần đảo, Việt Nam là một quốc gia ven biển có đầy đủ các quyền và tuân thủ các nghĩa vụ được quy định trong UNCLOS. Theo Công ước, mỗi quốc gia ven biển có 5 vùng biển gồm: Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Ngày 12-11-1982, Chính phủ Việt Nam tuyên bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Đây cũng là căn cứ để Việt Nam xác định phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia theo khung pháp lý được UNCLOS đề ra.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán ở EEZ và thềm lục địa, trong đó, quan trọng nhất là quyền thăm dò, khai thác các tài nguyên nằm trong khu vực đó. Vì đây là đặc quyền của quốc gia ven biển nên nếu các quốc gia khác muốn khai thác phải có sự đồng ý bằng văn bản của quốc gia ven biển đó. Trong nhiều động thái đe dọa chủ quyền trên biển của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam luôn lên tiếng khẳng định, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam; nhấn mạnh, duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế; đồng thời bày tỏ mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này.

Theo HỒNG NGỌC / BÁO BIÊN PHÒNG

Tags: ,