⠀
‘Vành đai và Con đường’: Tương lai hay ác mộng đối với Trung Quốc?
Mặc dù sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc được cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm, nhưng BRI cũng đối mặt với rất nhiều thách thức. Nếu Bắc Kinh không giải quyết được những thách thức này, BRI sẽ trở thành cơn ác mộng.
Bài viết của tác giả Linda Lim, Giáo sư về quan hệ kinh tế quốc tế tại Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam, Đại học Nam Dương, Singapore. Bài viết đăng trên trang “RSIS”.
Thách thức về các dự án cơ sở hạ tầng
Tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng luôn là một thách thức bởi các dự án này rất lớn, đòi hỏi nhiều chi phí, đắt đỏ, thời gian xây dựng và hoàn vốn lâu, kéo theo nhiều rủi ro. Các dự án này cũng thường chịu ảnh hưởng từ các yếu tố ngoại cảnh, từ chi phí và lợi ích xã hội khiến các nhà đầu tư tư nhân đầu tư dưới mức cần thiết, dẫn tới dự án không đạt hiệu quả.
Do vậy, đầu tư công là mô hình phổ biến nhất cho các dự án cơ sở hạ tầng. Chính phủ có thể vay tiền với chi phí thấp hơn so với các khoản vay tư nhân, kèm theo việc đảm bảo ngầm về chủ quyền trong trường hợp vỡ nợ. Nguồn tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng từ các liên doanh cũng là một mô hình phổ biển, liên quan tới các mối quan hệ đối tác công-tư và các thể chế tài chính khu vực, đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB).
Các liên doanh có thể tăng vốn và có được nhiều chuyên môn hơn từ các nguồn tài trợ, giảm thiểu các nguy cơ cho bất kỳ cá nhân, nhà đầu tư nào cũng như bất kỳ bên vay mượn nào trong triển khai các dự án. Ngoài ra, ở các nước đang phát triển, nguồn vốn thường rất khan hiếm, trong khi vay tiền từ các nguồn nước ngoài rẻ hơn đòi hỏi phải trả lại theo tỷ giá ngoại hối sẽ kéo theo những rủi ro về tiền tệ. Rủi ro về quản trị phát sinh từ các chính phủ thiếu kiến thức chuyên môn để đánh giá, thực hiện và giám sát các dự án; sự lãng phí tài chính xuất phát từ nạn tham nhũng, tăng chi phí đầu tư, trì hoãn và các vấn đề về chất lượng của dự án.
Rủi ro về chính trị
Cũng tồn tại rủi ro về chính trị vì sự phân bổ lợi ích và chi phí không công bằng. Bên cạnh đó là bất ổn xã hội có thể xuất hiện từ các tranh chấp về sử dụng, bồi thường đất đai, lao động và các hậu quả về môi trường như việc làm tổn hại đến những người dân trồng rừng, làm nông nghiệp hay đánh bắt thủy hải sản. Bất ổn cũng có thể xảy ra tại các quốc gia có chính quyền độc đoán hoặc là sử dụng biện pháp cưỡng chế để giải quyết tranh chấp, trong khi các chính phủ dân chủ có thể có sự thay đổi và yêu cầu thay đổi các điều khoản trong các dự án.
Phần lớn các nước tham gia BRI là các quốc gia có thu nhập thấp, thiếu vốn, nguồn nhân lực và khả năng trả nợ từ việc nhập khẩu thiết bị, nguyên vật liệu cho các dự án BRI dẫn đến nguy cơ cao về nợ và khủng hoảng tiền tệ. Điều này có thể dẫn tới các bất ổn về kinh tế, chính trị trong nước, các mối quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng liên quan tới việc chia sẻ, sử dụng các dự án cơ sở hạ tầng như đập nước.
