Triết học về chính trị: 7 – Quan điểm pháp quyền của Hegel

Triết lý chính trị và pháp lý của Georg W. F. Hegel (1770 – 1831, triết gia Đức) được ông phác hoạ trong tác phẩm “Triết lý pháp quyền” (Die philosophiedes Rechts).

Từ Recht, trong tiếng Đức, có thể được hiểu theo 1 trong 3 nghĩa như sau: “lẽ phải” (moral principle), “luật pháp” (law), hay “quyền công dân”(civil). Thực tế, Hegel và nhiều triết gia Đức khác sử dụng thuật ngữ ấy để diễn đạt cả ba nghĩa trên.

Quốc gia – Một ý tưởng đạo đức và thần thánh

Giống như Aristotle, Hegel nhận định rằng con người là một tạo vật có tính xã hội, chỉ có thể tìm thấy sự thực hữu của chính mình trong khuôn khổ quốc gia. Theo ông, nhận thức về sự thực hữu của con người gắn liền với môi trường xã hội. Do vậy, quốc gia có vai trò rất quan trọng đối với vấn đề có ý thức luân lý và đạo đức. Quốc gia là một thực thể bao quát, là môi trường tổng hợp nên toàn bộ tính cách, nếp sống và xu hướng nhận thức của con người. Vì thế con người phải nhất thiết phụ thuộc vào thực thể bao quát ấy. Trên tất cả, quốc gia không thể được lý giả như một khế ước xã hội, bởi lẽ quốc gia không phải đựơc tạo ra từ quyết định của các cá nhân trong một đất nước. Không có quốc gia, chẳng có chân lý nào hay, xét về mặt thực hữu, không có sự nhận thức trọn vẹn nào được tìm thấy nơi một cá nhân hoặc đoàn thể nào đó. Quốc gia là một thực thể chân xác, không chỉ đơn giản là một nhóm người tập hợp lại. Chỉ ở trong quốc gia, cá nhân mới có thể hoàn tất quá trình tự nhận thức của mình.

Hegel đồng nhất quốc gia với quyền năng của Thượng Đế, dàn trải và xuyên suốt lịch sử thế giới. Quốc gia là một ý tưởng Thần Thánh, là sự hiển lộ của Thượng Đế ở chốn trần thế, là thực thể đáng được tôn thờ. Là một hình thức thể hiện tính hợp lý hoàn hảo, quốc gia chỉ yêu cầu các công dân những gì hợp lẽ. Mặc dù quốc gia được hình thành chủ yếu bằng vũ lực, chính cảm giác an sinh trong trật tự đã giữ cho nó đứng vững.

Quốc gia – Một tổng thể hữu cơ

Đối với Hegel, quốc gia là một tổng thể hữu cơ, không ngừng phát triển để tự khẳng định chính mình. Một quốc gia băng hoại giống như cơ thể người bệnh, mặc dù có thể vẫn tồn tại nhưng không thể hoạt động như một thực tại sống động – như một bàn tay bị thương tật, tuy vẫn giữ nguyên hình thể nhưng vô cảm và không thể cử động theo ý muốn. Quốc gia theo đuổi sự nghiệp tự nhận thức và tự khẳng định, một sự nghiệp mà tinh thần thế giới (the world Spirit) đã tạo ra cho nó.

Hiến pháp

Quốc gia là tinh thần của đất nước. Luật pháp thâm nhập và nuôi dưỡng toàn bộ đời sống của nó, thể hiện các quy tắc và ý thức đạo đức của người dân trong một đất nước. Dạng hiến pháp mà một quốc gia chấp nhận tương xứng với mức độ hiểu biết, hay mức độ hoàn tất quá trình tự nhận thức của nó. Hiến pháp (consitution) không hoàn toàn được tạo ra bởi con người, nó xuất phát từ mức độ thức ngộ, khả năng thành tựu quá trình tự khẳng định của một quốc gia. Hiến pháp thể hiện sự phát triển xuyên suốt dòng lịch sử của một quốc gia. Hiến pháp co tính hợp lý và có giá trị bất diệt, là một công cụ có tính thần thánh – không phải là một tác phẩm của con người, mà là tác phẩm của cả ngàn năm lịch sử, nó bộc lộ những gì hợp lý, là ý thức về những gì hợp lý. Nó là đặc tính thiêng liêng của lý lẽ, là “toà kiến trúc uy nghiêm và hùng vĩ”

