Tư tưởng triết học cơ bản của Friedrich Hegel

Hegel là người có công phê phán tư duy siêu hình và cũng là người đầu tiên trình bày toàn bộ giới tự nhiên, lịch sử và tư duy dưới dạng một quá trình, trong sự liên hệ, vận động, biến đổi và phát triển không ngừng.

Tư tưởng triết học cơ bản của Hegel

Tiểu sử của Hegel

Georg Wilhem Friedrich Hegel sinh ngày 27/8/1770 trong một gia đình viên chức Nhà nước tại Stuttgart, thuộc lãnh địa Württemberg, miền tây nam nước Đức. Ông là anh cả trong gia đình có ba anh em.

Hegel được nuôi dưỡng trong một môi trường Tin Lành ngoan đạo. Mẹ ông đã dạy tiếng Latin cho ông từ rất sớm.

Năm 1776, ông theo học trung học tại trường Stuttgart.

Năm 1788, Hegel theo học tại trường dòng Tin Lành thuộc Đại học Tübinger. Tại đây, ông kết bạn với nhà thơ Friedrich Hölderlin và triết gia trẻ sau này Friedrich Wilhelm Joseph Schelling. Cả ba đã có nhiều chia sẻ lẫn nhau và chịu ảnh hưởng tư tưởng của nhau.

Từ 1793 – 1797, sau khi tốt nghiệp trường Tübinger, Hegel đi dạy tư tại Bern (Thụy Điển) và Frankurt.

Năm 1799, cha ông qua đời. Được thừa kế di sản từ người cha, ông từ bỏ việc dạy tư.

Năm 1801, Hegel đến Jena và làm việc với tư cách một giảng viên, sau đó trở thành Giáo sư. Tại đây, ông đã hoàn thành một trong những tác phẩm quan trọng nhất của ông – Hiện tượng học về tinh thần (“Phenomenology of Spirit” – 1807).

Năm 1806, Pháp chiếm đóng thành phố Jena. Tháng 03/1807, Hegel đến Bamberg và làm Biên tập cho tờ báo Bamberger Zeitung.

Tháng 11/1808, Hegel làm Hiệu trưởng một trường dòng ở Nuremberg trong tám năm (đến 1816). Tại đây, ông đã đưa tác phẩm Hiện tượng học về tinh thần vào giảng dạy. Trong thời gian này, ông xuất bản tác phẩm chính yếu thứ hai của ông: Khoa học về Logic (3 tập vào các năm 1812, 1813, 1816).

Năm 1811, ông kết hôn với Marie Helena Susanna von Tucher (1791–1855) năm 1811 và có hai người con.

Năm 1816, Hegel đến Đại học Heidelberg. Ngay sau đó, năm 1817, ông cho xuất bản Đại cương Bách khoa thư về khoa học triết học (The Encyclopedia of the Philosophical Sciences in Outline) dưới hình thức tóm lược triết học của ông để giảng dạy tại Heidelberg.

Năm 1818, Hegel đến dạy tại Đại học Berlin và đến đây làm Chủ tịch Triết học (bỏ trống từ sau khi Fichte qua đời năm 1814). Năm 1821, ông cho xuất bản tác phẩm Triết học pháp quyền (1821). Ông gắn bó ở đây và qua đời vào ngày 14/11/1831 vì bệnh dịch tả.

Nhưng năm tháng cuối đời, Hegel tập trung giảng dạy về mỹ học, lịch sử triết học, triết học tôn giáo, triết học lịch sử. Các ghi chú giảng bài của ông và các ghi chú bổ sung của sinh viên được xuất bản sau khi ông qua đời: Mỹ học (1835 – 1838), Nhữn bài giảng về lịch sử triết học (1833 – 1836), Những bài giảng về triết học tôn giáo (1832), Nhữn bài giảng về triết học lịch sử (1837).

Ngoài ảnh hưởng mạnh mẽ tư tưởng Hy Lạp (Parmenides), Hegel còn đọc các tác phẩm của triết gia Hà Lan Baruch Spinoza, văn hào Pháp Jean Jacques Reussau và các triết gia Đức Immanuel Kant, Johan Gottlieb Fichte, Schelling. Dù ông thường xuyên bất đồng với những triết gia này nhưng ảnh hưởng của họ trong các tác phẩm của ông là rất rõ ràng.

