⠀
Về những biểu tượng trong mỹ thuật truyền thống Việt
Sáng tạo ra các biểu tượng trang trí với bàn tay khéo léo, kĩ nghệ tinh xảo và khối óc tài hoa, ông cha ta đã truyền cả tinh hoa và hồn cốt dân tộc vào từng nét chạm trổ, thổi bừng linh hồn Việt trong không gian kiến trúc linh thiêng của đình chùa.
Biểu tượng là phương tiện phản ánh tư duy, hành vi, khát vọng, kể cả điều cấm kỵ, ám ảnh, sợ hãi. Biểu tượng thể hiện những góc khuất của tiềm thức và vô thức, là một dấu hiệu hình ảnh bằng con vật hay đồ vật sống động để biểu hiện ý nghĩa trừu tượng vượt ra ngoài hiện thực. Bằng biểu tượng, trí tuệ của con người được nâng lên thành những phản ánh phi thực, để “Hoa không chỉ là hoa, Núi không chỉ là núi, và cuối cùng lại chính là Hoa và Núi” (Trần Lâm Biền)
Được sinh ra từ thực tế cuộc sống nhưng lại thoát khỏi trần tục để thăng hoa lên thành những giá trị nhân sinh cao đẹp và vi diệu, biểu tượng là một trong những loại hình văn hóa mang tính Người cao nhất, là hiện thân của cuộc sống, văn hóa, tâm linh được cách điệu hóa trong những hình tượng đặc sắc.
Trong kiến trúc đình làng Việt, biểu tượng là một phần làm nên nét đẹp thẩm mỹ thể hiện cá tính sáng tạo cũng như tinh hoa văn hóa dân tộc, đặc biệt là khía cạnh chạm khắc dân gian. Thế kỷ 16, 17 là thời kì nghệ thuật chạm khắc trang trí phát triển lên đỉnh cao. Đề tài trang trí rất phong phú và đa dạng, đó cũng chính là các biểu tượng thấm nhuần chất thanh cao của hồn dân tộc. Vừa trần tục, vừa linh thiêng, vừa cao cả vừa gần gũi, những biểu tượng về Phật pháp, về tứ linh, tứ quý, về hoa lá, muông thú và cả con người đi vào những nét chạm khắc sống động và làm cho kiến trúc đình chùa trở nên nhẹ nhàng, bay bổng hơn.
Điểm qua một số biểu tượng quen thuộc, trước hết ta đến với một trong những biểu tượng linh thiêng: Rồng. Theo truyền thuyết, người Việt Nam vốn là con rồng cháu tiên, sinh ra từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân. Từ truyền thuyết đó mà dân gian cho rằng rồng Việt có từ thời cổ đại, gắn với tự nhiên, có âm điệu đồng dạng với cơn giông hay dòng sông. Trượt theo dòng suy nghĩ đó, đôi khi người ta muốn đẩy rồng lên thành biểu tượng của dân tộc. Theo nhiều tài liệu khảo cổ, các nhà khoa học chứng minh rồng là sản phẩm chung của nhân loại, khởi thủy là rắn Mushushu một loài biểu hiện cho sự linh thiêng.
Trong tâm thức của người Việt, rồng là một loài có pháp lực vô biên, là hiện thân của đạo Phật. Thế kỷ 10, thời Đinh Tiên Hoàng, rồng vẫn chỉ là một linh vật hỗ trợ, nằm ngoài quyền năng của con người. Nhưng đến thời Lê Hoàn, rồng đã trở thành bản mệnh của vua và nó đạt đến đỉnh cao của sự tôn sùng vào thời Lý để rồi sau đó, chức năng này nhạt dần để rồng sống chung thủy với chủ nhân của nó là văn hóa xóm làng.
Rồng thời Trần. Ảnh: Trần Lâm Biền, Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt.
