⠀
Vài suy nghĩ về toán học và khoa học của Việt Nam
Ngành toán nói riêng và các lĩnh vực khoa học khác của Việt Nam nói chung, so sánh với các nước khác quả là khó! Sự yếu kém cũng có rất nhiều nguyên nhân, và cũng không thể đổ lỗi hết cho những người làm khoa học.
Tác giả: TS Đặng Đình Thi.
Gần đây trên diễn đàn Humboldt, một diễn đàn của nhiều các nhà khoa học và học giả người Việt Nam, một số học giả có trao đổi về bài nói chuyện về toán học của giáo sư Hoàng Tụy tại Viện Toán học-Hà Nội, tóm tắt buổi nói chuyện này đã được đăng trên báo.
Là người đã theo dõi các thảo luận trên diễn đàn Humboldt, cũng như đã đọc một số bài viết trên Internet, so sánh giữa toán học của Việt Nam với các nước khác ở Châu á. Tôi xin có vài ý kiến như sau:
Ngành toán nói riêng và các lĩnh vực khoa học khác của Việt Nam nói chung, so sánh với các nước khác quả là khó! Sự yếu kém cũng có rất nhiều nguyên nhân, và cũng không thể đổ lỗi hết cho những người làm khoa học. Việc nhìn nhận thẳng thắn những yếu kém là rất cần thiết, tuy nhiên cũng phải lấy những điểm sáng (dù là nhỏ nhất) làm điểm tựa để hy vọng và làm động lực để phấn đấu cho từng các nhân và cả cộng đồng. So với các lĩnh khác ở Việt Nam, tôi cho rằng ngành toán và vật lý vẫn là hai ngành mạnh nhất, hai cộng đồng này đã được hình thành và đang phát triển. Hai cộng đồng này có nhiều điểm sáng để cho các cộng đồng khác noi theo, họ đã tổ chức được những buổi seminar hàng tuần, hàng tháng. Cách đây gần một năm khi bàn về tạp chí trong ngành cơ, tôi có hỏi một giáo sư ở Viện Cơ học- Hà Nội rằng “tại sao không noi gương các nhà khoa học bên ngành toán, người ta có tạp chí làm ăn khá bài bản như là , họ mời được khá nhiều các nhà toán học có uy tín ở nước ngoài vào trong ban biên tập, trong khi ngành cơ cũng có một số nhà cơ học gốc Việt ở nước ngoài tầm cỡ Quốc tế…” thì được trả lời rằng “họ không nhiệt tình”, tôi hơi ngạc nhiên vì tôi có tiếp xúc và nói chuyện với một vài nhà khoa học này nên tôi biết.
So với các ngành khác, ngành toán may mắn có được một chút lịch sử và có những người tầm cỡ tạo dựng từ thủa ban đầu như GS Lê Văn Thiêm, GS Hoàng Tụy… và xa hơn nữa ở thế kỷ 15 có hai nhà toán học là Vũ Hữu, được sử sách ghi nhận là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam, với công trình “Lập thành toán pháp” bao gồm kiến thức cơ bản về hình học và số học. Người thứ hai là trạng nguyên Lương Thế Vinh (ông nổi tiếng vì giỏi cả văn chương, âm nhạc lẫn toán học) với công trình “Đại thành toán pháp”, cả hai cuốn sách đều trở thành sách giáo khoa về toán trong lịch sử giáo dục Việt Nam hàng mấy thế kỷ.
Về tầm quan trọng của toán học, có lẽ không cần nói nhiều chỉ cần trích dẫn một câu triết lý khá sâu sắc của Galilei là đủ “toán học là ngôn ngữ của khoa học”, tôi nhớ trong một bài nói chuyện về khoa học, nhà toán học lừng danh Michael Atiyah người Anh cũng đã diễn giải như vậy.
