⠀
Thư gửi loài người từ một con voọc ở Phong Nha – Kẻ Bàng
Loài người các bạn biết điều gì khiến cho chúng tôi sợ hãi nhất không? Đó là cảm giác luôn có một họng súng săn đâu đó đang chĩa về mình, có người đang ẩn nấp theo dõi, chờ đợi thời cơ để tấn công mình.
Xin chào các bạn!
Tôi là một chú Voọc, tôi sinh ra, lớn lên trong Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, nơi mà các bạn vẫn tự hào gọi là Di sản thiên nhiên thế giới. Tôi yêu ngôi nhà hùng vĩ và xinh đẹp của tôi, yêu từng ngọn cây, dáng núi, từng dòng suối, nhành hoa… nơi mà bao đời nay, loài Voọc chúng tôi chung sống yên bình, chan hòa với bao nhiêu giống loài khác như anh em chung một mái nhà.
Bạn đã từng nhìn thấy biểu trưng của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng chưa? Chúng tôi có một niềm tự hào, đó là trong số hàng ngàn loài động vật đang sinh sống tại đây, con người đã chọn hình ảnh hai mẹ con chú Voọc để làm biểu trưng cho di sản đấy! Với vinh dự và trách nhiệm đó, hôm nay, tôi muốn thay mặt cho hàng ngàn loài động thực vật đa dạng của vườn gửi gắm những điều mà bấy lâu chúng tôi vẫn còn trăn trở. Biết đâu sau khi đọc xong bức thư này, sẽ có thêm một người thay đổi cách nghĩ, cách nhìn, để bớt đi một việc làm xấu, cộng thêm một việc làm tốt, chung tay trong công cuộc bảo vệ và phát triển di sản ngày một tốt đẹp hơn…
Các bạn ạ!
Tôi được biết hiện nay các bạn đang rất quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát huy tốt các giá trị của Di sản Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, và cũng đã có nhiều cố gắng trong việc bảo vệ nguyên trạng hệ sinh thái ở đây. Các nhà quản lý, các nhà khoa học và những người có tâm huyết đã phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng nhiều kế hoạch, phương án để bảo vệ và nhân giống các loài động thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, bảo vệ môi trường sống của chúng tôi. Ý thức giữ gìn cảnh quan của di sản nói riêng, giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên nói chung của các bạn đang được nâng cao, nhân rộng. Nhưng, tôi cũng biết ngoài kia còn nhiều lắm những người xấu, những kẻ vô tâm đã, đang trực tiếp hoặc gián tiếp tàn sát thiên nhiên, từng bước phá hủy ngôi nhà của chúng tôi – di sản của các bạn đấy.
Hệ động thực vật ở đây tuy đa dạng, nhưng có những loài đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng. Để tồn tại cho đến ngày nay, chúng tôi đã phải chống chọi lại với quy luật sinh tồn khắc nghiệt của tự nhiên, sự tàn khốc của các cuộc chiến tranh, sự biến đổi nhanh chóng và bất thường của môi trường sống… Và giờ đây, chúng tôi còn phải đối mặt với sự săn lùng, khai thác bừa bãi của con người nữa.
Loài người các bạn biết điều gì khiến cho chúng tôi sợ hãi nhất không? Đó là cảm giác luôn có một họng súng săn đâu đó đang chĩa về mình, có người đang ẩn nấp theo dõi, chờ đợi thời cơ để tấn công mình. Tôi đã chứng kiến nhiều cảnh tượng đau lòng, những đồng loại của tôi bị rơi vào bẫy của con người, giãy giụa trong tuyệt vọng. Nếu tôi không may mắn chạy thoát, thì có lẽ bây giờ cũng chịu chung số phận với đồng loại, bị bắt nhốt trong những chiếc lồng sắt nhỏ xíu chờ ngày hành quyết, hoặc trở thành món ăn, hoặc sẽ sống những ngày cuối cùng trong những chiếc lồng để làm vật trang trí mua vui cho những kẻ lắm tiền.
