Về bộ máy ngầm đang lũng đoạn các doanh nghiệp Việt Nam

“Doanh thu” có được từ bộ máy ngầm chảy về túi của một số ít người, thay vì vào Kho bạc Nhà nước. Khi bộ máy chìm đó lấn át bộ máy danh nghĩa, tất yếu sẽ làm suy giảm niềm tin của người dân.

Mỗi dịp cuối năm, bạn bè doanh nghiệp lại nhộn nhịp chia sẻ về những chuyến viếng thăm của “cán bộ”. Đó có thể là cuộc kiểm tra định kì theo kế hoạch, phòng cháy chữa cháy, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, hay đơn giản là để “nắm bắt tình hình”. Nhưng kết thúc chương trình làm việc, không ít thì nhiều, phần lớn doanh nghiệp đều có chút quà biếu Tết.

Hành động đó chủ yếu là tự nguyện. Khảo sát của VCCI năm 2016 cho thấy ngay trong khối doanh nghiệp FDI, có đến 45% doanh nghiệp thừa nhận đưa quà hoặc các khoản khác trong đợt thanh, kiểm tra. Chỉ 8% doanh nghiệp cho biết bị cán bộ thanh, kiểm tra đòi hỏi.

Nhưng sự tự nguyện này không đến một cách ngẫu nhiên. Vài năm trước, tôi hùn vốn mở quán cà phê nhỏ ở Cầu Giấy, Hà Nội. Con đường khởi nghiệp không mấy thành công, nhưng chút kinh nghiệm đó cho tôi biết được phần nào cách phải ứng xử của một tổ chức kinh doanh tại Việt Nam.

Cứ đều đặn mỗi tháng, chúng tôi sẽ phải tặng một khoản cho cơ quan quản lý khu vực. Họ bám cơ sở rất tốt và nắm được đầy đủ tình hình buôn bán tại địa bàn, gợi ý cho các chủ cơ sở những khoản phí bất thành văn: quán cà phê nhỏ 500 nghìn đồng, đông khách thì 700 nghìn đồng, quán phở một triệu và quán lòng lợn tiết canh hai triệu đồng. Theo quý hoặc theo năm, có thể phát sinh thêm những khoản khác cho “cấp trên”. Khả năng định giá theo quy luật thị trường của những nhân vật này thực sự rất đáng thán phục.

Đây chưa chắc là hành vi vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng mới được Quốc hội thông qua. Bởi người đóng góp – như chúng tôi – đều tự nguyện.

Những khoản đó nhiều khi được gửi đi với lý do nhằm phục vụ các chương trình rất nhân văn: ủng hộ quỹ phúc lợi cho anh em, góp phần vào quỹ nghỉ mát, tổ chức tất niên cho cán bộ hưu trí, hay tổ chức trung thu cho con em cán bộ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu một ai đó không tự nguyện? Tôi nghĩ các độc giả – đặc biệt những ai làm kinh doanh – có thể giúp tôi trả lời câu hỏi đó.

Những khoản phí phi chính thức như vậy tạo ra lượng chi phí khổng lồ. Một khảo sát khác của VCCI năm 2017 cho thấy 59% doanh nghiệp cho biết đã phải trả chi phí không chính thức, trong số này có đến 9,8% doanh nghiệp cho rằng đã phải trả tới hơn 10% doanh thu. Và không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh mới có mức phí “ngầm” như vậy. Từ những “phong bì cảm ơn” trong các ngành dịch vụ công – nằm giữa ranh giới hợp pháp và bất hợp pháp, cho đến việc đưa tiền cho cảnh sát giao thông để được miễn hình phạt – hành vi vi phạm pháp luật, có không ít tình huống người dân phải móc hầu bao nhiều hơn so với mức ghi trên giấy tờ để “được xử lý linh động”.

Thứ dầu bôi trơn cho hệ thống đó tất yếu tạo tiền đề cho một thể chế “ngầm”, vận hành bên trong hệ thống công quyền mà chúng ta vẫn biết về mặt lý thuyết.

