⠀
Tương lai nào cho ‘vùng xanh’ môi trường ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội?
Những ngày này, bầu không khí ở Hà Nội liên tục trong tình trạng ô nhiễm nặng, các bảng thông báo độ ô nhiễm thường có màu đỏ và tím, nghĩa là rất nghiêm trọng. Với tình hình này, thật mừng khi thấy UBND thành phố Hà Nội công bố dự thảo nghị quyết về việc triển khai vùng phát thải thấp (Low Emission Zone – LEZ), một trong những bước quan trọng để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở Thủ đô.
Từng bước vững chắc và có lộ trình rõ ràng
Theo dự thảo trên, việc quyết định và công bố LEZ sẽ được thực hiện theo lộ trình gồm nhiều giai đoạn với những mục tiêu cụ thể. Các LEZ sẽ được xác định theo 6 tiêu chí; quận Hoàn Kiếm được chọn làm điểm thí điểm từ đầu năm 2025 rồi rút kinh nghiệm cho các quận, huyện khác học tập.
Điều đó cho thấy dù vấn đề rất cấp bách, nhưng lần này Hà Nội không vội vàng, mà làm từng bước chắc chắn, có lộ trình 3 giai đoạn rõ ràng. Đó là một cách làm phù hợp và đúng đắn để xử lý vấn đề vốn đã tồn tại từ hàng chục năm qua.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, “các phương tiện giao thông chiếm tới 30-40% lượng phát thải gây ô nhiễm không khí tại thủ đô”. Dự kiến giai đoạn 2025-2030, Hà Nội sẽ cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp; ưu tiên ôtô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4, xe máy đáp ứng tiêu chuẩn mức 2; 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng cho vùng phát thải thấp đạt 45-50%.
Các cá nhân, tổ chức sinh sống và làm việc tại vùng LEZ sẽ được ưu tiên lộ trình 12 tháng để chuyển đổi phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải cho phép lưu thông ở vùng này.
Những việc cần khẩn trương triển khai
Thách thức lớn nhất không chỉ của Hà Nội mà tất cả các đô thị lớn trong vấn đề môi trường, là hàng triệu phương tiện giao thông trên địa bàn (chủ yếu là xe máy) rất đa dạng về độ mới cũ và tình trạng xả thải khí carbon gây ô nhiễm không khí. Vì thế, từ đầu năm 2025, để triển khai vùng LEZ, Hà Nội cần mở đợt rà soát các quận huyện để thống kê và xử lý các phương tiện giao thông không còn đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải theo quy định.
Trong thực tế, chúng ta biết rằng có nhiều rất nhiều xe máy đã quá cũ, xả thải khí đen gây ô nhiễm đến mức không cần đo cũng có thể thấy. Đây là phương tiện mưu sinh của người lao động nghèo, vì thế thành phố nên ban hành chính sách để hỗ trợ người dân chuyển đổi sang phương tiện đáp ứng yêu cầu. Theo tôi, nên có những quy định, hướng dẫn cụ thể hợp tình, hợp lý để triển khai chương trình “đổi xe cũ lấy xe mới”, đồng thời phát triển hệ thống thu gom và xử lý xe cũ theo tiêu chuẩn môi trường.
Thành phố cần sớm đưa ra những chính sách ưu tiên sản xuất, lưu thông và sử dụng xe máy điện. Đây là phương tiện có ưu điểm về bảo vệ môi trường so với xe chạy xăng, nhưng chi phí sở hữu, vận hành còn cao. Do vậy việc thành phố dự kiến có gói hỗ trợ lãi suất cho người dân vay mua xe điện, đồng thời giảm phí đỗ xe và các chi phí khác cho phương tiện sạch là rất cần thiết, mong sẽ sớm trở thành hiện thực.
Hà Nội cũng cần tiếp tục đẩy mạnh các chương trình phát triển hệ thống giao thông công cộng, giúp người dân bỏ dần thói quen sử dụng xe máy. Mục tiêu cuối cùng của vùng phát thải thấp không chỉ là giảm ô nhiễm không khí, mà còn xây dựng hệ thống giao thông bền vững, thông minh cho Hà Nội.
Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước
Vấn đề giảm thiểu phát thải ở đô thị tuy còn mới với Việt Nam, nhưng trên thế giới đã được nhiều thành phố lớn áp dụng rộng rãi từ nhiều năm qua.
Đơn cử thủ đô London của Vương quốc Anh, từ những năm cuối thập niên 1990 bắt đầu triển khai nhiều biện pháp để khắc phục nạn tắc nghẽn các tuyến đường vào trung tâm và giảm bớt ô nhiễm không khí. Thời gian tôi công tác ở London đã chứng kiến chính quyền thành phố áp dụng “thuế chống nghẽn”, theo đó xe ôtô muốn vào trung tâm khung giờ cao điểm thì phải trả một khoản phí lớn hơn vé xe buýt. Mới đầu chính sách này gây tranh cãi, nhưng Hội đồng thành phố vẫn kiên quyết ban hành và kết quả sau 3 năm áp dụng, lượng khí thải NOx (nhóm khí thải gây ô nhiễm môi trường) ở London đã giảm 44%.
Thủ đô Tokyo (Nhật Bản) cũng từng thành công trong việc xử lý xe máy cũ. Nhiều người Việt thế hệ trước đây vẫn còn nhớ câu chuyện về những “núi” xe máy vứt bỏ ở bãi rác bên Nhật, được đưa về Việt Nam bán lại với giá trị cao.
Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore từ lâu đã áp dụng biện pháp hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Còn Trung Quốc thì có nhiều kinh nghiệm trong chuyển đổi từ phương tiện chạy xăng/diesel sang xe điện, mà một trong những kết quả điển hình là Thâm Quyến chỉ mất 2 năm để chuyển đổi toàn bộ 100% xe buýt công cộng sang xe điện…
Mấy ý kiến về tổ chức thực hiện
Để đảm bảo việc triển khai LEZ thành công và bền vững, bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, Hà Nội cần quan tâm giải quyết một số vấn đề sau:
Thứ nhất là về nguồn lực tài chính. Thành phố cần xây dựng kế hoạch tài chính chi tiết và đa dạng hóa nguồn vốn để thực hiện các chương trình hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện. Có thể huy động từ nhiều nguồn như ngân sách thành phố, vốn ODA, hợp tác công tư (PPP) và các quỹ môi trường… Đặc biệt, cần nghiên cứu áp dụng các công cụ tài chính xanh như trái phiếu xanh để tài trợ cho các dự án giao thông sạch.
Thứ hai là về chính sách hỗ trợ các nhóm yếu thế. Hà Nội nên thiết kế chương trình hỗ trợ đặc biệt cho người có thu nhập thấp, người lao động tự do phụ thuộc vào xe máy để mưu sinh. Gói hỗ trợ có thể bao gồm: (i) trợ cấp trực tiếp khi đổi xe cũ lấy xe mới; (ii) cho vay ưu đãi lãi suất thấp để mua xe điện; (iii) hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nếu cần thiết; và (iv) miễn giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian đầu chuyển đổi.
Thứ ba là về công nghệ và quản lý. Thành phố cần đầu tư vào hệ thống công nghệ thông minh để: (i) giám sát chất lượng không khí theo thời gian thực; (ii) quản lý và điều hành giao thông thông minh; (iii) theo dõi và đánh giá mức độ phát thải của các phương tiện; và (iv) xây dựng cơ sở dữ liệu về phương tiện giao thông và chất lượng không khí.
Thứ tư là về sự tham gia của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh các chiến dịch truyền thông sâu rộng về tác hại của ô nhiễm không khí, thành phố cần tạo cơ chế để người dân tham gia giám sát và phản hồi về quá trình thực hiện LEZ.
Với cách làm thận trọng, từng bước và có tính đến các khía cạnh kinh tế – xã hội cùng với việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế, tôi tin rằng Hà Nội sẽ thành công trong việc triển khai kế hoạch về các vùng phát thải thấp, trước hết là “vùng xanh” Hoàn Kiếm.
Theo DÂN TRÍ
Tags: Hà Nội, Phát triển bền vững, Quản lý môi trường