Theo thiển ý của tôi, khoa học kỹ thuật của Việt Nam ta yếu vì có một nguyên nhân sâu xa từ thời xa xưa, ông cha ta vốn rất giỏi về văn chương và thơ ca (đây là một lĩnh vực khác cũng rất quan trọng), nhưng xã hội rất miệt thị những người làm toán, nên rất coi nhẹ việc học toán và thi toán, những người làm toán chủ yếu được phân làm những công việc sổ sách, tính thuế (lại viên), đo đạc ruộng đất, địa chất…trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú ghi rằng “Xét ra chức nha, lại cho là hèn thấp. Việc kiểm soát sổ sách không giao cho kẻ sĩ. Kẻ sĩ làm văn, cho việc lại là ti tiện nên không nhúng tay vào“. Người làm toán không được xem là kẻ sĩ, vì vậy những người thông minh tài giỏi đều theo nghiệp văn chương thơ ca, coi khinh toán học, thì làm sao chúng ta có những nhà toán học. Lịch sử của chúng ta là thế!
Xã hội có thành kiến với toán học như vậy cho nên làm sao khoa học kỹ thuật phát triển được, nhưng có một câu hỏi vẫn làm tôi suy nghĩ là nước Đại Việt bị ảnh hưởng của Trung Hoa cả ngàn năm, trong khi toán học của Trung Hoa phát triển từ rất sớm và khá mạnh, từ mấy ngàn năm về trước họ đã có những nhà toán học nổi tiếng thời đó như là Chang Tshang (ca 200-142 BC), Liu Hui (ca 220-280 BC), thế kỷ 13 có Qin Jiushao (1202-1261) cùng kỷ nguyên của Qin còn có các nhà toán học khác Li Zhi, Yang Hui, and Zhu Shiejie. Theo cố giáo sư Hoàng Xuân Hãn “Ở đời Đường, toán học bên Trung Hoa đã bành trướng đến cực Tây, mà nay ta còn có tủ sách cũ”. Trung Hoa thời xa xưa có một nền toán học mạnh như vậy, vậy mà tại sao toán học đã không được du nhập vào Việt Nam từ sớm? tôi vẫn băn khoăn câu hỏi này, chỉ đến thế kỷ 15 mới có Vũ Hữu và Lương Thế Vinh và bị đứt quãng sau đó….
Thời nay quan niệm của xã hội về toán học đã khác xưa, nhưng đúng là xã hội ta thời xưa miệt thị toán học như thế thì các ngành khoa học kỹ thuật khác lấy đâu ra, đâu có lịch sử truyền thống gì? toán học vẫn may mắn có được một chút lịch sử như vậy.
GS. Hoàng Tụy vốn là một nhà toán ứng dụng nổi tiếng, rất tâm huyết với nền khoa học và giáo dục của nước nhà, ông đi nhiều, biết nhiều, đọc những bài viết của ông là cảm nhận thấy ngay sự trăn trở, suy tư của một con người, một nhân chứng đã chứng kiến đầy đủ một quãng đường lịch sử đầy đau thương, gian khổ của một dân tộc (ông sinh trước1930 ba năm), những ý kiến của ông thường rất sâu sắc và thẳng thắn. Những tâm tình của ông trong bài nói chuyện tại Viện Toán cũng vậy, tôi tán thành với nhiều ý kiến của giáo sư trong bài viết. Tuy nhiên theo thiển ý của tôi, để toán học nói riêng và khoa học kỹ thuật của Việt Nam phát triển, chúng ta cần có một cách tiếp cận phù hợp.
Toán học nói riêng và khoa học kỹ thuật nói chung muốn phát triển, những người làm quản lý khoa học của chúng ta cần phải thiết lập các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất “highest ethical standards” và mọi người phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn này, việc đánh giá vẫn phải dựa vào các con số (ở đây là số lượng và chất lượng công trình nghiên cứu). Chúng ta cần phải dựa vào hai thứ này để đi, nó như là cái lề đường cho người mới tập đi để bám theo mà đi, đặc biệt trong lúc giông tố, đầy cát bụi (đây không chỉ là ý kiến của tôi mà là kinh nghiệm của một số nước đã làm thành công, Hàn Quốc là một ví dụ). Nếu chúng ta không bám vào những thứ này, chúng ta sẽ mất phương hướng ngay tức khắc.
