Vành đai và con đường: Từ cảnh giác của Âu – Mỹ đến bất an của thế giới

Được công bố vào năm 2013, hiện Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) có hơn 120 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế ký kết văn bản hợp tác với Trung Quốc và trở thành chính sách đối ngoại “đặc sản” của Chủ tịch Tập Cận Bình. BRI được các nhà bình luận nhận định là biểu tượng của chính sách đối ngoại “chủ động và tự tin” của Trung Quốc, khác xa chiến lược “trỗi dậy hòa bình” mà nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã xác lập từ hơn 40 năm về trước. Tuy nhiên, BRI hiện đang vấp phải không ít “búa rìu” dư luận.

Vành đai và con đường: Từ cảnh giác của Âu – Mỹ đến bất an của thế giới

Tác giả: Nguyễn Đình Thiện Phạm Thị Bích Ngọc, Học viện Chính trị CAND.

1. Sáng kiến “Vành đai và con đường” – đặc sản trong chính sách đối ngoại Trung Quốc dưới “thời đại Tập Cận Bình”

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” bao gồm 2 sáng kiến hợp tác do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất vào tháng 9 và tháng 10/2013: “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa mới” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Sau 7 năm thực hiện, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã đạt được tiến bộ lớn trên nhiều phương diện hợp tác quốc tế bao gồm: Chính sách thông thoáng, đường sá liên thông, thương mại thông suốt, lưu thông tiền tệ trơn tru, lòng dân thông hiểu, thành quả vượt ngoài mong đợi.

Không thể phủ nhận vai trò Bắc Kinh trong việc thu hút mối quan tâm đối với sự cần thiết phải có các khoản đầu tư quy mô lớn vào cơ sở hạ tầng và tính kết nối trên thế giới. BRI gây ấn tượng mạnh với tầm nhìn về quy mô và tầm vóc của nó. Ngày 29/3/2019, trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông Trung Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì cho biết, sáng kiến “Vành đai và Con đường” đã truyền đi niềm tin, mở ra hướng đi mới cho hợp tác quốc tế trong việc xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới và xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh nhân loại; khai thác động lực mới và mở ra không gian mới cho tăng trưởng kinh tế thế giới; tạo ra một diễn đàn mới và cơ hội mới để phát triển quan hệ với các nước.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng hay thúc đẩy sự kết nối toàn cầu ở các nước đang phát triển vốn sẽ chẳng có gì sai và đáng để bàn cãi nếu xét thuần túy về tầm nhìn và ở khía cạnh kinh tế. Theo Ngân hàng phát triển châu Á, đến năm 2030, chỉ riêng châu Á đã cần tới 26.000 tỷ USD cho đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại. Các bình luận của phương Tây cũng phải thừa nhận rằng BRI nổi lên nhanh chóng như vậy không chỉ vì sáng kiến này là một ưu tiên đối với Tập Cận Bình, mà còn vì nhu cầu thực sự đối với đối với các quốc gia bởi những gì mà BRI của Trung Quốc mang lại. Điểm nhấn về sự thành công của BRI được cho là các khoản đầu tư có quy mô nhỏ hơn nhưng có mục tiêu cụ thể ở các quốc gia đang phát triển. Ví dụ như một cây cầu hay một con đường, tuy nhỏ nhưng lại có giá trị lớn trong phát triển kinh tế, xã hội của một địa phương tại một quốc gia nào đó.