Điều kiện kinh tế – xã hội hình thành tư tưởng triết học của Hegel

Điều kiện kinh tế – xã hội hình thành nên tư tưởng triết học Hegel là cũng là điều kiện kinh tế – xã hội của triết học cổ điển Đức.

Nước Đức từ cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX vẫn là một quốc gia phong kiến cát cứ điển hình, lạc hậu về kinh tế và chính trị. Tình trạng cát cứ ấy đã gây trở ngại lớn đối với phát triển kinh tế. Về xã hội, giai cấp tư sản mới ra đời còn non yếu về mọi mặt; quần chúng lao động bất bình với chế độ đương thời.

Trong khi đó, ở Tây Âu, chủ nghĩa tư bản đã hình thành ở nhiều nước, đã đem lại một nền sản xuất phát triển mở đầu cho nền văn minh công nghiệp, khẳng định tính chất ưu việt của chủ nghĩa tư bản so với chế độ phong kiến.

Khác với tình hình chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học nước Đức thời kỳ này khá phát triển do kế thừa tinh hoa văn hóa phương Tây trước đó, di sản văn hóa Đức, văn hóa Pháp vá các thành tựu khoa học tự nhiên đương thời.

Sự lạc hậu của nước Đức, sự phát triển của các nước Tây Âu về kinh tế – xã hội, sự phát triển của khoa học đã thức tỉnh tính phản kháng của giai cấp tư sản Đức và đòi hỏi giai cấp tư sản Đức phải có cách nhìn mới về tự nhiên, xã hội và con người. Giai cấp tư sản Đức muốn làm cách mạng tư sản như các nước Tây Âu, muốn xây dựng nền triết học theo yêu cầu mới, song do mởi ra đời nên còn yếu kém về số lượng, kinh tế và chính trị nên họ giữ lập trường cải lương trong việc giải quyết những vấn đề của đất nước. Chính điều đó quy định nét đặc thù của triết học cổ điển Đức nói chung và triết học của Hegel nói riêng: nội dung cách mạng dưới một hình thức duy tâm bảo thủ; đề cao vai trò tích cực của tư duy con người, coi con người là một thực thể hoạt động, là nền tảng, là điểm xuất phát của mọi vấn đề triết học.

Tư tưởng triết học cơ bản của Hegel

Tư tưởng về nguồn gốc thế giới

Hegel là nhà duy tâm khách quan, ông cho rằng khởi nguyên của thế giới không phải là vật chất mà là “ý niệm tuyệt đối” hay “tinh thần thế giới” . Ông coi tinh thần thế giới là cái có trước, vật chất với tính cách dường như là sự thể hiện, sự biểu hiện cụ thể của tinh thần thế giới, là cái có sau; tinh thần là đấng sáng tạo ra vật chất. Tính phong phú, đa dạng của thế giới hiện thực là kết quả của sự vận động và sáng tạo của ý niệm tuyệt đối. Tinh thần thế giới – ý niệm tuyệt đối tồn tại vĩnh viễn và chứa đựng dưới dạng tiềm năng tất cả của mọi hiện tượng tự nhiên và xã hội. Nó là nguồn gốc và động lực của mọi hiện tượng tự nhiên và xã hội.

