Thực tiễn phúc lợi xã hội cho người lao động trên thế giới: Gợi mở cho Việt Nam

Cùng với an sinh xã hội, phúc lợi xã hội là những chính sách đậm chất nhân văn nhất trong bất cứ quốc gia nào với các chế độ chính trị khác nhau.

Thực tiễn phúc lợi xã hội cho người lao động trên thế giới: Gợi mở cho Việt Nam

Tác giả: PGS.TS. Mạc Văn Tiến, Trường Đại học Trưng Vương.

1. Nhận thức về Phúc lợi xã hội

Thuật ngữ phúc lợi xã hội được dịch từ tiếng anh là Social Welfare. Tuy nhiên, ở Việt Nam có những nơi, có những tài liệu dịch Social welfare theo nghĩa của bảo trợ xã hội. Điều này cũng dễ hiểu bởi có những nội dung của phúc lợi xã hội trùng với những hoạt động trợ giúp xã hội. Phúc lợi xã hội được hiểu một cách chung nhất là một hệ thống các chính sách, các chương trình và các dịch vụ nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của các nhóm xã hội khác nhau về kinh tế, văn hoá, giáo dục và chăm sóc sức khoẻ…Theo chúng tôi, các chính sách và giải pháp phúc lợi xã hội tập trung vào nhóm người yếu thế, nhóm người thiệt thòi trong xã hội nhiều hơn nhằm hướng tới sự công bằng xã hội. Theo từ điển Bách khoa Việt Nam[1], phúc lợi xã hội là một bộ phận thu nhập quốc dân được sử dụng nhằm thoả mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong xã hội, chủ yếu được phân phối ngoài thu nhập theo lao động, phân phối lại.

Dưới giác độ kinh tế học phúc lợi, phúc lợi xã hội là những biện pháp của nhà nước và xã hội nhằm khắc phục những “thất bại”, khiếm khuyết của thị trường. Bản chất của phúc lợi xã hội là cách giảm thiểu sự bất công bằng trong xã hội, đảm bảo cho các thành viên trong xã hội đều có thể thụ hưởng những cái “chung” của xã hội. Trên bình diện quốc gia, một mặt nền kinh tế phải làm cho cái “bánh” của xã hội to ra; mặt khác phải “chia” cái “bánh” đó “hợp lý”. Như vậy, có thể thấy giữa an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đã có sự khác biệt. Nếu như mục tiêu của an sinh xã hội là góp phần đảm bảo thu nhập thì mục tiêu của phúc lợi xã hội là giảm bớt sự bất công bằng xã hội. Tuy nhiên, giữa an sinh xã hội và phúc lợi xã hội có cùng một mục tiêu hướng đến là một xã hội hưng thịnh và hạnh phúc cho mọi người (A. Smith).

