Về một tuổi già tủi nhục khi không có lương hưu

“Bà toàn uống thuốc linh tinh, hơi chút là kêu, đòi đi khám, mua thuốc…”, người con dâu vừa quát vừa kéo bà mẹ chồng vào phòng khám của tôi.

Tác giả: Trần Bá Thắng, bác sĩ chuyên khoa cấp I, chuyên ngành nội khoa, đang làm việc tại một bệnh viện tư ở Vĩnh Phúc.

Với vẻ mặt hầm hầm, không mấy vui vẻ, người phụ nữ quay sang nói với tôi: “Bác sĩ khám giúp mẹ em, bà ấy hơi chút là kêu, sốt ruột quá, chẳng làm ăn gì được”. Sau khi đưa bà mẹ chồng vào phòng để thăm khám, tôi hỏi: “Bà bị làm sao mà phải đi khám bệnh?”. Như được dịp cởi lòng, bà mẹ chồng kể một thôi một hồi những triệu chứng cơ năng mà bà phải chịu đựng bị hành hạ nhiều ngày nay.

Khi tôi đang lắng nghe bà mẹ chồng kể thì cô con dâu cướp lời, giọng căng như dây đàn: “Bà dài dòng quá, hơi chút là bà kêu, bà nói nhanh để bác sĩ khám bệnh rồi còn phải về làm việc, nhà bao việc chờ kìa”. Nói xong, cô con dâu mặt phừng phừng đi ra ngoài ngồi đợi. Vẻ mặt bà mẹ chồng sụp xuống, mắt rưng rưng quay đi mà không dám nói lại lời nào.

Khi người con dâu ra khỏi phòng chờ, lựa lúc bà mẹ chồng bình tĩnh trở lại, tôi hỏi: “Sao cô con dâu nặng lời với bà thế?”. Bà chép miệng: “Tôi không dám nói lại và tôi cũng thường xuyên nghe những lời nói đại loại như thế lâu rồi nên thành quen”. Tôi lại hỏi tiếp: “Vậy bà sợ con dâu nên không dám phản kháng lại?”. Bà mẹ chồng gật đầu thừa nhận. Bà đã già, yếu, không có bảo hiểm y tế, không có lương hưu, phải phụ thuộc vào các con.

Đó là một trong rất nhiều câu chuyện đã và đang xảy ra trong những gia đình ở các vùng nông thôn ngày nay mà tôi tận mắt chứng kiến, khi mà các nàng dâu đang làm chủ thực sự của gia đình. Vậy đâu là nguyên nhân của việc mẹ chồng sợ nàng dâu đến vậy?

Những năm 90 trở về trước, nước ta là một nước nông nghiệp thuần túy, người dân vùng nông thôn chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Khi được cưới về, các nàng dâu khi ấy thường rất sợ mẹ chồng, do ở nông thôn lúc bấy giờ chỉ có nghề làm ruộng, trồng trọt, chăn nuôi. Những nàng dâu về nhà chồng chỉ biết làm ruộng theo, mà việc đồng áng thì đương nhiên các bà mẹ chồng có kinh nghiệm gấp nhiều lần. Vả lại, toàn bộ kinh tế trong gia đình cũng đều do mẹ chồng làm chủ, từ việc mua bán đến chi tiêu trong gia đình đều do mẹ chồng quyết định. Khi ấy, các nàng dâu muốn mua gì, bán gì đều phải xin ý kiến của mẹ chồng hoặc bố chồng, chỉ khi nào họ đồng ý mới được làm. Do đó, việc các nàng dâu sợ mẹ chồng là điều dễ hiểu.

Nhưng từ khoảng những năm 2000 trở lại đây, “quyền lực” ấy lại xoay trục 180 độ. Ngày nay, mẹ chồng thường sợ nàng dâu, nguyên nhân ở vấn đề là đất nước ta đang trên đà đổi mới, phát triển, mở cửa, các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam. Người dân nông thôn giờ không còn chỉ biết làm ruộng, đặc biệt là với phụ nữ, họ được lựa chọn rất nhiều công việc và thoát ra khỏi lũy tre làng với những công việc có chuyên môn, nhàn hạ hơn, thu nhập cao hơn, được làm chủ bản thân, làm chủ tài chính.

