Tiến bộ kỹ thuật và cái giá phải trả của nhân loại

Khi Prometheus lên trời đánh cắp lửa và tài khéo kỹ thuật về cho con người để con người làm chủ thiên nhiên và muôn loài, do quá vội vã (ăn trộm lúc nào cũng vội vã!), Prometheus không kịp đánh cắp thêm một thứ quan trọng! Thiếu thứ này, con người, với tài năng kỹ thuật, tha hồ chém giết nhau.

Tiến cộ kỹ thuật và cái giá phải trả của nhân loại

Thương hại trước khả năng tự huỷ diệt của loài người, thần Zeus đành ban tặng nốt món quà quý ấy cho con người: lương tâm và ý thức về công lý. Như thế, theo tinh thần câu chuyện thần thoại được Plato kể lại, câu hỏi về giới hạn của kỹ thuật đã sớm được đặt ra khi con người biết xấu hổ về luân lý và thấy cần có những chuẩn mực cho đời sống chung.

“Biết” chưa hẳn là “hiểu”, là “gặp”

Ta sử dụng nhiều sản phẩm kỹ thuật nhưng không phải ai cũng biết rõ về cơ sở khoa học của chúng. Tuy nhiên, “mù khoa học” là chuyện của mỗi cá nhân, chứ nhìn chung, tri thức khoa học gia tăng không ngừng.

Tiếc rằng, “biết” không hẳn là “hiểu”, giống như ta có thể biết rất nhiều về một con người, nhưng vẫn không “hiểu”, càng không chắc đã “gặp gỡ” được người ấy. Càng làm chủ thiên nhiên, càng nâng cao năng lực kháng cự và phòng vệ, con người càng khao khát thiên nhiên. Trước tác động “cào bằng” của kỹ thuật (ngôn ngữ triết học gọi là “đánh mất thực thể”), thiên nhiên đáng mong ước ấy đang bị dồn vào một góc: những vườn quốc gia, những khu bảo tồn thiên nhiên bị rào kín không khác một sở thú! Mỉa mai của sự tha hoá, tức của việc “nhìn nhau xa lạ”, đã đạt tới cao điểm: thiên nhiên mà con người muốn “nhân hoá”, “hoà giải” (Marx) suy tàn ngay trong tiến trình nhân hoá, hoà giải. Hai mặt biện chứng hầu như khó bề tái hợp: vừa không được kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất, vừa đồng thời không được “khinh rẻ và hạ nhục thiên nhiên trong thực tiễn” (Marx, 1883).

Thêm nữa, một cách hành xử “không tha hoá” với thiên nhiên cũng tỏ ra khá hàm hồ. Tình hình sẽ ra sao đối với lao động vất vả ở nông thôn và ở các nước chậm phát triển khi sự “tha hoá khỏi tự nhiên” nhiều khi lại là điều cần thiết và được khuyến khích? Dường như, sau khi bị “trục xuất khỏi vườn địa đàng”, con người không có lựa chọn nào khác ngoài nỗ lực khôi phục tình trạng lao động nhàn nhã đã mất: đẩy mạnh và ngày càng hoàn thiện kỹ thuật! Nhưng, tiến bộ kỹ thuật có thực sự là một sự tiến bộ?

Lưỡng tính của tiến bộ kỹ thuật

Ngày nay, không ai còn quá tin vào chủ nghĩa lạc quan kỹ trị. Tiến bộ kỹ thuật không phải bao giờ cũng nhất thiết là một sự tiến bộ, điều ấy là hiển nhiên và cũng đầy nghịch lý. Một mặt, tiến bộ kỹ thuật là hình mẫu của sự tiến bộ nói chung: nhờ có kỹ thuật mới, mục đích được đề ra sẽ đạt được trọn vẹn hơn, nhanh hơn, ít tốn kém hơn. Mặt khác, từ “tiến bộ” (cũng như “phát triển”, “tiến hoá”…) bao giờ cũng giả định một đánh giá tích cực. Thế nhưng, sự hoàn hảo trong kỹ thuật chiến tranh hay đàn áp, kỹ thuật nghe lén hay đánh cắp… khó có thể gọi là “tiến bộ” đích thực!