Trong kinh tế học phúc lợi, một vấn đề thường được đưa ra bàn luận trong phúc lợi xã hội là mối quan hệ giữa hiệu quả và công bằng. Liệu có thể đánh đổi, “hy sinh” hiệu quả (kinh tế, xã hội…) để có đạt được công bằng xã hội hay không? hoặc đánh đổi thì ở giới hạn nào thì có lợi nhất, vừa đạt được hiệu quả, vừa đảm bảo được công bằng. Trong nền kinh tế thị trường, với việc tối đa hoá lợi nhuận, các doanh nghiệp phải tính đến hiệu quả kinh tế với việc giảm thiểu các chi phí, trong đó có các chi phí cho phúc lợi xã hội. Ngược lại, Chính phủ muốn xã hội ổn định, phải có các giải pháp, chính sách để giảm bớt sự bất công trong xã hội. Hai mục tiêu này dường như là mâu thuẫn khó dung hoà. Tuy nhiên, trên thực tế, kinh tế học phúc lợi đã chỉ ra rằng xã hội sẽ phát triển bền vững nếu như dung hoà được hiệu quả và công bằng. Đây cũng chính là một trong những nội dung của lý thuyết Pareto trong kinh tế học phúc lợi. Lý thuyết này chỉ ra rằng, đa số các chính sách đều có thể dẫn tới việc một số đông người được lợi trong khi đó một số khác chịu thiệt. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thay đổi chính sách nhiều người được lợi, nhưng không làm cho ai bị thiệt (như hiện nay với định hướng là “không để ai lại phía sau”). Nói một cách khác, phúc lợi xã hội là làm cho cả xã hội được lợi, nếu như mọi cá nhân trong xã hội được lợi ( hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp). Ví dụ, như việc Nhà nước cho xây dựng một công viên, hoặc một vườn trẻ tại khu dân cư hoặc một khu công nghiệp. Khi đó lợi ích của tất cả mọi người là như nhau, người dân và người lao động trong khu dân cư, trong khu công nghiệp đều được hưởng tiện ích như nhau. Một ví dụ khác, khi xây dựng các bệnh viện, người ta không quan tâm ai sẽ là người sẽ chữa bệnh ở đấy dù họ là người giàu hay người nghèo, mà chỉ quan tâm có thể chữa được những nhóm bệnh nào đối với mỗi loại bệnh viện. Khi đó mọi người có nhu cầu chữa bệnh đều được cung cấp các dịch vụ y tế, đều được chăm sóc sức khoẻ như nhau. Tuy nhiên, đó là về mặt chính sách phúc lợi xã hội, còn sự lựa chọn của cá nhân hoặc các nhóm cá nhân lại phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của họ mà trong kinh tế học phúc lợi xã hội, gọi là những “mức độ quan tâm” khác nhau. Chẳng hạn, đối với những công nhân, lao động , vấn đề quan tâm của họ là làm sao có được việc làm, có thu nhập thỏa đáng, có được các điều kiện sinh sống để đảm bảo tái sản xuất sức lao động. …Kinh tế học phúc lợi xã hội chỉ ra rằng, trong phúc lợi xã hội vai trò của Chính phủ là rất lớn và chỉ có Chính phủ mới có thể điều chỉnh được những khiếm khuyết, những thất bại của thị trường. Quay trở lại với ví dụ xây dựng công viên, vườn trẻ nêu trên. Nếu chỉ vì lơị nhuận, chưa chắc đã có doanh nghiệp nào bỏ kinh phí ra đầu tư. Nhưng vì lợi ích chung nên Chính phủ phải tổ chức xây dựng (bằng nguồn vốn nhà nước ).

Đối với các nhà hoạch định chính sách phúc lợi xã hội là làm sao tiếp cận đến sự cân bằng hai yếu tố hiệu quả và công bằng, cái gì có thể đánh đổi được và cái gì là không thể để đạt được cả hai yếu tố này. Như vậy, về bản chất, phúc lợi xã hội không phải là sự cho không mà đó là chính sách và các giải pháp của Chính phủ, với nguồn lực còn hạn chế, phải đảm bảo đem lại lợi ích cho số đông, nhưng không vì thế mà làm tổn hại đến lợi ích của số ít; đồng thời phải tiệm cận được hai yếu tố hiệu quả và công bằng.

2. Thực tiễn về phúc lợi xã hội đối với người lao động của các nước

Như đã biết, từ cách tiếp cận lý thuyết, giữa an sinh xã hội và phúc lợi xã hội (phúc lợi xã hội) có những khác biệt, mặc dù cùng hướng tới mục tiêu chung là xây dựng một xã hội hưng thịnh và hạnh phúc cho mọi người. Nếu như trong các chương trình an sinh xã hội mục đích chính là phân phối lại thu nhập giữa các nhóm dân cư và phân phối lại thu nhập giữa các giai đoạn trong cuộc đời của một con người, thì các chương trình phúc lợi xã hội là sự phối hợp giữa phân phối lại và sự chuyển giao thu nhập và trong một số trường hợp, là hiện vật. Trong an sinh xã hội , sự phân phối lại thu nhập có thể được thực hiện thông qua thuế (người dân đóng thuế và Chính phủ thực hiện các chương trình xã hội) hoặc thông qua cơ chế đóng góp (chẳng hạn chương trình bảo hiểm xã hội) hoặc thông qua cơ chế chia sẻ, tự quản (chẳng hạn các chương trình trợ giúp xã hội)….Trong khi đó trong phúc lợi xã hội, cơ chế phân phối và chuyển giao có tính chất chủ đạo và thường được thực hiện bởi Chính phủ, thông qua thuế.