Hoa văn cây cỏ cũng là một đề tài hằng xuyên trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Sự hỗ trợ của cây cỏ làm cho những ngôi đền cổ mang hình thức ấm áp, hợp với tâm lí người Việt. Trong cây cỏ đã chứa đựng tâm thức chung của đương thời, gần gụi, minh bạch, ấm cúng, không cách biệt. Điển hình là hoa sen với nhiều dạng thức khác nhau. Bông hoa sen thanh cao luôn gắn liền với đạo Phật, bởi ở nó, trong hoa đã có quả, tượng trưng cho ý nghĩa Nhân-quả của nhà Phật. Theo Phật pháp, tất cả chúng sinh nơi Tĩnh Thổ, thế giới của Phật A Di Đà, đều được tái sinh từ bông sen. Các bông sen to hay nhỏ hay mức độ cao quý có khác nhau, tùy thuộc nơi thiện quả của chúng sinh đó khi còn ở trần thế. Bởi vậy, bông sen mang yếu tố âm, còn là biểu tượng cho nơi để sinh ra. Trong kiến trúc, đá chân tảng chạm đài sen (âm) làm chỗ kê của chiếc cột như mang hình thức linga (dương) là sự kết hợp âm dương đối đãi, biểu hiện về sự cầu mong vững bền và sinh sôi nảy nở. Ngoài ra là yếu tố vi diệu, thanh cao, trong sáng.
Ảnh: Trần Lâm Biền, Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt.
Con người-chính là biểu tượng trung tâm và đáng lưu ý nhất . Con người hiện lên trong những nét chạm khắc tinh xảo, công phu là con người trong lao động cần cù, trong sinh hoạt thường ngày và trong những lễ hội đầy bản sắc. Hình tượng con người cũng chịu ảnh hưởng của các giai đoạn lịch sử khác nhau. Bên cạnh một số hình tượng gắn với Phật thoại như nhạc sĩ thiên thần Gandharva, thiên thần múa hát Apsara, , Garuda, người Việt tạo ra một số hình nhân cách đậm tính chất dân dã mà chúng ta bắt gặp ở bệ Phật chùa Phật Tích hay cửa tháp Long Đọi…
Vào khoảng thế kỷ 11-13, hình tượng con người thường được thể hiện qua thần tiên. Thần tiên phần nhiều là nữ, mặc váy, ít lộ chân, cầm báu vật hay đánh đàn, cưỡi nai…. Những nét chạm trổ mộc mạc, tự nhiên mang tính cởi mở, chứa đựng cái đẹp nhân hậu của tâm linh.
Đến thế kỷ 17, hình thức con người đã có tính quy phạm và tượng trưng, phản ánh cuộc sống dân dã như cảnh lao động, cảnh đấu võ, cưỡi ngựa đấu giáo, săn đấu với thú dữ, chèo thuyền, chọi gà. Nét đặc sắc hơn cả còn là cảnh những trò vui ngày hội, nào là chơi cờ, hát cửa đình, rồi đá cầu, uống rượu, mua nhạc…Sự táo bạo của những người nghệ sĩ dân gian còn được thể hiện ở cảnh những người đàn bà khỏa thân, trai gái tình tự, cảnh giao hợp nam nữ…
Ảnh: Trần Lâm Biền, Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt.
Sáng tạo ra các biểu tượng trang trí với bàn tay khéo léo, kĩ nghệ tinh xảo và khối óc tài hoa, ông cha ta đã truyền cả tinh hoa và hồn cốt dân tộc vào từng nét chạm trổ, thổi bừng linh hồn Việt trong không gian kiến trúc linh thiêng của đình chùa. Mỗi biểu tượng đều tự nó mang trong mình cái hồn của tạo vật, của muôn loài, phản ánh ước mơ, khát vọng của con người về một cuộc sống bình an, ấm no, được bảo vệ, chở che bởi các thế lực siêu nhiên. Như đỉnh vàng son của bản sắc mỗi dân tộc, đằng sau biểu tượng là một cuộc sống chứa đựng vẻ đẹp thần tiên của tâm linh và trái tim hồn hậu của con người đã kết tinh lại để tạc vào lịch sử những dấu ấn riêng độc đáo.
Theo VIỆT HỒNG / TÔI XÊ DỊCH
Tags: Điêu khắc, Văn hóa Việt, Kiến trúc