“Tiến bộ” đúng là lưỡng tính. Một mặt, chỉ được đánh giá là tiến bộ khi quy chiếu với một mục tiêu hay một thước đo nhất định. Bánh xe thường được xem là mẫu mực để đo lường sự tiến bộ. Nhưng văn minh vùng sông Nile xem thuyền bè mới là tiêu chuẩn chứ không phải bánh xe như ở Hy–La hay Trung Hoa cổ đại. Mặt khác, các tiến bộ kỹ thuật, kinh tế, xã hội, văn hoá, đạo đức không tất yếu trùng hợp nhau. Trong việc đánh giá tiến bộ hoặc thoái bộ, tiến bộ kỹ thuật giữ vai trò đặc biệt. Chỉ đơn thuần là phương tiện, bản thân tiến bộ kỹ thuật không phải là một loại tiến bộ riêng biệt mà chỉ nhằm tăng cường tính hiệu quả cho việc thực hiện các mục đích khác vốn đích thực là những giá trị, chẳng hạn: sự sống, sức khoẻ, sự an toàn, hạnh phúc, chất lượng môi trường, đạo đức, công lý hay sở thích tốt đẹp.

Hy vọng của những nhà lạc quan kỹ thuật đang bị thực tế thách thức gay gắt. Những thành tựu to lớn của tiến bộ kỹ thuật đã và đang làm thay đổi bộ mặt thế giới là không thể phủ nhận. Năng suất kinh tế và hiệu quả kỹ thuật song hành với các yếu tố khách quan của chất lượng sống: tuổi thọ, sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, không gian hoạt động độc lập với nhịp điệu và cả sự bất trắc của tự nhiên. Nhưng những cải thiện kỹ thuật ấy có thể chỉ mới phục vụ và sinh lợi cho một bộ phận dân cư trong một nước hay cho một nhóm nước trong phạm vi thế giới. Nghèo đói, thất học, tội ác và nhiều tệ nạn do sự bất bình đẳng sinh ra chưa hề giảm bớt mà có xu hướng tăng lên.

Ngày càng nhiều người nhận định rằng kỹ thuật là một loại ma tuý giúp xoa dịu và ngăn ngừa những thảm hoạ nhỏ, nhưng lại làm gia tốc các thảm hoạ lớn. Bởi kỹ thuật có thể giải quyết nhiều vấn đề, nên người ta dễ dàng tin rằng sớm muộn nó sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Tất nhiên, lòng tin vào kỹ thuật không phải là lòng tin mù quáng hay hão huyền, Trong nhiều lĩnh vực, quả thật kỹ thuật không chỉ giải quyết được những vấn đề của lĩnh vực khác, mà cả những vấn đề do chính nó gây ra. Nó có thể phòng tránh, xử lý hay ít ra là giảm nhẹ những thiệt hại và nguy cơ do mình là thủ phạm bằng các công nghệ sửa chữa hay thay thế nguồn gây nguy cơ. Tuy nhiên, điều này không chỉ ngốn số chi phí khổng lồ mà còn đòi hỏi phải có đội ngũ lãnh đạo có ý thức trách nhiệm cao độ và đội ngũ kỹ thuật viên thông thạo, nhất là trong các lĩnh vực phức tạp và có nguy cơ cao như hạt nhân, khai khoáng, chế tạo vũ khí… Trong khi đó, những thách thức có quy mô toàn cầu như kiểm soát sự gia tăng dân số, dành tài nguyên cho các thế hệ sau, ngăn cản sự biến đổi khí hậu, bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm và nước sạch trong lâu dài… cho thấy rõ rằng sự cải thiện kỹ thuật không thể thay thế cho việc thay đổi quan niệm phát triển và cung cách hành xử một cách căn bản.

“Tạo hoá quyền”

Chứng kiến thành tựu kỹ thuật của phương Tây, cụ Phan Thanh Giản, trong một lần đi sứ, có câu nổi tiếng:

Bá ban xảo diệu tề thiên địa
Duy hữu tử sinh tạo hoá quyền

Nhưng, với mỗi bước tiến bộ ngoạn mục của y học, sự sẵn sàng chấp nhận và chịu đựng số phận tự nhiên – sinh, già, bệnh, chết – ngày càng giảm dần, và con người lại trải nghiệm những “hoàn cảnh giới hạn” (Karl Jaspers) ấy như những cú sốc! Con người trong tương lai thậm chí có còn chấp nhận “quyền lực của tạo hoá” hay không là điều không dự đoán được. Hy vọng chăng là con người không dại dột từ chối nốt “quà tặng của thánh thần” để biết đặt ra cho chính mình câu hỏi về trách nhiệm!

Theo BÙI VĂN NAM SƠN / SÀI GÒN TIẾP THỊ

Tags: ,