2. Sự cảnh giác “lo âu” của Mỹ và phương Tây đối với BRI cùng những “búa rìu” dư luận

Dù không thể phủ nhận sự ảnh hưởng của “Vành đai và Con đường” đến các quốc gia đang phát triển, nhưng với tham vọng và cách tiến hành của Trung Quốc đã khiến phương Tây nhận định rằng, BRI thiếu tính minh bạch, tính bền vững về kinh tế và chất lượng thực hiện thấp. Không những thế, họ còn quan ngại và lo âu về việc đằng sau BRI là những động cơ mang tính chiến lược, có thể làm thay đổi bối cảnh địa chính trị, trật tự thế giới và các tiêu chuẩn cơ bản trong quản trị toàn cầu. Sự cảnh giác của Mỹ và phương Tây đã hình thành “búa rìu” dư luận trên những khía cạnh chính sau:

Ngoại giao bẫy nợ: Thông qua BRI, Trung Quốc khiến các nước đang phát triển lệ thuộc vào nợ và sau đó chuyển sự lệ thuộc đó thành ảnh hưởng địa chính trị. Những hành động của Trung Quốc tại Sri Lanka, Pakistan và Malaysia có vai trò trung tâm đối với các cuộc tranh luận về bẫy nợ. Trung Quốc đã có được quyền vận hành cảng Hambantota ở miền Nam Sri Lanka trong 99 năm sau khi chi phí cho dự án này vượt ra ngoài tầm kiểm soát, buộc Colombo từ bỏ quyền kiểm soát cảng để đổi lấy một gói cứu trợ từ phía Trung Quốc. Theo báo cáo tháng 3/2018 của Trung tâm phát triển toàn cầu (CGD), hồi năm 2011 có tin Trung Quốc đã xóa nợ cho Tajikistan để đổi lấy 1.158 km² lãnh thổ tranh chấp. Ở Pakistan, một cuộc khủng hoảng tài chính đã làm gia tăng thái độ phản đối các dự án thuộc Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC), một nhánh lớn của BRI. Lập luận về bẫy nợ càng trở nên tin cậy hơn sau khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hủy bỏ các dự án BRI với tổng trị giá lên đến 23 tỷ USD và cảnh báo rằng, nhiều nước có nguy cơ trở thành con mồi của “chủ nghĩa thực dân phiên bản mới”. Bởi vậy, nhiều nhà quan sát mô tả BRI chỉ là một mánh khóe địa chính trị của Trung Quốc nhằm thống trị thế giới, hay là biểu hiện của “trật tự thế giới lợi ích” hoặc “kinh tế trục lợi” theo cách nói của cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

Giáo sư khoa Chính trị học thuộc Đại học văn hóa Trung Quốc của Đài Loan Trần Nhất Tân  nhận định: “Không nhiều quốc gia cần nhiều công trình cơ sở hạ tầng như vậy. Họ chỉ cần có một số cảng và đường sắt là ổn rồi. Trung Quốc vẫn muốn họ làm đường sắt cao tốc, điều này vượt ngoài khả năng của họ, vì vậy họ đã nợ rất nhiều, dẫn đến danh tiếng hoặc uy tín của quốc gia bị ảnh hưởng, thậm chí chính sách đối ngoại có thể chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc Đại lục”.

Trước “búa rìu” dư luận, phía Trung Quốc biện luận rằng, các quốc gia vốn không thể đảm đương gánh nặng về nợ của các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn ngay từ đầu không nên chấp thuận những dự án như vậy. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc cũng có trách nhiệm tiến hành trước những nghiên cứu về tính khả thi và mức độ rủi ro trong kinh doanh để bảo đảm rằng các quốc gia nhận đầu tư sẽ thanh toán nghĩa vụ nợ và có năng lực hoàn trả nợ.

