⠀
Triết học về chính trị: Quan điểm thần quyền của Thomas Aquinas
Theo Thomas Aquinas (1225-1274, triết gia và nhà thần học người Italia), Thượng Đế là nhà lập pháp tối thượng (the superme lawgiver), đấng sáng tạo mọi quy luật, siêu nhiên lẫn tự nhiên – bắt nguồn từ những quy luật gốc ấy, luật pháp của con người được hình hành.
Thomas Aquinas nhận định rằng trật tự xã hội và những quy tắc công bằng của nó tuân theo khuôn mẫu mà Thượng Đế đã định sẵn trong thế giới tự nhiên. Những điều luật bất công, vốn không tuân theo khuôn mẫu ấy, không thể được xem là luật pháp đích thực. Mặc dù, nói một cách nghiêm chỉnh, con người không có bổn phận phải tuân theo những điều luật bất công, nhưng vẫn có những lý do đạo đức đòi hỏi sự vâng mệnh trước quyền lực, bởi lẽ “mọi quyền lực đều xuất phát từ Ý chúa”. Con người phải tuân theo giới cầm quyền, bởi vì không có quyền lực nào nằm ngoài quyền năng của Thượng đế.
Nắm quyền thống trị là sở hữu quyền lực, là bước lên cương vị và đảm nhận trách nhiệm cao hơn người khác. Đối khán với quyền lực là đối kháng với thiên mệnh, với “trật tự” mà Thượng đế đã định ra. Không chỉ quyết định thang bậc tôn ti ở chốn thiên đường (celestial hierarchy), trật tự ấy cũng quyết định hệ thống thang bậc trong giáo hội (ecclesiastical hierarchy) và cơ cấu xã hội (social order). Trong xã hội trần tục, người lãnh đạo tối cao của nhà nước thọ lãnh thiên mệnh, thực hiện trật tự của Thượng đế; mọi thần dân và thuộc cấp đều phải tuân theo. Thomas Aquinas quan niệm rằng ngay cả hành động sai trái của kẻ cai trị tàn ác nhất cũng là hành động gián tiếp của Thượng đế.
Bạo lực và bất tuân luật pháp
Thomas Aquinas còn nhận định rằng mối quan hệ đúng mực giữa năng lực người dân và luật phát là cơ sở xác lập trị an mà không cần sử dụng đến bạo lực. Bạo lực là điều đáng ghê tởm,chỉ nên sử dụng như biện pháp cuối cùng để tranh đấu với cái xấu, và phải được giới hạn ở mức cần thiết. Xét cho cùng, bạo lực đối nghịch với bản chất của tự nhiên, rất hiếm khi nó hợp với thiên ý. Chính vì lý do đó, khi đối mặt trước bạo lực, con người luôn có khuynh hướng nhân nhượng và hoà hoãn. Tuy nhiên, người ta cũng cần nhận thức rõ hiểm hoạ và khi cần thiết, bước vào cuộc chiến chống lại Cái Ác.
Thomas Aquinas cho rằng có sự khác biệt giữa những điều luận “bất công”(vô đạo hay nghịch thiên) và những điều luật “bất lợi” (trái ý hoặc gây phương hại cho lợi ích của một số cá nhân). Đối với các điều luật vô đạo, chúng ta không bao giờ nên chấp nhận và tuân thủ. Tuy nhiên, đối với các điều luật bất lợi (một trong những dạng biến động thăng trầm của đời người), cách phản ứng của mỗi cá nhân (tuân thủ hoặc phủ nhận chí kình chống) chính là thước đo lương tâm và đạo đức của bản thân. Một người vô tội bị kết án tử hình có đủ lý do đạo đức khi tìm cách trốn tránh thụ hình, nhưng một tội phạm thực sự thì không. Thực tế, lịch sử nhân loại ghi nhận không ít gương trung thần, danh sĩ khí tiết hơn người – họ chấp nhận hình phạt bất công để bảo vệ những giá trị và nguyên tắc đạo đức cao đẹp. Trong giới triết gia, Socrates là một tấm gương điển hình như vậy. Ông đã đón nhận án tử, sử dụng thái độ của mình như một phương cách tôn vinh công lý: tôn trọng tính uy nghiêm của luật pháp, vận dụng lý lẽ để phản kháng. Cái ác thay vì bài xích và hạ thấp giá trị công lý thiêng liêng của một phán quyết.
Quy luật tự nhiên
Suy luận lôgic, theo quan niệm của Thomas Aquinas, là cơ sở thích hợp để đánh giá phẩm hạnh của con người, nhưng chính quy luật tự nhiên không chỉ quyết định hình nên khuôn mẫu suy luận ấy. Cũng cần lưu ý rằng quy luật tự nhiên không chỉ quyết định sự vận hành của các cơ quan của con người, nó còn bao hàm những phẩm chất luân lý – vì thế, nó cũng là quy luật đạo đức. Đối với quy luật tự nhiên, con người có quyền chọn lựa thái độ tuân thủ, theo đuổi hay xuyên tạc nó. Tuy nhiên, mọi hành vi trái luật tự nhiên đều trái với đạo đức.