Nếu như có những người đang tìm cách để cứu vãn sự tuyệt chủng của chúng tôi, thì cũng có rất nhiều kẻ hám lợi, hoặc vô ý thức luôn tìm mọi cách để săn bắt cho bằng được chúng tôi, biến chúng tôi thành ‘‘đặc sản’’, thành ‘‘thần dược’’. Nạn săn bắt thú rừng để làm đồ nhậu, nấu cao, lấy mật, lột da, làm sinh vật cảnh… diễn ra ngày càng táo tợn và tinh vi…
Cả người săn bắt, kẻ bán và người mua, không ai trong số họ quan tâm và cũng không cần quan tâm đến sự tuyệt vọng của chúng tôi!
Những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy môi trường sống của mình đang bị đe dọa và thu hẹp dần. Con người tham lam không chỉ muốn tuyệt diệt các loài động vật, mà còn muốn lấy hết những gì quý nhất, đẹp nhất của rừng về phục vụ cho sở thích cá nhân của họ. Chính các bạn cũng đã thừa nhận rằng, do công tác quản lý còn yếu kém, những khu vực rừng ở vùng đệm của vườn quốc gia này bị tàn phá nặng nề, các loài gỗ quý bị khai thác đến cạn kiệt.
Không chỉ đốn hạ gỗ quý, con người còn tìm cách lấy những thực vật của rừng ra để biến chúng thành ‘‘món hàng’’ độc đáo, những giò phong lan quý, những cây lộc vừng, cây lội… mà con người ưa chuộng trồng quanh nhà.
Kể từ khi trở thành di sản thể giới, lượng khách du lịch đến đây tăng vọt cũng gây ra vấn đề cho môi trường ở đây như các rác thải, ô nhiễm nước do hoạt động du lịch, ảnh hưởng của con người lên hang động. Nhiều cộng đồng dơi, chim én ở trong các hang động cũng bị tác động xấu do sự có mặt của con người…
Nếu hiện tại các bạn không làm tốt công tác bảo tồn, thì làm sao có thể phát huy được những giá trị của Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng cho mai sau?
Thưa con người – chủ nhân của thế giới!
Tôi đã thấy có những du khách khi đến thăm động Phong Nha đã tiện tay bẻ một khối thạch nhũ về “để làm kỷ niệm”, nhiều du khách vứt rác bừa bãi, hái trộm những nhành hoa đẹp, làm kinh động đến các loài động vật… khi đi tham quan thắng cảnh của rừng.
Tôi cảm nhận được ánh mắt ai oán van lơn của những con vật bị trói, bị nhốt trước khi bị giết thịt. Tôi cảm nhận được sự đau đớn của những thân cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, từng dòng nhựa như những dòng máu chảy ra khi lưỡi cưa lạnh lùng cứa vào.
Các bạn có biết rằng, phải mất hàng triệu năm để tạo nên một khối thạch nhũ, nhưng bẻ nó thì chỉ cần vài giây; phải mất hàng trăm năm mới có một cây gỗ quý, nhưng cưa đổ nó thì chỉ cần vài phút. Tạo hóa đã kỳ công gọt giũa, nâng niu để tặng cho vùng đất Quảng Bình nói riêng, cho trái đất nói chung những hang động kỳ ảo, những dãy núi đá vôi sừng sững, cùng hệ động thực vật đa dạng phong phú, quý hiếm bậc nhất hành tinh. Mỗi một sinh vật bé nhỏ trong khu vườn này đều chứa đựng những bí mật lớn lao của lịch sử, của địa chất đang chờ khoa học khám phá, gọi tên. Các bạn đang giữ một báu vật, tại sao không biết giữ gìn và trân trọng nó?
Tôi chắc hẳn sẽ có kẻ nghĩ rằng, nếu mình đốn hạ một cây gỗ này thì còn nhiều cây gỗ khác sẽ mọc lên, nếu mình bắt con Voọc này thì sẽ còn nhiều con Voọc khác sinh ra. Thiên nhiên là vô tận, khai thác bao nhiêu cũng không hết, việc bảo vệ chúng không phải là việc của mình, việc các sinh vật có tuyệt chủng hay không cũng chẳng ảnh hưởng gì tới bản thân mình. Suy nghĩ đó thật sai lầm, vô trách nhiệm và đáng lên án!