Khoa học toán (mathematical sciences) bao gồm lý thuyết (pure mathematics) và toán ứng dụng (applied mathematics). Những người làm về toán lý thuyết thường chủ yếu giải quyết những vấn đề nội tại trong toán, cũng là để củng cố và phát triển một lý thuyết, một phương pháp nào đó, nhiều khi làm sáng tỏ sự hiểu biết của con người trong một vấn đề nào đó trong toán học, tất cả những nghiên cứu này ở cự ly xa gần đều để hướng tới phục vụ loài người. Những người làm toán ứng dụng thường nghiên cứu của họ có thể ứng dụng trực tiếp vào những vấn đề trong đời sống xã hội. Khó có thể nói cái này quan trọng hơn cái kia. Quan trọng là nghiên cứu này, nghiên cứu kia có thực sư đóng góp “significant contribution” về mặt lý thuyết hay ứng dụng hay không mà thôi. Nhiều trường hợp rất khó để phân biệt người này hay người kia là làm lý thuyết hay ứng dụng.
Vấn đề đối với toán học ở Việt Nam, tôi vẫn thấy thiếu những “cây cầu” để kết nối giữa toán học với các ngành công nghiệp của chúng ta “missing links”. Lấy ví dụ ngành cơ học và khoa học máy tính là hai ngành gần gũi với toán học nhất, hai ngành này có thể kết nối toán học với công nghiệp của chúng ta, chúng ta thiếu những “cây cầu” để liên kết các ngành với nhau để giải quyết các bài toán thực tiễn phục vụ kinh tế của đất nước. Tôi xin lấy một vài ví dụ để minh họa cho những “cây cầu” đó, ở Mỹ đó là:
1- Viện khoa học tính toán “The Institute for Computational Engineering and Sciences (ICES)” ở Texas, Austin.
2. Viện toán và ứng dụng “Institute for Mathematics and its Applications (IMA)” ở ĐH Minnesota, Minneapolis.
3. Viện toán lý thuyết và ứng dụng “Institute for Pure and Applied Mathematics” ở UCLA.
4. Viện khoa học sinh học toán “Mathematical Biosciences Institute” ở Columbus, Ohio.
Và nhiều viện, trung tâm nghiên cứu khác. Tôi chắc rằng chỉ khi nào chúng ta có được những “cây cầu” có hình dáng như vậy và có ngành công nghiệp đủ mạnh, có tính cạnh tranh. Khi đó xã hội sẽ thấy rõ được tầm quan trọng của toán học, và sẽ xóa bỏ được những thành kiến còn lại từ xa xưa.
Chúng ta cần phải có những nhà lãnh đạo thấu hiểu được vấn đề này!
Về công nghiệp thực ra ngành công nghiệp của chúng ta, các công ty xí nghiệp có lúc (cách đây khoảng 10-15 năm trước) đã đạt đến điểm mà tại đó, đang rất cần khoa học và công nghệ để vượt qua được sự “làng nhàng” của mình, để có thể cạnh tranh được với bên ngoài trong cơ chế thị trường, ví dụ các nhà máy đóng tàu Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Bến Kiền, nhà máy chế tạo ô tô Hòa Bình, các nhà máy phân đạm, nhà máy kẹo Hải Hà, nhà máy Chế tạo Công cụ số 1… (nhiều nhà máy xí nghiệp này bây giờ còn đâu?) thì đất nước lại có đội ngũ lãnh đạo không có đủ tâm và tầm. Trong khi chưa thấy được nhu cầu mà công nghiệp của chúng ta đòi hỏi, đã làm không nghiêm túc, không quan tâm khoa học và công nghệ, bây giờ dẫn đến một loạt các doanh nghiệp, công ty, xí nghiệp phá sản nợ nần theo thời gian. Sức cạnh tranh các ngành công nghiệp của chúng ta bây giờ rơi xuống điểm rất thấp.
Nếu chúng ta thực sự muốn phát triển được khoa học và công nghệ, chúng ta cần phải thay đổi tư duy, cần có cung cách làm ăn chuyên nghiệp, một thái độ đúng đắn của tất cả những người liên quan là hết sức cần thiết.
Theo DIỄN ĐÀN TOÁN HỌC
Tags: Khoa học, Toán học