Tinh thần thế giới hay ý niệm tuyệt đối trong quá trình phát triển của nó diễn ra qua các giai đoạn khác nhau, ngày càng thể hiện đầy đủ nội dung bên trong nó. Đầu tiên nó phát triển trong bản thân nó, sau đó thế hiện dưới hình thức tự nhiên – thế giới vô cơ, hữu cơ và con người, tiếp nữa thể hiện dưới hình thức nhà nước, nghệ thuật, tôn giáo và triết học. Theo hệ thống của Hegel, toàn bộ thế giới muôn màu, muôn vẻ là sản phẩm của sự phát triển tự nhiên của ý niệm với tính cách là lực lượng sáng tạo, là tổng hòa của mọi hình thức khác nhau của sự biểu hiện ý niệm. Bởi vậy, học thuyết của Hegel coi tính thứ nhất là tinh thần, tính thứ hai là vật chất do ý niệm tuyệt đối và tinh thần thế giới sinh ra và quyết định, là một sự “tồn tại” khác của tinh thần sau khi trải qua giai đoạn “tồn tại khác” ấy, ý niệm tuyệt đối hay tinh thần thế giới mới trở lại “bản thân mình” và đó là giai đoạn cao nhất, giai đoạn tột cùng, được Hegel gọi là “tinh thần tuyệt đối”. Đó cũng chính là sự thể hiện riêng về mặt triết học những lời khẳng định của tôn giáo rằng Thượng đế sáng tạo ra thế giới.

Có thể nói, trong việc giải quyết vấn đề cơ bản của triết học, Hegel chỉ lặp lại những điều mà các nhà duy tâm trước đó đã nói, song cái mới trong học thuyết của ông chính là chỗ ông xem xét tinh thần thế giới, ý niệm tuyệt đối là một quá trình phát triển không ngừng, và ông là một nhà triết học hoàn chỉnh phép biện chứng duy tâm, phép biện chứng của ý niệm tuyệt đối, tinh thần thế giới với tính cách là cơ sở đầu tiên và nguồn gốc của mọi tồn tại.

Tư tưởng biện chứng của Hegel

Thành tựu lớn nhất của nền triết học cổ điển Đức là phép biện chứng. Phép biện chứng duy tâm khách quan của triết học cổ điển Đức bắt đầu từ Kant, qua Fichte, Schelling và đỉnh cao là Hegel.

Theo Hegel, triết học là sự xem xét đối tượng một cách có suy nghĩ. Đối tượng của triết học, theo ông, là trùng với đối tượng của tôn giáo, đó là khách thể tuyệt đối vô hạn Thượng đế. Còn tư duy nói chung là cái làm cho con người khác động vật. Thành tựu quan trọng về triết học Hegel là phương pháp biện chứng mà hạt nhân hợp lý của nó là tư tưởng về sự phát triển.

Phương pháp biện chứng của Hegel là phương pháp suy ngẫm về thế giới. Kết quả của phương pháp này là hình ảnh suy tư chỉnh thể về thế giới chứ không phải là bức tranh thế giới thu được nhờ kết quả của khoa học cụ thể. Để suy ngẫm về thế giới, Hegel đã bao trùm lên nó một hệ thống phạm trù hay đúng hơn là quan niệm lý trí về thế giới. Phương pháp biện chứng được thể hiện xuyên qua toàn bộ hệ thống triết học của ông từ logic học, triết học tự nhiên đến triết học tinh thần.

Trong tác phẩm Logic học, khi trình bày “ý niệm tuyệt đối” vận động và phát triển, Hegel cho rằng đó là sự tự vận động nội tại của “ý niệm tuyêt đối”. Tự vận động tức là sự thay đổi các hình thức khác nhau của “ý niệm tuyệt đối”. Lenin tìm thấy hạt nhân hợp lý trong phương pháp biện chứng của Hegel là sự tự vận động. Nội dung hợp lý sâu sắc trong quan điểm trên của Hegel là mối liên hệ tất yếu, là nguồn gốc nội tại của những sự khác nhau. Khi trình bày “ý niệm tuyệt đối” phát triển, Hegel thừa nhận tồn tại, bản chất, khái niệm là ba sự quy định, ba hình thức chủ yếu trong quá trình phát triển ở lĩnh vực logic. Hạt nhận hợp lý trong logic của Hegel là sự phù hợp với quá trình suy nghĩ của con người: mới nhìn vào sự vật thấy tồn tại, đi sâu vào sự vật tìm ra bản chất, khi nắm bản chất ta rút ra khái niệm.