Chúng tôi hiểu rằng, khi khoa học càng phát triển thì con người càng muốn khám phá tự nhiên, khám phá những điều kì bí xung quanh họ. Tôi cũng biết rằng, đời sống càng cao thì loài người cũng nảy sinh ra những nhu cầu mới. Đó là nhu cầu được thưởng thức những món ăn ngon, lạ; được uống những loại rượu thuốc quý, sống trong những ngôi nhà tạo nên từ các loại gỗ quý, được tham quan những cảnh đẹp… Những nhu cầu đó của các bạn là chính đáng. Nhưng bạn có biết không, nhu cầu chính đáng ấy đã ít nhiều tác động đến tự nhiên. Nếu như các bạn luôn biết cân bằng giữa nhu cầu bản thân và sự tôn trọng thiên nhiên, biết phát triển hoạt động du lịch dựa trên sự bảo tồn tự nhiên, biết đặt sự an toàn của tự nhiên lên trên lợi ích kinh tế thì thiên nhiên vẫn đẹp, vẫn trường tồn. Đừng nhân danh các nhu cầu “chính đáng” của con người và lợi ích trước mắt mà làm tổn hại đến môi trường và hệ sinh thái của Phong Nha – Kẻ Bàng bạn nhé.
Các bạn là những động vật bậc cao, với trí thông minh, óc sáng tạo vô hạn, các bạn đã chinh phục được tự nhiên, làm chủ được thế giới. Các bạn có thể chế tạo ra tàu vũ trụ để khám phá bầu trời, tàu ngầm để thám hiểm đại dương, các bạn có thể đặt chân lên Bắc Cực hay Nam Cực, thậm chí lên cả mặt trăng và các vì sao xa xôi khác nữa… Ngoại trừ con người ra, tất cả các giống loài khác trên trái đất này không thể làm được những điều kỳ diệu đó.
Nhưng các bạn có biết không, con người dù vĩ đại đến đâu, mạnh mẽ và thông minh đến đâu cũng không thể bằng tự nhiên. Bởi tự nhiên là vĩnh hằng, là nguồn cội. Các bạn chỉ có thể sống hài hòa với tự nhiên, dựa vào đó để phát triển, chứ không thể sống tách rời hoặc đi ngược lại với quy luật của nó. Một khi các bạn dù vô tình hay cố ý phá hoại tự nhiên, thì tự nhiên sẽ bắt các bạn gánh chịu hậu quả.
Bạn có nghĩ rằng vì sao trái đất đang nóng lên, vì sao thiên tai ngày càng khắc nghiệt, khó lường? Đó là hậu quả của việc mất cân bằng sinh thái, mà cụ thể là từ hành động phá rừng và khai thác lâm sản bừa bãi của con người đấy. Chỉ cần bạn bớt đi một việc làm vô ý thức, bạn đã góp phần bảo vệ, giữ gìn hành tinh của chúng ta, cuộc sống của bạn và tương lai của con cháu bạn, bạn có nghĩ như vậy không?
Chúng tôi rất biết ơn những con người đã và đang tìm cách để quản lý, bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản này, cũng như tạo cho chúng tôi một môi trường sống an toàn, nguyên sơ như vốn dĩ. Chúng tôi cũng biết đã và đang có rất nhiều dự án lớn mà các cấp, các ngành thực hiện để bảo tồn hệ động thực vật của Phong Nha – Kẻ Bàng. Nhưng đây không phải là công việc ngày một, ngày hai, càng không phải là công việc của riêng một cá nhân, một tổ chức nào hết. Điều đó cần sự chung tay của tất cả cộng đồng, trong đó có bạn – người đang đọc bức thư này đấy.
Tôi muốn kết thúc bức thư này bằng câu nói của một người đã từng đến và rung động trước vẻ đẹp của Phong Nha, cũng là thông điệp mà chúng tôi muốn nhắn nhủ đến con người: “Nếu các bạn đến Phong Nha, xin đừng lấy đi bất cứ thứ gì ngoài những kỷ niệm đẹp, đừng để lại thứ gì ngoài những dấu chân, để mãi gìn giữ vẻ đẹp thần tiên của Phong Nha – Kẻ Bàng, của đất nước thân yêu”. Điều đó hoàn toàn nằm trong tầm tay của các bạn. Hãy bắt đầu bằng việc làm nhỏ để mang lại ý nghĩa lớn, để hàng chục, hàng trăm năm nữa thế hệ con cháu các bạn cũng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng, khám phá món quà tuyệt vời nhất mà tạo hóa đã ban tặng cho Quảng Bình, các bạn nhé!
Theo BÁO QUẢNG BÌNH
Tags: Khu bảo tồn, Bảo vệ động vật, Linh trưởng, Quảng Bình