Tệ tham nhũng: Mỹ và phương Tây cho rằng, sự quản trị yếu kém của BRI được ví như những thỏi nam châm cực mạnh thu hút tệ tham nhũng. Trên thực tế, tình trạng tham nhũng liên quan đến BRI đã xuất hiện. Báo chí nước ngoài đưa tin, ở Kyrgyzstan, việc một nhà máy điện do Trung Quốc xây dựng không hoạt động được đã dẫn tới việc bắt giữ 2 cựu thủ tướng bị buộc tội nhận tiền “lại quả” từ các công ty xây dựng Trung Quốc; tại Malaysia, vụ bê bối 1Malaysia Development Berhad (1MDB) đang diễn ra đã khiến 2 dự án đường ống lớn liên quan đến BRI bị hủy bỏ, sau khi xuất hiện thông tin rằng một công ty có liên hệ với cựu Thủ tướng Najib Razak đã bòn rút khoản tài trợ do Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc cung cấp. Phía Washington nhìn nhận sáng kiến này với thái độ hoài nghi do hệ quả của cả những thành công lẫn những thất bại của nó. Đặc biệt, sự thiếu minh bạch và tình trạng tham nhũng xoay quanh sáng kiến này là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến Mỹ phản đối việc thực hiện BRI.

Hành vi “Vung tay quá trán” của Trung Quốc: Tại Trung Quốc đã xuất hiện luồng ý kiến cho rằng nước này đã bỏ qua những vấn đề trong nước, vươn ra quá xa và mở rộng sáng kiến quá nhanh, để ưu tiên các cơ hội kinh doanh và phát triển ở nước ngoài. Giáo sư Chu Phong, Viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nam Kinh Trung Quốc thừa nhận, “Vành đai và Con đường” của Chính phủ Trung Quốc cũng đã gây tranh cãi lớn ở trong nước, nhất là việc để các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc giành được các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, các tổ chức tài chính nhà nước phải bỏ ra một lượng tiền lớn cho nước ngoài vay, thậm chí cho vay với lãi suất thấp hoặc cho không. Việc “vung tiền quá mức” đã khiến dư luận bên ngoài hoài nghi liệu khả năng tiền tệ và tài chính của Trung Quốc có thể hỗ trợ và đảm bảo tài chính cho các nước thuộc thế giới thứ ba nhiều đến như vậy. Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ hai tại Bắc Kinh được tổ chức vào vào cuối tháng 4.2019 vừa qua, Mỹ không cử đại diện cấp cao đến dự. Ngày 2/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi tiếp tục quan tâm đến việc Trung Quốc cho vay vốn một cách không minh bạch, quản lý kém và xem thường các thông lệ và tiêu chuẩn mà quốc tế chấp nhận”.

Lo lắng về địa chính trị và sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu: Nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng quan ngại rằng, sức mạnh mềm của Trung Quốc được thúc đẩy thông qua BRI có thể sớm trở thành sức mạnh cứng. Mặc dù Trung Quốc luôn khẳng định, họ “không có tính toán gì về địa chính trị” đối với BRI, nhưng phương Tây thì không nghĩ vậy. Những tuyên bố của Trung Quốc về “hợp tác cùng thắng” hay “cộng đồng chung vận mệnh” được phương Tây nhận xét “dường như thiếu chân thật”, thậm chí là “vỏ bọc” nhằm che giấu những ý định thực sự của sáng kiến. Theo quan điểm của phương Tây, BRI không chỉ thúc đẩy tham nhũng và làm trầm trọng thêm những khó khăn về nợ của các nước đang phát triển, sự thiếu minh bạch cũng làm gia tăng mối nghi ngờ về BRI được vận hành như “Con ngựa thành Troy” che giấu ý đồ và sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Chẳng hạn, phương Tây cho rằng Con đường tơ lụa kỹ thuật số của BRI đóng vai trò đường dẫn cho hoạt động “xuất khẩu công nghệ giám sát” của Trung Quốc; những dự án BRI nằm ở các vị trí chiến lược đã dấy lên sự quan ngại về sự toan tính vị thế địa chính trị. Tuyến đường giao thương có lưu lượng cao – eo biển Malacca, từng là nguyên nhân gây căng thẳng giữa Malaysia và nước láng giềng Singapore, dự kiến có 3 cảng được xây dựng trong khuôn khổ BRI. Mặc dù đều được lên kế hoạch phục vụ mục đích thương mại, nhưng những tác động chiến lược của việc Trung Quốc tài trợ cho các cảng ở tất cả các địa điểm bị tranh chấp đủ khiến hình thành một luồng suy nghĩ về sự hiện diện của nước này sẽ vượt ra ngoài mục đích thương mại.