Trong tác phẩm Logic học, ở phần tồn tại, Hegel cũng đã diễn đạt các phạm trù chất, lượng, độ và tư tưởng biện chứng về sự chuyển hóa lượng – chất. Ở phần bản chất, Hegel diễn đật các phạm trù bản chất, hiện tượng, quy luật, khả năng và hiện thực, nguyên nhân và kết quả, trình bày học thuyết mâu thuẫn nguồn gốc của sự phát triển. Ở phần khái niệm, Hegel đã diễn đạt các phạm trù cái chung và cái riêng, quy nạp và diễn dịch, phân tích và tổng hợp, đã diễn đạt các nguyên lý sự hoạt động có mục đích của con người, sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, tổng hợp lại quan niệm phát triển với tư cách là phủ định của phủ định. Sự biện chứng của Hegel còn được thể hiện ở chỗ ông đã đặt ra vấn đề sự thống nhất của quá trình logic với quá trình lịch sử; logic học, nhận thức luận đều là sự tổng hợp của quá trình lịch sử; ông nêu lên tính hạn chế của logic hình thức và đòi hình thành một logic nội dung thực tế, sinh động; ông nêu lên tư tưởng thống nhất giữa phép biện chứng, logic học và lý luận nhận thức.

Trong triết học tự nhiên, hạt nhân hợp lý trong phép biện chứng của Hegel là tư tưởng về sự thống nhất giữa vật chất với vận động, dự đoán không gian, thời gian và vận động có mâu thuẫn bên trong, ở đó thể hiện tính thống nhất giữa tính gián đoạn và tính liên tục; là tư tưởng cho rằng sự khác biệt hóa học về chất bị phụ thuộc vào những thay đổi về lượng, là sự biện chứng của quá trình hóa học; là mối liên hệ hữu cơ giữa hóa học và vật lý, quá trình hóa học là khâu chuẩn bị cuối cùng cho đời sống hữu cơ.

Trong triết học tinh thần, hạt nhân hợp lý trong phép viện chứng của Hegel thể hiện ở chỗ ông coi sự phát triển của lịch sử là hợp quy luật; sự phát triển của lịch sử không tuần hoàn mà đi lên, mỗi thời đại lịch sử đều có đặc điểm riêng và quá trình phát triển của lịch sử là có tính kế thừa.

Tư tưởng của Hegel về con người

Nguyên lý xuất phát triết học Hegel là sự thống nhất giữa tư duy và tồn tại, giữa tinh thần và thế giới và thế giới được hiểu như hiện thân của tinh thần đó. Tư duy, tinh thần, theo Hegel là nguồn gốc duy nhất của mội cái trong tồn tại. Thế giới tự nhiên la tư duy đã tha hóa, là tư duy tồn tại dưới dạng vật chất. Tư duy khi suy tư về chính bản thân mình thì nó đã lấy chính bản thân mình làm đối tượng dể tư duy. Nói cách khác, Hegel coi thế giới vật chất chính là con người vô cơ, con người ở giai đoạn chưa hình thành. Còn con người bằng xương, bằng thịt theo Hegel là con người đã phát triển đầy đủ, là con người trở về chính bản thân nó với tất cả những đặc tính vốn có của mình.

Hegel đã quy mọi quá trình của hiện thực thành quá trình tư duy, quy lịch sử hiện thực về lịch sử tư duy, quy hoạt động thực tiễn của con người về quá trình tự ý thức, tự nhận thức. Hegel coi con người vừa là chủ thể vừa là kết quả của chính quá trình hoạt động của mình; con người vừa là chủ thể, đồng thời là mục đích của sự phát triển lịch sử; tư duy và trí tuệ con người hình thành và phát triển trong chừng mực con người nhận thức và cải biến thế giới, đối lập với bản thân mình thành cái của mình, ý thức con người là sản phẩm của lịch sử xã hội, hoạt động của con người càng phá triển thì ý thức của nó càng mang bản chất xã hội.

Hegel coi con người là sản phẩm và cũng là giai đoạn phát triển cao của tinh thần tuyệt đối. Hoạt động nhận thức và cải tạo thế giới của con người là công cụ để tinh thần tuyệt đối nhận thức chính bản thân mình. Hegel tiếp cận được quan niệm coi ý thức con người, nhân cách con người là sản phẩm của lịch sử.