Như đã nêu trên, chính sách phúc lợi xã hội là chính sách hướng tới đến sự cân bằng giữa hai yếu tố hiệu quả và công bằng trong khi tổng nguồn lực của xã hội thực hiện hữu hạn. Chính phủ các nước khi xây dựng chính sách phúc lợi xã hội phải đảm bảo đem lại lợi ích cho số đông, nhưng không phải vì thế mà làm tổn hại đến lợi ích của số ít. Muốn đất nước phát triển, xã hội ổn định, Chính phủ phải có các chính sách nhằm đảm bảo những nhu cầu tối thiểu cho người dân (không bị đói nghèo, được chữa bệnh, được học hành, có nhà ở và những dịch vụ xã hội cơ bản khác). Đồng thời phải có chính sách khuyến khích người dân làm giàu, để xã hội ngày càng có nhiều người giàu, kinh tế tăng trưởng. Điều này cho thấy, mục tiêu của chính sách phúc lợi xã hội là một mặt, khuyến khích mọi người làm giàu để tạo ra cái “bánh” ngày càng to (mục tiêu tăng trưởng); mặt khác, phải chia cái “bánh” này như thế nào để người dân, trong đó có công nhân lao động có thể có được “miếng bánh” to hơn, nhưng “miếng bánh” của người giàu không vì thế mà nhỏ đi (mục tiêu bình đẳng, công bằng). Tuy nhiên, cho đến nay thực tế vẫn có những vấn đề đang gây nhiều tranh cãi, đó là “chiếc bánh” to như thế nào là vừa (tăng trưởng đến đâu) và chia chiếc bánh thế nào ( bình đẳng như thế nào)? Liệu có thể hy sinh tăng trưởng để đổi lấy sự công bằng hay không? Và ngược lại, liệu có thể chấp nhận bất công bằng, bất bình đẳng để có sự tăng trưởng?. Liệu có thể chấp thuận sự giảm sút phúc lợi của một nhóm đến mức nào đó để đổi lấy sự gia tăng phúc lợi của nhóm khác không?…Đây là những vấn đề của nền kinh tế thế giới, nhất là đối với các nước đang phát triển. Đối với các nước này, tăng trưởng kinh tế là rất cần thiết, nhưng nhiều quốc gia tăng trưởng “nóng” lại không giải quyết được vấn đề bất công bằng, bất bình đẳng xã hội. Có thể khẳng định rằng tăng trưởng kinh tế là cần thiết nhưng tăng trưởng không đồng nghĩa với “phát triển”. Tăng trưởng kinh tế là điều kiện cần nhưng chưa thể là điều kiện đủ cho sự phát triển, nếu không gắn với thực hiện công bằng xã hội. Chính sách phúc lợi xã hội của các quốc gia chính là điều kiện cần để cùng với tăng trưởng, tạo ra sự phát triển.

Trong chính sách phúc lợi xã hội có hai loại chương trình phúc lợi chủ yếu. Loại thứ nhất là trợ cấp dưới dạng tiền mặt cho đối tượng thụ hưởng được trực tiếp sử dụng cho các mục tiêu cá nhân. Chương trình phúc lợi thông qua trợ cấp tiền mặt được thực hiện cho những đối tượng/nhóm đối tượng khác nhau và có sự khác biệt giữa các nước. Chẳng hạn, ở Hoa kỳ, chương trình trợ cấp bằng tiền mặt gồm có trợ giúp gia đình có đông con phải nuôi (trợ cấp toàn phần hoặc bán phần) và hỗ trợ thu nhập. Trợ giúp gia đình nhằm đảm bảo cho các gia đình đông con nhưng thu nhập thấp hoặc không có thu nhập có một ngân quỹ gia đình đảm bảo những chăm sóc tối thiểu cho trẻ em. Ngược lại, chương trình hỗ trợ thu nhập nhằm đảm bảo chăm sóc cho người cao tuổi và người tàn tật có thu nhập thấp (đây là loại trợ cấp hỗ trợ thêm cho các trợ cấp bảo trợ xã hội chứ không phải là trợ cấp bảo trợ xã hội). Các chương trình này là những chương trình xã hội do Chính phủ tổ chức thực hiện và thông qua ngân sách Liên bang hoặc các Bang.

