Vai trò của thần linh trong tư tưởng văn học cổ Việt Nam

Quan niệm cổ xưa nhất về văn học là văn chương có thể thông với thần linh. Đấy là khi người ta đọc các bài chúc từ trong các lễ tế thần, đọc văn tế cúng người chết…Người ta tin rằng những lời đó có thể thấu tới thần linh hoặc hồn người ở thế giới bên kia.

Vai trò của thần linh trong tư tưởng văn học cổ Việt Nam

Bài viết của PGS.TS. Đoàn Lê Giang – Trường ĐH KHXH & NV – ĐHQG TP.HCM

Thần trước hết là niềm tin của người cổ đại vào một lực lượng siêu tự nhiên có thể ban phúc giáng họa. Niềm tin ấy có lẽ có từ thời nguyên thủy, nhưng chữ Thần lại xuất hiện không lâu lắm. Bằng chứng là chỉ có chữ Thần từ Kim văn, tức là từ đời Chu trở lại đây, chứ trước đó thì không có. Về mặt tự dạng, chữ Thần thông thường người ta nghĩ là chữ hình thanh (bộ Kỳ là một loại thần chỉ nghĩa và chữ Thân). Nhưng Hình âm nghĩa tổng hợp đại từ điển(1) có đưa ra một thuyết nói rằng chữ Thần là chữ hội ý : Bên trái là chữ Kỳ (một loại thần), bên phải là chữ Thân, nhưng chữ Thân ngày xưa đồng nghĩa với chữ Điện là sét. Như vậy Thần là một lực lượng siêu nhiên có sức mạnh ghê gớm như sấm sét chẳng hạn.

Quan niệm cổ xưa nhất về văn học là văn chương có thể thông với thần linh. Đấy là khi người ta đọc các bài chúc từ trong các lễ tế thần, đọc văn tế cúng người chết…Người ta tin rằng những lời đó có thể thấu tới thần linh hoặc hồn người ở thế giới bên kia. Niềm tin ấy đến tận thời hiện đại cũng không thể nói là hết hẳn được. Người Nhật ngày xưa có từ Kotodama (chữ Hán viết là Ngôn linh). Ngươi ta tin rằng có một uy lực linh thiêng nào đó trú ngụ ở trong từ ngữ. Học giả người Nhật tên là Mekada Makoto trong cuốn Tư tưởng văn nghệ Trung Quốc có nói rằng : “Người xưa tin rằng có thể cảm được sức mạnh thần bí nào đó từ những câu hát, nói một cách khác câu hát có thể động đến tâm hồn người mà mình hướng đến (…) Người con trai đang yêu hát lên nỗi lòng của mình hướng đến người con gái thì tiếng hát của anh ta có thể làm lay động tâm hồn cô gái (mà cô gái thì không nhất thiết phải nghe được những điều chàng trai hát)” (2).

Tuy nhiên, khi xã hội phát triển hơn thì người ta mở rộng nghĩa của chữ Thần để chỉ những việc mà trí tuệ người ta rất khó hiểu. Ví dụ như một khả năng siêu việt, như trong các từ : thần đồng, thần trí…

Ở mỗi người lại bộc lộ ra gương mặt một vẻ riêng rất khó hiểu, người ta gọi là thần, thần sắc, thần thái. Từ đó trong hội họa đời Tống trở đi mới có trường phái gọi là “truyền thần”.

Riêng trong tư tưởng văn học trung đại, Thần cũng trở thành một phạm trù quan trọng, mà nghĩa của nó cũng khá phức tạp :

Thứ nhất : Thần là tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá thơ văn. Những câu thơ, những bài thơ cực kỳ hay vượt ra ngoài cái hay thông thường thì người ta khen là thần cú, hay như thần. Chữ Thần này cũng thường gắn với một cảm hứng bất chợt, không hiểu nổi tạo ùa đến chớp nhoáng tạo nên bài thơ, bài văn như thể lời của thần thánh.

Thứ hai : Từ phương diện khác, phương diện nhận thức luận, người ta tin rằng có nhiều việc không thể hiểu được bằng trí, mà phải hiểu bằng thần, bằng cách thức ngưng thần. Hoạt động kỳ diệu nhất của con người là hành động trong vô thức, tức là vượt ra ngoài sự chi phối của ý thức. Cách nghĩ này bắt nguồn từ Trang Tử. Từ Trang Tử người ta áp dụng trong sáng tạo nghệ thuật trở thành một cách thức tập trung tinh thần, trầm tư mặc tưởng, nhập mê… để đạt đến những sáng tạo kỳ diệu.