Con người và khả năng lớn lao của lý trí con người

Hegel đã thiết lập mệnh đề tổng quát rằng “cái gì có lý tính là hiện thực và cái gì hiện thực là lý tính” (“Whatever is reasonable is true, and whatever is true is reasonable”), từ mệnh đề này ông đi đến kết luận rằng bất cứ cái gì tồn tại đều có thể hiểu được. Điều này ông đi ngược lại với những gì mà Kant đã đề cập đến nhưng cho là không thể giải quyết được trong nhận thức của lý trí thuần tuý như: Vấn đề Thượng Đế, Bản Ngã và Vũ trụ. Bằng tổng hợp triết học đồ sộ của mình, Hegel tin lý trí con người có thể lý giải tất cả mọi vấn đề của thực tại.

Riêng vấn đề con người, khác với Kant, Hegel cho rằng các phạm trù không phải như là những quá trình của tinh thần mà như là những thực tại khách quan có sự tồn tại độc lập với cá thể tư duy. Ông xem xét những chủ đề về sự tha hóa của con người khỏi Thượng Đế và sự phục hồi của sự duy nhất bị đánh mất giữa cái hữu hạn và cái vô hạn, sự vô hạn này là đời sống sáng tạo vốn ôm ấp mọi tư tưởng trong một vũ trụ duy nhất và đó chính là Thượng Đế hay Toàn Thể hoặc là Thực tại như là một toàn thế.

Trong tác phẩm chính đầu tiên của ông là Hiện tượng học về tinh thần (Phenomenology of the Spirit), Hegel đề cập đến khả năng biện chứng của con người, “khởi đi với những mức độ thấp nhất của ý thức và công trình của con người một cách biện chứng hướng đến mức độ mà ở đó tâm trí con người đạt tới quan điểm tuyệt đối”. Tư duy và trí tuệ của con người hình thành và phát triển trong chừng mực con người nhận thức và cải biến thế giới đối lập với bản thân mình thành cái của mình, ý thức con người là sản phẩm của lịch sử xã hội, hoạt động của con người càng phát triển thì ý thức của nó càng mang bản chất xã hội.

Con người trong tương quan với nhà nước

Hegel cũng xem xét con người trong tương quan với nhà nước. Theo ông giữa cá nhân và nhà nước có hai biện chứng, đó là gia đình và xã hội, vì thế: “Con người có được hiện hữu là nhờ nhà nước” và nhờ quá trình biện chứng.

Hegel chủ trương nhà nước là một cơ quan tìm cách phát triển ý niệm tự do tới mức tối đa, và cá nhân chỉ đạt sự tự do khách quan khi mỗi cá nhân cũng làm như thế. Ông quan niệm giá trị của con người tùy thuộc sự đáp ứng sáng tạo của họ trước sự khai mở của ý niệm tự do. Hegel cho rằng các cá nhân có ý thức về tự do và diễn tả tự do của họ một cách cụ thể nhất bằng hành vi ý chí. Ông coi ý chí và lý trí gần đồng nghĩa với nhau “chỉ khi trí tuệ suy nghĩ, ý chí mới là ý chí tự do”. Theo ông tự do cao nhất khi cá nhân hành động theo ý chí phổ quát, hợp lý với toàn thể xã hội.

Ông quan niệm rằng quá trình biện chứng đến mức nào đó sẽ xuất hiện của một tình trạng không xung đột: nếu không còn xung đột thì sẽ không còn biến dịch nữa. Ông xem đó là một xã hội hữu cơ, trong đó mỗi cá nhân là một bộ phận chức năng hài hoà với toàn bộ, họ tuỳ thích phụng sự lợi ích của một toàn thể lớn hơn bản thân họ rất nhiều. Ông tin rằng một xã hội như thế hoàn toàn vượt quá những giá trị của chủ nghĩa cá nhân tự do: “nhà nước là ý niệm của tinh thần trong sự biểu hiện bên ngoài của ý chí con người và tự do của nó”.

