Tri thức bản địa là gì, có tầm quan trọng như thế nào?

Trong những năm gần đây ở Việt Nam, thuật ngữ “tri thức bản địa” (Indigenous Knowledge), “tri thức địa phương” (Local Knowledge) được sử dụng trong một số công trình nghiên cứu với nhiều tên gọi khác nhau: “tri thức địa phương”, “kiến thức bản địa”, “kiến thức địa phương”, “văn hóa truyền thống”, “tri thức dân gian”, “bản sắc văn hóa tộc người”, “tri thức tộc người”, “phong tục tập quán”,…

Định nghĩa và tầm quan trọng của tri thức bản địa

Bài viết của TS Nguyễn Danh Tiên, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2014

Trên thế giới, thuật ngữ “Tri thức bản địa” được dùng lần đầu tiên trong ấn phẩm của Robert Chambers xuất bản năm 1979. Sau đó, Brokensha và D.M.Warren sử dụng vào năm 1980 và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay(1). Một số công trình nghiên cứu của học giả nước ngoài đã đề cập đến tri thức bản địa và vai trò của nó đối với sự phát triển trong xã hội đương đại(2). D.M.Warren định nghĩa: Tri thức bản địa là những hệ thống tri thức và thực nghiệm được phát triển qua nhiều thế hệ trong một lĩnh vực cụ thể tới một nền văn hóa chuyên biệt. Charles F. Keyes cho rằng, hệ thống tri thức truyền thống được coi là các tư tưởng thực nghiệm, cách con người phát triển các ý tưởng, khái niệm và thái độ để thực hiện các hoạt động hàng ngày.

Nghiên cứu ứng dụng tri thức bản địa từ lĩnh vực nghiên cứu phát triển cho thấy, tri thức bản địa là các truyền thống lâu đời, các kinh nghiệm, thực tiễn sống của một cộng đồng liên quan đến môi trường tự nhiên, xã hội, đời sống, tư duy của cộng đồng đó. Tri thức bản địa bao gồm các loại trí khôn, kinh nghiệm, phong tục, lề thói ứng xử, các bài học của một cộng đồng. Tri thức bản địa được duy trì, phát triển trong một thời gian dài với sự tương tác qua lại rất gần gũi giữa con người với môi trường tự nhiên. Tập hợp những hiểu biết, kiến thức và theo nghĩa này là một phần của tổng hòa văn hoá bao gồm cả hệ thống ngôn ngữ, cách định danh và phân loại, phương thức sử dụng tài nguyên, các lễ nghi, giá trị tinh thần và thế giới quan.

Những tri thức này là nền tảng cơ sở để đưa ra những quyết định về nhiều phương diện cơ bản của cuộc sống hàng ngày tại địa phương như khai thác tự nhiên, các hệ thống canh tác và chăn nuôi, tìm kiếm nguồn nước, tự bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bản thân; và sự thích nghi với những thay đổi của môi trường.

Tri thức bản địa được hình thành trong quá trình trải nghiệm và đúc kết qua sự chọn lọc trong quá trình vận động của cuộc sống, hướng đến sự thích nghi với đặc điểm văn hoá, xã hội và môi trường. Nó luôn được làm giàu qua việc tích hợp các kinh nghiệm mới hoặc tri thức mới có được từ quá trình tiếp biến văn hoá.

Trên thực thế, bất kỳ nhóm cộng đồng nào cũng có tri thức bản địa: nông thôn và thành thị; người định cư và người du cư; người bản địa và người nhập cư. Quá trình giao lưu, xáo trộn dân cư cũng sẽ dẫn đến việc hình thành các tri thức bản địa mới, trên cơ sở của quá trình tiếp xúc và biến đổi, đào thải (những gì không còn phù hợp) và tích hợp (tiếp thu những yếu tố mới có ích), thường được gọi bằng một thuật ngữ mang tính bao quát hơn là tri thức địa phương (localknowledge).

Có nhiều cách phân loại tri thức bản địa theo những tiêu chí khác nhau, tuỳ thuộc vào từng chuyên ngành khoa học. Các nhà dân tộc học thường phân loại như sau:

– Sự nhận biết các yếu tố tự nhiên (đặc điểm địa hình, địa mạo, thổ nhưỡng, các đặc tính sinh học của động – thực vật, khí hậu – thời tiết, nguồn nước…), các kinh nghiệm khai thác, sử dụng và quản lý các yếu tố đó.
– Các tri thức liên quan đến quá trình mưu sinh (các phương thức mưu sinh và công cụ thực hành sinh kế cụ thể, các giống cây trồng – vật nuôi, mùa vụ…).
– Các tri thức liên quan đến đời sống vật chất (thôn làng, nhà cửa, trang phục, đồ ăn thức uống, phương tiện vận chuyển).
– Các tri thức trong việc quản lý xã hội (thiết chế tự quản thôn làng với vai trò của luật tục, người già và các thủ lĩnh, dòng họ và gia đình).
– Các tri thức trong đời sống tinh thần (tín ngưỡng, lịch pháp, y – dược thuật, các chuẩn mực trong ứng xử và giao tiếp xã hội, các loại hình văn học, nghệ thuật dân gian).