Loại chương trình thứ hai là những trợ cấp cho những mục đích đặc biệt, như các trợ giúp về chăm sóc y tế, nhằm đảm bảo các dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí đối với những nhóm dân cư có thu nhập thấp, hoặc trợ giúp về nhà ở cho người dân không có nhà ở; những vật dụng cần thiết cho những đối tượng đặc biệt (như dụng cụ hỗ trợ đi lại cho người tàn tật)… Những loại trợ cấp này được gọi là trợ cấp hiện vật. Trong chương trình này, nhà nước đảm bảo cung cấp các hàng hoá, vật dụng cho các nhóm đối tượng cụ thể. Trong nhiều trường hợp, Nhà nước có thể trả tiền cho các nhà cung cấp tư nhân để họ cung cấp cho các đối tượng thụ hưởng (ở rất nhiều nước, khu vực tư nhân cũng được phép thực hiện các dịch vụ công). Những chương trình phúc lợi xã hội này được xây dựng nhằm phân phối lại một phần thu nhập cho những người có thu nhập thấp, thông qua cung cấp hiện vật, để không làm tăng chi phí gia đình của các nhóm đối tượng này. Hiện nay, nhiều người cho rằng, xét về khía cạnh hiệu quả, chương trình phúc lợi xã hội thông qua phân phối bằng hiện vật nhiều khi không hiệu quả bằng phân phối bằng tiền mặt. Ví dụ, để đảm bảo cho người lao động nghèo có nhà ở, Chính phủ tập trung vào việc xây nhà cho những người không có nhà hoặc nhà ở không đảm bảo các điều kiện sinh sống tối thiểu. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khi người lao động nghèo cảm thấy nhà ở chưa phải là thiết yếu nhất đối với cuộc sống hiện tại của họ mà là công ăn việc làm của các thành viên trong gia đình. Đảm bảo công ăn việc làm, có thu nhập ổn định mới là cái mà người lao động cần nhất. Khi đó họ cần tiền đề được tham gia các khoá đào tạo để nâng cao kỹ năng nghề, từ đó có cơ hội tìm được việc làm có thu nhập tốt hơn, hơn là có căn nhà tiện nghi hơn. Khi có tiền họ có thể thuê nhà ( theo các chương trình nhà ở xã hội). Vì thế họ cho rằng được cấp hoặc hỗ trợ về nhà ở không hiệu quả bằng việc trợ cấp tiền để họ được đào tạo nghề nghiệp, có được việc làm ổn định. Mặt khác, chưa kể khi Chính phủ xây nhà cho người lao động nghèo, nhưng chưa chắc người lao động đã được ở trong những ngôi nhà đó ( họ có thể bán đi để có tiền chi phí cho những nhu cầu thiết yếu hơn, cấp thiết hơn hoặc có những người mượn danh người lao động nghèo để có thêm nhà ở…và vì thế mục tiêu của Chính phủ không đạt được).

Tại châu Âu, CHLB Đức là một trong những quốc gia có hệ thống phúc lợi xã hội toàn diện nhất. Giống như các quốc gia phát triển khác, Đức dành một khoản chi tiêu công lớn cho phúc lợi xã hội. Khoảng 849 tỷ Euro được chi cho phúc lợi trong năm 2014, tương đương với 29% tổng sản phẩm quốc nội của Đức. Đặc biệt đối với người thất nghiệp hoặc không thể đảm bảo đủ sinh kế thông qua thu nhập hoặc tài sản, Chính phủ Đức có 3 loại hỗ trợ: (i) Trợ cấp thất nghiệp được cung cấp trong một khoảng thời gian nhất định; (ii) Trợ cấp thất nghiệp II được hỗ trợ khi mà người dân trong độ tuổi lao động đang tìm kiếm việc làm; (iii) Hỗ trợ thu nhập được cấp cho những người không có khả năng lao động những sống với người có khả năng lao động. Trợ cấp thất nghiệp II có thể được cung cấp cho những người có việc làm nhưng không thể đảm bảo đủ sinh kế bằng thu nhập. Đối với việc hỗ trợ thu nhập, những người không có khả năng làm việc đang sống với ít nhất một người có khả năng làm việc sẽ được nhận khoản trợ cấp tương tự như trợ cấp thất nghiệp II.