Sự tồn tại của thể chế đó có lẽ được nhìn rõ nhất ở mức lương của cán bộ. Công chức Việt Nam có thu nhập rất thấp: dao động từ 2 triệu đồng cho đến 18,6 triệu đồng mỗi tháng. Mức lương đó sẽ rất khó lý giải cho sức hấp dẫn của một vị trí tốt trong bộ máy nhà nước. Nếu phải lựa chọn giữa công việc bên ngoài với thù lao 10 triệu đồng/tháng và mức khởi điểm 5 triệu rưỡi trong nhà nước, tôi nghĩ ít ai lưỡng lự với vị trí đầu tiên.

Mức chênh lệch 4,5 triệu đó là “giá ẩn”. Khi anh chấp nhận làm việc ở một vị trí có mức thu nhập thấp hơn so với năng lực, vị trí đó phải mang lại cho anh lợi ích tương đương hoặc lớn hơn khoản chênh lệch bằng cách này hay cách khác. Một người tốn tiền tỷ để làm y tá tại một bệnh viện cấp tỉnh không chỉ vì 2 triệu tiền lương, hay không ai tin rằng nhân viên hải quan của một cảng lớn chỉ có thu nhập dưới 10 triệu. Vị trí trong bộ máy nhà nước tạo ra quyền lực, và quyền lực có thể cụ thể hóa bằng lợi ích vật chất.

Bộ máy “ngầm” không hẳn luôn luôn xấu. Với nhiều người, khoản chi phí lót tay để được đảm bảo an ninh tốt hơn, hay được cảnh báo mỗi khi có “chiến dịch” từ thành phố xuống, là chấp nhận được. Bệnh nhân chấp nhận trả 20 nghìn đồng để được “tiêm không đau”. Một người có điều kiện sẵn sàng trả thêm 2 triệu đồng để làm hộ chiếu nhanh hơn vài ngày so với thời gian quy định.

Nhưng nếu nhìn rộng ra, không công dân nào muốn tồn tại một lúc hai thể chế song song như vậy. Nó tạo ra sự mập mờ, thiếu minh bạch, và quan trọng hơn, là nguy cơ tham nhũng. “Doanh thu” có được từ bộ máy ngầm chảy về túi của một số ít người, thay vì vào Kho bạc Nhà nước. Khi bộ máy chìm đó lấn át bộ máy danh nghĩa, tất yếu sẽ làm suy giảm niềm tin của người dân.

Muốn xóa bỏ bộ máy “ngầm” và qua đó là xóa bỏ chi phí phi chính thức cho người dân và doanh nghiệp, hệ thống cần minh bạch và tinh gọn hơn để dễ dàng phát hiện ra vấn đề. Cùng với đó, vấn đề xa hơn là việc chi ngân sách có trách nhiệm. Rõ ràng, ta sẽ khó thuyết phục người dân nộp thuế đầy đủ nếu họ thấy tiền thuế không được sử dụng hiệu quả.

Về phía công tác cán bộ, song song với việc nghiêm khắc trừng phạt công chức có hành vi phạm pháp, cũng cần phải nâng cao mức thu nhập của họ sát với thực tế, để làm giảm động cơ nhận phong bì. Vẫn sẽ có những người đi vào bộ máy nhà nước vì lý tưởng, nhưng lý tưởng cũng cần được hỗ trợ bởi những điều kiện đủ tốt về vật chất.

Đã có nhiều xưng tụng thành tích tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế trong năm 2018. Nhưng nốt trầm đến từ hoạt động của các doanh nghiệp, nền tảng của tăng trưởng trong dài hạn. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là hơn 90 nghìn, tăng gần 50% so với năm trước.

Con số này không hẳn là vấn đề – việc doanh nghiệp thành lập và phá sản liên tục có thể là minh chứng cho một nền kinh tế năng động, nơi thị trường tưởng thưởng cho những bên làm ăn hiệu quả và loại bỏ những mô hình không phù hợp.

Nhưng có bao nhiêu trong số 90 nghìn doanh nghiệp ấy phải từ bỏ không phải vì lý do thị trường? Đó là câu hỏi tôi thực sự băn khoăn, và tôi hy vọng nhiều nhà hoạch định chính sách cũng vậy.

Theo NGUYỄN KHẮC GIANG / VNEXPRESS

Tags: ,