Tư bản lái súng đang dắt mũi thế giới như thế nào?

Các ông trùm không dễ đầu hàng. Để thúc đẩy việc kinh doanh, họ vẽ ra hàng loạt hiểm họa mới cho nước Mỹ dù nó có thực sự tồn tại hay không.

Từ năm 1961, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã khuyến cáo người dân cảnh giác với các tập đoàn công nghiệp quân sự. Theo đó, cuộc chiến tranh Lạnh khiến mọi người sợ hãi, làm tăng nhu cầu mua sắm vũ khí mà kết quả là mang lại hàng đống tiền cho các tập đoàn quân sự nhưng lại làm thâm hụt ngân sách, cắt giảm phúc lợi xã hội.

Điều đáng buồn là chẳng ai chú ý tới lời cảnh báo của Eisenhower. Và khi Tổng thống này bước xuống, các nhà thầu quân sự càng có dịp thổi phồng mối đe dọa Liên xô. Họ bán cho Chính phủ đủ loại vũ khí, nặng có, nhẹ có… vừa kiếm được tiền, vừa được tiếng là những người bảo vệ đất nước khỏi “làn sóng Đỏ”.

Việc kiếm tiền diễn ra đơn giản như thế cho tới khi Tổng bí thư Liên Xô Gorbachev và Tổng thống Mỹ Reagan đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh Lạnh. Và khi Liên Xô sụp đổ, các tập đoàn quân sự “buồn thiu” vì Chính phủ Mỹ không có lý do gì để mua thêm vũ khí của họ.

Các ông trùm không dễ đầu hàng. Để thúc đẩy việc kinh doanh, họ vẽ ra hàng loạt hiểm họa mới cho nước Mỹ dù nó có thực sự tồn tại hay không. Đại diện cho kế hoạch này là những người theo trường phái tân bảo thủ. Họ kêu gọi, cổ súy việc biến nước Mỹ thành siêu cường duy nhất trên thế giới. Và cũng bởi hầu hết những người này là đồng minh của Israel, đầu tiên họ biến Trung Đông với đạo Hồi trở thành mục tiêu mới, thay thế cho Liên Xô.

Sau khi Phó Tổng thống Dick Cheney khéo léo biến nội các của Tổng thống George W. Bush thành trụ sở của phe tân bảo thủ, họ cáo buộc Taliban gây ra vụ 11/9, Iraq có vũ khí hủy diệt hàng loạt và các thành phố của Mỹ có thể bị đánh bom hạt nhân.

Chỉ cân phân tích vụ việc này là thấy bộ mặt giả dối của chính quyền Mỹ bị những “kẻ diều hâu giật dây”. Những kẻ cướp máy bay, gây ra vụ 11/9 là người Saudi Arabia chứ không phải Afghanistan hay Iraq. Vậy mà hai nước này lại bị gắn cho cái mác là mối đe dọa khủng bố và nhanh chóng bị Mỹ đánh bại, chiếm đóng, gây ra bao đau thương, tổn thất hàng nghìn tỉ USD…

Chưa hài lòng với khoản tiền kiếm được từ cuộc chiến chống khủng bố, giới thầu quân sự còn làm gia tăng sự lo ngại về việc Trung Quốc trỗi dậy. Đây là trường hợp hiếm hoi mà các nhà thầu làm đúng bởi con rồng châu Á phát triển kinh tế thần tốc, kéo theo sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng vũ trang, nhất là hải quân. Để đáp lại nguy cơ đó, Chính phủ và người dân Mỹ xây thêm căn cứ, đóng thêm tàu chiến…  Tới nay, quyết định này vẫn đúng bởi nó góp phần kiềm chế Trung Quốc, tránh để nước này phá thế cân bằng, ổn định trong khu vực tồn tại hàng chục năm qua.

Thế nhưng Trung Quốc chỉ là trường hợp hiếm hoi các tập đoàn quân sự hành động đúng. Còn việc họ thổi phồng nguy cơ tên lửa, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Iran… chưa có cơ sở xác thực. Triều Tiên nổ bom hạt nhân vì họ bị Mỹ cùng đồng minh cấm vận, bao vây. Bình Nhưỡng khát khao vũ khí nguyên tử vì xung quanh họ lúc nào cũng có hàng chục nghìn quân Mỹ cùng khí tài hiện đại. Giống như mọi quốc gia từ cổ tới kim, họ cần vũ khí tự vệ.

Ở Iran, sau bao lần thanh sát, các chuyên gia của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) chả tìm thấy bằng chứng xác thực rằng nước này phát triển vũ khí nguyên tử. Tất cả chỉ là những nghi ngờ, là những cáo buộc chưa có căn cứ vững chắc.

Những hành động vụ lợi, phục vụ lợi ích bản thân đó khiến nhân dân không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều nơi khốn khổ. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, năm 2011, cả thế giới chi 1.740 tỷ USD cho quân sự, tăng so với mức 1.630 tỷ USD năm 2010. Đây là con số khổng lồ, chiếm hơn 10% GDP nước Mỹ, thừa sức chống biến đổi khí hậu, cứu đói gần một tỉ người trên toàn thế giới.

Sự thực hiện ra rõ ràng như vậy nhưng chẳng mấy ai nhận ra, chống lại những mưu đồ quỷ quyệt này. Và nếu có, với nguồn lực hạn chế so với những ông chủ quân sự lắm tiền, nhiều của, thừa quan hệ, quyền lực thì họ cũng nhanh chóng bị đè bẹp.

Có lẽ ngày thế giới thực sự hòa bình, không có xung đột, động dao động súng còn ở rất xa.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE (2012)


Tags: ,