Tóm lại, Hegel đã có công “cứu” lý trí con người khỏi quan điểm chật hẹp của các triết gia Duy Lý và Duy Nghiệm trước ông. Ngoài ra, Hegel đã có công nối kết tư tưởng của hai trường thái triết học này trong khi xây dựng quan điểm độc đáo của riêng mình. Bên cạnh đó ông cũng đã đi ngược lại quan điểm của Kant về khả năng giới hạn nhận thức của con, bằng cách đề cao khả năng to lớn của lý trí con người trong khi nhận thức mọi thực tại. Theo Hegel “bất cứ cái gì tồn tại thì đều có thể hiểu được”.

Tư tưởng của Hegel về đạo đức

Quan điểm triết học của Hegel về đạo đức luôn gắn với pháp quyền, mục đích chủ yếu của đạo đức học Hegel là phân tích xã hội đang tồn tại chứ không phải cái hiện thực cần phải có. Hegel nghiên cứu đạo đức, pháp quyền, nhà nước, gia đình là biểu hiện của sự tha hóa “tinh thần đạo đức khách quan”.

Pháp quyền dưới góc nhìn đạo đức của Hegel, quan điểm biện chứng về pháp quyền theo một trình tự nhất định từ thấp lên cao. Pháp quyền bắt nguồn từ luân lý và đời sống đạo đức (gia đình, xã hội dân sự, nhà nước) đến lịch sử thế giới (pháp quyền tối cao). Trong tác phẩm Triết học pháp quyền, lĩnh vực đạo đức hay từ của ông dùng là “thực thể đạo đức” bao gồm ba giai đoạn: giai đoạn thứ nhất là gia đình, giai đoạn thứ hai là xã hội công dân, giai đoạn thứ ba là nhà nước.

Quan hệ đạo đức của Hegel về gia đình là sự kết hợp giữa bản năng và tình yêu một cách bền chặt và khách quan. Hegel không xem xét hôn nhân, gia đình dưới khía cạnh sinh học, mà xem xét dưới khía cạnh đạo đức. Hegel cũng đồng tình về tính tuyệt đối trong hôn nhân với quan điểm một vợ một chồng và những người có chung huyết thống không được lấy nhau. Hegel cũng cho rằng sự khác biệt tính phái biểu hiện qua sự phân chia bổn phận giữa vợ và chồng trong gia đình mang tính đạo đức. Người chồng quản lý tài sản của cả gia đình, và có trách nhiệm chủ yếu ngoài xã hội, trong khi đó người vợ lại có khuynh hướng hướng nội đối với gia đình.

Quan điểm triết học về đạo đức của Hegel thể hiện việc trình bày các phạm trù đạo đức, đặc biệt là phạm trù cái thiện và cái ác trong những mâu thuẫn nội tại và sự chuyển hóa giữa chúng với nhau. Hegel đã thấy được quy luật của sự vận động và phát triên, trong quá trình phát triển của lịch sử, trong những điều kiện nhất định, cái ác và cái thiện có thể chuyển hóa lẫn nhau, cái ác có thể trở thành cái thiện và cái thiện cũng có thể trở thành cái ác. Theo quan điểm biện chứng của Hegel, hai phạm trù thiện và ác, là sự thể hiện trọn vẹn ý chí của con người đối với cái toàn năng, biểu hiện sự thống nhất giữa đạo đức cá nhân và các quyền lợi chung. Nghĩa vụ đạo đức cao cả là yêu nước, phục tùng nhà nước.

Đỉnh cao của học thuyết về đạo đức của Hegel lý luận về nhà nước, Hegel coi nhà nước là mục đích tự thân, là cái hợp lý tự nó và cho nó, trong đó nhà nước tự do đạt tới pháp luật tối cao phù hợp với nó. Ngược lại với quan niệm của triết học Khai sáng Pháp coi nhà nước phải phục vụ lợi ích của cá nhân, Hegel cho rằng nhà nước có ý nghĩa tuyệt đối bậc nhất đối với lợi ích của từng cá nhân cụ thể, nó là sự thực hiện tự do đích thực trong thế giới. Ông không chỉ tuyên bố nhà nước là sự thực hiện tự do, mà còn là sự chu du của Thượng đế trong thế giới. Vì vậy, khái niệm nhà nước của Hegel không chỉ mang tính chất duy tâm, mà còn có tính chất thần thánh nữa. Hegel coi nhà nước là giai đoạn phát triển cao nhất của thực thể đạo đức so với gia đình và xã hội công dân, Hegel đã đặt nhà nước đứng trên nấc thang phát triển cao hơn so với xã hội công dân và xã hội công dân hoàn toàn phụ thuộc vào nhà nước. Hơn nữa, ông đã phân biệt nhà nước hiện thực với nhà nước lý tưởng và cho rằng nhà nước hiện thực có thể xấu xa, còn nhà nước lý tưởng là tốt đẹp, bởi nó là “Thượng đế hiện thực”.