Trong Dưỡng sinh chủ, Trang Tử có kể câu chuyện về Tượng Thạch với nghệ thuật vung rìu kỳ tuyệt : Có thể đẽo được vết bùn ở trên mũi người khác mà không làm động chạm đến da. Tượng Thạch không thể truyền dạy điều ấy cho ai được vì nó đạt đến mức độ “thần hóa” . Trong Đạt Sinh, Trang Tử lại kể câu chuyện về một ông lão bắt ve dễ dàng như lượm một vật gì vậy. Làm được như thế bởi ông lão đã luyện tập ném bi lên đầu gậy năm sáu tháng, trở nên thành thục. Hơn nữa khi bắt ve, ông lão không chú ý cái gì cả trong trời đất trừ cánh con ve ra. Khổng Tử phải khen rằng : “ Dụng chí bất phân, nãi ngưng ư thần…” (Tư tưởng không phân tán, tức là thần ngưng tụ…).

Tuy nhiên, Trang Tử vẫn nói chung về “ngưng thần” trong nhận thức và trong hoạt động, chứ chưa phải nói về “ngưng thần” trong sáng tạo nghệ thuật. Đến Lục Cơ trong Văn phú ông mới nói đến “linh cảm”, “tụ tinh hội thần” để đạt đến những cấu tứ kỳ lạ :

“Thoạt đầu tai thu mắt nhắm , tư tưởng tập trung, tinh thần rong chơi nơi tám cõi, tâm hồn bay bổng chốn vạn tầng. Khi hứng tới, tình le lói rồi rõ dần. Sự vật hiện ra ngay trước mắt, văn từ tuôn ra, Lục nghệ dào dạt (…) Thế rồi văn từ sôi nổi như cá mắc câu mà ra khỏi vực sâu, lời lẽ dạt dào tựa con chim trúng tên rơi từ tầng mây thẳm.(…) Có thể quán thông kim cổ trong chớp mắt, rong chơi bốn biển trong phút giây” (3).

Tư tưởng về “tụ hội tinh thần”, một cách thức mặc tưởng để đạt được những sáng tạo kỳ diệu đã mở đường cho “trừng tâm ngưng tứ” của Lưu Hiệp trong Văn tâm điêu long. Trong chương Thần tứ, Lưu Hiệp cho rằng “trừng tâm ngưng tứ” có thể vượt qua được trở ngại về không gian và thời gian, có thể bay đến nơi xa ngàn dặm, có thể cảm thông được với ngàn xưa :

“Cổ nhân nói rằng : “Thân hình ở nơi sông biển, mà lòng ở chốn triều đình”. Đó là thần tứ. Khi cấu tứ văn chương thì cái “thần” bay đi rất xa. Cho nên khi ta lặng yên ngừng suy nghĩ (tịch nhiên ngưng lự) thì ý tứ tiếp với ngàn năm; khi ta khẽ đổi sắc mặt, thì cái nhìn thấu được vạn dặm; phun châu nhả ngọc trong lúc ngâm nga, gió cuốn mây bay như thấy ngay trước mắt. Ấy là nhờ vào trí tưởng tượng chăng?”(4)

Đến Tô Đông Pha, một nghệ sĩ chịu ảnh hưởng mạnh Thiền, Lão, ông bàn đến diệu xứ, ngưng thần với luận điểm nổi tiếng :”Vẽ trúc thì trước tiên phải có cây trúc ở trong ngực” (Họa trúc tất tiên đắc thành trúc ư hung trung) , tức là phải tập trung tinh thần, cảm xúc, nhất hóa mình với đối tượng nghệ thuật để đạt đến sự thần diệu trong sáng tạo :

Khi Dữ Khả vẽ trúc
Thấy trúc không thấy người
Thân người tuy vẫn có
Nhưng đã hóa trúc rồi
Nét bút thật thanh tân
Trang Chu đời vô – hữu
Ai hay tưởng như thần

(Dữ Khả họa trúc thì
Kiến trúc bất kiến nhân
Khởi duy bất kiến nhân
Tháp nhiên di kỳ thân
Kỳ thân dữ trúc hóa
Vô cùng xuất thanh tân
Trang Chu thế vô hữu
Thùy tri thử nghi thần)

