⠀
Vai trò của Nhóm Năm trong nền âm nhạc cổ điển Nga
Họ có những tác phẩm rất nổi bật, ảnh hưởng lớn lên âm nhạc Nga và để lại một tinh thần yêu nước, khát vọng khẳng định rất đáng ngưỡng mộ.
Rimsy-Korsakov – một thành viên của Nhóm Năm.
Thập niên 1830, giới trí thức (intelligentsia) Nga nổ ra tranh luận về việc các nghệ sĩ có phủ nhận tinh thần Nga khi vay mượn văn hóa châu Âu hay chính họ đang có những bước đi quyết định trong việc làm mới và phát triển văn hóa Nga.
Tranh luận bắt đầu từ bài báo “Lá thư triết học” của Pyotr Chaadayev, đăng vào tháng 9 năm 1836. Chaadayev gọi Nga là một nền văn hóa phi thực thế đang bị ứ đọng giữa Âu và Á cũng như đặt câu hỏi hệ trọng về quá khứ lẫn tương lai của đất nước.
“Đơn độc trên thế giới, chúng ta vẫn chưa đem lại gì cho thế giới, không học hỏi được gì từ thế giới và cũng chẳng đóng góp được một tư tưởng gì trong vốn tư tưởng của nhân loại. Chúng ta không cống hiến được gì vào tiến trình của tinh thần nhân loại và bất kì thứ gì đến với chúng ta từ tiến trình ấy đều bị chúng ta làm biến dạng”.
Chaadayev cũng nói rằng trong khi Nga có khả năng noi gương châu Âu, nó đã thất bại trong việc tiếp thu những giá trị đạo đức và tư tưởng của chính nó. “Nga là gì?” sẽ là câu hỏi mà giới trí thức phải tìm câu trả lời trong suốt phần còn lại của thế kỉ.
Các Slavophile cho rằng Chaadayev đã sai và Nga có một nền văn hóa riêng biệt bắt nguồn từ Byzantium và được lan rộng bởi giáo hội Chính thống giáo Nga, họ lý tưởng hóa lịch sử Nga trước Piotr Đại đế. Trong khi đó, các Zapadniki (những người Tây hóa) lại ca ngợi Piotr Đại đế là một người yêu nước khi đã cải cách đất nước và đưa Nga thành một phần của châu Âu. Trông đợi vào tương lai hơn là nhìn về quá khứ, Zapadniki cho rằng Nga là một nước trẻ và thiếu kinh nghiệm nhưng đủ tiềm năng để trở thành một trong những nền văn minh châu Âu phát triển nhất, bằng cách vay mượn châu Âu và chuyển hóa những khó khăn của mình thành những vốn quý.
Là một nhánh của chủ nghĩa Lãng mạn Dân tộc, Nhóm Năm – gồm các nhạc sĩ Mily Balakirev, Rimsy-Korsakov, Modest Mussorgsky, Alexander Borodin và César Cui – mong muốn tạo ra một nền âm nhạc đặc trưng Nga hơn là bắt chước châu Âu hoặc dựa vào sự giáo dục của các nhạc viện (Nga trước đó hầu như không có nền âm nhạc cổ điển, âm nhạc mang tính chất Nga nhất là dân ca và nhạc tôn giáo). Nhóm sử dụng âm nhạc dân gian Nga và những giai điệu từ phần trung và cực Đông của Đế chế Nga để làm chất liệu sáng tác, lấy opera của Mikhail Glinka – người được xem là cha đẻ nhạc cổ điển Nga – làm hình mẫu.
Theo như tôn chỉ, Nhóm Năm không có ai được đào tạo sáng tác bài bản: 3 người là sĩ quan, một nhà hóa học và trưởng nhóm chỉ học chơi piano, và trưởng nhóm Mily Balakirev cho rằng hàn lâm kinh viện là mối đe dọa cho trí tưởng tượng. Nhóm luôn công kích nhạc viện Saint Petersburg và người sáng lập ra nó là Anton Rubinstein.
Tchaikovsky, từ một anh chàng bị gia đình ép đi học và làm ngành luật, đã chống lại gia đình sau 3 năm làm việc và trở thành học trò của Anton Rubinstein tại nhạc viện. Với mong muốn sáng tác những tác phẩm chuyên nghiệp với chất lượng như Haydn, Mozart, Beethoven, nhờ đó có thể vươn đến tầm đánh giá khắt khe của phương Tây, rồi vượt qua được rào cản dân tộc, nhưng vẫn giữ được những giai điệu và nhịp điệu đặc trưng của Nga; Tchaikovsky điều chỉnh và sửa chữa những luật lệ của âm nhạc châu Âu để tạo thành phong cách riêng của ông.
Tuy cùng sử dụng dân ca Nga trong sáng tác, nhưng vì Tchaikovsky là đệ tử giỏi nhất của Rubinstein nên tự động vào tầm ngắm của Nhóm Năm. César Cui tích cực chê bai bản cantata tốt nghiệp của Tchaikovsky đến độ Tchaikovsky vật vã muốn chết. Nhưng sau khi Anton Rubinstein rút lui khỏi sân khấu và Tchaikovsky bắt đầu hợp tác với Balakirev, Ngũ hổ tướng dần thân thiện hơn. Hai phe bắt đầu ca ngợi lẫn nhau, tuy vậy vì quan điểm thẩm mỹ và mục tiêu khác nhau nên Tchaikovsky không bao giờ có sự gắn bó chặt chẽ với Nhóm Năm, và ông có thái độ vừa yêu vừa ghét với tác phẩm của nhóm.
Sau khi Nhóm Năm tan rã vì Modest Mussorgsky và Alexander Borodin nghỉ thở, Tchaikovsky gia nhập nhóm Belyayev và trở thành bạn thân của nhiều nhạc sĩ đứng đầu trong nhóm, trong đó có Nikolai Rimsky-Korsakov – thành viên trẻ nhất của Nhóm Năm.
Tất nhiên, chàng trai Âu hóa và kinh viện Tchaikovsky nổi tiếng hơn các thành viên còn lại của Nhóm Năm, nhưng 5 anh em siêu nhân vẫn có những tác phẩm rất nổi bật, ảnh hưởng lớn lên âm nhạc Nga và để lại một tinh thần yêu nước, khát vọng khẳng định rất đáng ngưỡng mộ.
Theo PHẠM KHẮC HOÀNG VŨ / HOINHACSI.VN
Tags: Âm nhạc, Văn hóa Nga, Nhạc cổ điển, Nga