Tuy nhiên, hiện đang có những quan điểm khác nhau về các chương trình phúc lợi xã hội kiểu này ( cả trợ cấp bằng tiền và trợ cấp bằng hiện vật). Có quan điểm cho rằng, với những trợ cấp xã hội từ các chương trình phúc lợi xã hội sẽ dẫn đến sự ỷ lại của đối tượng, giảm sự cố gắng của đối tượng (tương tự như trợ cấp thất nghiệp nếu quá cao và thời gian hưởng quá lâu sẽ không khuyến khích đối tượng thụ hưởng tích cực tìm kiếm việc làm). Rõ ràng, chế độ phúc lợi làm tăng cường quan niệm “không làm mà hưởng”, làm giảm đi nỗ lực làm việc và không khí tích cực cố gắng của xã hội, ngoài ra cũng sẽ tạo thành tổn thương cho nền kinh tế. William Arthur Niskanen, nhà kinh tế học người Mỹ chỉ ra rằng, chế độ phúc lợi tạo thành “văn hóa bần cùng”, bao quát nghèo khó, tính phụ thuộc vào phúc lợi, thất nghiệp, phá thai v.v.. Một nghiên cứu kiểm nghiệm của Nicholas biểu thị rằng, trong Chương trình Trợ giúp gia đình có trẻ em (AFDC), thu nhập của những người thụ nhận cứu trợ tăng thêm 1%, sẽ khuyến khích số người thụ nhận tăng 3%, số người nghèo khó tăng 0,8%, tỷ lệ phụ nữ sinh con không kết hôn tăng 2,1%. Điều này chứng thực rằng tính kích thích ngược của phúc lợi cao tạo thành sự phụ thuộc của con người vào phúc lợi, làm giảm ý thức trách nhiệm của con người. Quan điểm khác lại cho rằng với kiểu trợ cấp mang tính “bố thí”, có tính bình quân như vậy thì không đủ để cho các đối tượng có thể giải quyết được những vấn cơ bản trong cuộc sống, không đủ để cho những người lao động nghèo phá vỡ được vòng luẩn quẩn của đói nghèo. Trong kinh tế phúc lợi, đây chính là những vấn đề cần giải quyết giữa hiệu quả và công bằng. Khi nào các trợ cấp từ chương trình phúc lợi xã hội giảm bớt được sự bất công trong xã hội và khi nào thì những trợ cấp này đem lại hiệu quả tối ưu nhất? Đây là những câu hỏi cần được giải đáp. Trong thực tế việc phân phối bằng hiện vật trong phúc lợi xã hội thường kém hiệu quả, không thực hiện được bình đẳng (cũng tương tự như việc phân phối nhu yếu phẩm, phân phối nhà ở của Việt Nam trong thời kỳ bao cấp). Đặc biệt, một trong những tiêu chí để được hưởng trợ cấp bằng hiện vật từ chương trình phúc lợi xã hội là thu nhập của cá nhân và gia đình người lao động. Nếu thu nhập bình quân đầu người trong gia đình thấp hơn một mức quy định nào đó thì gia đình hoặc cá nhân đó được nhận trợ cấp. Mức này trong kinh tế học phúc lợi được gọi là “đường thu nhập chuẩn”. Điều này dẫn đến tình trạng sẽ có sự lạm dụng hoặc sự không rõ ràng về “ biên giới” giữa được và không được trợ cấp ở “đường thu nhập chuẩn” này. Cao hơn đường chuẩn này (dù chỉ một chút ít thôi) thì không được, ngược lại, thấp hơn (một chút ít) lại được hưởng trợ cấp, được phân phối hiện vật. Đây chính là điều dễ tạo ra sự bất bình đẳng mới hoặc sự không hiệu quả của phân phối phúc lợi xã hội, không khuyến khích người thụ hưởng tích cực làm việc. Ví dụ “đường thu nhập chuẩn” là 100 đơn vị. Nếu người lao động A có thu nhập là 101 đơn vị thì không được hưởng trợ cấp, nhưng người lao động B có thu nhập chỉ 99 đơn vị thì lại được hưởng trợ cấp. Giả sử mức trợ cấp có giá trị là 20 đơn vị, người lao động B sẽ có tổng thu nhập là 119 đơn vị. Dưới giác độ kinh tế học phúc lợi, chỉ vì có thêm 1 đơn vị thu nhập (101) mà tổng thu nhập kỳ vọng của lao động A bị giảm đi 19 đơn vị (20 đơn vị – 1 đơn vị). Trong khi đó, nếu như lao động A chỉ khai giảm đi 02 đơn vị thu nhập (còn 99 đơn vị) hoặc làm ít đi để thu nhập chỉ còn 99 đơn vị, thì thu nhập thực tế của người này sẽ tăng lên 19 đơn vị (101 đơn vị -2 đơn vị + 20 đơn vị trợ cấp). Ví dụ trên cho thấy, các chương trình phúc lợi xã hội với tiêu chuẩn được hưởng khác nhau thường làm “méo mó” động cơ làm việc, người ta sẽ có xu hướng làm việc ít đi để có thu nhập thấp đi, nhưng lại có tổng thu nhập thực tế cao hơn, do được hưởng trợ cấp từ chương trình phúc lợi xã hội. Nói cách khác, trợ cấp bằng hiện vật ( nhà ở, y tế…) làm thay đổi hành vi của người hưởng trợ cấp và tạo ra phi hiệu quả cả khía cạnh kinh tế và khía cạnh xã hội. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trợ cấp bằng hiện vật hiệu quả hơn so với trợ cấp bằng tiền, xét từ khía cạnh xã hội, đặc biệt là từ khía cạnh quyền con người. Quyền được chăm sóc y tế là một trong những quyền của con người là một ví dụ. Người lao động, bất kể giàu hay nghèo đều được quyền chăm sóc y tế. Tuy nhiên, nhiều người lao động nghèo, không thể có đủ kinh phí để chữa trị bệnh, nếu như họ không được sự hỗ trợ của nhà nước. Khi đó, các chương trình phúc lợi xã hội về chăm sóc sức khoẻ, thông qua việc cung cấp thuốc men và các vật phẩm y tế khác tỏ ra hữu ích hơn là các trợ cấp bằng tiền. Vấn đề được đặt ra trong các chương trình phúc lợi xã hội của Chính phủ là liệu các trợ cấp có nên cấp cho tất cả những người lao động nghèo (chỉ vì họ có thu nhập thấp hơn “đường thu nhập chuẩn” nêu trên) hay chỉ dành cho những nhóm đối tượng nhất định. Chẳng hạn ở Mỹ, một trong những chương trình phúc lợi xã hội là trợ cấp thu nhập thêm cho người nghèo. Đối tượng được hưởng từ chương trình này không phải là tất cả những người nghèo mà chỉ dành cho những người già hoặc những người nghèo không còn khả năng lao động hoặc những người lao động có đông con, lao động nữ goá bụa phải nuôi con. Một số Bang của Mỹ còn đưa ra chương trình trợ cấp cho các gia đình lao động đông con mà cha hoặc mẹ bị thất nghiệp. Những trợ cấp loại này trong phúc lợi xã hội gọi là trợ cấp phân loại (theo các nhóm đối tượng). Trợ cấp phân loại, trong những bối cảnh cụ thể, đảm bảo việc phân phối lại thu nhập một cách có hiệu quả hơn, thực sự hữu ích cho những người hưởng trợ cấp (ví dụ, trợ cấp đối với gia đình đông con có bố hoặc mẹ bị thất nghiệp – ngoài trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp), không tạo ra sự bình quân và không tạo ra sự phản ứng xã hội. Tuy nhiên, cũng có những mặt trái của những loại trợ cấp phân loại này, nhất là về khía cạnh xã hội. Chẳng hạn như chương trình trợ cấp cho các gia đình chỉ bố hoặc mẹ phải nuôi con cái ở Mỹ đã vô hình chung, làm gia tăng nhiều gia đình không có bố (những đứa trẻ sinh ra ngoài giá thú). Hoặc chương trình trợ giúp người cao tuổi cũng tạo ra những hệ luỵ không mong muốn. Thay vì con cái phải có trách nhiệm hơn với bố mẹ già thì nay, nhờ có chương trình chăm sóc của Chính phủ, con cái họ sẽ giảm mức độ đóng góp cho bố mẹ và vì thế thu nhập của người già sẽ bị giảm đi, nhất là khoản thu nhập từ sự đóng góp của con cái. Nói cách khác, lợi ích mà Chính phủ mong muốn là chăm sóc tốt hơn cho người già lại đem lại lợi ích (lợi ích ròng, xét từ khía cạnh kinh tế) cho con cái họ, những người phải có trách nhiệm chính phải chăm sóc bố mẹ già của mình (giảm mức đóng góp). Do đó, trong các chương trình phúc lợi xã hội nhiều khi không phải là mức trợ giúp là bao nhiêu, mà là trách nhiệm của cộng đồng, của từng cá nhân đối với các chương trình đó như thế nào. Có quan điểm cho rằng, trợ cấp phân loại trong các chương trình phúc lợi xã hội trong nhiều trường hợp đạt được hiệu quả, nhưng lại không đảm bảo sự công bằng. Quan điểm này cho rằng Chính phủ không nên có sự phân biệt giữa các nhóm đối tượng. Khi họ đã nghèo như nhau thì phải được hưởng mức trợ cấp như nhau, bất kể hoàn cảnh của họ. Nghĩa là không nên quy định có các nhóm đối tượng được “ưu tiên hơn”. Đây chính là các “vấn đề” của Chính phủ trong thực tiễn thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội.