Dữ Triều Bổ chi tàng Dữ Khả họa trúc thi

(ĐLG dịch) (5)

Nghiêm Vũ trong Thương Lang thi thoại thì nói đến “nhập thần” :

“Thơ mà đạt đến cùng cực thì chỉ có một. Đó là nhập thần. Thơ mà nhập thần thì vô cùng vô biên. Riêng có Lý, Đỗ là đạt được. Nhũng người khác mà đạt được ít lắm” (6)

Đến đời Thanh, Vương Sĩ Chân đề cao thuyết thần vận. Thuyết thần vận bắt nguồn từ phê bình hội họa đời Đường. Trương Ngạn Viễn trong Luận họa lục pháp viết: “Đến như quỷ thần, nhân vật có dáng vẻ sinh động, tả được thần vận thì sau mới hoàn toàn” (7)

Đến đời Minh, Hồ Ứng Lân dùng thần vận để bình thơ :

“Thịnh Đường khí tượng mờ mịt, thần vận cất cao” (Thi tẩu).

Vương Sĩ Chân muốn coi thần vận là học thuyết của mình. Đặc trưng của thần vận là yêu cầu thơ ca phải “Hàm súc thâm viễn, ý dư ngôn ngoại”. Thực ra Vương Sĩ Chân kế thừa rất nhiều ở Tư Không Đồ đời Đường với quan niệm “Vị tại toan hàm chi ngoại”, Nghiêm Vũ đời Tống với “hứng thú thuyết”. Loại thơ phù hợp nhất với thuyết thần vận của ông là thơ Tạ Diểu, Vương Duy, Mạnh Hạo Nhiên, Vi Ứng Vật… Thuyết thần vận của ông có quan hệ mật thiết với họa phái Nam Tông (chủ trương kết hợp thi tình với họa ý, do Vương Duy đề xướng). Ông thường dùng họa để luận thơ :

“Ta từng nghe Kinh Hạo bàn về sơn thủy mà ngộ ra phép “tam muội” của thi gia. ông ta nói rằng : “Vẽ người ở xa thì không vẽ mắt, nước xa thì không vẽ sóng, núi xa thì không vẽ vân”. Vương Mậu trong Dã khách tùng thư nói : “Thái sử công giống như Quách Trung Thứ vẽ vài ngọn núi ngoài trời, lược bớt bút mực, ý ở bên ngoài bút mực”. Đạo thơ văn đại để cũng như vậy” (Tàm Vĩ tục văn) (8)

Thực ra thuyết thần vận của Vương Sĩ Chân chỉ là cách nói khác của “truyền thần” trong hội họa áp dụng trong phê bình văn học.

Viên Mai nói đến diệu ngộ trong loại thơ thần vận :

Chim kêu hoa rụng
Đều thông với thần
Người không ngộ được
Mặc gió phiêu bồng
Riêng tôi thi sĩ
Nhờ có diệu ngộ
Thấy được tính tình
Chẳng cần chữ viết

(Tục thi phẩm – ĐLG dịch) (9)

*

Ở Việt Nam, “Thần” cũng được nói từ khá sớm. Nếu không kể Thần với ý nghĩa thần linh của người Việt mà thần với ý nghĩa là một phạm trù tư tưởng văn học thì có lẽ đã có từ thời Lý Trần .

Trong Văn bia tháp sùng thiện diên linh đã dùng khái niệm thông thần :”sành phép viết để thông thần, vận bút vua đến tuyệt diệu” (10)

Trong thơ văn Nguyễn Trãi cũng hay nói đến thần cú (câu thần, câu mầu):

Trong khi hứng động vừa đêm nguyệt
Ngâm được câu thần dặng dặng ca

(Ngôn chí bài 3)

Khách lạ đến ngàn hoa chửa rụng
Câu mầu ngâm dạ nguyệt càng cao

(Thuật hứng bài 7)

Đến Hậu kỳ trung đại (từ thế kỷ 18 trở đi), “thần” không chỉ là tiêu chuẩn cao nhất đánh giá nghệ thuật mà những khía cạnh khác nhau của ý nghĩa chữ Thần – “ngưng thần” trong tư tưởng văn học Trung Quốc cũng được nói đến.

