⠀
Thời công nghệ, có cần phải bắt trẻ luyện viết chữ đẹp không?
Viết chữ đẹp bây giờ là không cần thiết và nó sẽ trở thành một môn nghệ thuật, trong khi nhiều người vẫn chấp niệm “nét chữ, nết người”.
Ngày xửa ngày xưa, chữ viết của tôi đẹp. Lúc học cấp hai, trường tổ chức kỷ niệm mười năm thành lập, có trưng bày một số hình ảnh và vở sạch chữ đẹp của các em học sinh. Tập vở của tôi nằm trong số đó.
Lên đại học, chữ viết của tôi bắt đầu xấu đi. Ngồi trên giảng đường căng tai nghe giảng bằng tiếng Anh, lại phải cắm cúi ghi chép, ở đó mà còn vở sạch với chữ đẹp. Học xong đại học, chữ viết của tôi nhìn vào rõ ràng nhưng chả còn đẹp.
Tới lúc tôi đi học luật, chữ viết của tôi là sự kết hợp của cua bò và gà bới. Trường luật chỉ toàn là từ ngữ, thầy giảng nhanh như gió, chỉ có cách viết thật nhanh, viết tắt mới kịp. Bạn bè nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ lạ vì tôi vẫn còn ôm theo tập vở. Các bạn chỉ ghi chép bằng laptop thôi.
Nếu như nét chữ là nết người thì chắc chắn tính nết của tôi càng lúc càng xấu. Thậm chí bây giờ tôi còn không viết được theo kiểu chữ viết tay của học sinh Việt Nam mà chỉ còn viết được theo kiểu chữ in. Mỗi lần viết thiệp Giáng sinh tôi viết được một câu là mỏi cả tay, chữ xấu, chắc là tính tôi cũng xấu không kém.
Mà đấy là tôi cũng không phải luyện chữ gì nhiều. Khi còn nhỏ, chữ viết tôi đẹp vì lý do gì tôi cũng không biết. Chỉ biết là mẹ mà bắt tôi đi luyện viết chữ đẹp thì chắc tôi giận lắm. Còn nhỏ xíu, sáng đi học chiều về làm bài tập rồi đi học tiếng Anh, như thế là quá đủ. Ba mẹ tôi vừa đi dạy học vừa bán quán cà phê, đầu tắt mặt tối, khó khăn lắm mới đủ cho con ăn học.
Tất nhiên tôi chỉ là một trường hợp. Nhưng tôi chắc chắn không theo cái quy luật nét chữ nết người gì gì ấy. Đó là một tư tưởng xưa cũ, không được kiểm chứng, và vài ví dụ từ thời phong kiến đã cho thấy rằng chữ đẹp thì tính nết chưa chắc đã tốt.
Một trong những người chữ đẹp nổi tiếng từ cổ chí kim ở Trung Quốc có Sái Kinh. Ông là thừa tướng nhà Tống và được nhắc đến trong Thủy Hử. Nói chung Sái Kinh bị chê trách là gian tham, bè lũ với bọn quan lại hại dân. Các anh hùng trong Thủy Hử đã xảy ra một vụ căng thẳng với con rể của Sái Kinh. Chả biết nét chữ của ông có liên quan tới tính nết hay không, nhưng tiếng tăm trên quan trường của ông không tốt, nếu không nói là gian thần.
Còn ở Việt Nam, người có tiếng viết chữ đẹp hàng đầu cũng là người kiêu ngạo đầy trời. Đó là ông Cao Bá Quát, tức ông Huấn Cao trong truyện Chữ người tử tù. Khi làm quan sát hạch, ông dùng muội đèn làm mực sửa bài thi cho thí sinh. Sau này thì lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa rồi bị bắt mà trở thành tử tù. Luyện chữ đẹp chắc không ảnh hưởng gì tới chuyện cẩn thận tỉ mỉ, nếu không thì ông Huấn Cao đâu có làm những việc được coi là tày trời thời phong kiến như vậy.
Chỉ ít lâu nữa, có lẽ chúng ta sẽ chỉ dùng bàn phím để gõ mọi thứ. Thậm chí bây giờ tôi toàn viết email và tin nhắn bằng cách đọc cho “chị Siri” chép lại. Viết chữ rồi thì cũng sẽ không còn cần thiết. Thay vào đó, chữ đẹp sẽ trở thành một loại hình nghệ thuật. Mà đã là nghệ thuật thì xin hãy tha cho các em. Em nào có khiếu thì nên theo, em nào không thích thì có khối thứ khác để học để làm.
Giáo dục nước ta dường như hay dùng những khuôn khổ xưa cũ để gò ép trẻ em vào đấy. Trong khi các nước chung quanh ta vất vả tìm cách cho trẻ em bớt học thêm, tham gia rèn luyện thể chất để tăng cường sức khỏe bồi bổ tinh thần, thì nước ta vẫn cứ khư khư cái chuyện rèn chữ đẹp.
Viết chữ thì chỉ cần sao cho nhìn vào biết là chữ gì. Tập viết chữ đẹp vì cho là nó liên quan tới rèn luyện tính cách là một sự võ đoán không có căn cứ. Có lẽ các nhà giáo dục học nên làm một nghiên cứu xem chữ đẹp có liên quan gì tới tính cách con người hay không. Tôi thì tôi tin chắc là không.
Theo KHANH HUỲNH / VNEXPRESS
Tags: Giáo dục, Trẻ em