Tóm lại, về lý thuyết, phúc lợi xã hội là một trong những đối trọng của “tăng trưởng”, là một trong những thành tố của sự phát triển. Chính sách phúc lợi xã hội hướng tới đảm bảo sự cân bằng được giữa hiệu quả và công bằng. Chính sách phúc lợi xã hội phải là động lực để tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Tuy trên, trên thực tế, việc xây dựng và thực hiện chính sách phúc lợi xã hội để đạt được hai mục tiêu trên phụ thuộc nhiều vào năng lực xây dựng chính sách và năng lực tổ chức thực hiện của những người thực thi chính sách.

3. Đôi điều gợi ý cho Việt nam

Một chính sách, một chương phúc lợi xã hội chỉ có thể có hiệu quả, như đã nêu trên, ai cũng có thể được hướng, không ai bị bỏ lại phía sau. Qua kinh nghiệm của các nước, để đảm bảo phúc lợi xã hội bền vững cho người lao động, cần phải thực hiện bằng cả “hai chân”, đó là “chân nhà nước” và “chân doanh nghiệp”.

Đối với nhà nước, chương trình phúc lợi xã hội bao gồm các chương trình chung hướng tới cho mọi người dân và các chương trình chuyên biệt, hướng tới những nhóm lao động đặc thù, nhưng đều hướng tới đảm bảo sự công bằng cho mọi người. Tuy nhiên, nhà nước chỉ là người định hình chính sách, nhưng chuyển giao cho các đối tác xã hội khác thực hiện, như chương trình nhà ở xã hội cho công nhân, xây dựng các khu công viên, vườn trẻ, để đảm bảo an ninh và an sinh cho người lao động, để họ vừa yên tâm lao động, vừa có điều kiện để tái tạo sức lao động. Điều này gắn với vấn đề quy hoạch đô thị và quy hoạch các khu công nghiệp. Không nên định hướng tăng trưởng kinh tế trước (phát triển KCN) rồi mới giải quyết công bằng xã hội (xây nhà trẻ, trường học, bệnh viện, công viên,…) mà phải được thực hiện ngay từ khâu lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Ngoài ra, cần rà soát lại các chương trình phúc lợi xã hội đang được thực hiện, chẳng hạn chương trình y tế cho người nghèo (trong đó có lao động nghèo) thông qua bảo hiểm y tế, để hiệu quả hơn, tránh sự lạm dụng đang có xu hướng gia tăng hiện nay.

Đối với các doanh nghiệp, bên cạnh các phúc lợi xã hội bắt buộc, cần gia tăng các loại phúc lợi xã hội tự nguyện dựa trên cơ sở trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tạo thêm động lực lao động đối với công nhân lao động. Các chương trình phúc lợi xã hội của doanh nghiệp trong xu hướng mới, đó là:

– Tạo môi trường làm việc (trong bối cảnh 4.0). Các doanh nghiệp nên thực hiện chế độ làm việc linh hoạt, làm việc từ xa, trên cơ sở hiệu quả công việc, chất lượng đầu ra của công việc.
-Chương trình chăm sóc sức khỏe của doanh nghiệp. Song song với các chương tình bảo hiểm y tế của Chính phủ, các doanh nghiệp cần tăng cường các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người lao động thông qua các chương trình bảo hiểm y tế bổ sung, khám sức khỏe định kỳ, các hoạt động thể chất để nâng cao sức khỏe cho người lao động của doanh nghiệp.
– Cải thiện các bữa ăn công nghiệp. Đây là điều rất quan trọng, bên cạnh thời giở nghỉ ngơi, đảm bảo cho người lao động tái tạo sức lao động trong ngày làm việc. Bữa ăn công nghiệp không chỉ đủ chất dinh dưỡng mà còn phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
– Tạo điều kiện cho người lao động gia tăng các hoạt động cộng đồng, hoạt động giao lưu. Các hoạt động nên đi vào thực chất, tránh hiện tượng phong trào hoặc làm hình thức.

————————–

Chú thích:

[1] Từ điển bách khoa Việt nam (2003), NXB Từ điển bách khoa,

Theo HDLL.VN

Tags: