Trật tự thế giới mới sẽ không bao giờ là ‘thế giới của NATO và EU’

Động cơ của người Mỹ ở đây là vô cùng rõ ràng. Đó là, lôi kéo Liên minh Châu Âu vào “cuộc cạnh tranh toàn cầu” và tiếp đến là buộc các nước Châu Âu sẽ phải chấp nhận vị thế không thể tránh khỏi là chư hầu của Mỹ…

Trật tự thế giới mới sẽ không bao giờ là ‘thế giới của NATO và EU’

Ngày 11/1/2023, trả lời câu hỏi của giới truyền thông về Tuyên bố chung EU-NATO vừa được ký kết tại Brussels, người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bình luận:

Tuyên bố chung về hợp tác giữa EU và NATO được ký vào ngày 10/1 năm nay tại Brussels bởi Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel, người đứng đầu Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thư ký NATO J. Stoltenberg đã chính thức xác nhận sự phục tùng hoàn toàn của Liên minh Châu Âu đối với các nhiệm vụ của khối Bắc Đại Tây Dương-một công cụ sức mạnh có chức năng bảo đảm lợi ích của Hoa Kỳ. Núp dưới chiêu bài “củng cố mối liên kết xuyên Đại Tây Dương” và “củng cố quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và NATO”, các nhiệm vụ đặt ra trong chiến lược mới của liên minh này được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ở Madrid trong tháng 6 năm 2022 đang được triển khai trong thực tế.

Vi phạm tất cả các cam kết của Tổ chức hợp tác và an ninh Châu Âu (OSCE), an ninh ở khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương được nhìn nhận qua lăng kính chống lại Nga, gia tăng cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho chế độ Kiev, tăng cường khả năng cơ động quân sự trên chiến trường Châu Âu và tiếp tục mở rộng NATO. Chính sách quốc phòng của EU được ghi nhận trong Tuyên bố chung này như một nội dung thứ yếu, hay diễn giải theo ngôn ngữ của các chiến lược gia NATO là “bổ sung”, trên thực tế đã vô hiệu hóa các yêu sách của EU về quyền độc lập trong lĩnh vực này.

Các quy tắc của luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc được viện dẫn trong văn kiện này chỉ là trò đạo đức giả khi tính đến các cuộc chiến tranh xâm lược do NATO tiến hành chống lại Cộng hòa Liên bang Nam Tư năm 1999, Iraq năm 2003 và Libya năm 2011.

Trên cấp độ toàn cầu, Liên minh châu Âu đang chuyển sang “mức độ quan hệ đối tác mới” với NATO và như vậy đã bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc, vào việc đảm bảo ưu thế của Liên minh Bắc Đại Tây Dương trong các lĩnh vực hoạt động như bảo vệ cơ sở hạ tầng then chốt, vũ trụ, truyền thông và thậm chí là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Tuyên bố chung còn là lời tán dương triết lý về tính ưu việt của Phương Tây. Văn kiện này đưa ra tuyên bố thẳng thừng rằng NATO và EU sẽ sử dụng tất cả các biện pháp chính trị, kinh tế và quân sự “để bảo vệ lợi ích của một tỷ công dân của chúng tôi”. Phần còn lại của thế giới về cơ bản chỉ được họ coi là môi trường thù địch và cần phải được định dạng lại với sự trợ giúp của những công cụ này.

Tất nhiên, không có gì mới trong cách tiếp cận này. Đại diện cấp cao của EU J. Borrell đã mô tả EU là một “vườn địa đàng”, còn thế giới xung quanh chỉ là một “khu rừng rậm” đang xâm lấn khu vườn này.

Nhưng trên thực tế, không phải “rừng rậm” đang xâm lấn “vườn địa đàng của Brussels” mà là NATO và Liên minh Châu Âu-sào huyệt của những mưu toan thiết lập thế giới đơn cực. Xét về bản chất, chính sự ổn định, xung đột và căng thẳng ở “khu vực ngoại vi NATO-EU” khiến Phương Tây lo lắng, cũng như khủng hoảng an ninh năng lượng và lương thực mà Brussels cáo buộc Nga gây ra, đều là kết quả trực tiếp của chính sách “can thiệp nhân đạo” của NATO đã được đề cập ở trên cũng như các nỗ lực của EU nhằm buộc các nước tuân theo chính sách đối ngoại và đường lối kinh tế “đúng đắn” của họ. Trong những ngày qua, bình luận về tình hình ở Bosnia và Herzegovina, Thư ký báo chí của Cơ quan đối ngoại Châu Âu, P.Stano không chút ngượng ngùng tuyên bố rằng tất cả các hành động của quốc gia này trong lĩnh vực chính trị và những gì đang xảy ra ở đó cần phải đáp ứng “sự mong đợi của Liên minh Châu Âu”. Không cần phải nói gì thêm ở đây về tuyên bố này.

Rõ ràng, cách tiếp cận hung hăng và đối đầu của NATO và Liên minh Châu Âu đối với các quốc gia đang theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, nỗ lực chia rẽ các quốc gia thành “chúng ta” và “họ” sẽ chỉ cản trở việc giải quyết xung đột một cách hòa bình, làm suy yếu an ninh quốc tế trước những thách thức chưa ngừng nghỉ của chủ nghĩa khủng bố mà hiểm họa này cũng đã được ghi nhận trong Tuyên bố chung EU-NATO.

Động cơ của người Mỹ ở đây là vô cùng rõ ràng. Đó là, lôi kéo Liên minh Châu Âu vào “cuộc cạnh tranh toàn cầu” mà Washington từng tuyên bố và đã từng được ghi trong Tuyên bố chung, và tiếp đến là buộc các nước Châu Âu sẽ phải chấp nhận vị thế không thể tránh khỏi là chư hầu của Mỹ, đánh mất vị thế trong nền chính trị và kinh tế thế giới, trong đó từng bước ngày càng trở nên phụ thuộc vào Washington.

Liệu công dân các quốc gia EU-nơi người dân trong điều kiện các cuộc khủng hoảng hệ thống phát sinh do lỗi của các nước Phương Tây đang buộc phải trả giá cho cuộc đối đầu tốn kém từ chính vì tiền của họ có quan tâm đến điều này hay không là một câu hỏi lớn. Nếu họ sẵn sàng tiếp tục đánh mất quyền tự chủ trong trật tự thế giới mới, sẵn sàng hy sinh lợi ích quốc gia để phục vụ Hoa Kỳ thì đó sẽ là lựa chọn của họ. Nhưng trật tự thế giới mới này sẽ không bao giờ là “thế giới của NATO và EU” nữa, cho dù Washington và Brussels có ảo tưởng về nó như thế nào.

Theo ĐẠI SỨ QUÁN NGA TẠI VIỆT NAM

Tags: , ,