⠀
Về sự ‘tiến hóa lùi’ của văn hóa nhường chỗ trên xe buýt ở Việt Nam
Tôi ngạc nhiên, khó hiểu vì nhiều bạn sinh viên với gương mặt sáng sủa thản nhiên làm ngơ, không chịu nhường ghế khi cụ già bước lên xe buýt.
Tôi là người di chuyển ở Sài Gòn hoàn toàn bằng phương tiện công cộng, từ thời bắt đầu vào đại học đến nay. Thế nên, tôi đã chứng kiến rất nhiều thay đổi, cải tiến mạnh mẽ của hệ thống xe buýt ở Việt Nam để có được sự rộng rãi, hiện đại như hôm nay. Phải thừa nhận, nếu di chuyển quãng đường xa, đây là phương án tiết kiệm và an toàn hơn cả. Tuy nhiên, ở phạm vi bài viết này, tôi xin chia sẻ một khía cạnh khác mà bản thân tôi đã có dịp trải nghiệm và so sánh.
Câu chuyện cụ thể xảy ra tại tuyến xe buýt di chuyển giữa Bến Thành và một làng đại học. Chứng kiến vào giờ tan tầm, nhu cầu đi lại rất cao, khi các đối tượng hành khách là người già hay phụ nữ mang thai lên xe buýt không có chỗ ngồi (bản thân tôi hiện cũng đang thuộc nhóm này), tôi đã rất ngạc nhiên khi trên xe, rất nhiều bạn trẻ với gương mặt sáng sủa ở lứa tuổi sinh viên vẫn thản nhiên ngồi tại chỗ, nhất quyết không nhường ghế, mặc dù nhân viên xe buýt đã lên tiếng yêu cầu.
Tôi nghe một số hành khách lớn tuổi phân trần: “Thôi bà đứng được mà”. Nhưng điều đó cũng không thể xoay chuyển được suy nghĩ và hành động của các bạn trẻ. Cho dù ngay sau đấy khoảng hai phút, một bạn đã có nhu cầu xuống trạm. Lúc đấy, trong tôi hiện lên hai câu hỏi rất muốn đặt cho những cô, cậu sinh viên trên xe.
Câu hỏi đầu tiên là: các bài học đạo đức ngày xưa mà các bạn được dạy nay đâu rồi? Tôi còn nhớ các bài học đạo đức chỉ có vài câu vỏn vẹn, với các hình minh họa đơn giản của cuốn sách giáo khoa lớp 1 – lúc tôi mới bắt đầu học chữ. Tôi chưa có dịp mở ra các trang tương tự ở bộ sách mới ngày nay, nhưng tôi tin thời nào người ta cũng dạy học sinh phải nhường nhịn, ưu tiên cho người già và trẻ nhỏ.
Tôi hiểu rằng trong câu chuyện trên, khi các bạn đã bước ra xã hội ở lứa tuổi sau 18, không còn sách giáo khoa hay nhà trường nào có thể áp đặt, dạy dỗ được các bạn mấy bài học từ thời “vỡ lòng” ấy nữa. Khi đó, ý thức tự giác của mỗi người sẽ quyết định tất cả. Nhưng sẽ ra sao nếu chúng ta có một phần của thế hệ có tâm lý vị kỷ bước vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội sau này?
Câu hỏi thứ hai là: có phải đây thực sự là điểm khác biệt của một bộ phận sinh viên thời nay, khi cuộc sống đã trở nên đủ đầy và mọi thứ đều dễ dàng hơn trước? Tôi làm một phép so sánh ngược với các bạn sinh viên cùng thế hệ với mình từ hơn chục năm về trước, mỗi khi đi từ ký túc xá đến trường trên những chiếc xe buýt cũ kỹ, lạc hậu, chẳng cần ai nhắc, mỗi khi có đối tượng được ưu tiên nào bước lên xe, chúng tôi đã chủ động đứng dậy nhường ghế. Những chuyện như thế diễn ra một cách tự nhiên đến mức chẳng mấy người phải nhắc đến. Vậy mà ngày nay, đó lại là những thứ xa xỉ trong bối cảnh xã hội đã phát triển hơn rất nhiều.
Xin kết lại bài viết với một câu rất tâm đắc mà tôi từng đọc được từ hồi sinh viên: “Trong cuộc đời này, chúng ta chẳng cần phải làm những việc lớn lao gì; chúng ta chỉ cần làm những việc nhỏ nhặt với cái tình lớn lao là được“. Hy vọng, các bạn trẻ ngày nay sẽ dành thời gian để suy ngẫm và thay đổi nhận thức, hành vi của mình.
Theo QUYNH NGUYEN / VNEXPRESS
Tags: Giao thông, Văn hóa ứng xử