Một nghiên cứu mới đây do Trung tâm phát triển toàn cầu cho thấy 8 nước gồm Dijibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Pakistan, Montenegro, Tajikistan là các quốc gia chịu tác động trực tiếp từ các dự án BRI, xây dựng các đường ống dẫn dầu sẽ làm tăng nợ lên Tổng thu nhập quốc dân và nợ Trung Quốc rơi vào mức độ rủi ro cao.
Ngay cả khi không đối mặt với các bận tâm về nợ nần thì việc háo hức tham gia các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước tham gia BRI cũng có thể không phù hợp với nhu cầu trong nước và làm tăng nguy cơ về chính trị đối với chính phủ các nước đó. Ví dụ tại Malaysia, nhiều tiếng nói của giới kinh doanh cho rằng hầu hết các dự án BRI tại Malaysia đều không mang lại lợi ích cho đất nước. Các dự án cơ sở hạ tầng lớn như bến tàu, cảng đường sắt đều mang lợi ích chiến lược cho Trung Quốc mà hầu như không có lợi cho Malaysia. Các điều khoản trong các dự án này đều không rõ ràng cho Malaysia nhưng người dân Malaysia chỉ có thể tự trách mình vì đã để cho các chính trị gia thực hiện các thỏa thuận tồi như thế.
Mô hình kinh doanh kiểu Trung Quốc
Cách hành xử của Trung Quốc trong xây dựng cơ sở hạ tầng không giành được sự ủng hộ của cư dân địa phương bởi Trung Quốc thường xuất khẩu trang thiết bị, nguyên vật liệu, quản lý và đưa lao động Trung Quốc sang các nước tham gia BRI, tạo ra rất ít việc làm, đào tạo cho lao động địa phương. Điều này củng cố thêm nhận thức rằng các dự án BRI chỉ làm lợi cho Trung Quốc thay vì mang lại lợi ích cho nước tiếp nhận dự án.
Các công ty Trung Quốc thường bị cáo buộc có hành vi kinh doanh kém, chẳng hạn như việc cắt giảm các nhà cung cấp tại địa phương, vi phạm và không tuân thủ hợp đồng cũng như luật lệ địa phương, đồng thời mang đến các công nghệ và chất lượng kém như tại các dự án điện mà Trung Quốc đang xây dựng tại Indonesia.
Các công ty Trung Quốc ưa thích làm việc với các lãnh đạo chính trị địa phương, không làm việc trực tiếp với các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng từ các dự án, dẫn tới các chi phí xã hội và đền bù cho người dân không thỏa đáng. Kết quả là nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra, gây cản trở các dự án như dự án đập Myistone và đường xe lửa nối Côn Minh với Kyaukphyu và đường ống dẫn dầu tại Myanmar.
Sự kiêu ngạo của Trung Quốc
Tại Sri Lanka, sự lừa dối của chính phủ trong việc phải nhượng lại cảng Hambantota cho một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc để đổi lại việc trả nợ đã góp phần dẫn tới thất bại của đảng cầm quyền trong bầu cử địa phương vào tháng 2/2018. Và tại Indonesia, đã có nhiều đồn đoán xuất hiện về sự khuyến khích đầu tư từ Trung Quốc sẽ làm suy yếu khả năng tranh cử nhiệm kỳ tới vào năm 2019 của Tổng thống Jokowi.
Các công ty Trung Quốc cũng thường thiếu kinh nghiệm làm việc tại các quốc gia đa văn hóa, đa sắc tộc và thường bị cáo buộc thiếu tôn trọng các phong tục, tập quán địa phương, minh chứng cho thói kiêu ngạo về sự thành công của Trung Quốc. Nếu muốn thành công, các dự án BRI cần mang ít tính Trung Quốc hơn, mặc dù điều này có vẻ đi ngược lại mục đích của Trung Quốc là muốn mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới. Nếu Bắc Kinh không học cách thích nghi với cuộc sống bên ngoài thì những rủi ro từ BRI sẽ trở thành một cơn ác mộng đối với chính sách đối ngoại, chứ không phải là sự phồn vinh cho nước này.
Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG
Tags: Trung Quốc, Vành đai và Con đường