Nguyễn Văn Siêu, Miên Thẩm, nói đến thần trong hội họa. Ông dùng cách nói của Tô Đông Pha để nói về vẽ hổ :

“Họa sư nói : Trong bụng nảy ra con hổ thực
Bút mực biến hóa tay ứng với tên”

(Đỗ Văn Hỷ dịch)(11)

Chu Mạnh Trinh nhắc đến đến nguyên văn mệnh đề “cây trúc ở trong lòng” của Tô Đông Pha.

Nhữ Bá Sĩ, Bùi Dương Lịch nói đến hạ bút mong có thần và quan hệ giữa thơ với tình, thần (tương tự như Viên Mai)

Lê Quý Đôn nói đến nhập thần trong Kiến văn tiểu lục với câu chuyện kể một người chơi đàn kỳ diệu đến mức chỉ nghe thấy tiếng đàn mà không thấy người đâu cả (12)

Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ cũng có nói đến ngưng thần trong nhận thức luận và sáng tạo nghệ thuật.

Ngô Thì Nhậm viết : “Đến như phép, luật làm thơ lại là một điều huyền bí, thánh nhân không truyền lại, ta chỉ có thể hiểu bằng thần mà không thể tìm bằng trí được”(13)

Cao Bá Quát trong bài Đề sát viện Bùi Công Yên Đài anh ngữ khúc hậu cũng có nói đến việc tưởng tượng ngao du khắp nơi, vượt không gian (khắp Trung Hoa) và thời gian (ngao du với Thánh, Hiền, Hào) tương tự như “trừng tâm ngưng tứ” nói ở phần trên.

Trong Thư gửi cho một người bạn Trung Hoa họ Trình, Nguyễn Lộ Trạch cho chúng ta biết cách thức “ngưng thần” để có thể đến được nơi xa xôi hàng vạn dặm:

“Tôi thường đọc sách Phương dư lãm thắng , giận không thể mọc cánh để bay khắp núi sông, xem xét hết các kỳ quan trong vũ trụ. Bởi thế phải lòng yên mắt nhắm tưởng tượng đi chơi. Với Thái Sơn, Họa Sơn thì tưởng tượng thấythế núi thẳng vút lên, như thấy tận mắt ngọn núi cao chót vót (…) Tập trung suy nghĩ cao độ thì sẽ thấy : núi Quân sơn 12 ngọn, đảo Long câu một đôi như ẩn như hiện trước mắt (…) Người xưa nói tập trung suy nghĩ có thể thông thần, chắc không phải là nói vu vơ vậy” (14)

Khrapchenco trong Tâm lý học sáng tạo văn nghệ có nói đến vô thức trong sáng tạo nghệ thuật với các hiện tượng “vô chủ và ma nhập”, “trạng thái mơ màng”…. Điều này có lẽ cũng tương tự như “thần hứng”, “ngưng thần” trong ý thức văn học phương Đông nói ở trên. Trong khi đó ở phương Đông vấn này đã được chú ý từ rất sớm. Thần là phạm trù rất tinh tế, rất độc đáo và rất sâu sắc trong tư tưởng nghệ thuật Trung Quốc và Việt Nam thời cổ. Không chỉ trong văn học mà ngay phương diện nhận thức luận, phép “ngưng thần” cũng là điều ngày nay không thể coi thường .

—————————————

Chú thích:

1. CAO THỌ PHAN biên soạn :Hình âm nghĩa tổng hợp đại từ điển, Vương Tu Minh hiệu chỉnh, Chính trung thư cục ấn hành, Đài Bắc 1971
2. MEKADA MAKOTO :Chùgoku no bungei shisô(Tư tưởng văn nghệ Trung Quốc), Giảng đàm xã học thuật văn khố xb, Tokyo, 1991, tr.218
3. LƯU ĐẠI KIỆT chủ biên :Trung Quốc văn học phê bình sử,Quyển thượng, Đại học Phúc Đán, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1979, tr.100
4. LƯU HIỆP :Văn tâm điêu long, Đỗ Thiên Mi chú giải, Văn quang đồ thư công ty ấn hành, Đài Loan, 1956, tr.105
5. QUÁCH THIỆU NGU :Trung Quốc văn học phê bình sử, Hoằng trí thư điếm xuất bản, HongKong , tr.182
6. QUÁCH THIỆU NGU đã dẫn, tr.247
7. LƯU ĐẠI KIỆT đã dẫn, tr.162

S.T

Tags: , ,