Trước luồng dư luận nói trên, Dương Khiết Trì cho biết những người tin rằng sáng kiến “Vành đai và Con đường” là công cụ địa chính trị của Trung Quốc và có thể tạo ra bẫy nợ cho các nước liên quan là thiếu nhận thức khách quan và công bằng đối với sáng kiến này. Ông nói: “Vành đai và Con đường” là một sáng kiến mở, bao dung và minh bạch, Trung Quốc không có ý định chơi trò chơi địa chính trị, không lôi kéo, bè phái, không làm những việc ép buộc làm ăn mua bán với nước khác”.

Giáo sư Chu Phong cho biết động cơ ban đầu thúc đẩy Trung Quốc đề xuất sáng kiến “Vành đai và Con đường” là tận dụng ưu thế của họ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, dự trữ ngoại hối đầy đủ, chuyển nhượng và giải phóng năng lực sản xuất dư thừa trong ngành chế tạo của nước này.  Tuy nhiên, một số nước phương Tây cho rằng Trung Quốc muốn lấy danh nghĩa chiến lược hợp tác kinh tế để giành được ảnh hưởng mang tính thực chất về địa chiến lược, thách thức tầm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ. Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, việc những nhà quan sát coi BRI là một chiến lược nhằm mục đích củng cố sự trỗi dậy và trở thành cường quốc vượt trội từng bước thay thế Mỹ là điều không khó đoán.

3. Căn nguyên của “búa rìu” dư luận xung quanh “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc

Các nhà bình luận cho rằng nguyên nhân chính vẫn là cạnh tranh địa chính trị và thiếu tin tưởng vào nhau giữa Mỹ và Trung Quốc. Sau hơn 40 năm âm thầm “trỗi dậy hòa bình”, Trung Quốc đã thực sự vươn lên trở thành đối thủ nặng cân nhất cạnh tranh vị thế và vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” được ví như 2 cánh tay (một trên bộ, một ở đại dương) để Trung Quốc “ôm trọn” thế giới. Vì vậy, Mỹ cho rằng sáng kiến này sẽ giúp Trung Quốc rất nhiều trong việc mở rộng ảnh hưởng ở Đông Á và đạt được sứ mệnh “đại phục hưng”, biến Trung Quốc thành một nước lớn có ảnh hưởng toàn cầu. Mỹ “về cơ bản không thể chấp nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc” và những năm qua dường như BRI không thể khiến Mỹ thực sự “thành tâm thành ý” chấp nhận.

Ngoài cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, nguyên nhân từ phía Trung Quốc được PGS.TS Lý Minh Giang, Học viện Quan hệ Quốc tế Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nam Dương Singapore chỉ ra: Chính phủ Trung Quốc đã tuyên truyền quá mức về BRI, dễ dàng khiến người ta lý giải sáng kiến này “không phải vì mục đích kinh tế, mà là chiến lược toàn cầu của Trung Quốc”. Ông cho rằng, cần thận trọng hơn trong việc tuyên truyền về BRI “bởi Trung Quốc lên giọng quá mức, phong thái quá cao ngạo, tư thế quá mạnh mẽ, nên rất dễ khiến một số nước phương Tây không thân thiện”. Chẳng hạn, Mỹ cho rằng, Trung Quốc muốn “làm chủ thế giới”, thúc đẩy các nước khác cản trở Trung Quốc.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tham gia dự án “Vành đai và Con đường” chưa chuẩn bị sẵn sàng cho việc đấu thầu, đầu tư và xây dựng ở nước ngoài. Khi các công trình cơ sở hạ tầng thực hiện trong môi trường Trung Quốc của các doanh nghiệp nhà nước này được đưa ra nước ngoài, sẽ có nhiều vấn đề như thiếu tính minh bạch, không đủ tiêu chuẩn theo quy định… Không những thế, Chính phủ Trung Quốc cũng dường như có sự xem thường đối với các vấn đề này. Bất kỳ nước lớn nào khi mở rộng kế hoạch kinh doanh ra nước ngoài chắc chắn sẽ vấp phải sự cản trở và hoài nghi của các nước khác về mặt an ninh và chiến lược. Trung Quốc ngay từ đầu đã không có sự đánh giá tốt và toàn diện cho những vấn đề đó, “ít ra cũng phải có thái độ nhún nhường và khiêm tốn” về mặt chính trị.