Hegel coi nhà nước lý tưởng là nhà nước quân chủ Phổ, đạo đức mà ông xây dựng là đạo đức bảo vệ nhà nước quân chủ Phổ. Theo ông, nhà nước Phổ là sự thể hiện hoàn thiện nhất của “ý niệm đạo đức” – tức sự thần bí hóa các mối quan hệ xã hội. Chính vì là một nhà triết học duy tâm khách quan nên tư tưởng của Hegel về đạo đức, nhà nước và pháp quyền hoàn toàn mang màu sắc thần bí, các mối quan hệ xã hội, công dân, nhà nước chỉ được coi là sự thể hiện của ý niệm đạo đức. Theo đó, pháp quyền hay quyền hạn Nhà nước sẽ không bị ràng buộc bởi những luân lý thuộc cấp độ thấp hơn (gia đình, xã hội), nhưng phải chịu sự tác động của quyền hạn tuyệt đối của tinh thần thế giới (cấp độ cao hơn), có thể hiểu như tòa án thế giới. Như vậy, Hegel là đại biểu của một nền đạo đức học định chế, theo đó con người không phải làm bất kỳ điều gì khác ngoài những gì đã qui định trong một cộng đồng đạo đức. Theo đó, sự đúng đắn và bổn phận của con người trong xã hội do bản thân chính xã hội đó tạo ra.

Quan điểm về đạo đức của Hegel có ảnh hưởng lớn đến quan điểm chính trị và xã hội của ông. Về phương diện đạo đức, Hegel cho rằng việc khẳng định hay phủ định một vấn đề nào đó chủ yếu xuất phát từ nhận thức cá nhân. Tuy nhiên, bổn phận, trách nhiệm của con người trong xã hội không hẳn là sản phẩm của các phán đoán, nhận thức của cá nhân, đây là sản phẩm của quá trình phát triển nhằm vượt lên trên những nhận thức đơn lẻ của các cá nhân trong xã hội. Bổn phận, trách nhiệm của cá nhân chỉ thể hiện đầy đủ và trọn vẹn khi các cá nhân được đặt trong những mối quan hệ của xã hội, đây chính là bối cảnh duy nhất thế hiện bổn phận, trách nhiệm của cá nhân. Vì thế, Hegel coi tư cách công dân là một trong những bổn phận cao cả nhất mà mỗi cá nhân phải đảm bảo thực hiện. Như vậy, theo Hegel, nhà nước là sự biểu hiện của ý chí mang tính phổ biến, là sự thể hiện cao nhất của tinh thần đạo đức. Việc cá nhân phải phục tùng ý chi mang tính phổ biến này thể hiện hành vi tự do, thuần lý của cá nhân. Ông cũng bày tỏ sự phản đối gay gắt đối với những nhà nước hạn chế sự tự do, và cho rằng điều này là không chấp nhận được về mặt đạo đức.

Ý nghĩa tư tưởng triết học của Hegel

Qua việc trình bày một số quan điểm triết học của Hegel về duy tâm, con người, đạo đức, chúng ta thấy được sự vận dụng một cách có hệ thống phương pháp biện chứng của Hegel, tức là phương pháp nêu mâu thuẫn và biểu diễn quá trình biến chuyển của mâu thuẫn. Hegel là người có công phê phán tư duy siêu hình và cũng là người đầu tiên trình bày toàn bộ giới tự nhiên, lịch sử và tư duy dưới dạng một quá trình, trong sự liên hệ, vận động, biến đổi và phát triển không ngừng. Chính vì thế, phương pháp của Hegel đã phản ánh đầy đủ hơn quá trình lịch sử thực tế, đồng thời cho rằng trong mỗi giai đoạn nhất định đều có những mâu thuẫn nội bộ nhất định, và sự phản ánh quá trình đó được thực hiện một cách có thứ tự, hệ thống. Tuy nhiên, Hegel cho rằng quá trình phát triển vật chất là do mâu thuẫn của hoạt động tinh thần, dẫn đến khẳng định tinh thần quy định sự tiến hóa, hoạt động tinh thần sáng tạo ra thế giới. Do đó, ông đã khẳng định việc con người sáng tạo thế giới lịch sử.