Vị Quân Chủ

Hegel cho rằng chính thể quân chủ lập hiến (constitutional Monnarchy) là hình thức nhà nước tối cao – không có tính dân chủ theo ý tưởng cho rằng quyền tối thượng thuộc về dân chúng. Nó xuất phát từ ý tưởng cho rằng người trị vì đất nước là nhân vật đứng đầu một quốc gia tổng thể hữu cơ, thể hiện tinh thần Thế Giới. Ông nhận định rằng “quyền lực tối thượng thuộc về nhân vị mang tính tổng thể, được đại diện bởi nhà quân chủ”. Quyết định tối hậu thuộc về nhà nước, thể hiện ý chí tự quyết tối thượng, và vị quân chủ là người phát ngôn chính thức của toàn quốc gia. tuy vậy, vị quân chủ không phải là bản thân nhà nước, mặc dù nhà nước hoạt động thông qua ông ta. Thực tế, hầu như vi quân chủ chỉ “ký tên mình” để xác lập tinh thần quốc gia. Bởi vì nhà nước tồn tại độc lập với quyền trị vì, phẩm chất và tài năng của vị quân chủ chỉ chiếm vai trò thứ yếu, vai trò của “người vâng mệnh quốc gia” để thực hiện công việc đặt nét bút cuối cùng. Nói cách khác, bất chấp sự kiện rằng các quyết định tối thượng trực tiếp gắn liền với ông ta, vị quân chủ chỉ đặt dấu ấn cuối cùng để tuyên cáo rằng những quyết định ấy phù hợp với ý nguyện tối thượng của quốc gia.

Vị quân chủ là người trị vì một quốc gia chuyên chế, trong đó quyền hành pháp và lập pháp vận hành theo hình thức tư vấn. Trong lãnh vực lập pháp, quyền lợi của quần chúng, cũng như quan điểm và khát vọng của họ, có cơ hội thể hiện. Bất chấp sự kiện rằng thực tế quần chúng không nắm quyền lực nào, chính phủ không nên có thái độ chống đối họ.

Quần chúng tìm thấy sự hợp nhất, tổ chức và chân giá trị của họ trong quốc gia. Nếu tách rời khỏi quốc gia, cá nhân đánh mất vai trò và ý nghĩa của minh.

Triết lý chiến tranh của Hegel

Hegel nhận định rằng chiến tranh có một khía cạnh đạo đức riêng, góp phần tôn vinh giá trị cao quý của hoạt động sống của con người. Nó khơi dậy những phẩm chất cao đẹp nhất của con người, tạo cơ hội cho con người hành xử như những vị anh hùng, thậm chí khi nó đòi hỏi họ hy sinh mạng sống cho quốc gia. Mặc dù cá nhân có thể chết, quốc gia phải sinh tồn và tiếp tục sự nghiệp của mình – quốc gia vĩ đại và quan trọng hơn bất kỳ một cá nhân nào. Vinh quang của cá nhân không co ý nghĩa bằng “sự tự nguyện hiến thân cho một sự nghiệp vũ trụ”, sự nghiệp phục vụ quốc gia. Chiến tranh trắc nghiệm sức mạnh và khả năng vận hành của một quốc gia, tạo cơ hội gìn giữ đạo lý và tinh thần tự quyết của một dân tộc. Hegel cho rằng Immanel Kant đã sai lầm khi cổ xuý cho một nên hoà bình vĩnh cửu, điều kiện thực sự mang đến sự trì trệ, tình trạng mục rỗng, thối nát và băng hoại. Ngược lại, chiến tranh vận hành như một chất xúc tác chống lại những điều xấu xa ấy. Trong một nền hoà bình vĩnh cửu, các cơ cấu tổ chức trở nên thụ động và chết cứng. Thực tế , Hegel nhận đinh, không có xung đột, không thể có tiến bộ. Chiến tranh là hình thức xung đột căng thẳng và khốc liệt nhất; vì thế nó là động cơ thúc đẩy sự tiến bộ mạnh mẽ nhất. Các quốc gia vượt qua khỏi chiến tranh thường vươn lên với một tinh thần tự chủ kiên cường. Theo Hegel, không có chiến tranh, không thể có hoà bình; bởi vì hoà bình là hệ quả của chiến tranh.

Các mối quan hệ quốc tế

Quốc gia là cơ cấu tổ chức tối hậu của xã hội con người. Do không có nước nào đứng trên nước khác. Bất đồng giữa các cá nhân được giải quyết bởi nhà nước; xung đột giữa các quốc gia được quyết định bởi chiến tranh. Đối với vấn đề liệu rằng lẽ phải thuộc về quốc gia nào, Hegel cho rằng lịch sử sẽ phán quyết “Lịch sử thế giới là lời phán xét của thế giới”. Nói cách khác, điều gì sẽ xảy ra là điều tất đúng – một dạng lập luận có thể biện minh cho cái lý “sức mạnh tạo nên lẽ phải”.

Tương tự như quan điểm cho rằng cá nhân không thể nhận thức được chính mình nếu tách rời khỏi quốc gia, một quốc gia không thể tách rời khỏi muối quan hệ với các quốc gia khác – Tinh Thần Thế Giới vốn vận hành xuyên suốt dòng lịch sử của nhân loại. Mối quan hệ với các quốc gia riêng lẻ là bằng chứng tối hậu, biện minh cho sự tồn tại của Tinh Thần Thế Giới vượt lên trên gianh giới của mọi quốc gia. Tinh thần ấy là lời phán xét của lịch sử nhân loại dành cho các quốc gia riêng lẻ và hữu hạn, “bởi lịch sử là toà án công lý tối cao của thế giới”.

S.T

Tags: , , ,