Thomas Aquinas tin tưởng rằng con người không nhận thức về quy luật tự nhiên thông qua con đường suy luận, mà thông qua sự trực nhận, một thiên hướng cho phép con người nắm bắt được lẽ tốt đẹp phù hợp với bản chất của chính mình. Thông qua quá trình suy luận, chúng ta có thể nhìn nhận rằng thiên hướng ấy là tốt đẹp, rằng những điều sai lệch so với quy luật tự nhiên “bất thành văn” chỉ trở thành tri thức và phản ứng tự nhiên của chúng ta thông qua sự trực nhận, không đòi hỏi sự hỗ trợ của quá trình suy lý.
Thiên hướng trực nhận lẽ đúng sai không đơn giản chỉ là bản năng động vật; nó bao gồm cả hoạt động ý thức. Hơn nữa, bản thể (ontological life) hoà hợp với hoạt động ý thức. Hơn nữa, thiên hướng này bám rễ sâu trong các hành vi lý trí, hoạt động dưới tiếng gọi, mệnh lệnh hay nguyên tắc của lương tâm, đòi hỏi chúng ta hành thiện, động viên chúng ta chống lại cái ác. Thực tế tri thức của nhân loại về những đạo lý trong đời đều được phát hiện dựa trên thiên hướng trực nhận, một thiên hướng thuộc về bản chất của con người. Thời xa xưa, thiên hướng trực nhận ấy là con đường duy nhất dẫn đến tri thức luân lý. Về sau, con đường ấy bị che khuất dần giữa đám rừng ngôn từ và ý tưởng trí xảo; con người bắt đầu làm quen với các khuynh hướng suy luận, len lỏi theo những lối mòn để tìm đến cánh cửa tri thức.
Quy luật vĩnh hằng
Theo Thomas Aquinas, mặc dù quy luật vĩnh hằng xuất phát từ Thượng Đế, ý nghĩa của nó cần được nhận thức theo quan điểm triết học hơn là dựa trên quan điểm thần học. Thượng đế bất diệt – Đấng sáng tạo, khởi động và vận hành muôn vật – hiện hữu và hành động với ý nguyện và tuệ giác của ngài. Do vậy, bộ máy vũ trụ vận hành theo lẽ trời – nói cách khác, quy luật tự nhiên là lẽ hành sự của Thượng đế. Lý lẽ của ngài, Tuệ giác bất diệt của Ngài, Bản chất siêu phàm của Ngài, hợp nhất với quy luật vĩnh hằng, thể hiện “sự minh tuệ thần thánh” bao trùm mọi chuyển động và hành trạng của muôn vật.
Do xuất phát từ sự minh tuệ thần thánh ấy, quy luật tự nhiên tất phải bao hàm đạo lý (hay lẽ phải) và luân lý (hay cơ chế vận hành mang tính áp đặt) – nói cách khác, nó phải có bản chất của một quy luật đích thực. Khả năng áp chế của quy luật tự nhiên, hình thành nên các nguyên tắc luân lý, hoàn toàn gắn liên với sự tồn tại của Thượng đế – không có Thượng đế, tất không có đạo đức.
Thể hiện sự minh tuệ thần thánh (divine wisdom), quy luật vĩnh hằng vốn vô ngôn, bất khả thuyết, bất khả tư lượng – chỉ có bản thân Thượng đế, hoặc những ai thực chứng được bản thể của Ngài, mới có thể nắm bắt được quy luật ấy.
Luật pháp
Theo triết lý của Thomas Aquinas, luật pháp là luật được định hình dưới dạng văn bản, thể chế hoá lẽ phải bằng lý luận thực tế. Do quan niệm về lẽ phải được cụ thể hoá dưới dạng quy định pháp lý, áp đặt nên mỗi cá nhân và được xã hội thực thi, nó trở thành một nghĩa vụ luật pháp mà nếu như phớt lờ, người ta có thể bị trừng phạt. Trong khi hiệu lực của luật pháp dựa trên cơ sở sự cưỡng chế của xã hội (pháp chế ), quy luật tự nhiên “bất thành văn”, thông qua mệnh lệnh của lương tâm, đòi hỏi chúng ta tuân theo các nguyên tắc luân lý. Vì thế, quy luật tự nhiên có liên quan đến nghĩa vụ đạo đức hơn là nghĩa vụ luật pháp.
Quyền tự nhiên
“Tự bảo toàn sinh mạng” là một thí dụ điển hình cho quyền tự nhiên (natural right), khái niệm thường đi kèm theo quy luật tự nhiên. Quyền tự nhiên tồn tại như tiền đề cơ sở cho sự hình thành các quyền hạn cụ thể trong khuôn khổ pháp lý. Nó tiềm ẩn trong quy luật tự nhiên.
Luật quốc tế
Công pháp hay luật quốc tế (the jus gentium ) là luật được áp dụng ở các quốc gia có cùng một nền văn minh. Khác với quy luật tự nhiên, nó chỉ được nhận thức thông qua lý lẽ và các khái niệm tư duy, không thông qua khuynh hướng trực nhận. Mặc dù có thể không được thể chế hoá thành những quy định rõ ràng, công pháp vẫn mang tính pháp chế, dựa vào hoạt động lý trí và nhận thức của con người. Tương tự như luật lệ xã hội đòi hỏi mỗi cá nhân trong cộng đồng phải tuân thủ, luật quốc tế có giá trị pháp lý lẫn luân lý, bởi lẽ nó đòi hỏi chúng ta phải có nghĩa vụ luật pháp lẫn đạo đức.
S.T