Sự phân loại theo phương pháp dân tộc học không mâu thuẫn với cách phân loại của các ngành khoa học khác. Nó không chuyên sâu hẳn theo một tri thức cụ thể nào đó nhưng lại mang tính bao quát toàn diện hơn so với các ngành khoa học chuyên biệt bởi đề cập, phân tích nhiều hơn về các yếu tố con người và xã hội. Trong bối cảnh của một nền khoa học liên – đa ngành, sự kết hợp giữa công tác nghiên cứu cơ bản về dân tộc học với các ngành khoa học chuyên sâu là hết sức cần thiết.

Trước đây, tri thức bản địa – tri thức địa phương thường được hiểu là đối lập với “kiến thức chính thống” (formal knowledge) – “kiến thức khoa học”, “Quốc tế” hay “Hiện đại” – hệ thống kiến thức phát triển phần lớn dựa trên nền tảng giáo dục, được các trường đại học, viện nghiên cứu,… sử dụng phương pháp khoa học xây dựng nên; được kiểm chứng trong phòng thí nghiệm, được xác nhận trong những văn kiện, những nguyên tắc, luật lệ, những quy định và hạ tầng kỹ thuật. Song thực tế cho thấy, sau một quá trình giao lưu và biến đổi, đào thải và tích hợp, tiếp thu và cải biến, đã có nhiều điểm chồng chéo giữa kiến thức bản địa và kiến thức khoa học; nhiều kiến thức phương Tây đã được bản địa hoá thành kiến thức của người dân nên nhiều khi sẽ rất khó phân biệt giữa hai loại kiến thức này.

Ở những quốc gia đang phát triển, hệ thống tri thức bản địa luôn tồn tại song song với các hệ thống kiến thức chính thống.

Tiến sĩ John Ambler cho rằng: “Tri thức địa phương có thể được phân biệt làm hai loại chính. Một loại có thể được gọi là “tri thức kỹ thuật”. Một loại khác liên quan đến các tên gọi như: “luật lệ địa phương” hoặc là “phong tục” hay tục lệ. Tục lệ còn đóng vai trò quan trọng hơn trong nhiều hoạt động xã hội, có tác động đến quản lý tài nguyên thiên nhiên địa phương. Tục lệ cũng có thể quy định quy chế khác nhau như: nguồn nước nào được phân phối cho hệ thống tươi tiêu ở vùng cao, ai được phép hoạt động ở khu rừng nào, bao nhiêu súc vật có thể chăn thả ở những đồng cỏ riêng, kỹ thuật canh tác nào được chấp nhận”(3).

Như vậy, tri thức bản địa là tri thức được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, qua kinh nghiệm ứng xử của con người với môi trường và xã hội; được lưu truyền từ đời này qua đời khác qua trí nhớ, qua thực tiễn sản xuất và thực hành xã hội. Tri thức bản địa chứa đựng trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống xã hội như sản xuất lương thực, thực phẩm, chăn nuôi; cất trữ và chế biến thức ăn; thu hái, sử dụng cây thuốc và cách chữa bệnh; truyền thụ kiến thức qua các thế hệ trong giáo dục; bảo vệ, quản lý và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tổ chức quản lý cộng đồng, giá trị xã hội, các luật lệ truyền thống trong làng bản…

Tri thức bản địa có tầm quan trọng lớn trong việc thực hiện các dự án phát triển mang tính bền vững cho nên không những chỉ các nước đang phát triển mà các nước có nền khoa học phát triển cao cũng rất chú ý sưu tầm, phân tích và ứng dụng tri thức bản địa, nhằm tìm kiếm những giải pháp quản lý bền vững cổ truyền cũng như giá trị của các tài nguyên mà khoa học hiện đại chưa biết tới.

Việc phát huy và áp dụng tri thức địa phương trên thế giới đã mang lại nhiều thành công lớn. Đó là việc hợp tác với thổ dân trên núi cao trồng khoai tây bằng hạt đã tạo được giống khoai sạch bệnh ở Pêru… Rất nhiều nghiên cứu cho rằng, đa dạng sinh học phải vận dụng tri thức bản địa nằm trong nền văn hóa của các tộc người địa phương. Giá trị thương mại của tri thức bản địa trên thực tế còn rất lớn. Như vậy, tri thức địa phương không những chỉ có giá trị phục vụ các giải pháp phát triển, mà nó còn là kho báu văn hóa cần được bảo vệ và sử dụng thật hữu ích.

————————

Chú thích:

(1) Hoàng Xuân Tý và Lê Trọng Cúc, Kiến thức bản địa của đồng bào vùng cao trong nông nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 1998, tr.12.
(2) Xem Phạm Quang Hoan, “Tri thức địa phương (tri thức truyền thống) của các dân tộc thiểu số Việt Nam trong đời sống xã hội đương đại”, Thông báo Dân tộc học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
(3) John Ambler: Kinh nghiệm nghiên cứu phát triển miền núi: Một số nét khái quát từ châu Á, Báo cáo tại Hội thảo khoa học “Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường vùng Bình – Trị – Thiên, Huế, 25 đến 29-3-1996.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: ,