Trong khi đó, theo quy luật của cuộc sống, các bà mẹ chồng ngày một già yếu đi theo tuổi tác, thu nhập không có. Những người có chế độ hưu trí, tự chủ được tài chính lúc tuổi già chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bên cạnh đó, khi ốm đau, bệnh tật, nhiều người già ở nông thôn thường không có bảo hiểm y tế (BHYT).

Nhưng điều lớn hơn mà tôi muốn nói ở đây, đó là câu chuyện của những người già không có thu nhập ổn định, nó ngược lại hoàn toàn với những người có khoản tài chính dự trữ cho tuổi già hoặc những người có lương hưu. Tôi đã chứng kiến nhiều người già có thu nhập, có tài sản để dành, hoặc có lương hưu hàng tháng, nên khi bị ốm đau, bệnh tật, phải đi khám chữa bệnh, họ được con cái rất quan tâm, chăm sóc từng chút một. Thậm chí, lắm nhà con cái còn tranh nhau chăm sóc bố mẹ già.

Tuy nhiên, không phải hoàn cảnh nào cũng đúng như vậy. Có những gia đình rất nghèo nhưng con cái rất có hiếu, sẵn sàng vay mượn tiền của người thân, anh em trong gia đình, thậm chí vay cả ngân hàng để lo cho bố mẹ khi gặp bệnh tật hiểm nghèo, cho dù con số này cũng rất nhỏ.

Vậy, để tránh tình trạng khi về già, chúng ta phải đối mặt với thực trạng bị con cái ngược đãi, đối xử tệ bạc như trên, ngay từ khi còn trẻ, mỗi người phải có kế hoạch tài chính, cũng như các dự phòng căn bản để chủ động về tài chính khi đến tuổi xế chiều, chủ động trong các tình huống rủi ro khi không còn sức để lao động.

Từ năm 2008, nhà nước đã có chính sách cho người người dân, người lao động tự do đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện với các các quy định rất phù hợp: Theo Khoản 2, Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn. Trong đó, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo đối với khu vực nông thôn (700.000 đồng), tối đa bằng 20 lần lương cơ sở. Từ ngày 1/1/2021, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng nên mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất là 154.000 đồng một tháng và mức đóng cao nhất là 6.116.000 đồng một tháng.

Trước năm 2008, để được đóng BHXH thì bạn nhất định phải là công chức, viên chức nhà nước. Tuy nhiên, giờ đây, việc đóng BHXH để có lương hưu hàng tháng khi về già không còn là điều xa xỉ đối với người dân, người lao động không phải là công chức, viên chức.

Năm 2020 khi dịch bệnh Covid 19 hoành hành, nhiều người lao động mất việc làm dẫn đến không có thu nhập, một số người lao động đã tìm đến giải pháp ngừng đóng BHXH và xin hưởng một lần, có thể số tiền BHXH đó sẽ giúp giải quyết nhu cầu về tài chính trước mắt, ngay tại thời điểm này, nhưng đó lại là giải pháp không tốt cho kế hoạch tài chính bản thân lâu dài khi về già.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam, trong giai đoạn 2014-2020, cơ quan BHXH đã giải quyết chi trả cho khoảng 4,5 triệu người hưởng BHXH một lần. Bình quân mỗi năm có hơn 600.000 người hưởng BHXH một lần, tương đương số người tham gia mới hằng năm, đó là con số đáng quan tâm. Cũng theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2021, toàn quốc có 16,17 triệu người tham gia BHXH; trong đó có 14,99 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 509.817 người so với cùng kỳ năm 2020; BHXH tự nguyện đạt 1,17 triệu người, tăng 466.586 người so với cùng năm 2020; BHTN đạt 13,25 triệu người tăng 528.282 người so với cùng kỳ năm 2020. Số người tham gia BHYT đạt gần 87,5 triệu người, bao phủ 89,63% dân số.

Để có một tài chính chủ động khi về già, tránh được các rủi ro khi chúng ta không còn sức khỏe để tạo ra thu nhập thì việc đầu tư tài chính vào đóng BHXH là kế hoạch tốt nhất cho mỗi cá nhân và người lao động. Chỉ khi nào đối mặt với sự trì trệ của tuổi già, chúng ta mới thấy giá trị của việc đầu tư tài chính này. Và khi đó, chúng ta mới tránh được gánh nặng cho con cái và gánh nặng an sinh xã hội của nhà nước đối với bản thân mình, để không còn xảy ra những câu chuyện mẹ chồng – nàng dâu như ở trên.

Theo VNEXPRESS

Tags: , ,