Triết học duy tâm chủ quan của Hegel là đỉnh cao của triết học cổ điển Đức, ông là người đã trình bày một cách có hệ thống tư tưởng biện chứng duy tâm, đã triển khai các phạm trù và quy luật của phép biện chứng xuất phát từ “ý niệm tuyệt đối”.Trong hệ thống triết học duy tâm của mình, Hegel không chỉ trình bày các phạm trù như: chất, lượng, phủ định, mâu thuẫn mà ông còn là người có thể diễn đạt được một số các quy luật theo phương pháp biện chứng như quy luật lượng đổi dẫn đến chất đổi và ngược lại, quy luật phủ định của phủ định với tư cách là sự phát triển đi lên theo hình xoắn ốc và quy luật mâu thuẫn với tư cách là nguồng gốc động lực của sự phát triển.

Học thuyết triết học của Hegel đã đưa phương pháp biện chứng thành trung tâm, thành hạt nhân chủ yếu của toàn bộ mọi vấn đề của triết học. Phương pháp tư duy biện chứng đã được Hegel nghiên cứu một cách đầy đủ nhất và có căn cứ vững chắc, đây là một trong những phương pháp nghiên cứu chưa từng từng có trong lịch sử triết học trước Marx. Phép biên chứng của Hegel biểu hiện ra là lý luận nhận thức, hình thức cao nhất của logic học, của tư duy logic.

Chính phép biện chứng duy tâm khách quan của Hegel đã trở thành một trong những tiền đề lý luận trực tiếp cho triết học Marx ra đời. Chính Marx đã đánh giá cao tư tưởng của Hegel: “tính chất thần bí mà phép biện chứng đã mắc phải trong tay Hegel tuyệt nhiên không ngăn cản Hegel trở thành người đầu tiên trình bày một cách bao quát và có ý thức những hình thái vận động chung của phép biện chứng. Ở Hêghen phép biện chứng bị lộn ngược đầu xuống đất. Chỉ cần dựng nó lại sẽ phát hiện hạt nhân hợp lý đằng sau cái vỏ thần bí của nó”. Marx đã kế thừa hạt nhân hợp lý trong tư tưởng triết học của Hegel là phép biện chứng để phát triển thành phép biện chứng duy vật biện chứng triệt để nhất. Như vậy, nhờ vào tiền đề phép biện chứng của Hegel và sự nhận thức thế giới khách quan dụy vật của Marx, mà triết học đã xuất hiện lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học, lý luận chủ nghĩa Marx-Lenin.

Hegel tuy có tư tưởng xuất sắc về phép biện chứng, có sự khái quát, phân tích các khái niệm, phạm trù triết học sâu sắc nhưng do xuất phát từ quan điểm của chủ nghĩa duy tâm chủ quan nên các học thuyết, tư tưởng của ông còn mang đậm màu sắc thần bí, xa rời thực tế. Mặt khác, việc thừa nhận “ý niệm tuyệt đối”, “ ý niệm đạo đức”, tư tưởng về nhà nước, pháp quyền như là sự hiện thực lý tưởng của đạo đức đã khiến triệt học của Hêghen không nhìn ra được các quy luật khách quan của đời sống xã hội, để tạo nên thế giới quan, phương pháp luận có thể cái tạo thực tiễn xã hội. Triết học của Hegel đầy mâu thuẫn, là một hệ thống duy tâm mà thực chất của nó “là ở chỗ lấy cái tâm lý làm điểm xuất phát, từ cái tâm lý suy ra giới tự nhiên” (Lenin).

S.T

Tags: ,