Vậy, Trung Quốc phải làm gì để xóa bỏ hoài nghi? Tại Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường lần thứ 2 được tổ chức trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ tăng cường tính minh bạch về tài chính cho các dự án đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Ông nói rằng BRI sẽ tiếp tục duy trì khái niệm cởi mở, xanh và trong sạch, “kiên trì nguyên tắc mọi sự hợp tác đều được thực hiện dưới ánh mặt trời”, đồng thời sẽ chống tham nhũng với thái độ không khoan nhượng, sẵn sàng trả lời những thắc mắc, hoài nghi của cộng đồng quốc tế về BRI.

PGS.TS Cố Thanh Dương của Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận định, sáng kiến này nên có tính “bao dung” hơn nữa, không chỉ mang lại lợi ích cho quốc gia nơi dự án được thực hiện, mà còn phải quan tâm đến lợi ích của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu để mang lại lợi ích cho họ. Trung Quốc rất xuất sắc trong lĩnh vực phần cứng, đặc biệt là về các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, về mặt quản lý rủi ro và tài chính của dự án, Trung Quốc vẫn cần đến sự chung tay góp sức của cả thế giới. Giáo sư Chu Phong nhấn mạnh rằng, Trung Quốc muốn tăng cường hợp tác với các bên thứ ba, các doanh nghiệp và các công ty quốc tế, trong dự án “Vành đai và Con đường”, thì cần phải coi việc phát triển dự án này trong tương lai là một quá trình hợp tác kinh doanh quốc tế chung, và trong quá trình thực thi sáng kiến, hợp tác kinh tế không thể hoàn toàn xuất phát từ toan tính thực tế an ninh và chiến lược – bản thân Bắc Kinh phải hạ thấp kỳ vọng về mặt này. Bên cạnh đó, ông cũng thẳng thắn thừa nhận sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc ban đầu rất tốt, nhưng Chính phủ không nên để dự án này nhận được phản ứng tiêu cực từ cả hai phía: Một mặt, người dân Trung Quốc lo ngại Chính phủ “vung tay quá trán” ở nước ngoài; mặt khác, dự án khiến cho Mỹ cảm thấy mục tiêu địa chiến lược của Trung Quốc là rất rõ ràng”.

Thay cho lời kết: Kể từ ngày khởi sướng cho đến nay, BRI với tư cách là một Sáng kiến về chính sách kinh tế, xã hội nhưng không thể tách rời những vấn đề chính trị, đối ngoại. Cho dù sự biện luận của các học giả Trung Quốc có logic và chặt chẽ thế nào cũng không thể tránh khỏi “búa rìu” dư luận, nhất là từ phía Mỹ và các nước phương Tây. Sự thành bại của Sáng kiến hiện phụ thuộc nhiều vào cách hành xử từ phía Trung Quốc. Theo các nhà bình luận, chỉ khi nào Trung Quốc xây dựng được lòng tin đối với cộng đồng quốc tế, giảm bớt tham vọng bá quyền của mình cũng như khéo léo hơn trong xử lý các vấn đề quốc tế, nhất là quan hệ với các nước láng giềng trong khu vực thì “Vành đai” mới rõ nét và “Con đường” mới thực sự dẫn Trung Quốc tới thành công.

Tags: , ,